Vì một thế giới không còn nạn đói
TCCSĐT - Một sáng kiến với tên gọi “Không còn nạn đói” đã được Liên hợp quốc đưa ra từ năm 2012 nhằm kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” nhằm loại bỏ nạn đói, từng bước nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam.
Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta
Từ năm 1979, ngày 16-10 hằng năm được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chọn là Ngày Lương thực thế giới. Vào ngày này, cùng với buổi lễ toàn cầu tại trụ sở của FAO tại Rome, các sự kiện (từ chạy marathon, các cuộc tuần hành, đến các cuộc triển lãm, biểu diễn văn hóa, các cuộc thi và các buổi hòa nhạc…) được tổ chức tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.
Từ năm 1981, mỗi năm, Ngày Lương thực thế giới đều chọn một chủ đề khác nhau. Chủ đề năm 2018 là: “Our actions are our future” - “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta”, nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động trên toàn thế giới về nạn đói và sự cần thiết phải bảo đảm an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng cho tất cả mọi người.
Tại buổi lễ toàn cầu tại trụ sở của FAO, sau công bố về Ngày Lương thực thế giới, các lãnh đạo, đại diện cấp cao tham gia vào hai hội nghị về những thách thức và giải pháp để “không còn nạn đói”. Theo đó, các đại biểu thảo luận về biến đổi khí hậu, xung đột, di cư, đói nghèo… cũng như cách thích ứng hoặc vượt qua những thách thức này thông qua giáo dục dinh dưỡng, cải thiện hệ thống thực phẩm, bảo vệ xã hội, nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học trao quyền cho nông dân, hộ gia đình...
Sau một thời gian suy giảm, nạn đói trên thế giới đang gia tăng trở lại. Theo báo cáo mới nhất của FAO về “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2018”, trên thế giới hiện có trên 820 triệu người đang bị suy dinh dưỡng mãn tính. Một báo cáo khác về “Tình hình lương thực và triển vọng mùa màng” của FAO cũng cho biết, có khoảng 37 quốc gia, trong đó có 29 nước châu Phi, cần phải có viện trợ lương thực từ bên ngoài. Hàng triệu người trên thế giới, trong đó đa số tập trung tại các nước châu Phi không được cung cấp đẩy đủ các nguyên tố vi lượng như sắt, iốt, vitamin A… trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật, mù lòa, thiểu năng trí tuệ.
Theo FAO, những cuộc xung đột kéo dài tiếp tục là thủ phạm chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Người dân sống ở miền Bắc Nigeria, Nam Sudan và Yemen rơi vào tình trạng đói kém triền miên, trong khi nạn đói ngày càng phổ biến tại Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo và Syria.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng đe dọa an ninh lương thực thế giới, dẫn đến nguồn cung lương thực không được bảo đảm. Việc nguồn cung không được bảo đảm sẽ tác động đến an ninh lương thực của trên 7,6 tỷ người trên thế giới. Gánh nặng này càng tăng nếu dân số thế giới tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. Tuy nhiên, nếu sản lượng lương thực toàn cầu không tăng tới mức này, một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ xảy ra, kèm theo đó là tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu chất càng tăng cao. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu nguồn cung lương thực không được bảo đảm, đến năm 2020, thế giới sẽ có thêm 60 triệu người nữa bị thiếu ăn cùng với gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng.
Một nghịch lý là trong khi nhiều người tại các nước kém phát triển không được tiếp cận thường xuyên với nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, thế giới lại phải đối mặt với tình trạng gia tăng béo phì, thừa cân. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 672 triệu người bị béo phì và 1,3 tỷ người thừa cân. Theo WHO, an toàn thực phẩm, việc bày bán đồ ăn, đồ uống không lành mạnh là tác nhân dẫn tới tình trạng trên. Các vấn đề sức khỏe từ trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em béo phì đang đe dọa tương lai của các thế hệ và cũng là tương lai của thế giới.
Việt Nam tham gia và nghiêm túc triển khai có hiệu quả sáng kiến “Không còn nạn đói”
Trong nhiều năm qua, xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, được Đảng, Nhà nước ưu tiên thực hiện. Cho đến nay, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010 - 2012 và đã đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 2, hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015 và cơ bản giải quyết được tình trạng đói vào năm 2020 (theo đánh giá của FAO).
Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. Đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi - hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam, tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao (24,6% năm 2015) và phân bố không đều giữa các vùng, miền trong cả nước.
Hiện 12 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao (trên 30%). Các tỉnh này tập trung chủ yếu ở ba vùng: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu sắt, thiếu i-ốt, thiếu vitamin A) vẫn cần quan tâm đầu tư, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn và vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cao...
Sáng kiến “Không còn nạn đói” được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Phát triển bền vững Rio+20 ở Brazil vào tháng 6-2012, kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững, với các mục tiêu: 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập, đặc biệt là phụ nữ; không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.
Tháng 01-2015, Chính phủ Việt Nam hợp tác cùng Liên hợp quốc, trong đó có FAO, khởi động xây dựng Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” nhằm loại trừ nạn đói tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với Liên hợp quốc tham gia và nghiêm túc triển khai có hiệu quả Chương trình này.
Ngày 12-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2025. Ngày 12-6-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 712/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.
Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 thực hiện mục tiêu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên hợp quốc.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bao gồm: Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng quanh năm; Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%); Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất); Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.
Việc nghiêm túc xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 không chỉ thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế mà còn góp phần loại bỏ nạn đói, từng bước nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam./.
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam dự ADMM 12, ADMM+ lần thứ 5  (17/10/2018)
Thủ tướng đề nghị Bỉ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam vào châu Âu  (17/10/2018)
Bế mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (17/10/2018)
Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng, chống một số bệnh dịch nguy hiểm quay trở lại  (17/10/2018)
Điều trị PrEP cho ít nhất 5,6 nghìn người có nguy cơ cao năm 2019  (17/10/2018)
Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường chống thông tin sai sự thật  (17/10/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên