Châu Phi chuyển mình

Trần Thị Lan Hương
14:13, ngày 13-05-2008

Nếu như năm 2007, kinh tế châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng 6,2%, thì năm 2008, theo ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con số này sẽ là 6,3%. Châu lục này đang được hưởng những lợi thế từ giá cả thế giới cũng như những nỗ lực cải cách kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, châu Phi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn cần khắc phục.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và đều

Các nước xuất khẩu dầu mỏ được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất vào năm 2008 (trên 7%), trong đó, dẫn đầu là Ăng-gô-la (ước đạt 16%), Ghi-nê Xích đạo (10,1%) nhờ kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ cao kỷ lục. Ni-giê-ri-a tiếp tục tốc độ tăng trưởng đạt 9,1% sau khi ổn định tình hình bất ổn do tranh chấp khai thác dầu khí ở lưu vực sông Ni-giê. Năm 2008, Công-gô dự báo đạt mức GDP là 8,8%. Tại một số nước châu Phi có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ là: Cap-ve (7,7%), Mô-ri-xơ (7%), Bốt-xoa-na (5,4%), Lê-xô-thô (5,2%), Xây-sen (4,6%), Nam Phi (3,8%). Tại những nước có thu nhập đầu người thấp như Ê-ti-ô-pi-a dự báo đạt tốc độ tăng GDP là 8,4%, Tan-da-ni-a: 7,8%, Xu-đăng: 7,6%, U-gan-đa: 7,1%, Ma-đa-ga-xca: 6,8%, Mô-dăm-bích: 7%, Ga-na: 6,9%.

Một tín hiệu lạc quan khác là số nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngày càng nhiều. Nếu năm 2007, có 21 nước châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 5%, năm 2008 sẽ chỉ còn khoảng 18 nước. Số nước đạt tốc độ tăng trưởng cực thấp từ 1% - 3% năm 2008 sẽ chỉ còn 6 nước trong khi năm 2007 là 13 nước.

Các nền kinh tế lớn nhất hiện nay ở châu Phi có thể kể đến là: Nam Phi có mức tăng trưởng GDP đạt 272,2 tỉ USD, Ni-giê-ri-a 141,3 tỉ USD, An-giê-ri 137,2 tỉ USD, Ai Cập 111,8 tỉ USD, Ăng-gô-la 66,1 tỉ USD, Ma-rốc 61,1 tỉ USD, Li-bi 56 tỉ USD, Xu-đăng 45,7 tỉ USD. Đây là những nước đang gặt hái được nhiều thành công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và có chính sách thương mại cởi mở.

Mặc dù, năm 2008 chứng kiến sự tăng giá của một loạt hàng hóa, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, năng lượng, tuy nhiên lạm phát ở châu Phi được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định, khoảng 7,5%. Trong đó, 8 nước châu Phi có tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số từ 10% - 12%, 2 nước có tỷ lệ lạm phát trên 20% (Xây Sen 23,3%, Ê-ti-ô-pi-a 20,1%) và một nước có tỷ lệ lạm phát phi mã (Dim-ba-bu-ê là 10.452,6%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát ở châu Phi trong năm 2008 được kìm chế là do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như môi trường phát triển ổn định, các chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng hiệu quả...

Ngoài ra, môi trường ngày càng hấp dẫn của châu Phi đang là một nhân tố tích cực khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào châu lục này nhiều hơn. Năm 2008 có thể được coi là năm châu Phi đạt được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 57,5 tỉ USD, trong đó FDI đạt khoảng 38,3 tỉ USD (năm 2007, con số tương ứng là 47,1 tỉ USD và 32 tỉ USD). Nhờ đầu tư nước ngoài gia tăng, tỷ lệ FDI của châu Phi trong tổng FDI của toàn thế giới hiện nay đạt 4%, tuy còn rất nhỏ, song đây là dấu hiệu đáng mừng nếu đem so sánh với con số 1% của những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài ở khu vực này trong năm 2008 vẫn tập trung chủ yếu ở một số nước như Nam Phi, Ăng-gô-la, Ghi-nê Xích đạo, Ca-mơ-run, Ga-na, U-gan-đa, Dăm-bi-a, Ni-giê-ri-a, Ai Cập; và ở một số ngành công nghiệp hấp dẫn như dầu khí, khai thác vàng, kim cương, gỗ...

Hiện nay theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) một số nước châu Phi đang đạt được thứ bậc cao trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu, điển hình là Tuy-ni-di đứng thứ 29 trong 128 nước trên thế giới, Nam Phi: thứ 46, Mô-ri-xơ: thứ 58, Ai Cập: thứ 65, Ma-rốc: thứ 72, Li-bi: thứ 73, An-giê-ri: thứ 76, Bốt-xoa-na: thứ 83, Na-mi-bi-a: thứ 88, Kê-ni-a: thứ 97. Đây là 10 nước đạt thứ hạng cạnh tranh cao nhất ở châu Phi hiện nay.

Những biến động của giá cả hàng hóa thế giới trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 đang đem lại những tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của các nước châu Phi. Năm 2007, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm 40,4% GDP của toàn châu Phi, năm 2008 dự kiến đạt 40,8% GDP. Những nước xuất khẩu dầu mỏ có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trong GDP đạt mức cao nhất trong khu vực, chiếm 57,1% GDP năm 2007 và dự kiến 56,9% GDP năm 2008. Con số này ở các nước có thu nhập trung bình ở châu Phi dự kiến là 35,1% năm 2008 và ở các nước có thu nhập thấp là 24,4%. So với những năm trước đó, hoạt động thương mại của châu Phi ngày nay có chiều hướng sôi động hơn. Ngoài các nước xuất khẩu dầu mỏ, năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu các hàng hóa phi dầu mỏ của châu Phi như vàng, kim cương ở Nam Phi, Bốt-xoa-na, Lê-xô-thô; hàng may mặc từ Lê-xô-thô,

Ma-đa-ga-xca, Mô-ri-xơ; cà phê từ Ru-an-đa; hoa từ Kê-ni-a... Xuất khẩu ngày càng gia tăng ở những nước không thuộc nhóm xuất khẩu dầu mỏ đang là động lực tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của châu lục.

Động lực tăng trưởng

Một là, sự bình ổn về chính trị. Mặc dù còn một số nước châu Phi vẫn trong tình trạng mất ổn định như Dim-ba-bu-ê, Xô-ma-li, Xu-đăng, Cốt Đi-voa, Công-gô... song hầu hết các quốc gia châu Phi đã thoát khỏi xung đột và bất ổn chính trị. Đây là điều kiện tốt cho phát triển kinh tế - xã hội ở châu lục này. Tuy-ni-di, Nam Phi và Bốt-xoa-na đã tích cực cải thiện môi trường thể chế và được đánh giá là những quốc gia có môi trường chính trị - thể chế tốt nhất châu Phi. Điểm mạnh của các nước này là có hệ thống luật pháp hiện đại, chi tiêu chính phủ hiệu quả, tham nhũng ít, dân chúng tin tưởng vào bộ máy chính quyền. Ngoài ra, còn có một số nước châu Phi khác có thể chế chính trị hấp dẫn như Mô-ri-xơ, Na-mi-bi-a, Ai Cập, Dăm-bi-a, Găm-bi-a, U-gan-đa...

Hai là, quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả. Trong hai năm qua, châu Phi được đánh giá là khu vực có tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nhanh nhất trên thế giới. Nhiều nước đã tích cực cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng, có khả năng kiểm soát lạm phát, thu hút đầu tư và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Tại các nước xuất khẩu dầu mỏ như Li-bi, An-giê-ri, doanh thu xuất khẩu dầu mỏ cao đã giúp các nước này cải thiện tình hình tài chính công, gia tăng thặng dư ngân sách, quản lý nợ hiệu quả, duy trì tỷ lệ tiết kiệm cao, lạm phát ổn định ở mức thấp. Ga-na, Tan-da-ni-a và U-gan-đa đã rất thành công trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, theo đuổi các chiến lược cải cách kinh tế thông qua việc thực hiện các chính sách tài chính hấp dẫn. Chính phủ các nước này đã áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng, thực hiện chính sách đầu tư dài hạn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các nguyên tắc tài chính công. Nhiều nước khác đã tiến hành nới lỏng kiểm soát ngoại hối, hạ thấp chi phí cho thuê nhà xưởng, cắt giảm thuế, ban hành nhiều hình thức hợp tác kinh doanh mới để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ba là, lợi thế về giá dầu mỏ và giá các loại tài nguyên thiên nhiên khác như vàng, bạch kim, quặng sắt... Doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa thô của châu Phi ngày càng tăng khiến châu lục này có đủ khả năng theo đuổi các chương trình phát triển kinh tế. Châu Phi hiện đang sở hữu một nguồn tài nguyên giàu có với 90% sản lượng cô-ban trên thế giới, 64% sản lượng măng-gan, 50% sản lượng vàng, 40% sản lượng bạch kim, 30% sản lượng u-ra-ni-um, 20% dầu khí, 70% sản lượng cô-ca, 60% sản lượng cà phê, trên 50% sản lượng dầu cọ. Theo báo cáo mới nhất về phát triển kinh tế châu Phi năm 2008 của Uy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (ECA), năm 2008, châu Phi tiếp tục được hưởng lợi từ mức cầu thế giới và sự lên giá của một số loại hàng hóa. Không những thế, hơn một năm qua, các nước châu Phi đã có vụ mùa bội thu. Điều này đã khiến các nước châu Phi không gặp phải khó khăn do giá cả lương thực thế giới tăng cao.

Bốn là, sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ và tốc độ tăng chậm của nền kinh tế thế giới dường như không đem lại tác động bất lợi lớn nào đối với châu Phi. Đồng USD bị giảm giá trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 đã khiến giá dầu và giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục, đồng thời kéo theo giá của nhôm, đồng và các loại kim loại quý khác. Điều này đang có lợi cho các nước xuất khẩu dầu và khoáng sản ở châu Phi. Hơn nữa, giá dầu lên hơn 100 USD/thùng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến châu Phi bởi mức cầu về dầu của châu Phi không cao như các khu vực khác. Dự báo năm 2008, mức cầu về dầu của châu Phi chỉ là 3,2 triệu thùng/ngày, trong khi ở Trung Quốc là 8 triệu thùng/ngày, các nước châu á khác là 9,2 triệu thùng/ngày, Mỹ là 20,7 triệu thùng/ngày.

Thách thức vẫn còn

Tính dễ tổn thương của các nền kinh tế châu Phi. Châu Phi vẫn bị hạn chế trong tiến trình liên kết và hội nhập toàn cầu (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu của châu Phi năm 2007 chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của toàn thế giới). Tính kết nối của nhiều nền kinh tế châu Phi với nền kinh tế thế giới còn yếu. Trong khi có một số nước châu Phi xuất khẩu dầu mỏ có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trong GDP cao là 56,9% (dự tính cho năm 2008), thậm chí ở Xây-sen là 171,5%, Ghi-nê Xích đạo là 90,5%, Xoa-di-len 80,1%, thì ở nhiều nước khác nền ngoại thương gần như vẫn mang tính chất đóng cửa với thế giới bên ngoài, chẳng hạn tại Bê-nanh, kim ngạch xuất khẩu dự tính chỉ chiếm 11,1% GDP, Ru-an-đa 11,3%, Buốc-ki-a Pha-xô 11,1%, Dim-ba-bu-ê 11,2%, Cộng hòa Trung Phi 14,2%, Ru-an-đa 11,3%, Cô-mo 12,8%, thậm chí ở E-ri-tơ-ri-a chỉ là 3,7%. Tính chất bảo hộ và tự cung tự cấp của nhiều nền kinh tế châu Phi đang đi ngược chiều với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới, khiến các nước này dễ bị tổn thương khi tiến hành mở cửa hội nhập toàn cầu. Tại các nước đang thực hiện chiến lược mở cửa, giá cả thế giới tăng đang có lợi cho các nước châu Phi xuất khẩu nguyên liệu thô, nhưng nếu kinh tế thế giới tiếp tục thời kỳ suy giảm kéo dài thì chính những yếu tố thuận lợi hiện nay sẽ trở thành yếu tố bất lợi cho châu Phi. Bởi dòng đầu tư nước ngoài vào châu Phi sẽ trở nên hạn chế, giá cả không còn là lợi thế nếu như các nước châu Phi không tiếp tục cải thiện môi trường trong nước, tích cực ký kết các hiệp ước thương mại khu vực, giảm bớt các rào cản thương mại, chủ động hơn nữa trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Sự kém hiệu quả của kết cấu hạ tầng cùng với nguồn cung cấp năng lượng không đầy đủ khiến chi phí kinh doanh tăng cao, hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của châu Phi. Vận tải đường sắt của khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra hiện chỉ bằng 3% vận tải đường sắt của các nước đang phát triển, nhưng chiếm tới 17% dân số và 7% GDP của nhóm nước này. Chỉ có 1/5 đường sá được trải nhựa so với 1/2 ở Mỹ La-tinh và 2/5 ở Nam Á; một số ít sân bay và cầu cảng đạt tiêu chuẩn quốc tế (chiếm 4,5% vận tải hàng không toàn cầu, trong khi tỷ lệ tai nạn hàng không là 25%). Các nhà đầu tư vào châu Phi không những gặp khó khăn trước kết cấu hạ tầng yếu kém mà còn phải chịu những rào cản về cơ chế hơn bất cứ một khu vực nào khác trên thế giới. Báo cáo kinh doanh năm 2008 của Ngân hàng Thế giới cho biết thứ hạng bình quân của các nước châu Phi cận Xa-ha-ra là 135 trong xếp hạng môi trường kinh doanh của 178 nước trên thế giới. Năm 2007, chỉ có một nửa số nước châu Phi thực hiện các biện pháp cải cách tích cực về môi trường kinh tế vĩ mô, trong khi đó có tới 18 nước châu Phi bị đánh giá là có môi trường kinh tế vĩ mô quá yếu kém... Những nước có kết cấu hạ tầng bị đánh giá là tồi tệ nhất hiện nay trên thế giới thuộc về Sat, Bu-run-đi, Ca-mơ-run, U-gan-đa, Buốc-ki-na Pha-xô, Bê-nanh, Ê-ti-ô-pi-a. Hiện châu Phi đang thiếu về cơ bản những điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế. Cụ thể là thời gian thiếu điện ở châu Phi lên đến 90,9 ngày/năm trong khi tính chung cho nhóm nước đang phát triển là 28,7 ngày/năm; giá trị sản lượng bị mất mát do thiếu điện chiếm tới 6,1% tổng doanh thu nếu kinh doanh ở châu Phi, trong khi ở các nước đang phát triển khác chỉ mất mát khoảng 4,4%; thời gian thiếu kết nối điện thoại ở châu Phi lên tới 96,6 ngày/năm, trong khi ở các nước đang phát triển là 43 ngày/năm.

Đói nghèo, dịch bệnh, xung đột vẫn là những trở ngại cơ bản cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của châu Phi trong năm 2008. Cuộc khủng hoảng ở Đa-phơ (Xu-đăng) chưa giải quyết dứt điểm, xung đột ở Ê-ti-ô-pi-a và Xô-ma-li, chia rẽ chính trị ở Cốt Đi-voa và Ghi-nê, diễn biến chính trị phức tạp ở Công-gô, khủng hoảng chính trị ở Dim-ba-bu-ê, Kê-ni-a... tiếp tục là những vấn đề nóng hổi của châu Phi trong năm 2008. Chiến tranh và xung đột đang là nguyên nhân cơ bản gây ra đói nghèo, dịch bệnh ở châu Phi. Tác động bất lợi của các cuộc xung đột và bất ổn chính trị trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 là dòng người tị nạn gia tăng trầm trọng ở Sát, Cộng hòa Trung Phi, cộng theo là dịch bệnh lan tràn khắp nơi, nhất là ở Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a, U-gan-đa. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp manh mún ở châu Phi cũng đang khiến đói nghèo gia tăng. Chỉ có 4% đất đai nông nghiệp ở châu Phi được tưới tiêu, không đủ để cung cấp lương thực cho người dân châu Phi. Một châu Phi không thể phát triển bền vững khi chất lượng cuộc sống đang suy giảm nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân của người dân châu Phi giảm từ 49,2 tuổi (năm 1990) xuống 47,1 tuổi (hiện nay). Đại dịch HIV/AIDS ngày càng hoành hành và không có dấu hiệu ngăn chặn. Hơn 40% dân số thuộc khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra sống dưới mức nghèo khổ, 35% trong tổng số 115 triệu trẻ em châu Phi không được đến trường. Chất lượng nguồn nhân lực dành cho cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế tuy có dấu hiệu cải thiện trong vài năm gần đây nhưng vẫn ở mức thấp trên thế giới. Chỉ có 30% số học sinh hoàn thành chương trình học ở bậc trung học bậc thấp và 12% số học sinh hoàn thành chương trình học ở bậc trung học bậc cao. Tỷ lệ tiếp cận bậc học đại học ở toàn khu vực châu Phi là 15%, chiếm dưới 5% dân số đúng độ tuổi và thấp nhất trên thế giới./.