Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng, chống một số bệnh dịch nguy hiểm quay trở lại
TCCSĐT - Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên toàn quốc đã giúp Việt Nam khống chế, thanh toán được nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Vài năm gần đây, một số bệnh đã được khống chế có xu hướng quay lại nhưng chỉ trên nhóm nhỏ như bạch hầu, ho gà, có bệnh bùng phát trên diện rộng như sởi vào cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Các chuyên gia y tế khẳng định: Việc tiêm chủng vắc-xin với các loại bệnh đã có vắc-xin ngừa là cách tốt nhất để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm và ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Bạch hầu chỉ xuất hiện ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Sau 10 năm “im hơi lặng tiếng”, mới đây, bệnh bạch hầu đã quay trở lại Kon Tum và khiến 2 trường hợp tử vong. Đặc biệt, chỉ trong hai tuần đầu tháng 10, Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 5 trường hợp, trong đó có 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu người đó không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh vì bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến cơ tim và hệ cơ ở chân tay. Người bệnh cần được cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh; rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để tránh vi khuẩn phát tán. Ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh, người dân vẫn cần phải đi tiêm phòng lại để ngăn ngừa bệnh tái phát. Bạch hầu có thể quay trở lại nếu không tiêm chủng để phòng bệnh. Sau khi tiêm vắc-xin, đa số người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ.
Một số dịch bệnh gia tăng khi chuyển mùa
Về bệnh tay chân miệng, trong 9 tháng của năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%, tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và tăng nhanh trong các tuần gần đây như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết, năm nay dịch này có nguy cơ quay trở lại như năm 2011. Qua điều tra dịch tễ, nhiều người mắc bệnh tay chân miệng là do vi rút EV71, chiếm hơn 20% tổng ca mắc. Vi rút này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong.
Về bệnh sởi, dù đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng còn khá thấp. Cục Y tế dự phòng cho biết: Đến ngày 09-10 tại Việt Nam, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 40 tỉnh, thành phố. Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng (86,4%). Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Bệnh ho gà trước đây lưu hành ở tất cả các địa phương. Từ năm 1986, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng hầu hết trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin DTP phòng bệnh, số người mắc bệnh và tử vong giảm rõ rệt. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm vắc-xin DTP luôn duy trì ở mức trên 90% (riêng năm 1997, 2000 đạt trên 95%) và chất lượng tiêm chủng tốt hơn nên tỷ lệ mắc bệnh giai đoạn 1996 - 2000 chỉ còn 1,8/100.000 dân. Bệnh cơ bản đã được khống chế và chỉ rải rác số ít trường hợp mắc bệnh do không tiêm vắc-xin ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số tỉnh đồng bằng, trong đó cả Thủ đô Hà Nội có người mắc bệnh. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thống kê trong năm 2015 cho thấy có 56,5% trẻ mắc ho gà ở độ tuổi dưới 3 tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 39 ca ho gà nhập viện. Trong 3 tháng gần đây, số mắc ho gà vào bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ.
Tiêm vắc-xin giúp phòng dịch
Theo các chuyên gia y tế, một số loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng. vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được phối hợp với vắc-xin phòng ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ sẽ được tiêm vào các thời điểm 2, 4, 6 và 16 - 18 tháng tuổi.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu ở trẻ em, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong vùng ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Không chỉ bệnh bạch hầu, ho gà, các bệnh khác như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có khả năng bùng phát thành dịch trong mùa đông xuân này. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống để hạn chế số mắc, tử vong, không để bùng phát thành dịch lớn. Theo đó, ngành y tế đẩy mạnh, tăng tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước, tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, triển khai kế hoạch tiêm bổ xung vắc-xin sởi cho 418 huyện tại 57 tỉnh, thành phố...
Bộ Y tế cũng đã phát động chiến dịch “Rửa tay với xà phòng, phòng chống tay chân miệng” và chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); tăng cường tuyên tuyền tiêm phòng vắc-xin sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngành y tế đã tiến hành hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018; tăng cường giám sát, tiêm chủng tuyên truyền tiêm vắc-xin phòng bệnh và vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ…/.
Điều trị PrEP cho ít nhất 5,6 nghìn người có nguy cơ cao năm 2019  (17/10/2018)
Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường chống thông tin sai sự thật  (17/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel  (17/10/2018)
Phát triển du lịch từ lợi thế nông nghiệp trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long  (17/10/2018)
Gia Lai với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy  (17/10/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 08 đến ngày 14-10-2018)  (17/10/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm