Sẽ có một Vinashin mới, không đa ngành theo kiểu cũ
TCCSĐT - Tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để có “một Vinashin mới, không đa ngành theo kiểu cũ” là một nội dung được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 4-8.
Nguyên nhân dẫn đến việc Vinashin thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản đã được Chính phủ thống nhất đánh giá trong Thông báo của Văn phòng Chính phủ về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong đó nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu là năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỉ đồng nhưng tổng số nợ là 86.000 tỉ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người. Tập đoàn đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và quý I/2010, Vinashin thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi...
Trong bối cảnh như vậy việc xử lý Vinashin như thế nào là vấn đề rất được quan tâm. Tại buổi họp báo chiều 4-8, sau khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 về tình hình hoạtđộngvà chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phân tích thêm những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng thua lỗ của Vinashin, đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải tái cơ cấu Vinashin, không để tập đoàn này phá sản. Phó Thủ tướng tập trung vào 3 nội dung quan trọng trong phương án tái cơ cấu Vinashin, không để Vinashin phá sản.
1. Việc xây dựng ngành cơ khí đóng tàu, công nghiệp đóng tàu là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta
Nước ta có bờ biển dài, vì thế, việc hình thành, phát triển hải cảng, ngành cơ khí đóng tàu và công nghiệp tàu thủy Việt Nam mạnh là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh, xây dựng phục vụ chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Vì thế, nếu để Vinahin phá sản, chắc chắn chúng ta sẽ lại phải xây dựng lại ngành công nghiệp quan trọng này.
Hiện nay, tuy tỷ lệ nợ và tình hình tài chính của Vinashin nghiêm trọng như vậy, nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của Chính phủ. Nếu để Vinashin phá sản, các khoản vốn vay, các khoản nợ sẽ khó thu hồi được, các dự án, công trình dang dở... sẽ trở thành đống sắt vụn, hàng nghìn người mất việc làm và hậu quả dây chuyền sẽ rất khó lường. Nếu cơ cấu lại Vinashin để tiếp tục hoạt động được, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp tàu thủy, các khoản nợ thu hồi được khi đưa vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả.
Một điểm nữa là Vinashin có một số năng lực nhất định trong ngành đóng tàu Việt Nam. Đó là, bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu biển với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm tàu biển được thế giới công nhận về chất lượng, có thương hiệu, uy tín trong ngành đóng tàu thế giới. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2007 đạt từ 35%-40%/năm, đều có lãi; doanh thu thuần năm 2008 đạt gần 29.000 tỉ đồng. Tổng số đến hết năm 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.300 tỉ đồng. Từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng và chỉ đóng được tàu 1.000 - 3.000 tấn, đến nay, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 8.000 tỉ đồng, giá trị tài sản 104.000 tỉ đồng, đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô tô đến 6.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu…
Ngoài ra, cũng cần tính đến những nguyên nhân khách quan, tuy không phải là nguyên nhân chủ yếu, quan trọng nhất, nhưng cũng tác động rất nặng nề đến Vinashin đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó. Vinashin bị ảnh hưởng về thị trường và nguồn vốn. Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn không hoàn thành được để đưa vào sản xuất. Nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký không tiếp tục vay được vốn để hoàn thành đúng tiến độ. Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỉ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.
2. Căn cứ, cơ sở để có thể tái cơ cấu Vinashin.
Thứ nhất, xác định chiến lược cơ cấu lại theo hướng thu hẹp ngành nghề kinh doanh, trước mắt, chỉ tập trung vào 13 dự án. Ngành nghề chính của Vinashin mới sẽ được thu hẹp trong ba lĩnh vực: đóng tàu; sửa chữa tàu; và công nghiệp phụ trợ cho tàu. Vinashin mới sẽ không làm ngành vận tải biển, không đầu tư ra các ngành nghề khác.
Thứ hai, đối với dự án, công ty con đã góp vốn thì có thể bán, chuyển nhượng, hoặc cổ phần hóa để thu hồi vốn, trả nợ và đầu tư tập trung cho ba ngành chính nêu trên. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trên nền đã có. Dự kiến năm 2012, tiếp tục đóng tàu được và bán được hàng cả trong và ngoài nước. Trong cơ cấu này, tiếp tục giữ công nhân, đào tạo lại, khi mở rộng đóng tàu phát triển. Theo tính toán, đến năm 2012, Vinashin có thể hết lỗ, năm 2013 - 2014 sẽ bắt đầu có lãi và năm 2015 sẽ có một Vinashin mới, chỉ đóng tàu, sửa tàu, làm công nghiệp phụ trợ và đào tạo thiết kế.
Về xử lý nợ, Chính phủ chủ trương phải “sòng phẳng” về nợ nần. Các khoản tín dụng sẽ được cơ cấu lại, những khoản thu được sẽ được sử dụng để tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Đây là phương án cơ cấu nợ “trong tầm kiểm soát” với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng thuận của dư luận xã hội.
Thứ ba, tiếp tục giữ công nhân ở lại làm việc, một bộ phận sẽ được tiếp tục đào tạo.
Như vậy, quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu Vinashin là có cơ sở, có căn cứ và hoàn toàn khả thi chứ không hề duy ý chí vì tất cả vẫn đang trong tầm kiểm soát, trong khả năng có thể xử lý được.
3. Xử lý sai phạm
Tùy theo mức độ vi phạm của các cá nhân của Vinashin sẽ có các hình thức xử lý phù hợp. Đối với những cá nhân vi phạm pháp luật, cố tình làm trái với quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc liệu khi thực hiện tái cơ cấu Vinashin, chuyển một phần sang Tổng công ty Hàng hải và Tập đoàn Dầu khí, liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hai đơn vị này không, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, cơ cấu lại Vinashin, không để Vinashin làm ngành vận tải biển nữa, trong khi đó chúng ta lại đang có Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam với ngành chính là kinh doanh vận tải biển. Vì thế việc chuyển vận tải biển về Tổng Công ty hàng hải Việt Nam là chuyển về đúng chỗ. Tất nhiên, do những hậu quả mà Vinashin gây ra, Tổng Công ty Hàng hải sẽ gặp khó khăn ban đầu, tuy nhiên do có chuyên môn trong lĩnh vực này nên Tổng công ty Hàng hải có thể xử lý được..
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: Các doanh nghiệp khác mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần nhưng riêng Vinashin thì được thanh tra, kiểm tra liên tục. Từ năm 2006 đến nay có tới 11 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tính cả trước năm 2005 nữa thì con số đó là 13. Những phát hiện qua các cuộc kiểm tra, thanh tra đã giúp Chính phủ có cơ sở để giảm số lượng dự án, giảm quy mô đầu tư ra ngoài ngành và việc mua sắm của Vinashin (từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn còn 28 dự án và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất)./.
Khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam Phạm Thanh Bình  (04/08/2010)
Thông báo của Văn phòng Chính phủ về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam  (04/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên