Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động ở Hoàng Sa
TCCSĐT - Ngày 22-11-2018, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Họp báo thường kỳ trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Trung Quốc lắp đặt cấu trúc mới trên đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Yêu cầu Đài Loan dừng tổ chức diễn tập bắn đạn thật xung quanh đảo Ba Bình
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật xung quanh đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên và yêu cầu Đài Loan không tiến hành các hành động tương tự”.
Hợp tác dầu khí ở Biển Đông phải phù hợp với Công ước Luật Biển 1982
Liên quan đến Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ngày 20-11-2018, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.
Theo đó, hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là trách nhiệm chung
Liên quan đến phát biểu của Trung Quốc về việc kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong 3 năm, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh: “Duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước, trong đó có các nước ASEAN và Trung Quốc. Theo đó và trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Quan trọng nhất là phải đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”.
Hội nghị APEC 26 đạt nhiều kết quả quan trọng
Khi được hỏi về việc lần đầu tiên trong lịch sử, APEC 26 không ra được Tuyên bố chung, Việt Nam và các nước đã và sẽ có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng này trong tương lai, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh:
“Việc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 vừa qua không ra được Tuyên bố chung là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Hội nghị này cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, triển khai cam kết của các nhà lãnh đạo cấp cao tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, trong đó có các vấn đề như kết nối toàn diện, thúc đẩy liên kết kinh tế, kinh tế số hay vấn đề tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Việt Nam và các nước thành viên tin tưởng và khẳng định Diễn đàn APEC vẫn là một diễn đàn quan trọng, có quy mô lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đóng góp vào tiến trình hợp tác và liên kết kinh tế của APEC để cơ chế này có thể đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như đưa khu vực này trở thành một động lực tăng trưởng trên toàn cầu”./.
Việt Nam mong muốn Nhật vươn lên là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất  (22/11/2018)
Đắk Lắk: Tinh gọn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số và phát triển  (22/11/2018)
Những việc tối thiểu cần thiết khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ  (22/11/2018)
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018  (22/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên