Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren)
Chiều 31-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do ông Kuniharu Nakamura và ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren, dẫn đầu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn sang Việt Nam triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và đóng góp quý báu của Keidanren cũng như vai trò của hai ngài Chủ tịch trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Nhấn mạnh, trong sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản như hiện nay, có những đóng góp quan trọng của Keidanren, Thủ tướng vui mừng cho biết, trên cơ sở Đối tác chiến lược sâu rộng, quan hệ hai nước đang ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Hiện, Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, quốc gia đầu tư nước ngoài đứng thứ 2, có lượng khách du lịch xếp thứ 3 tại Việt Nam. Thủ tướng mong muốn qua Keidanren, Nhật Bản đều đứng nhất cả 3 lĩnh vực này.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của Nhật Bản đã phối hợp tích cực với Việt Nam trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và đối tác phát triển lâu dài. Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai bên không ngừng mở rộng quan hệ phối hợp, hợp tác trên mọi lĩnh vực đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp và nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Kuniharu Nakamura đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren bày tỏ vui mừng nhắc lại thành công trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2017. Thay mặt nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai vừa qua tại Nhật Bản, ông Kuniharu Nakamura trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ người dân Nhật Bản khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà người dân các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam vừa phải hứng chịu sau đợt mưa lũ mới đây.
Vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, ông Kuniharu Nakamura cho rằng những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy và củng cố tình hữu nghị cũng như quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Ông Kuniharu Nakamura cho biết, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn bởi có dân số đông, là cửa ngõ tiếp nối với ASEAN, chính trị xã hội ổn định, bền vững. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được sang Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh. Do dó, đầu tư từ Nhật bản sang Việt Nam năm 2017 đã đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với 9,1 tỷ USD, số lượng đạt trên 1700 doanh nghiệp. Keidanren sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Kuniharu Nakamura cũng thông tin về việc thời gian tới, Keidanren sẽ tiếp tục mở rộng diện cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam; bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hạ tầng thể chế, khuôn khổ pháp lý để sẵn sàng đưa CPTPP vào triển khai sau khi phần Hiệp định khung đã được ký kết.
Đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren ông Hideo Ichikawa cũng bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Góp ý về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ông Hideo Ichikawa cho biết Keidanren mong muốn tham gia vào tiến trình này thông qua việc triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, hiện đang ở giai đoạn VII.
Ông Hideo Ichikawa mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của Thủ tướng và các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai Sáng kiến chung này. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng trong bối cảnh kiểm soát trần nợ công tại Việt Nam, ông Hideo Ichikawa hy vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam cân nhắc lựa chọn những dự án phù hợp, cấp bách theo hình thức PPP và cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn và sẵn sàng tham gia vào các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp của hai ngài Đồng Chủ tịch Keidanren và các thành viên trong Đoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng. Người dân Việt Nam luôn trân trọng và dành những tình cảm tốt đẹp cho đất nước và nhân dân Nhật Bản.
Thủ tướng cho biết, nhân dân và Chính phủ Việt Nam luôn tin tưởng các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ luôn gìn giữ và phát huy uy tín, đầu tư và kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng vui mừng cho biết, với việc đi vào hoạt động của Đại học Việt Nhật sẽ là cơ sở cung cấp lực lượng lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước.
Khẳng định, hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, Thủ tướng nêu rõ, trong điều kiện của mình, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị phía Nhật bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu như: Máy nông nghiệp, dầu khí, cơ khí ô tô, năng lượng, chế biến, chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng…. Việt Nam sẽ thông qua CPTPP vào cuối năm nay và mong muốn sẽ cùng với Nhật Bản đi đầu trong việc triển khai Hiệp định quan trọng này.
Việt Nam ủng hộ việc kết nối hợp tác của Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình hợp tác với các quốc gia tiểu vùng Sông Mekong. Bên cạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, Việt Nam chủ trương tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa với Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị hai ngài Chủ tịch và các thành viên Keidanren thúc đẩy triển khai việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, qua đó, duy trì cơ chế đối thoại chính sách giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, là kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam./.
Phát triển quan hệ đối tác hiệu quả Việt Nam - Singapore  (31/07/2018)
Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và tôn giáo Argentina  (31/07/2018)
Gắn chặt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy với nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên và tổ chức đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái  (31/07/2018)
Chủ tịch nước gửi Điện mừng nhân hội nghị thế giới chống bom nguyên tử  (31/07/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt  (31/07/2018)
Chính phủ không vì bệnh thành tích mà bỏ qua vi phạm thi cử  (31/07/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên