TCCSĐT - Trong hai ngày 4 và ngày 5-8-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7-2009, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, dự báo tình hình và thống nhất các giải pháp điều hành trong tháng 8 và các tháng cuối năm. Chiều ngày 5-8, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo những nội dung chính trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2009, và cùng với các thứ trưởng các bộ trả lời các câu hỏi của báo chí.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết:

Sản xuất công nghiệp đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng liên tục trong 6 tháng qua, thể hiện thông qua giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng 6-2009 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,7%. Như vậy, trừ tháng 1 có tốc độ tăng trưởng âm thì 6 tháng còn lại, giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng nhanh qua từng tháng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 382,7 nghìn tỉ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục là ngành phát triển thuận lợi nhờ chính sách kích cầu đầu tư và sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Khu vực dịch vụ nhìn chung vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao. Khối lượng vận chuyển hàng hoá 7 tháng năm 2009 ước đạt 367,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2009 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó, thương nghiệp tăng 17,7%, khách sạn, nhà hàng tăng 17,9%, du lịch tăng 20,1%, dịch vụ khác tăng 24%.

Sản xuất nông lâm thủy sản phát triển khá ổn định. Trong tháng 7, mưa lũ lớn trên diện rộng ở các vùng đồng bằng, trung du và miền núi Bắc Bộ đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa, song nhìn chung sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá ổn định. Tính đến ngày 15-7-2009, so với cùng kỳ năm trước, diện tích gieo cấy lúa mùa đã tăng 5,2%, gieo trồng rau đậu tăng 8,8%, gieo trồng ngô là 93,6%. Diện tích trồng rừng mới tập trung 7 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 33,6% kế hoạch năm. Sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 triệu m3, tăng 20% so với năm 2008.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng đến nay tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,52% so với tháng trước, thu hẹp mức tăng tháng 6 là 0,55%. So với tháng 12 năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,22%, so với cùng kỳ năm là 19,78%. Giá vàng tăng 23,9%, giá USD tăng 6,22%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2009 đã giảm xuống một con số với mức tăng 9,25% so với 7 tháng đầu năm 2008.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu gây không ít khó khăn cho nền kinh tế, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt khoảng 32,35 tỉ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 12,24 tỉ USD, giảm 8,8%. Hầu hết các mặt hàng có thống kê về lượng, mức giá bình quân tính được đều giảm mạnh, như giá dầu thô giảm 53,1%, giá cao su giảm 45,8%, giá hạt tiêu giảm 33,2%, giá cà phê giảm 29,24%, giá gạo giảm 28,6%, giá hạt điều giảm 19,5%, giá than đá giảm 15,8%, giá chè giảm 9%.. Ước tính sơ bộ, với việc giảm giá xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu trên, kim ngạch xuất khẩu giảm do giá xuất khẩu lên tới trên 6 tỉ USD.

Nhập siêu trong 7 tháng đầu năm khoảng 3,38 tỉ USD, tương đương 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là chỉ số thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008 (40,8%). Cụ thể, tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 35,374 tỉ USD, giảm 34 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 12,69 tỉ USD, giảm 22,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… đều sụt giảm khi hầu hết các thị trường đều bị thu hẹp mạnh.

Về đầu tư phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vốn ngân sách nhà nước thực hiện trong tháng 7 ước đạt 13,4 nghìn tỉ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm; 7 tháng đầu năm ước đạt 70,9 nghìn tỉ đồng, bằng 49,3% kế hoạch năm, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sau 7 tháng đầu năm đã có 510 dự án đầu tư nước ngoài được đăng ký mới với tổng vốn đạt 10,1 tỉ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 5,4 tỉ USD, bằng 11%, vốn tăng thêm là 4,7 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết đạt 2,18 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng số vốn giải ngân 7 tháng qua ước đạt 1,47 tỉ USD, tương đương 78% kế hoạch năm; gần 48.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm của các doanh nghiệp giảm sút khá lớn, ước đạt 207,6 nghìn tỉ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, tuy gặp nhiều khó khăn, song đạt đã được những kết quả đáng kể, đặc biệt là ngành y tế đã thực hiện tốt công tác kiểm dịch y tế, nhanh chóng phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) và cho đến hết tháng 7 không có trường hợp nào tử vong. Trong tháng 7, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiêm túc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, với trên 2,1 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Kỳ thi được tổ chức tốt, bảo đảm bí mật đề thi, an toàn và trật tự. Đến nay, hầu hết các trường đã công bố kết quả thi tuyển sinh. Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách, người có công.

Về tình hình lao động việc làm, ước tính trong tháng 7, các ngành, các cấp, doanh nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 122 nghìn lượt người, bằng 87,1% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, xuất khẩu lao động đạt 5.700 người, bằng 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm trong 7 tháng đầu năm lên 722 nghìn người, bằng 83,9% so với cùng kỳ năm trước, (trong đó, xuất khẩu lao động là 4 vạn người).

Nhận định chung, về tình hình kinh tế, xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng hoan nghênh sự nỗ lực quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đạt được những thành quả đáng khích lệ như nêu trên, tạo sự chuyển biến tích cực, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta cần tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Kết luận phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi ngân sách dưới 7%, tăng trưởng GDP hơn 5%, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ODA, đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện…

Để bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc chỉ đạo quyết liệt trong việc hỗ trợ cho 61 huyện nghèo. Ngành y tế tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A (H1N1), đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nâng cao khả năng tự tránh, tự phòng. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chú ý xây dựng kế hoạch năm 2010 và 5 năm tới, nhất là kế hoạch huy động nguồn vốn, kế hoạch đầu tư, đồng thời cần chủ động cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin, truyền thông.

Cũng tại phiên họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ, các thành viên Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, một số dự án Luật Thuế tài nguyên, Luật Nuôi con nuôi, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Tiếp cận thông tin... do các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,Tư pháp,Công Thương, Giáo dục và Đào tạo trình.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ vẫn đang xem xét đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chưa có quyết định tăng giá, đồng thời đã tổ chức hội thảo về dự kiến cho phép nhiều doanh nghiệp được nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.

Về vấn đề vay vốn ưu đãi, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đến hết tháng 7-2009, các thành phần kinh tế đã vay 388 nghìn tỉ đồng vốn ưu đãi. Ngân hàng cũng đã tạo điều kiện để các đối tượng được vay vốn thuận lợi, nếu phát hiện có vướng mắc ở địa bàn, lĩnh vực nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung giải quyết ngay.

Về giải pháp tăng cường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hữu Hào cho biết: 7 tháng qua, doanh thu xuất khẩu giảm 13,9% (do giá trị xuất khẩu giảm) mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với xuất khẩu gạo, khả năng cả năm nay Việt Nam sẽ đạt sản lượng khoảng 10 triệu tấn lúa, số lượng gạo xuất khẩu sẽ vượt trên 5 triệu tấn, nhưng do giá gạo giảm nên doanh thu vẫn bị giảm. Tuy vậy, việc giảm doanh thu xuất khẩu cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, vì thị trường nội địa sẽ bảo đảm tiêu thụ 50% tổng sản lượng quốc gia và hiện nay, sức tiêu dùng nội địa đang tăng, sẽ góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt từ 5% đến 5,2%. Nếu năm 2009, Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu từ 60 đến 62 tỉ USD cũng là một thành công lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới./.