Quan hệ Nga - phương Tây: nỗ lực thúc đẩy đan xen với bất đồng, nghi kỵ
TCCSĐT - Những gì được cho là nỗ lực hòa giải quan hệ giữa Nga và phương Tây có lẽ mang tính ngoại giao nhiều hơn, bởi mỗi khi đụng chạm đến những vấn đề gai góc, mâu thuẫn lại bùng lên và mọi kết quả hòa giải trước đó lại đứng trước nguy cơ quay về vạch xuất phát. Những lợi ích mang tính chiến lược khiến cho hai bên dù rất cần nhau nhưng lại luôn căng thẳng với nhau.
Nga - NATO và sự kiện Cô-xô-vô, Nam Ô-xê-ti-a
Cách thức để Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng ảnh hưởng, hòng làm suy yếu nước Nga là dựng lên, nuôi dưỡng các chính quyền thân phương Tây tại những nước trong không gian hậu Xô viết. Sau đó, tiến tới tách dần những nước này khỏi sự ràng buộc của Nga. Song mục tiêu này đã tỏ ra thất bại trong các bước hiện thực hóa.
Chỉ ít lâu sau sự kiện Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và EU, cùng sự phản đối quyết liệt của Mát-xcơ-va, cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a do Gru-di-a phát động (8-2008)đã nhận được sự đáp trả của Mát-xcơ-va bằng việc công nhận độc lập cho vùng đất ly khai này và cho Áp-kha-di-a.
Không khó để dự đoán rằng, Cáp-ca-dơ sẽ tiếp tục là nơi diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây trong thời gian tới bởi đây là vùng đất sát sườn phía Nam nước Nga, có ý nghĩa sống còn với lợi ích và an ninh quốc gia của Nga. Với Mỹ và các nước đồng minh, Cáp-ca-dơ là "bàn đạp" để mở rộng tầm ảnh hưởng qua Trung Á - một hành lang lý tưởng để kiểm soát các nước như I-ran, CHDCND Triều Tiên và quan trọng hơn là đưa Nga vào thế "gọng kìm” nếu kiểm soát được vùng này. Bằng chứng rõ nét nhất là vòng đàm phán thứ 5 về an ninh khu vực Cáp-ca-dơ giữa Nga, Mỹ, EU, Gru-di-a và vùng lãnh thổ ly khai Nam Ô-xê-ti-a, Áp-kha-di-a diễn ra tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) trung tuần tháng 5 vừa qua cũng kết thúc trong “trắng tay”. Thậm chí cuộc đàm phán suýt “phá sản” khi phái đoàn Nga đã bỏ ra ngoài ngay sau phiên khai mạc vì các điều kiện tiên quyết mà Mát-xcơ-va đưa ra không được tuân thủ. Theo đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc không đưa ra báo cáo về hoạt động tiếp theo của các quan sát viên tại Gru-di-a và Áp-kha-di-a vào hạn chót 15-5. Điều này khiến phái đoàn Áp-kha-di-a từ chối tham gia đàm phán và phái đoàn Nam Ô-xê-ti-a cũng rời phòng họp để bày tỏ tình đoàn kết với Nga. Sau đó, dù các bên liên quan đã trở lại bàn đàm phán nhưng cuộc thương lượng cũng chỉ kéo dài 3 tiếng đồng hồ và kết thúc với lời hẹn cho cuộc gặp gỡ tiếp theo vào tháng 7 tới.
Từ “Đông tiến” đến “Đối tác phương Đông”
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 23 diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua tại Kha-ba-rốp-xcơ (Nga), quan hệ Nga - EU lại có thêm một vật cản mới, đó là sự nghi ngại của Mát-xcơ-va đối với kế hoạch đối tác phương Đông do EU soạn thảo. Mặc dù Brúc-xen luôn khẳng định đối tác phương Đông chỉ để tăng cường các quan hệ kinh tế và chính trị giữa 27 thành viên EU với 6 nước Đông Âu, chứ không hề nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào; và rằng, EU luôn xem Nga là một đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nếu điểm danh sách các "đối tác" nằm trong "dự án" này gồm: Ác-mê-ni-a, A-dếch-bai-dan, Bê-la-rút, Gru-di-a, Môn-đô-va và U-crai-na - một loạt các quốc gia láng giềng vốn nằm trong không gian ảnh hưởng truyền thống của Nga - thì điện Krem-lin không phải không có cơ sở khi nghi ngờ rằng đây là "âm mưu" tạo ra một hàng rào vây kín biên giới Nga từ phía Đông, biến "đối tác phương Đông" của EU thành "đối tác chống Nga".
Vấn đề năng lượng - luôn là "con bài" mặc cả của Nga với phương Tây và cũng là điều mà EU quan tâm nhất hiện nay khi phải phụ thuộc tới 25% vào khí đốt của Nga - cũng không đạt được kết quả khả quan nào tại hội nghị này. Bất đồng liên quan tới bản hiến chương ra đời từ năm 1991, được dùng làm cơ sở để giải quyết tranh chấp năng lượng giữa hai bên trong suốt thời gian qua, bị Mát-xcơ-va cho rằng đã "lỗi thời" sau gần hai thập kỷ tồn tại và hiện không giải quyết được các tranh chấp. Trong khi đó, EU lại cho rằng hiến chương vẫn tiếp tục có hiệu lực cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác mới.
Tranh cãi này khiến người ta nhớ lại tình trạng của Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược mới (PCA) giữa EU và Nga, vốn hết hiệu lực từ cuối năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế do sự không nhất quán trong thái độ với Nga với các thành viên EU. Liên minh này luôn bị phân hóa thành 3 xu hướng gồm "những người bạn" không chính thức của Nga, “những nhân vật hoài nghi”, “những quốc gia theo chủ nghĩa hoài nghi thực dụng” - những nước không quá nhiệt tình với Mát-xcơ-va nhưng lại tin vào khả năng làm ăn với một nước Nga đang lên.
Nga - Mỹ - NATO và hai phép thử
Trên thực tế, quan hệ Nga - NATO không phải gần đây mới trở nên căng thẳng mà là sự tiếp nối của một quan hệ thăng trầm, đan xen những lợi ích và mâu thuẫn không dễ dàng hóa giải và đã kéo dài nhiều năm qua. Song điều khiến dư luận lo ngại là nó diễn ra đúng vào thời điểm nhiều hy vọng cải thiện nhất cho mối quan hệ khi hai bên vừa bắt tay đối thoại cấp đại sứ sau nhiều tháng gián đoạn. Đại diện thường trực của Nga tại NATO Đ. Rô-gô-din còn cho rằng, quan hệ Nga-NATO "giống như hoạt động của một ngọn núi lửa, khó dự đoán và có thể phun trào bất cứ lúc nào".
Trở lại cuộc tập trận của NATO tại Gru-di-a, dư luận đặt ra câu hỏi rằng tại sao cuộc tập trận này vẫn diễn ra bất chấp phản ứng dữ dội của Nga và nguy cơ phá sản kế hoạch "nhấn nút điều chỉnh lại" quan hệ Mỹ - Nga. Không chỉ có vậy, sự bất hợp tác của Nga còn có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho NATO trong bối cảnh khối này đang gặp phải những khó khăn chồng chất tại Áp-ga-ni-xtan, trong khi Nga có "trong tay" cửa khẩu tiếp vận duy nhất của NATO từ Trung Á sang chiến trường khốc liệt này. Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác mà phương Tây rất cần sự ủng hộ của Nga như tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của I-ran, nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông...
Có giả thuyết cho rằng, cuộc tập trận gây tranh cãi là cách để NATO thử thách độ tin cậy của các quốc gia đối tác. Song nếu vậy thì NATO đã sớm phải thất vọng vì dường như "thái độ" của Mát-xcơ-va đã làm Ca-dắc-xtan, Lát-vi-a, Ê-xtô-ni-a, Môn-đô-va và Ác-mê-ni-a - những nước cộng hòa thuộc không gian Liên Xô cũ, rút khỏi danh sách các quốc gia tham gia tập trận.
Song, nếu như cuộc tập trận này là một phép thử tồi thì tiến trình khởi động đàm phán Nga - Mỹ về Hiệp ước START gần đây lại là một phép thử tích cực. Những diễn biến xấu trong quan hệ Nga - NATO dường như lại không phải là xu thế của quan hệ Mỹ - Nga, đang được cho là ở vào giai đoạn nồng ấm trở lại. Theo Cục Thông tin và Báo chí của Bộ Ngoại giao Nga thông báo, vòng tiếp theo - vòng 3 đàm phán giữa Nga và Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-2) nhằm thay thế START-1 hết hạn vào tháng 12 tới sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 6 tại Giơ-ne-vơ. Thông báo này được đưa ra sau khi vòng đàm phán 2 (từ ngày 1 đến 3-6) kết thúc với thỏa thuận của cả hai bên sẽ tiếp tục vòng 3.
Để Hiệp ước START mới được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối năm nay, chính phủ Mỹ và Nga sẽ phải ký kết trong tháng 8. Hai tháng là khoảng thời gian quá ngắn để soạn thảo xong hiệp ước mới cho kịp thời hạn tháng 12 năm nay trong khi cả hai bên còn vô số các bất đồng cần vượt qua. Song ít nhất với việc Nga và Mỹ qua hai vòng đàm phán thương lượng cắt giảm vũ khí chiến lược - một di sản mà chiến tranh "lạnh" để lại - phần nào đã ghi nhận sự cố gắng của cả hai bên.
Sự ấm - lạnh trong quan hệ Nga và phương Tây là khó tránh chừng nào sự bất đồng và nghi kỵ vẫn tồn tại. Sự hồi phục nhanh chóng của nước Nga khiến cho phương Tây khó cô lập Nga trong các toan tính lợi ích riêng. Trong khi đó, Mát-xcơ-va không thể khoanh tay chấp nhận một trật tự thế giới mà ưu thế luôn thuộc về Mỹ và phương Tây. Một hướng đi chung giúp bảo đảm sự an ninh ổn định trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích được chia sẻ phù hợp với xu thế đối thoại hòa bình giữa các quốc gia./.
Việt Nam đăng cai Hội nghị MOU về hợp tác phòng chống ma túy  (10/06/2009)
Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế: Dự báo và giải pháp  (10/06/2009)
Thông cáo số 16 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (09/06/2009)
Đẩy nhanh thời gian cấp bảo lãnh vay nhập khẩu thiết bị phục vụ kích cầu  (09/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay