Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045
TCCSĐT - Ngày 20-3-2019, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045”. GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ; và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan đã tổ chức Hội thảo nhằm giúp Đảng, Chính phủ chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Phó Thủ tướng đặt ra những vấn đề trọng tâm đối với Hội thảo và muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua, góp ý về những “điểm nghẽn”, nguyên nhân, xu hướng phát triển và giải pháp lớn để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề đặt ra, Hội thảo tập trung vào chủ đề lớn đầu tiên là đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. PGS, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này ở mức tương đối cao nhưng trên thực tế không đạt mục tiêu đề ra theo Chiến lược tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2020, chỉ đạt 6,3%/năm so với mục tiêu đặt ra là bình quân 7% - 8%/năm mặc dù chúng ta có lợi thế về dân số vàng. Tốc độ tăng năng suất lao động có cải thiện nhưng chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, những thách thức mới đang xuất hiện: Quá trình toàn cầu hóa đang có những thay đổi; chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng; cách mạng công nghệ có những tác động đáng kể đến thị trường lao động; tốc độ già hóa dân số đang tăng tốc; năng lực thích ứng với thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo của tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong tương lai… Trong giai đoạn tới, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang lan vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản trị, vừa tạo ra những cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nếu không có sự thay đổi thì nhiều mục tiêu đặt ra có thể không đạt được.
Chủ đề lớn thứ hai mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cùng nhau xem xét và thảo luận, tìm ra những giải pháp chính sách cho giai đoạn mới là, tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức như thế nào để thúc đẩy chuyển đổi môi hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình theo chiều rộng vì còn ít dư địa. Thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là ưu tiên cho động lực của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng hai cơ hội vàng là Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ cấu dân số vàng để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng. Ưu tiên cho phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển kinh tế số trong một số ngành và lĩnh vực. Hoàn thiện thể chế thị trường các thị trường cấu phần; nâng cao năng lực quản trị của cả Nhà nước và doanh nghiệp; thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh và tăng trưởng bao trùm; thúc đẩy tăng trưởng ứng phó với các cú sốc bên ngoài và biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần ưu tiên hơn nữa việc sử dụng và khai thác năng lượng tái tạo để phục vụ cho tăng trưởng xanh; tập trung giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính để bảo đảm thực hiện tăng trưởng xanh và chất lượng tăng trưởng.
Điểm đặc biệt quan trọng cần lưu ý là, để thành công trong tương lai, Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, đây chính là thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết, trong đó cần phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như đổi mới sáng tạo. Cần có một quá trình đổi mới hiệu quả với lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, điều quan trọng là môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp có điều kiện tối ưu để đổi mới sáng tạo. Xây dựng được một thể chế đủ mạnh, phù hợp với các chuẩn mực kinh tế của quốc tế và nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng như tôn trọng yếu tố môi trường. Coi thể chế là yếu tố then chốt để vận hành mô hình kinh tế mới phát triển dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức Chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược./.
Chuyển giao công nghệ trong điều kiện hiện nay ở nước ta  (21/03/2019)
Chú trọng yếu tố vĩ mô và trọng tâm tái cơ cấu trong xây dựng Chiến lược phát triển  (21/03/2019)
Dành ưu tiên cao để vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt - Lào  (20/03/2019)
Quảng Tây coi trọng quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam  (20/03/2019)
Phiên họp thứ hai của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII  (20/03/2019)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên