Sau 5 ngày làm việc, Đại hội Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế lần thứ 17 (IADL-17) đã bế mạc chiều nay (10-6) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Đại hội đã ra Tuyên bố Hà Nội, khẳng định cam kết phấn đấu cho một thế giới hòa bình không có chiến tranh, xung đột, áp bức và đói nghèo; tôn trọng hoàn toàn công lý, bình đẳng và phẩm giá con người.

Chủ tịch IADL-16 Jitendra Sharma phát biểu bế mạc Đại hội  - Ảnh: Chinhphu.vn

Các đại biểu tham dự IADL-17 đã tập trung thảo luận 6 chủ đề ưu tiên: Hòa bình và an ninh thế giới; Luật chống khủng bố; Trách nhiệm đối với tội ác quốc tế; Toàn cầu hóa và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Phát triển và các quyền môi trường và Sự độc lập của tư pháp.

Những nội dung trên được nhấn mạnh trong Tuyên bố Hà Nội, trong đó vấn đề hoà bình và an ninh thế giới được đặt lên hàng đầu. Đại hội khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc pháp quyền trong quan hệ quốc tế; kêu gọi xây dựng một Bộ luật hòa bình nhằm thúc đẩy loại trừ xung đột bằng biện pháp hòa bình; tăng cường vai trò của đàm phán ; xây dựng các cơ chế quản lý hòa  bình; thiết lập một hệ thống quản lý và xử lý khủng hoảng hiệu quả và linh hoạt.

Liên quan đến trách nhiệm đối với tội ác quốc tế, Đại hội phản đối nguyên tắc miễn trừ xét xử đối với tội ác quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn trong việc yêu cầu tội phạm chiếm tranh phải chịu trách nhiệm trước công chúng.

Tất cả các đại biểu đều bày tỏ quan ngại sâu sắc của họ đối với các nạn nhân của cuộc chiến tranh chất độc da cam tại Việt Nam và tái khẳng định yêu cầu đưa ra theo phán quyết của Toà án Lương tâm Quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam do IADL mới tổ chức gần đây tại Paris nhằm đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Đại hội cam kết tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh vì nhân phẩm, sức khỏe, cuộc sống tốt đẹp và chống lại đói nghèo, nạn vô gia cư; hỗ trợ giải quyết các vấn đề thiên tai, phòng chống dịch bênh có ảnh hưởng tiêu cực đối với nhân dân các nước nghèo và các nước đang phát triển.

Về các quyền môi trường, Đại hội ủng hộ quyền của con người đối với môi trường trong sạch và lành mạnh; kêu gọi cần phải đưa vấn đề này vào Luật quốc tế, Luật khu vực và Luật quốc gia cũng như các thỏa thuận quốc tế; cam kết hợp tác để thiết lập các quan hệ gần gũi hơn trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và phấn đấu trên phạm vi quốc tế cũng như ở từng quốc gia nhằm ủng hộ Nghị định thư Kyoto 2..

Các đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị lần thứ 15 các thành viên của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP15) sẽ được tổ chức tại Copenhaghen vào tháng 12 tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của độc lập trong hoạt động tư pháp, Đại hội kêu gọi luật gia trên toàn thế giới phấn đấu đảm bảo sự độc lập của hoạt động tư pháp; thực thi các nguyên tắc tiến bộ của thủ tục tố tụng; tạo điều kiện và tăng cường tiếp cận tư pháp đặc biệt đối với những nhóm yếm thế bao gồm: Người nghèo, dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật.

Đại hội đã tiến hành bầu Ban thường vụ Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế khóa 17 với 27 thành viên, trong đó bà Jeanne Mirer được bầu làm Chủ tịch IADL-17 và ông Osamu Nikura là Tổng thư ký. Đại diện cho lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trí Úc được bầu lại làm thành viên Ban thường vụ IADL.
Tại lễ bế mạc IADL-17, thay mặt Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho Chủ tịch IADL khóa 16 Jitendra Sharma vì những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam hiện nay.

Ngay sau phiên bế mạc, đại diện Ban thường vụ IADL-16 và IADL-17 đã có buổi gặp mặt với báo chí để thông báo những kết quả của Đại hội. Các thành viên Ban thường vụ IADL-17 cũng đã tới chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chủ trì tiệc chiêu đãi chúc mừng thành công của Đại hội./.