Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương
Ngày 15-12, tại Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ ba đã diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Tham gia đoàn có đại diện các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường.
Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ nhất và Hội nghị Bộ trưởng MLC lần thứ hai và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.
Trong thời gian qua, mặc dù mới đi vào hoạt động trong 2 năm nhưng hợp tác trong khuôn khổ MLC đã đạt được một số kết quả thực chất, như hoàn thành số lượng lớn dự án thu hoạch sớm, thành lập Ban thư ký/Cơ quan điều phối quốc gia tại mỗi nước, thành lập Quỹ đặc biệt MLC. Các chương trình giao lưu thanh niên, hợp tác văn hóa và du lịch đã giúp nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí thông qua danh sách dự án nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ đặc biệt MLC, tăng cường trao đổi thông tin giữa các đầu mối quốc gia trong triển khai các hoạt động hợp tác MLC.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ 2 dự kiến sẽ tổ chức tại Campuchia từ ngày 10 đến 11-01-2018, các Bộ trưởng đã trao đổi và cơ bản thống nhất một số văn kiện lớn để trình lên các nhà lãnh đạo gồm: Kế hoạch hành động hợp tác MLC giai đoạn 2018 - 2022, Danh sách dự án MLC đợt hai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ghi nhận những kết quả nổi bật của Hợp tác MLC trong hai năm qua, đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc và sự tham gia chủ động tích cực của các nước Mekong.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam cả trong quá trình xây dựng cơ chế hoạt động cũng như đề xuất các ý tưởng, dự án hợp tác thiết thực và phản ánh nhu cầu chung của các nước thành viên.
Phó Thủ tướng cho rằng để có thể hỗ trợ hiệu quả các nước thành viên nắm bắt cơ hội phát triển mới và giải quyết các thách thức chung, Hợp tác MLC cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong nhằm đạt được cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông. Sự phối hợp giữa MLC và Ủy hội Mekong (MRC) sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước về chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhắc lại đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập đường dây liên lạc giữa các nước MLC trong xử lý tình huống khẩn cấp trên sông Mekong. Đây sẽ là cơ chế thông tin đầu tiên giữa sáu nước ven sông.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nước trong khuôn khổ MLC cần tăng cường hợp tác để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp với sức cạnh tranh cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế MLC thông qua phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp dự Hội nghị.
Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2017 với việc lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước sang thăm lẫn nhau trong cùng một năm, đã thể hiện sự coi trọng phát triển quan hệ của hai Đảng, hai nước.
Về trọng tâm công tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, tích cực thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả những thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao.
Phó Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp hữu hiệu tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đầu tư các dự án lớn, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, triển khai hiệu quả các khoản tín dụng và viện trợ dành cho Việt Nam, mở rộng hợp tác cùng có lợi về nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ.
Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng ghi nhận các kết quả tích cực gần đây trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN - Trung Quốc; đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào thảo luận các nội dung thực chất của COC, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại Biển Đông.
Cũng trong ngày, Phó Thủ tướng đã dự lễ cắt băng khánh thành Triển lãm ảnh về thành tựu Hợp tác Mekong - Lan Thương và khai trương trang web chính thức Ban Thư ký Hợp tác Mekong - Lan Thương./.
Cụ thể hóa chính sách phù hợp với địa phương  (15/12/2017)
Nhật Bản rất coi trọng và tin tưởng quan hệ với Việt Nam  (15/12/2017)
Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên cuối năm  (15/12/2017)
Cụm thi đua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 5 thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2018  (15/12/2017)
Xây dựng lực lượng cựu chiến binh Việt Nam vững vàng, kiên định  (15/12/2017)
Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công ích  (15/12/2017)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên