Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-5-2019
Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.
Theo kế hoạch, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án thông tin tuyên truyền cải cách hành chính; đề án "Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính". Quý II-2019, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục hành chính không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; không để phát sinh điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; không lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh mới vào các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu then chốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bày tỏ sự nhất trí với định hướng hoạt động của Hội đồng Tư vấn và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và từng thành viên tập trung thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ sau đây:
Tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành… Các thành viên Hội đồng tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu khả thi... Tuy nhiên, ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay, tránh những ý kiến thiếu xác đáng, một chiều.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Hiện nay, có nhiều ý kiến đặt ra cần xác định những khâu đột phá mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những yêu cầu của đổi mới sáng tạo, đầu tư cho hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thể chế, chính sách, phát luật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây cũng là những vấn đề được xem xét cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh việc cải cách thể chế như pháp luật, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh hiện nay các bộ ngành còn nhiều rào cản, nhiều thủ tục hành chính cần cải cách lại chưa cải cách, đây chính là “nút thắt”, cần lắng nghe địa phương, doanh nghiệp họ nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời. Muốn khắc phục tình trạng này, chúng ta phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy và biên chế, hiệu lực hiệu quả, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính … báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Hằng năm, Hội đồng Tư vấn thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là một hoạt động có ý nghĩa, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Hội đồng Tư vấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phải lan tỏa được khí thế và tạo động lực cải cách tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển đất nước.
Cải cách thủ tục hành chính sẽ đi vào thực chất hơn
Chiều 14-5, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 24 bộ, ngành, 63 địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ với nhiều nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện.
Ví dụ cụ thể về sự quyết liệt của cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, ngành hải quan cắt giảm về thời gian thông quan trực tiếp tại các của khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ) đối với hàng xuất khẩu, giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ) đối với hàng nhập khẩu; chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm được 19 USD. Như vậy, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).
Từ năm 2018 đến nay, đã cắt giảm được 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% so với mục tiêu); cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thực hiện xuất nhập khẩu, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.
Đây là những ví dụ cụ thể của việc cải cách thủ tục hành chính hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2019 cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải cải cách mạnh mẽ, "nét" hơn và thực chất hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản...
Yếu tố “thực chất” thể hiện ở chỗ sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã phê duyệt trong năm 2018; kiên quyết không để phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh so với số lượng đã công bố, công khai.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và gửi nhận văn bản điện tử.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Bộ trưởng, Mai Tiến Dũng chia sẻ, kinh nghiệm thực tiễn triển khai cho thấy, ở đâu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm, đơn vị chủ trì triển khai chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, thì ở đó có kết quả rõ rệt.
Cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành: Không để lợi ích nhóm chi phối
Nhằm thực hiện quy chế phối hợp toàn diện giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Chính phủ, từ đầu năm 2015 tới nay, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan đã phối hợp giám sát việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Sáng 13-5, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức “Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu”. Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục rà soát việc cắt giảm các thủ tục và danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu chịu kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm thực chất, đạt song song 2 mục tiêu chống gian lận thương mại gắn với tạo thuận lợi thương mại.
Đây cũng là nội dung mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua khi thường xuyên đặt ra tại các phiên họp của Ủy ban quốc gia về một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại cũng như nhiều lần làm việc theo chuyên đề với các bộ, ngành có nhiều thủ tục hải quan chuyên ngành là y tế và nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua từng bước đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, với việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, năm 2018 có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách thủ tục trong lĩnh vực hải quan. Tính luỹ kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều, chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết một số mặt hàng xuất nhập khẩu có sự chồng chéo kiểm tra của nhiều đơn vị của 1 bộ, thậm chí của nhiều bộ khác nhau. Bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các bộ còn lúng túng. Bên cạnh đó, Cổng kết nối một cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chỉ ra danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều khi đến tháng 3-2019 còn 70.087 mặt hàng (giảm 12.611 mặt hàng). Có bộ, ngành còn tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý như cơ yếu, trang thiết bị y tế…
Đánh giá cao hoạt động giám sát của Mạt trận Tổ quốc và các tổ chức liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định hoạt động này đã góp phần giúp Chính phủ, các bộ, ngành cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Thủ tục, mặt hàng nhập khẩu nào không hợp lý thì cắt giảm, nhưng thủ tục, mặt hàng nhập khẩu không đáng cắt mà lại cắt, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà không hợp lý, phải rà lại. Không thể mở toang cửa quốc gia được”. Trong lĩnh vực cơ yếu, y tế phải tăng thêm hơn 10 danh mục hàng hóa nhập khẩu vì liên quan tới an ninh quốc gia và chăm sóc sức khỏe người dân. Theo Phó Thủ tướng: “Nếu cắt giảm máy móc thì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng khi có việc các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. Đây là vấn đề có tính 2 mặt, phải suy xét thấu đáo”.
Phối hợp tham mưu xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính
Ngày 18-5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương tổ chức Lễ Ký Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và Cải cách thủ tục hành chính.
Theo nội dung phối hợp, trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hai cơ quan này tham vấn ý kiến lẫn nhau trong quá trình đề xuất, xây dựng các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan. Khi thẩm tra các đề án, dự án, văn bản quy pháp luật do Bộ Công Thương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hai cơ quan chủ động trao đổi thông tin, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan bảo đảm tiến độ xử lý công việc. Phối hợp rà soát các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương. Trường hợp cần thiết, đề xuất Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Công thương.
Về phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hai bên trao đổi triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, trong đó sẽ gửi, nhận văn bản hoàn toàn điện tử (trừ văn bản mật) giữa hai cơ quan. Phối hợp triển khai Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Công Thương với Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai cơ quan cũng phối hợp, trao đổi, hỗ trợ nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, bao gồm: Công bố, công khai thủ tục hành chính, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành..../.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-5-2019)  (20/05/2019)
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam  (20/05/2019)
Tiêu thụ điện đã cao kỷ lục, vận hành hệ thống điện gặp nhiều thách thức  (20/05/2019)
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019)  (19/05/2019)
Một số hoạt động của lãnh đạo Chính phủ  (19/05/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên