Quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Ba Lan
TCCSĐT - Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan đã từng trải qua nhiều bước thăng trầm do những biến động về chính trị và kinh tế-xã hội ở mỗi nước, nhưng tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước vẫn không ngừng được củng cố và phát triển, vượt qua những thử thách của thời gian. Trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Ba Lan tiếp tục có những bước phát triển mới vì nhu cầu, lợi ích của hai nước và vì hoà bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ba Lan Ðô-nan Tút-xcơ (Donald Tusk) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến 10-9-2010. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Ba Lan Ðô-nan Tút-xcơ nhằm thảo luận về biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cộng hoà Ba Lan nằm ở Trung Âu; phía đông giáp U-crai-na, Bê-la-rút, Lít-va, Nga; phía tây giáp Đức; phía Bắc hướng ra biển Ban-tích; phía Nam giáp Cộng hoà Séc và Xlô-va-ki-a. Với diện tích 321.658 km2, Ba Lan được xếp vị trí thứ 9 ở châu Âu. Dân số Ba Lan khoảng 38,139 triệu (con số thống kê năm 2008). Ba Lan lấy ngày công bố Hiến pháp đầu tiên của Ba Lan vào 3-5-1791 làm Ngày Quốc khánh.
Đầu những năm 1990, Ba Lan tiến hành cải cách kinh tế, từ đó nền kinh tế Ba Lan đã từng bước được khôi phục và phát triển ổn định. Nhịp độ tăng GDP đạt 6,5% (năm 2006); 6% (năm 2007); 4,8% (năm 2008). Năm 2009, tuy chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, Ba Lan vẫn đạt mức tăng trưởng 1,5%.
Ba Lan trở thành thành viên của NATO từ tháng 3-1999 và thành viên của EU từ tháng 5-2004. Ba Lan chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với các nước có quan hệ truyền thống, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và khối ASEAN với trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại.
Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4-2-1950. Trong 60 năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Ba Lan được xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục - đào tạo... Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trong lĩnh vực chính trị. Ba Lan từng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hàng ngàn sĩ quan và cán bộ Ba Lan đã tham gia Ủy ban quốc tế sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam. Ba Lan là thành viên Ủy ban giám sát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam năm 1954 và liên tục đến năm 1975, đã tích cực tham gia các hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ghi nhớ tình cảm cao đẹp của Chính phủ Ba Lan, đã cử nhiều tàu chuyên chở cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Trên các diễn đàn quốc tế, Ba Lan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008 – 2009 và Việt Nam ủng hộ Ba Lan ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2010-2011. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Trong thời gian gần đây, lãnh đạo Việt Nam đã có nhiều chuyến thăm Ba Lan nhằm củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Phía Việt Nam, đã có các chuyến thăm Ba Lan của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (năm 1992), Bộ trưởng Bộ Tư pháp (năm 1993, 1998), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (năm 1994), Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Thụy Quân (1995), Bộ trưởng Văn hoá (năm 1996), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1997), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (năm 1999), Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Môi trường (năm 1999), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 5-2000), Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 7-2003), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 10-2003), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9-2007), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tháng 3-2008).
Về phía Ba Lan đã có các chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Ba Lan (năm 1995), Chủ tịch Thượng viện Ba Lan (năm 1996, 2003), Tổng thống A. Kva-xnhép-xki (tháng 7-1999), Thủ tướng M.Ben-ca (tháng 1-2005), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 11-2008), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 5-2009). Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ba Lan Đô-nan Tút-xcơ và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9 đến ngày 10-9-2010.
Việt Nam đã ký với Ba Lan nhiều hiệp định tạo khung pháp lý, trong đó có Hiệp định hợp tác văn hoá - khoa học (năm 1992); Hiệp định hỗ tương tư pháp (năm 1993); Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư (năm 1994); Hiệp định tránh đánh thuế trùng (1994); Hiệp định hợp tác vận tải biển (năm 1995), các Hiệp định giảm nợ cho Việt Nam (1991-1996), Nghị định thư rà soát các Hiệp định đã ký (năm 2000); Hiệp định hợp tác chống tội phạm có tổ chức (tháng 7-2003); Hiệp định chuyển giao và nhận trở lại công dân hai nước (tháng 4-2004); Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản (tháng 1-2005); Thoả thuận hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Ba Lan cho các năm 2005-2008.
Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đào tạo. Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân học nghề, chủ yếu trong ngành than, đóng tàu.
Trong lĩnh vực kinh tế: Việt Nam và Ba Lan hợp tác kinh tế và thương mại từ giữa những năm 1950. Nhưng từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, quan hệ hợp tác giữa hai nuớc có phần giảm sút. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1993, trao đổi hàng hóa giữa hai nuớc đã tăng dần, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan tăng nhanh hơn xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Đông Âu, kim ngạch trao đổi hàng hoá những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu hàng may mặc, nông sản, thực phẩm v.v., và nhập khẩu từ Ba Lan các sản phẩm như sữa bột, tân dược, thiết bị lẻ cho ngành than, đóng tàu, sắt, thép và một số mặt hàng tiêu dùng, nông phẩm. Ba Lan hiện đang là bạn hàng số một của Việt Nam trong các nước Trung Âu, là nhà cung cấp tín dụng ưu đãi giúp Việt Nam phát triển các ngành đóng tàu, năng lượng, và hỗ trợ một số dự án trùng tu di tích. Ba Lan đã giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, trùng tu các di tích cung Vua ở Huế, Tháp Chàm ở Hội An, địa đạo Củ Chi và nhiều công trình khác. Năm 2008, trong khuôn khổ vốn ODA, Ba Lan đã viện trợ 150.000 ơ-rô cho trường Phổ thông trung học Việt Nam-Ba Lan.
Ba Lan tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng, cần tăng cường quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2006, FDI của Ba Lan vào Việt Nam khoảng hơn 92 triệu USD. Năm 1999, Ba Lan đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng hỗ trợ ưu đãi 70 triệu USD và đã được giải ngân vào năm 2003. Đến tháng 5-2006, có sự gia tăng đầu tư ngày càng nhiều và trên phạm vi rộng của những người Việt Nam đang định cư tại Ba Lan. Hiện tại, hai dự án xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất cửa sổ nhựa và dây chuyền sản xuất các loại vữa xây dựng đang được triển khai và hoạt động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất gần Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ có nhiều dự án đầu tư của Ba Lan tại thị trường Việt Nam.
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam-Ba Lan có mức tăng trưởng ổn định. Năm 2008, Việt Nam xuất sang Ba Lan hàng hóa có tổng trị giá 507 triệu USD, chủ yếu là hàng thủy sản, may mặc, giày dép, nông sản, thực phẩm và nhập khẩu từ Ba Lan các thiết bị lẻ cho ngành than, đóng tàu, y tế, tân dược và một số mặt hàng tiêu dùng, nông phẩm, với tổng trị giá 126 triệu USD.Tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều Việt Nam-Ba Lan năm 2008 đạt 640 triệu USD.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ba Lan vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai bên bởi ba lý do chính. Một là, còn nhiều mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh nhưng chưa thể xuất sang Ba Lan bởi một số lý do như hạn ngạch, quota và thuế suất. Trong thời gian tới, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu được những mặt hàng này sang Ba Lan thì kim ngạch sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác như đóng tàu. Hai là, đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, cần có thêm nhiều doanh nghiệp Ba Lan tới xúc tiến thương mại tại Việt Nam để thúc đẩy kim ngạch hai chiều tăng lên. Ba là, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đã tái đầu tư tại Việt Nam rồi xuất ngược lại thị trường Ba Lan nói riêng cũng như thị trường châu Âu nói chung. Đây là tiềm năng để nâng cao kim ngạch hai chiều cũng như cải thiện mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Tài liệu tham khảo: Tư liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Cục Xúc tiến Thương mại
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 815 (9-2010)  (08/09/2010)
Hồ Chí Minh với công cuộc kiến lập nền cộng hòa dân chủ Việt Nam  (08/09/2010)
Một cuộc cách mạng thực hiện ba chức năng lịch sử, mang dấu ấn thời đại  (08/09/2010)
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện được bầu là Bí thư tỉnh Thừa Thiên-Huế  (08/09/2010)
Kỷ luật về Đảng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên  (08/09/2010)
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Trung Quốc  (08/09/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên