Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tỉnh Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới
TCCS - Ngày 26-9-2024, tại tỉnh Bình Dương, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân Khu 7, cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, đại diện các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phấn đấu trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết: “Quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này là thành quả của cả một quá trình nỗ lực, cố gắng, đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ của tập thể để hình thành một sản phẩm quy hoạch tỉnh rất công phu, bài bản, khoa học và chất lượng. Đồng thời, mở ra một chặng đường phát triển mới, với nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng với truyền thống cách mạng, tinh thần của miền Đông gian lao mà anh dũng, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm để đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tiếp nối thành quả to lớn mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã dày công kiến tạo, tỉnh Bình Dương mang trong mình tâm thế sẵn sàng khởi động giai đoạn phát triển mới, với nhiều định hướng mới đầy khát vọng cho một địa phương giàu có, văn minh, nghĩa tình”.
Theo Quyết định số 790/QĐ-TTg, ngày 3-8-2024, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”: Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững. Đồng thời là một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Người dân được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao, mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Bình Dương sớm xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương, chúc mừng những thành quả quan trọng mà chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Bình Dương là tỉnh rất năng động, sáng tạo, là động lực phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đánh giá về Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chủ trương quy hoạch tỉnh Bình Dương được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. Đây là sản phẩm của sự kết tinh toàn diện - là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương; của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của kế thừa, đổi mới và phát triển.
Đánh giá về những định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh chủ trương 3 xây dựng của tỉnh là: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng với chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính. Tuy nhiên, để chủ trương Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương thực hiện 3 tiên phong: Kết nối kinh tế, kết nối giao thông xanh với các tỉnh trong vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế; chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đặc biệt là số hóa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; chủ động xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương sau Lễ công bố phải xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện ngay các nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo ra không gian phát triển mới, những giá trị mới; tập trung xây dựng khu công nghiệp thế hệ mới, đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao đời sống cho người dân. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi các doanh nghiệp cùng tỉnh Bình Dương xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương, góp phần cùng cả nước đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những điểm tựa vững chắc.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định số 790/QĐ-TTg, ngày 3-8-2024, của Thủ tướng Chính phủ, về “phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát vị trí công trình đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và tham quan tại Triển lãm điện và năng lượng 2024 và Triển lãm tự động hóa Việt Nam 2024 ở Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một.
Tại buổi lễ, một số chuyên gia trong và ngoài nước đã phát biểu, phân tích và đề xuất giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu từ nước ngoài, góp phần đưa tỉnh Bình Dương phát triển nhanh theo hướng bền vững trong xu thế mới. Chia sẻ về thúc đẩy chiến lược của Bình Dương gắn liền với những tiêu chí phát triển của ICF, ông Lou Zachariila, Chủ tịch, Đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này là căn cứ để tỉnh thu hút thêm nhiều nhà đầu tư; tạo tiền đề cho đột phá sáng tạo, phát huy nguồn lực trí tuệ của con người, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bậc nhất trên toàn cầu, vùng đất với nhiều hứa hẹn mới trong tương lai.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu được cấp phép năm 2024 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD trong các lĩnh vực hạ tầng, đô thị, dệt may, cơ khí… Đến nay, tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp đó, Tổng Công ty Becamex IDC ký kết hợp tác với Tập đoàn COEX nhằm thúc đẩy thương mại công nghiệp và đầu tư tại Bình Dương. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức nghi thức khởi động các công trình trọng điểm Khu phức hợp WTC Bình Dương; khởi công Khu công nghiệp Cây Trường./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy các dự án giao thông quan trọng  (18/09/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy các dự án giao thông quan trọng  (17/09/2024)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên