Tiếp sau sự suy giảm liên tục của thị trường chứng khoán, bất động sản, những ngày qua nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những biến động của thị trường tiền tệ. Hàng loạt những thông tin bất ổn của nền kinh tế như lạm phát tăng cao, nhập siêu phi mã… đã khiến thị trường tiền tệ bước vào "cơn sóng" lớn. Hàng loạt quyết sách của các cơ quan quản lý liên tiếp được đưa ra nhằm ổn định thị trường "nhạy cảm” này.

Tuyên chiến với đầu cơ

Ngày 10-6, ngân hàng nhà nước đã ban hành quyết định mới, tăng lãi suất cơ bản lên 14% và "điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 16.139 VND/USD lên mức 16.461 VND/USD áp dụng cho ngày 11-6-2008. Biên độ giao dịch được phép trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức ±1%. Tức là các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, sẽ được phép niêm yết tỷ giá mua, bán USD/VND trong khoảng 16.296 – 16.626 VND/USD." Quyết định này được đánh giá là đã phần nào làm dịu bớt sức nóng của thị trường USD “chợ đen” do mức độ chênh lệch tỷ giá đang dần được rút ngắn. Đồng thời dự báo khả năng lãi suất tiết kiệm huy động có thể tăng lên mức tối đa là 19% và lãi suất cho vay sẽ chạm mức 21% trong thời gian tới.

Như vậy, sau gần 1 tháng thực hiện cơ chế điều hành lãi suất mới, đây là lần đầu tiên thực hiện việc điều chỉnh các mức lãi suất bằng đồng Việt Nam. Theo Ngân hàng nhà nước, việc điều chỉnh các mức lãi suất bằng đồng Việt Nam lần này là tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ “thắt chặt”, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng theo Ngân hàng nhà nước, việc tăng lãi suất cơ bản lần này được căn cứ vào mặt bằng lãi suất thị trường tăng so với tháng 5-2008, dự báo xu hướng biến động của lạm phát, cung cầu vốn thị trường, tỷ giá…

Ngay sau quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 14%, tín hiệu được hầu hết các Ngân hàng thương mại đưa ra là sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động, tuy nhiên còn quá sớm để công bố về thời điểm tăng và mức tăng tương ứng. Đại diện ngân hàng thương mại cổ phần VIB nhận định: Thời điểm này, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, khả năng huy động vốn khó thì sẽ nhanh chóng đẩy lãi suất lên cao sớm hơn các ngân hàng không có áp lực về nguồn vốn. Thời gian gần đây một số các ngân hàng có lãi suất huy động đạt mức đỉnh được xác định là những ngân hàng như Việt Á, Ocean Bank, Sea Bank...

Phản ứng trước sự thay đổi trong cách kiểm soát thị trường ngoại tệ và điều hành tỷ giá trong những ngày gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ sắp quay về thời bao cấp. Còn nhớ cách đây 15-20 năm mỗi khi người dân muốn đổi đồng tiền ngoại tệ đều phải có lý do chính đáng (đi công tác hay học tập ở nước ngoài…) thì mới được mua đổi một lượng ngoại tệ nhất định. Tuy nhiên, việc tồn tại tỷ giá theo nhu cầu thị trường tự do (thỏa thuận giữa người bán và người mua) đang tồn tại lâu nay đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh nay thay đổi khiến không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trước đây, đối với một doanh nghiệp nhập khẩu, việc thanh toán bằng đồng USD theo tỷ giá liên ngân hàng sẽ thấp hơn so với tỷ giá quy đổi khi hàng hóa được thanh toán trên thị trường. Bởi lúc đó được áp dụng theo tỷ giá của thị trường tự do.

Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét: Việc thắt chặt và kiểm soát thị trường tài chính tiền tệ đang được áp dụng đều là những biện pháp thực hiện theo đúng quy định của phát luật. Việc quản lý như thời gian qua thực chất là do chúng ta thả lỏng, không kiểm soát. Trước mắt, ngân hàng nhà nước cũng đang tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu thiếu ngoại tệ thật.

Tuy nhiên, trước việc nâng lãi suất cơ bản và điều chỉnh tỷ giá USD, cộng với việc hạn chế nhu cầu đối với đồng USD, dự báo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ cho rằng: Khả năng sẽ lên cơn sốt đầu tư vào vàng trong thời gian tới, khi mà các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản và USD không mang lại hiệu quả và gặp khó khăn.

Kiểm soát chặt chẽ kinh doanh trên thị trường ngoại tệ

Nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đã ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh trên thị trường ngoại tệ. Thị trường chỉ còn lại duy nhất một tỷ giá công khai do ngân hàng nhà nước quy định. Các đại lý đổi ngoại tệ của các Tổ chức tín dụng chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân. Toàn bộ số ngoại tệ tiền mặt đổi được phải bán cho tổ chức tín dụng đã ủy quyền làm đại lý thu đổi ngoại tệ.

Trước đây, khách hàng có thể tham khảo tỷ giá của thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường tự do qua các dịch vụ miễn phí như 1080, hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin…, nhưng vào thời điểm này, mọi kênh tham khảo trước đây đều chỉ công bố tỷ giá do Ngân hàng nhà nước quy định. Thị trường giao dịch ngoại tệ tự do tồn tại thêm khái niệm tỷ giá “ngầm".

Tuy nhiên, đến ngày 11-6, chỉ duy nhất trang web của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam còn công bố hai loại tỷ giá, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá của thị trường tự do. Theo đó, tỷ giá của thị trường tự do được thông báo ở mức 17.650đ/USD, trong khi đó, tỷ giá do ngân hàng nhà nước công bố là 16.626đ/USD.

Mặc dù các ngân hàng liên tục công bố tăng lãi suất huy động VNĐ nhưng hầu như không thu hút được tỷ lệ người gửi tiền. Theo phân tích của giới chuyên môn, kênh cất giữ tài sản bằng tiền đồng đang rất thiếu hấp dẫn bởi tỷ lệ lạm phát dự báo năm 2008 khá cao, do vậy dù lãi suất huy động có tiếp tục được tăng cao hơn nữa thì lãi suất thực tế sẽ vẫn âm. Thêm vào đó, mức lãi suất tiền gửi bằng USD cũng đang ở cao kỷ lục kể từ năm 1992, tại một số ngân hàng thương mại là 7,2%.

Nguồn cung cấp USD đóng băng

Mặc dù những tín hiệu được phát đi từ Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng là vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay được tổ chức JP Morgan đánh giá là vào khoảng 20 tỉ USD thì hoàn toàn có khả năng bình ổn thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm này nhu cầu đổi ngoại tệ đối với các doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang rất khó khăn.

Anh Phí Anh Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tại Hà Nội cho biết: Tỷ giá liên ngân hàng được đẩy lên cao hơn, áp dụng từ ngày 11-6 sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt, là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu phi chính ngạch./.