TCCSĐT - Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 20-5, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 và tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Kiểm toán 15 dự án BT và BOT, kiến nghị tài chính hàng nghìn tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án BOT là hơn 16 năm. Trong khi ấy, với các dự án BT, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng trăm tỷ đồng nghiệm thu, thanh toán sai

Theo kết quả kiểm toán 8 dự bán BOT, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư. Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT đã tăng 20,17 tỷ đồng. Hoặc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT cũng tăng mức đầu tư là 98,7 tỷ đồng,…

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, có tình trạng phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết.

Đáng chú ý, theo Kiểm toán Nhà nước, các dự án sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu Nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý, đơn cử là “Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT”.

Phía Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ. Cái tên được nhắc tới là Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Với tình trạng nghiệm thu, thanh toán sai, báo cáo tổng kết, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, gồm: Sai khối lượng 115,4 tỷ đồng, sai đơn giá 228,2 tỷ đồng và sai khác 492,8 tỷ đồng.

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.

Có dự án BT bị kiến nghị xử lý 29% giá trị

Ở hướng khác, với kết quả kiểm toán 7 dự án BT, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, việc không quy định đây phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo ông, hầu hết các dự án chỉ định thầu, đề xuất dự án không thông qua hội đồng nhân dân. Ví dụ được nêu lên là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính (dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương), thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn.

Báo cáo kiểm toán nhắc tới trường hợp, có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát ngân sách Nhà nước như dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Cụ thể, nội dung phụ lục hợp đồng xác định giá trị quyết toán dự án nhà đầu tư chuyển nhượng cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Việc này chưa phù hợp quy định hiện tại dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp vào ngân sách đến 31-12-2017 là 282,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai. Chưa kể, việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT hoặc có dự án đã hoàn thành nhưng chưa giao đất.

Báo cáo nêu lên, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách.

Ví dụ, tại dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương, do tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt nên giá trị hợp đồng BT thường cao hơn thực tế thực hiện. Thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát nên tiền sử dụng đất Nhà đầu tư phải nộp ngân sách tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.

Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương với tổng kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng).

Chính phủ trình sửa hai Luật kinh doanh bảo hiểm và Sở hữu trí tuệ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Góp phần đảm bảo sự tương thích với các cam kết quốc tế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật sẽ góp phần bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào một số vấn đề như: Bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm một số vấn đề chính: Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Pháp luật thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 điều thuộc 5 chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm để thực hiện cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định CPTPP và sửa đổi Phụ lục 4 của Luật Đầu tư để xác định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 11 điều thuộc 8 chương của Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi các cam kết trong 8 điều của Hiệp định CPTPP theo 4 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, vì các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chính là những nội dung đã được Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 xác định cần sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, số lượng các điều, khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo dự án Luật không nhiều và có chung mục đích để thực hiện Hiệp định CPTPP, do đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của hai luật nêu trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nội dung dự thảo Luật về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP theo đúng lộ trình thực hiện các cam kết liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ, phù hợp với nội dung được xác định; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Làm rõ quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm

Thảo luận tại tổ về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận vào 6 nhóm nội dung, gồm: Các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm, trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại khoản 5, điều 1 của dự thảo Luật; các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại khoản 6, điều 1 của dự thảo Luật; xác định các hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khoản 9, điều 2 dự thảo luật; các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới, quy định tại khoản 11, điều 2 của dự thảo Luật và một số nội dung khác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phạm vi sửa đổi tập trung vào giải quyết những nội dung còn vướng mắc, chồng chéo khi triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP là rất cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề về trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm, trách nhiệm về nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ về bảo hiểm cũng cần được làm rõ hơn trong bối cảnh đây còn là một dịch vụ, lĩnh vực khá mới ở Việt Nam.

Theo đại biểu Quốc Khánh, nhân sự trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này đang là một vấn đề rất khó khăn, bởi nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đảm bảo đầy đủ để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ này.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ về bảo hiểm có quyền tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp để phát triển thị trường.

“Đây là quyền của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường… Trong nền kinh tế thị trường, có rất nhiều các loại dịch vụ. Đây cũng là một dạng dịch vụ công. Khi Nhà nước không cung cấp được thì các tổ chức cá nhân có quyền tham gia và phải tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia và thực thi quyền của mình. Ở đây các tổ chức cá nhân còn có quyền hợp tác với nước ngoài để lập ra những tổ chức cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo chuẩn quốc tế. Về cơ bản, trước mắt, với những quy định như thế này, có thể chúng ta cần phải ủng hộ với đề xuất của Chính phủ”, đại biểu nêu ý kiến.

Đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, song đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) bày tỏ một số băn khoăn về việc hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và mong muốn được làm rõ, cụ thể hơn về những hoạt động hỗ trợ này.

Cũng theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, thực tế trước đây khi Việt Nam chưa có quy định thì các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam không có các quy định về tư vấn và dịch vụ phụ trợ. Qua thực tế, đại biểu cho rằng hiện nay vấn đề đào tạo nhân viên đi tư vấn và bán bảo hiểm vẫn rất đơn giản, chỉ cần trải qua vài buổi học.

Theo đại biểu, với cách đào tạo như vậy, dù các công ty hướng dẫn chuyên nghiệp nhưng không có cơ chế, quy định ràng buộc lâu dài thì sau khi các nhân viên của công ty đó đi tư vấn, ký hợp đồng bán bảo hiểm sẽ xuất hiện lỗ hổng trong quản lý và ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, bởi phí bảo hiểm thường được đóng trong thời gian dài, thậm chí trong vòng 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Do đó, đây sẽ là khúc mắc, nhất là đối với thị trường có dư địa tốt như Việt Nam.

Từ thực tế trên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, cần có quy định ràng buộc về đào tạo chặt chẽ, có quản lý, kiểm tra, giám sát đối với nhân sự của các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Cũng trong chiều 20-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017./.