Thông báo của Văn phòng Chính phủ về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam
1. Việc hình thành, phát triển Tập đoàn Vinashin mạnh để làm nòng cốt trong việc phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết, phù hợp với các Nghị quyết liên quan của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án phát triển Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam các giai đoạn với mục tiêu, lộ trình và một số chính sách hỗ trợ cần thiết. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; năm 2003, thí điểm chuyển Tổng công ty này sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; năm 2006, quyết định thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
2. Những kết quả đạt được của Tập đoàn Vinashin
Bước đầu, đã hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu biển với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm tàu biển được thế giới công nhận về chất lượng, có thương hiệu, uy tín trong ngành đóng tàu thế giới. Đội ngũ lao động trên 70.000 người, trong đó trình độ đại học, trên đại học 12.500 người, công nhân kỹ thuật trên 55.000 người với tay nghề khá, có hơn 5.000 người đạt chứng chỉ quốc tế. Đã thiết kế được phần công nghệ, bước đầu thực hiện được phần thiết kế kỹ thuật cho các tàu 58.000 tấn, 115.000 tấn. Xây dựng được một số cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ, nâng cao được một bước tỷ lệ nội địa hóa trong đóng và sửa chữa tàu biển.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2007 đạt từ 35%-40%/năm, đều có lãi; doanh thu thuần năm 2008 đạt gần 29.000 tỷ đồng. Tổng số đến hết năm 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.300 tỷ đồng. Từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng và chỉ đóng được tàu 1.000 - 3.000 tấn, đến nay, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 8.000 tỷ đồng, giá trị tài sản 104.000 tỷ đồng, đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô tô đến 6.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu…
Đến tháng 3 năm 2009, đã có nhiều đơn hàng và thỏa thuận hợp đồng sơ bộ đóng tàu với tổng giá trị khoảng 12 tỷ USD. Đã hoàn thành đóng và bàn giao được 279 tàu trị giá trên 1,8 tỷ USD, bao gồm: 59 tàu trọng tải 6.500 tấn, 15.000 tấn, 9 tàu 22.500 tấn - 34.000 tấn, 9 tàu 53.000 tấn, 6 tàu container, 1 tàu chở ô tô 4.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu 150.000 tấn và nhiều loại tàu khác. Trong số tàu trên, đã xuất khẩu cho các chủ tàu nước ngoài 155 tàu, trị giá trên 1,1 tỷ USD; bán cho các chủ tàu trong nước 124 tàu, trị giá 700 triệu USD. Ngoài ra, còn hoàn thành nhiều loại phương tiện thủy khác phục vụ cho nhu cầu rất đa dạng của nền kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Đã hình thành được đội tàu viễn dương có tổng tải trọng khoảng 700 nghìn tấn từ nguồn tự đóng mới và mua của nước ngoài, góp phần tăng thêm năng lực vận biển của đất nước.
Chế tạo thành công thép tấm khổ lớn, cần cẩu 150 tấn, cổng trục 450 tấn, máy ép thủy lực 2.000 tấn, máy uốn tôn cán được khổ 13m, sản xuất dây hàn lõi thuốc, nắp hầm hàng, cáp điện tàu thủy, chân vịt tàu 10.000 tấn, lắp ráp động cơ 8.400 mã lực… mà 5 năm trước phải nhập khẩu 100%.
3. Những yếu kém, khó khăn của Tập đoàn Vinashin
Bước vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, hàng loạt định chế tài chính, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có bề dày hoạt động cả trăm năm bị sụp đổ; nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản xuất khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và giảm thấp; Tập đoàn Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn.
Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn không hoàn thành được để đưa vào sản xuất. Nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký không tiếp tục vay được vốn để hoàn thành đúng tiến độ.
Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỉ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.
Mặt khác, do công tác dự báo còn nhiều bất cập nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nên nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ còn hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án rất thấp, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay. Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, dự án đóng tàu xuất khẩu, những dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Đầu tư cho phát triển đội tàu trong đó có những tàu mua của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ, không kiểm soát được. Việc sử dụng vốn không hiệu quả nêu trên đã gây hậu quả nặng nề về tài chính đối với Tập đoàn Vinashin.
Để giải quyết khó khăn nêu trên, Tập đoàn Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009 Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6 năm 2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
4. Nguyên nhân của những khó khăn, yếu kém
(1) Về khách quan, thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột
Từ năm 1999 đến 2007 ngành công nghiệp đóng tàu thế giới phát triển rất mạnh với tổng trọng tải đóng mới bằng 51% tổng tải trọng của toàn bộ đội tàu đang hoạt động trên thế giới. Bước sang năm 2008, ngành vận tải biển bị đình đốn, ngành công nghiệp đóng tàu thế giới rơi vào suy thoái. Tổng giá trị hợp đồng đóng mới giảm 38% so với năm 2007. Giá đóng mới tàu giảm một nửa song thị trường đóng tàu vẫn ngừng trệ, các đơn đặt hàng giảm mạnh (tàu chở container giảm 57%, tàu chở hàng rời cỡ lớn giảm 66%), nhiều tàu loại khác (chở khí tự nhiên, hóa chất) giảm tới 80%, có loại tàu không còn hợp đồng đóng mới. Một số công ty vận tải biển phải hủy hợp đồng đã ký. Nhiều hãng đóng tàu thế giới có nguy cơ phá sản buộc phải cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất và đầu tư.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Vinashin là đóng mới, sửa chữa tàu biển và vận tải viễn dương, đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới nên trong bối cảnh trên việc đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Tập đoàn Vinashin bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Mặt khác, mô hình tập đoàn kinh tế còn đang trong giai đoạn thí điểm; cơ chế chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ.
(2) Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu, với những biểu hiện cụ thể như sau:
+ Năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ.
+ Báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và Quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi. Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu Tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ.
+ Quyết định thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định sử dụng vốn kém hiệu quả, có biểu hiện sai trái; sử dụng một số vốn lớn để mua tàu vận tải biển của nước ngoài, trong đó có những con tàu mua quá cũ; không nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng, nhất là về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn cộng với những yếu tố khách quan tác động nặng nề, đã làm cho Tập đoàn thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả, không còn vốn để hoạt động. Từ năm 2008, nhiều dự án đầu tư phải dừng lại, một số đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận không nhỏ người lao động bỏ việc, mất việc.
(3) Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Tập đoàn Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả
Thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập mới doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh, về tuyển chọn và sử dụng cán bộ của DNNN, tập đoàn kinh tế còn nhiều bất cập. Thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN, tập đoàn kinh tế là cần thiết, nhưng thể chế, cơ chế về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quản lý tài chính nội bộ hiện hành còn kém hiệu quả.
Bộ quản lý ngành và các bộ chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn, về phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo Tập đoàn.
5. Sự chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ ngành trong việc khắc phục yếu kém, sai phạm và tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Vinashin
Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất.
Các năm 2008, 2009, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để xử lý các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển đối với Tập đoàn Vinashin với các giải pháp khá đồng bộ; ngày 18 tháng 6 năm 2010 đã quyết định tái cơ cấu một bước Tập đoàn Vinashin với nhiều nội dung quan trọng như: yêu cầu Tập đoàn rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu; chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án tàu đang đóng bị hủy hợp đồng; ngừng triển khai đầu tư đóng, sửa chữa tàu nhưng chưa có khả năng thu xếp vốn; chưa ký kết các hợp đồng đóng tàu mới; rà soát lại để nắm thật chắc và quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn; sắp xếp lại hệ thống tổ chức doanh nghiệp của Tập đoàn gắn với việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính; thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên có các ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không thật cần thiết trong chiến lược phát triển của Tập đoàn; điều chuyển 12 đơn vị và 5 dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Những giải pháp nêu trên bước đầu đã có một số kết quả. Các dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại, ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất hơn 1.000 công nhân nghỉ việc (trong tổng số hơn 6.000) đã trở lại làm việc, dự kiến tháng 10 năm 2010 sẽ hạ thủy được tàu chở dầu 104.000 tấn. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt. Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được 4 con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (1 tàu 53.000 tấn, 1 tàu 56.000 tấn, 2 tàu 17.000 tấn) cho khách hàng và chuyển nhượng được một số dự án đầu tư ngoài ngành chính để thu hồi vốn; đang dồn sức hoàn tất những con tàu đang đóng dở dang.
6. Chủ trương, mục tiêu yêu cầu và nhiệm vụ giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin
Từ đánh giá tình hình, nguyên nhân, sự chỉ đạo của Chính phủ và kết quả bước đầu nêu trên; sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển; với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Yêu cầu cụ thể là:
+ Không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế.
+ Tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Vinashin theo hướng giữ và từng bước ổn định, phát triển có hiệu quả ngành đóng tàu, cơ sở nghiên cứu thiết kế và đào tạo; khai thác sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã, đang đầu tư và cố gắng giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật ngành đóng, sửa chữa tàu biển đã được hình thành.
+ Làm rõ và công khai về những kết quả đã đạt được, cũng như những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm và xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ giải pháp
(1) Kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục tái cơ cấu
+ Khẩn trương kiện toàn tổ chức quản lý, nhân sự lãnh đạo Tập đoàn, phê duyệt Điều lệ, quy chế quản lý tài chính và các quy chế nội bộ khác để thực hiện việc quản lý, điều hành Tập đoàn thông suốt và có hiệu lực, hiệu quả.
+ Tập trung giữ, từng bước ổn định sản xuất, dồn sức hoàn thành các hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực để bàn giao cho khách hàng, hạn chế tối đa việc tiếp tục hủy các hợp đồng đóng tàu trong năm 2010-2011, bảo đảm việc làm và giữ đội ngũ lao động, nhất là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; chuẩn bị điều kiện để phát triển khi thị trường đóng tàu thế giới hồi phục.
+ Tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu đang triển khai, khẩn trương thoái vốn ở những doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chính, rà soát để bán hoặc chuyển giao các dự án; di dời các nhà máy đóng tàu để sử dụng quỹ đất cho mục tiêu mới để có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.
+ Điều chỉnh lại phương án phát triển của Tập đoàn Vinashin một cách toàn diện và khả thi. Phê duyệt lại chiến lược và quy hoạch phát triển phù hợp của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho giai đoạn 2011-2015, có tính đến 2020. Điều chỉnh chương trình, kế hoạch triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển này.
(2) Về tài chính
+ Trước hết, Tập đoàn Vinashin có trách nhiệm, chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề về tài chính của mình thông qua việc thu hồi, thoái vốn, cổ phần hóa, bán, chuyển giao dự án ngoài ngành chính để có nguồn tài chính phục vụ cho yêu cầu duy trì và phát triển sản xuất.
+ Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; bằng các nguồn tài chính thích hợp cho Tập đoàn Vinashin vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang, các con tàu đang đóng để đưa vào sử dụng, để bán và sẽ hoàn trả vốn vay từ kết quả sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở định hướng với các nhiệm vụ giải pháp nêu trên, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin bước đầu đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sơ bộ tính toán các năm 2010-2012 còn lỗ, dự báo năm 2013, 2014 bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định.
(3) Hoàn thiện thể chế, cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, tập đoàn kinh tế
Khẩn trương hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN, tập đoàn kinh tế, trước hết là về huy động và sử dụng vốn, về đầu tư, về ngành nghề kinh doanh, thành lập mới doanh nghiệp và quản lý, sử dụng cán bộ. Rà soát để quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN trong việc thẩm định kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và xây dựng chế tài xử lý đối với đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.
(4) Việc xử lý các cá nhân có sai phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra để xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kịp thời ổn định, chấn chỉnh nội bộ và không để ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
(5) Thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, thành phần có lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan để tổ chức chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.
7. Thống nhất tư tưởng, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận về chủ trương, mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ, bảo đảm thực hiện có kết quả việc củng cố, ổn định và phát triển Tập đoàn Vinashin, ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển của đất nước. Không để từ việc yếu kém, sai phạm ở Tập đoàn Vinashin mà phủ nhận thành tựu to lớn, toàn diện đạt được của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong các năm qua; phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; làm giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước./.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến thăm và làm việc với Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
Cảm nhận về những tháng năm làm Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
Cảm nhận về những tháng năm làm Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên