TCCS - Nhân dịp nhân loại tròn 100 năm, kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tôi viết những dòng này để trân trọng gửi tới những người, những dân tộc tin theo, ủng hộ và nguyện đi dưới bóng cờ của cuộc Cách mạng “rung chuyển thế giới” này!

Thực tiễn lịch sử xưa nay, nhất là 100 năm qua, đã và đang tiếp tục chỉ rõ, những mưu toan sử dụng chiếc “chìa khóa vạn năng” dưới hình thức là một triết luận lịch sử chung chung mà tính chất cao nhất là tính siêu lịch sử của nó(1), đã thất bại, khi đánh giá các sự kiện mang tầm vóc toàn cầu. Bởi, những cái gì không đúng theo hình thái kinh tế lại có thể đúng theo ý nghĩa lịch sử toàn thế giới(2).

Vì thế, xin được nói ngay rằng, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 chính là một sự kiện như vậy. Bởi lẽ, cho tới thời khắc này, vẫn còn và chắc mãi còn những cách nhìn, kiến giải, thái độ và hành xử khác nhau, thậm chí đối lập nhau! Sự phát triển của thế giới vốn là thống nhất nhưng trong đa dạng, nên điều ấy âu cũng là sự hiển nhiên!

Đột phá phát triển tất yếu của nhân loại: Đường Lớn Tháng Mười

Nghiên cứu toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại, C. Mác đã khái quát nó qua sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau một cách tự nhiên và biện chứng. Nhưng, thay thế bằng cách nào và như thế nào?

Có lẽ rất ít người không biết: Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa là quá trình nổ ra hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản trong hàng trăm năm: Cách mạng Anh năm 1688, các cuộc cách mạng Pháp vào các năm 1789 - 1794, 1830, 1848... Không thể phủ nhận được ý nghĩa to lớn của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản cổ điển là, chúng đã xóa bỏ về cơ bản chế độ chuyên chế phong kiến, phát quang mảnh đất xã hội hiện thực cho chủ nghĩa tư bản phát triển tự do, thay thế chế độ quân chủ bằng chế độ dân chủ. Và do đó, thế giới trước năm 1917, không còn nghi ngờ gì, là thế giới của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu sau khi chiến thắng các chế độ chuyên chế phong kiến, và đã bành trướng ra khắp thế giới. Các nước tư bản phát triển trở thành cái gọi là “trung tâm vũ trụ” (!). Chúng chi phối và làm mưa làm gió mọi mặt đời sống quốc tế, lúc bấy giờ.

Nhưng cũng vào chính đêm trước năm 1917 ấy, lịch sử thế giới dưới sự thống trị và nhào nặn của chủ nghĩa tư bản cũng đang âm ỉ và hàm chứa những tiền đề, những dữ kiện báo hiệu một thế giới đang rạn vỡ, cấp bách đòi hỏi cần phải đổi mới cơ cấu, chất lượng và hình thức phát triển. Chủ nghĩa tư bản đã cố sức làm nhưng không thể làm khác được, tự nó bộc lộ ra rõ nhất những mắt xích, những khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chính nó. Sự rạn vỡ của thế giới, sự phát triển không đồng đều của hệ thống tư bản chủ nghĩa với những mâu thuẫn cố hữu, phức tạp mà chính nó không đủ sức giải quyết... đã làm đảo lộn tư duy, chỉnh đốn lại lực lượng cách mạng thế giới, làm xuất hiện những tình thế cách mạng xã hội mới.

Trước tình hình đó, trong lúc không ít các nhà dân chủ - xã hội Nga cho rằng, trước hết, cần tạo ra những tiền đề văn minh cho chủ nghĩa xã hội đã, sau đó giai cấp công nhân mới có thể giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội..., thì V. I. Lê-nin đã đi ngược lại: kiên quyết đề nghị thay đổi trật tự thông thường đó bằng việc, trước tiên giai cấp công nhân giành lấy chính quyền, rồi sau đó, dựa vào chính quyền của mình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Sự vận động thực tế của nước Nga đương thời đã thừa nhận lời đề nghị đó của V. I. Lê-nin. Khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” là khẩu hiệu đầy sáng tạo, đầy khoa học và cách mạng. Nếu năm 1871, với cuộc cách mạng “tấn công lên trời” của Công xã Pa-ri thực sự là tiếng vọng của cuộc chiến tranh Pháp - Phổ; cuộc cách mạng Nga năm 1905 được thúc đẩy bởi sự chém giết giữa binh lính Nga và Nhật Bản; thì tương tự thế, cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã gây bão táp ở châu Âu để cho Cách mạng Tháng Mười trở thành đỉnh cao của cơn bão táp ấy.

Và là một tất yếu, Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đã nổ ra và thắng lợi.

Sự đột phá Tháng Mười mở đầu cho một xu thế phát triển mới của lịch sử thế giới, từ ngọn nguồn chủ nghĩa Mác. Nếu trước Cách mạng Tháng Mười, chế độ tư bản chủ nghĩa hiện diện tưởng như một định mệnh, như một trật tự vĩnh hằng, thì sau Tháng Mười - 1917, không ai không thấy, cánh cửa nhà tù thế giới ấy đã bị nổ tung, cái được thổi lên định mệnh ấy thành ảo tưởng, cái trật tự được tự coi là vĩnh hằng ấy bị lật nhào, tạo ra phản ứng dây chuyền cho hàng loạt cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô to lớn và chiều sâu cách mạng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, trên khắp hành tinh. Và cũng từ sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội thế giới hiện diện với tư cách là “một phát minh lịch sử vĩ đại nhất”, và như lời thừa nhận của chính cố Tổng thống Mỹ, ông R. Ních-xơn: “là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX”. Nhà nước Xô-viết - đứa con đẻ của Cách mạng Tháng Mười - đã trở thành tấm gương lịch sử hiện thực đối với các quốc gia, dân tộc vừa thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực đân đã thường lựa chọn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Rõ ràng, Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng mở đường thời đại mới, cột mốc lịch sử báo hiệu một chiều hướng phát triển mới của nhân loại - quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

Tấn bi hùng của lịch sử nhân loại và sự phán xét của những người chém dao xuống dòng sông chảy xiết

Một trăm năm qua, kể từ Cách mạng Tháng Mười, chưa có một cuộc cách mạng nào gây chấn động thế giới đến thế và giai cấp tư sản thế giới lại sợ hãi sự thật về Cách mạng Tháng Mười đến như thế! Sơ lược lịch sử, người ta tính được giai cấp tư sản đã ba lần “đánh giá”, “phán xét lại” về Cách mạng Tháng Mười.

Khi cuộc cách mạng vừa bùng nổ và thắng lợi, mọi tin tức về nó đều bị người ta ngăn chặn, bưng bít và cấm đoán. Dường như ai cũng biết, nếu đã đọc thiên phóng sự “Mười ngày rung chuyển thế giới” viết về Cách mạng Tháng Mười, Giôn Rít - một nhà báo Mỹ - đã phải giấu bản thảo tác phẩm đó của mình trong đống vỏ gỗ đựng xà-phòng mới có thể đem lọt nó về xứ sở của bức tượng Thần Tự do. Để xuất bản và phát hành được thiên phóng sự này, Giôn Rít bị bắt giam cả thảy tới 20 lần. Lần thứ 20, vì không có tiền chuộc mình, Giôn Rít buộc phải ký vào bản cam đoan rằng, chỉ hành nghề sáng tạo nghệ thuật chứ “không được tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng có tính chất tà đạo”.

Lại nữa, nếu theo giai cấp tư sản, Cách mạng Tháng Mười đó chỉ là “một cuộc bạo động của một nhúm nông dân và binh lính Nga say rượu”, thì hà cớ gì họ phải phát động một cuộc thập tự chinh kéo dài từ biển Hắc Hải tới miền Viễn Đông của đủ loại tướng, tá bạch vệ, với sự tiếp tay của 14 nước tư bản chủ nghĩa để chống lại nó? Thì ra, nói như Tô-gli-a-ti - một người cộng sản I-ta-li-a nổi tiếng - chỉ vì “Cách mạng Tháng Mười đã phá bỏ cái trật tự quái gở mà theo đó, chỉ những kẻ giàu có mới có quyền được thống trị thế giới, và chứng minh rằng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột có thể giành được chính quyền, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình là làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn so với cuộc sống trong các xã hội của giai cấp bóc lột(3).

Đó hẳn là lý do vì sao khiến cho giai cấp tư sản thế giới vô cùng sợ hãi, và không chỉ là sợ hãi như “một bóng ma lởn vởn châu Âu” ngót một trăm năm trước 1917, mà là nỗi kinh hãi hiện thực đe dọa chính số phận của nó. Và do đó, giai cấp tư sản đã không từ một thủ đoạn nào hòng ngăn chặn ảnh hưởng, mưu toan bóp chết tiến trình lịch sử do Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra, trong suốt các thập kỷ thứ ba, tư và thứ năm của thế kỷ XX.

Đó là lần thứ nhất giai cấp tư sản thế giới “phán xét” Cách mạng Tháng Mười.

Theo con đường lớn Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực không phải ở một Liên Xô mà còn hiện diện ở nhiều châu lục khác, với sức lôi cuốn không gì cản nổi. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành đối trọng mất còn của chủ nghĩa tư bản. Chính nhờ có đối trọng này mà thế giới vừa qua có sự cân bằng nhất định, loài người và nền văn minh nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng bởi con quái vật lịch sử là chủ nghĩa phát-xít trong thế chiến thứ hai. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ là nhân tố cần thiết cho hòa bình, ổn định thật sự của thế giới mà còn là điều kiện không thể thiếu để các nước nhỏ có được độc lập, tự do thật sự. Cách mạng Tháng Mười đã làm cho ngay các nước chủ nghĩa tư bản cũng phải có sự điều chỉnh lớn để bảo tồn chính nó: một mặt, thay đổi một số chính sách xã hội để giảm bớt mũi nhọn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; mặt khác, tiếp tục bao vây, phong tỏa, cấm vận toàn diện các nước xã hội chủ nghĩa và đàn áp đẫm máu các phong trào giải phóng dân tộc, nhất là các phong trào có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Phụ họa với sự “phán xét” bằng vũ lực, giai cấp tư sản thế giới dùng bộ máy tuyên truyền quảng bá rùm beng những cái gọi là “khoa học và lịch sử” sặc mùi chống cộng nhằm bôi nhọ và công kích vai trò lịch sử của Cách mạng Tháng Mười. Người ta thấy nhan nhản ở chợ trời tư tưởng phương Tây những ấn phẩm, đại loại như: “Tháng Mười đỏ” của Đê-ni-xơ, “Bọn Bôn-sê-vích cướp chính quyền” của Ra-bi-nô-vích, “Cách mạng Nga” của Xem-bec-lin, ...

Đó là lần thứ hai cuộc Cách mạng Tháng Mười được giai cấp tư sản “phán xét” lại.

Tới những năm 80 của thế kỷ XX và đặc biệt hiện nay, lợi dụng tình thế chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, người ta được dịp tung hô: “Chủ nghĩa xã hội - không cần nữa!”, “Tự do, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội”(!). Có những người vừa mới hôm qua, tán dương cổ vũ Cách mạng Tháng Mười thì hôm nay quay đầu lưỡi thổi phồng tính chất và ý nghĩa cuộc “Cách mạng tháng Hai”, coi đây mới là cuộc cách mạng hợp quy luật, là sáng tạo và nhân đạo. Họ coi cuộc Cách mạng Tháng Mười là một cuộc thể nghiệm sai lầm, là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng, kéo lùi sự phát triển của xã hội loài người(!). Ở phương Tây, các thế lực đế quốc ra rả các luận điệu: “sự biến ở Liên Xô và Đông Âu mới chính là những cuộc cách mạng chống lại Cách mạng Tháng Mười”(!), rồi “Cách mạng Tháng Mười đã bị lịch sử loại bỏ”, “1999 - cuộc chiến thắng không cần chiến tranh”(!) v.v..

Đây là lần thứ ba các học giả tư sản và những cái loa của họ “phán xét” về Cách mạng Tháng Mười.

Rồi sẽ có lần thứ tư, thứ năm nữa. Lịch sử vốn không bằng phẳng thì điều ấy và đại loại những điều ấy vốn đã ầm ỹ, hôm nay và ngày mai càng toáng lên, âu chẳng có gì làm lạ cả.

Tất cả hôm qua, hôm nay và mai sau, có thể hình dung, vẫn giống như cảnh người ta chém những ngọn dao xuống dòng sông đang chảy xiết!

Cách mạng vốn là đầu tàu của lịch sử. Và vì thế, dù trước hay sau, Cách mạng Tháng Mười vẫn là cái đầu tàu vĩ đại của một tiến trình lịch sử nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên, có lẽ không cần biện hộ và cũng chẳng cần tranh thảo với các “tư tưởng” ấy, mà xin quả quyết rằng, các học giả tư sản và những người “đồng hội đồng thuyền” với họ, dù cố ý không đọc, không nghe nhưng chắc chắn là biết ít nhất một trong mấy câu này: “Sự phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XX không phải là chủ nghĩa thực dân tuyên cáo kết thúc hoặc chủ nghĩa dân chủ có bước tiến lên, mà là chủ nghĩa cộng sản cực quyền vùng dậy”(4). Đây là câu nói của cố Tổng thống Mỹ, ông R. Ních-xơn, trong cuốn “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”. Câu nói thứ hai, cũng có một người Mỹ, ông Bao-lô-xu-ây-xi, trong quyển sách “Vấn đề chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại”, rằng: “... Nếu chủ nghĩa xã hội dùng trí lực của nhân loại - giống như C. Mác đã nói - thế thì, rất rõ ràng, ngoài chủ nghĩa xã hội không có sự cứu thế nào khác”(5).

Những câu nói ấy là hợp lý, hợp lý đến mức không thể chối cãi được về một chân lý rõ ràng: Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô với tất cả những gì nhân danh cuộc Cách mạng Tháng Mười bị sụp đổ chứ cuộc Cách mạng ấy không bị phá sản. Nhân loại tiến bộ dù đã chứng kiến những tấn bi hùng trong lịch sử phát triển của mình, nhưng không gì cản nổi, đang và sẽ tiếp tục hướng về, đi tới cái tất yếu chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười là cái đầu tàu mở đường thời đại ấy - thời đại nhân loại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội - không gì cưỡng được.

Đó là chân lý!

Sự thật có thể có nhiều, nhưng chân lý thì chỉ có một!

Và vì thế, dù đã trọn 100 năm trôi qua, Cách mạng Tháng Mười vẫn vẹn nguyên, vẫn nóng hổi ý nghĩa khởi nguyên từ năm 1917 - ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, với tính cách là cuộc cách mạng vạch thời đại và là chân lý ấy, dù cho thế nào, vẫn tỏa sáng cùng lịch sử nhân loại.

Do đó, lẽ hiển nhiên là, đứng trước chân lý, ai biết về nó mà cố tình lảng tránh thì tất bị chân lý hạ nhục, còn ai đó cố tình hạ nhục chân lý thì kẻ ấy tự hạ nhục chính mình.

Dù thế nào, nhân loại vẫn đang nhịp bước, sau trăm năm, trên Đường Lớn Tháng Mười!

Có một điều tưởng như trớ trêu là, chế độ xã hội chủ nghĩa xô-viết sụp đổ ngay trên mảnh đất quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Cái sự thật nghiệt ngã này đã khiến cho không ít người ngỡ ngàng, dao động, thậm chí mất phương hướng; và ngược lại, làm cho lắm người hí hửng, mừng vui, được dịp đoán bừa về cái gọi là “sự sụp đổ định mệnh của chủ nghĩa xã hội, sau Cách mạng Tháng Mười”(!); rằng, “Chủ nghĩa xã hội đã cáo chung”(!).

Lịch sử vốn không đơn giản và thuần nhất, vì “sự phát triển biện chứng trong giới tự nhiên và trong lịch sử - tức là mối liên hệ nhân quả của sự vận động tiến lên từ thấp đến cao thông qua tất cả những sự vận động chữ chi và những bước lùi tạm thời”(6). Cho nên, lịch sử của chủ nghĩa xã hội, vì thế, nói như C. Mác, đi đúng hướng tuy không nhanh như ta mong đợi. Nói cách khác, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội nói riêng không nằm ngoài quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung được biểu hiện bằng sự phát triển thống nhất trong đa dạng, giữa liên tục và đứt đoạn biện chứng, giữa đường thẳng và gấp khúc, giữa tiến lên và giật lùi, giữa ngưng đọng và nhảy vọt, v.v.. Nếu cứ khiếm thị, giản đơn coi những khúc quẩn quanh, thành bại ấy làm căn cứ để đánh giá, phán xét nông nổi về sự tồn tại - diệt vong, thì há chăng chính chủ nghĩa tư bản chẳng đã bị diệt vong từ vài thế kỷ trước đó rồi sao. Nhân đây, xin được nói lại thêm, chủ nghĩa tư bản đã có hơn 500 năm lịch sử dài dằng dặc, “thấm đầy máu” nhân loại trong “từng lỗ chân lông của nó”, thì chủ nghĩa xã hội hiện thực mới tròn 100 năm, kể từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Nói như cổ nhân, chớ vội đem sự thành bại, để luận anh hùng!

Sự vận động của lịch sử thế giới là tất yếu chủ nghĩa xã hội, xét từ bản chất và tiền đồ của chính chủ nghĩa tư bản(7) hay như chính tờ nhật báo “Phố U-ôn” (Mỹ) từng viết vào năm 1995, rằng: “Mác không giải phẫu chủ nghĩa tư bản, mà bắt đầu bằng cấu trúc nền tảng của nó để làm nổi bật lên những vấn đề của nó và để cuối cùng dự báo sự sụp đổ của nó”(8). Và nói như Mai-cơn Kha-rin-tơn: “Chủ nghĩa xã hội sẽ là người kế thừa các cuộc cách mạng tư sản vĩ đại, là phong trào hiện thực “tự do, bình đẳng, bác ái”, những điều không thể thực hiện được trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản... Nhiều nhà tư bản lo sợ rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ có một tương lai to lớn”(9). Chủ nghĩa tư bản dù đang là “cái tất yếu” nhưng “nhất thời”, như C. Mác nói.

Nhân loại đón nhận chủ nghĩa xã hội vì tất cả lô-gíc của sự phát triển xã hội đó, mà Cách mạng Tháng Mười là cuộc khai phá mở đường; và hiện nay, dù tan vỡ một bộ phận lớn những vẫn còn đó hơn 1,7 tỷ người sống dưới các chế độ xã hội chủ nghĩa và xu hướng xã hội chủ nghĩa, tại nhiều quốc gia ở các châu lục từ Á tới Mỹ La-tinh. Con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn là con đường các dân tộc đi theo để tổ chức một đại dương quần chúng sục sôi trong công cuộc cứu nước, chống lại mọi sự áp bức và nô dịch áp đặt từ bất cứ đâu và bất cứ phía nào, vì sự tiến bộ và giải phóng con người.

Nhìn một cách toàn cục, có thể hình dung và thấy hết sức rõ ràng, những mốc lớn của lịch sử chủ nghĩa xã hội thế giới qua mỗi bước thăng - trầm, có độ dài lịch sử khoảng 70 năm. Nếu năm 1847 - tổ chức Đồng minh những người cộng sản ra đời thì 70 năm sau - 1917, Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công - chủ nghĩa xã hội hiện thực hiện diện và phát triển rực rỡ cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ XX chủ nghĩa xã hội lâm vào khó khăn - tức cũng chừng 70 năm. Nhưng tất cả những gì đang có của chủ nghĩa xã hội ở châu Á và Mỹ La-tinh đang cho thấy những tín hiệu của sự phục hồi sau “trận động đất lịch sử” của chính chủ nghĩa xã hội. Và, như ông R. Ních-xơn đã cảnh báo cho nước Mỹ (và tất nhiên là cho cả chủ nghĩa tư bản), rằng: “Chủ nghĩa cộng sản cực quyền vùng dậy”. Chủ nghĩa xã hội, dù muốn hay không, nhất định sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng lần này và càng lớn mạnh hơn trong những thập kỷ tới. Lịch sử ấy đã như vậy và lịch sử nhất định sẽ tiến lên như vậy, nhưng chắc chắn với tốc độ nhanh hơn và chất lượng mới cao hơn, khi một thế giới đã trở nên “phẳng” hơn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi diện mạo và sức sống mới trên quy mô toàn cầu. Tất cả đang mở ra thời kỳ lịch sử phát triển rút ngắn và phát triển ngắn hạn hơn, trong một “thế giới phẳng”, tôi xin nhấn mạnh thêm, dù cũng “không phẳng” như ngày nay. Và, có thể dự báo vào những năm 50 hoặc sớm hơn thời điểm đó của thế kỷ XXI, chủ nghĩa cộng sản vùng dậy và mạnh mẽ hơn! Tuyệt nhiên, đó không phải là sự võ đoán hay kiểu nói bừa của một ông thày bói mà đó là sự vận động không thể gì cưỡng được, dù sớm hay muộn, của lịch sử, 100 năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - một trong những cuộc cách mạng - không thể bị tiêu diệt!

Và, hiện nay, ngay trên chính nước Nga, nhân dân Nga sống trong môi trường hậu Xô-viết sau hơn 20 năm, đã thấy rằng họ vẫn đánh giá cao chủ nghĩa xã hội trước đây (dù nhiều khiếm khuyết và chưa văn minh), khi số liệu điều tra cho biết có hơn 2/3 (69%) số người ở độ tuổi 60 phần lớn sống trong xã hội Xô-viết ủng hộ chủ nghĩa xã hội, tỷ lệ này ở người có độ tuổi 18-30 là 50%(10). Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, ngày 12-01-2008, Trung tâm Phân tích Lê-va-đa công bố: Có 56% số người dân Nga được hỏi cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% số người tin tưởng cuộc Cách mạng này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% số người cho rằng, cách mạng đã đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga; 16% cho rằng, đã kìm hãm sự phát triển của nhân dân; và 15% cho đó là mối họa.

Một trăm năm nhìn lại lịch sử thế giới từ Cách mạng Tháng Mười, thực tiễn đã và đang chứng minh một điều không thể phủ nhận được rằng: Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không chỉ thuần túy là tư tưởng của một giai cấp, càng không phải là một phương kế của một giai cấp để trấn áp giai cấp khác, như ai đó từng nói toáng lên và huyên thuyên như vậy. Đó là tư tưởng đạo lý, tư tưởng giải phóng loài người thông qua các cuộc cách mạng xã hội chống lại mọi sự phản nhân văn và phản tiến bộ, giải phóng trí tuệ và bảo đảm chất lượng cuộc sống của con người, vì sự công bằng và dân chủ, vì một thế giới tốt đẹp và thịnh vượng.

Và do đó, con đường mà cuộc Cách mạng Tháng Mười mở ra càng rõ ràng là con đường phát triển tự nhiên và tất yếu của thời đại xã hội chủ nghĩa bất diệt.

Thử hỏi còn ai đó căm ghét, phủ nhận và rắp mưu tiêu diệt cuộc Cách mạng Tháng Mười không biết nhẽ ấy, thì xin đọc kỹ những lời ấy của các chính trị gia, các nhà khoa học, ở đây là người Mỹ: R. Ních-sơn, Bao-lô Xu-ây-xi hay Mai-cơn Kha-rin-tơn... mà tôi đã dẫn ở trên để gửi cùng các vị!? Tới đây, điều trở nên rõ ràng là, những ai phỉ báng triết học nhiều nhất lại chính là những kẻ nô lệ của những tàn tích thông tục hóa, tồi tệ nhất của những học thuyết triết học tồi tệ nhất, như V. I. Lê-nin nói, tới mức hiển nhiên.

Cách mạng Tháng Tám - sự phát triển lịch sử tự nhiên của Đường Lớn Tháng Mười, ở Việt Nam!

Đó là lô-gic phát triển của lịch sử Việt Nam hiện đại một cách tự nhiên, không thể gì cưỡng được!

Cuộc cách mạng Việt Nam, dưới sự chèo lái của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến lên dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại một cách hiển nhiên, không úp mở; và dù còn nhiều khó khăn, nhưng tiếp tục tiến lên, suốt 87 năm qua, không gì cưỡng và cản nổi! Đó là con đường dân tộc phá tan ách nô lệ thực dân cùm trói suốt hơn 80 năm và rũ bỏ gông xiềng hàng ngàn năm phong kiến trói buộc, đông đảo nhân dân phá bỏ thân phận vong quốc nô, bằng Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, để Việt Nam trở lại là chính mình, để tồn tại và phát triển trên nền móng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí không gì lay chuyển được và hành động kiên quyết về quyền tự quyết dân tộc, về sự lựa chọn của lịch sử đất nước Việt Nam! Đó không chỉ là nguyện vọng duy nhất đúng của đông đảo nhân dân Việt Nam mà còn là mục tiêu, là động lực và nguồn hội tụ sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam một cách không gì chối bỏ, bôi nhọ và phủ nhận được.

Lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, hơn 87 năm qua, đã, đang và không bao giờ bào chữa cho mình. Lịch sử nhân loại trên thế giới phán xét và xác nhận điều đó! Vì thế, không một thế lực nào và bất cứ ai tự cho mình cái quyền bước qua liêm sỉ, chà đạp quốc sỉ, rồi bôi nhọ, báng bổ quyền tự quyết của cách mạng Việt Nam. Đất nước Việt Nam hơn 72 năm qua, với hơn 94 triệu đồng bào, dưới ngọn cờ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vinh dự nhận được sự xác quyết và công nhận của toàn bộ gần 200 quốc gia, dân tộc trên khắp hoàn cầu.

Việt Nam bền bỉ thực thi kiên định và bảo vệ vô điều kiện những quyền tự nhiên và bình đẳng không ai có thể xâm phạm được của một quốc gia, dân tộc trong vị thế độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Và, dân tộc này từ xưa tới nay, luôn tôn trọng vô điều kiện và tự nhiên quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia, dân tộc khắp hoàn cầu. Và, vì vậy, là một lẽ tự nhiên, dân tộc Việt Nam quyết không thể dung thứ một ai, những thế lực nào tự cho mình cái gọi là, quyền phán xét, chà đạp dân tộc khác, nhân danh “tự do” hay “dân chủ” xuyên tạc sự thật lịch sử và xúc phạm danh dự dân tộc Việt Nam; sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động của bất cứ ai chống phá nền độc lập tự do, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, xúc phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại thông lệ thế giới. Đó là lương tâm, danh dự và bản lĩnh Việt Nam!

Khi trận “động đất lịch sử” của chủ nghĩa xã hội năm 1991 xảy ra, đã đẩy hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có; và người ta kết tội vô cớ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, trong đó một số người từng “ăn theo” và phất lên nhờ cuộc Cách mạng ấy cũng trở cờ hạ nhục chân lý vĩ đại từ cuộc Cách mạng đó! Và, tất cả họ quay ra cổ súy, tung hô chủ nghĩa tư bản. Nhân thế, ở Việt Nam, nhiều người “theo đuôi” những người ấy, lại mang tâm lý thù ghét, họ quay ra xúc xiểm, nhắm mắt phủ nhận bừa cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam; thù địch phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới ngọn cờ của cuộc Cách mạng Tháng Mười v.v. và v.v..

Điều sơ đẳng nhất ở đây sẽ là: Nếu sự xấu hổ giết chết con người thì những kẻ “ăn theo” rồi bôi nhọ các cuộc Cách mạng ấy đáng phải chết nhiều lần. Vì, nhân thế cho thấy, ai không biết xấu hổ thì không thể thành người được! Tôi chưa nói tới sự tráo trở và phản trắc!

Thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười chỉ duy trì và phát triển gần 74 năm, kể từ năm 1917 tới năm 1991, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ. Vì sao như vậy? Lịch sử sẽ phán xét. Nhưng có một điều không ai phủ nhận được, rằng dưới ngọn cờ đó, hàng loạt các cuộc cách mạng từ Á sang Âu tới Mỹ La-tinh nổ ra và thành công - cái quả lịch sử của cây Cách mạng này đã “nảy mầm”: Việt Nam năm 1945, Trung Quốc năm 1949, Cu-ba năm 1959 và nhiều quốc gia dân tộc khác, làm nên một hệ thống thế giới, đi trên con đường xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Không ai cưỡng được! Và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu khác, do nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất, họ đi chệch khỏi quỹ đạo xã hội chủ nghĩa mà cuộc Cách mạng này vạch ra. Sự sụp đổ cũng không gì cứu vãn được! Một cuộc cách mạng không biết tự bảo vệ mình thì sự thất bại do sai lầm, bạc nhược, mất lòng dân, do bị phản bội..., cũng tất yếu như sự nó phải sinh ra, và cả hai đều là như nhau. Và, hơn bao giờ hết, giờ đây, nhân loại càng cần tỉnh táo trước những thủ đoạn mới của không ít thế lực đang rắp tâm làm: Muốn xóa bỏ một quốc gia người ta tìm cách xóa bỏ quá khứ lịch sử của quốc gia đó, để hiểu vì sao người ta đang bôi nhọ và rắp mưu xóa bỏ Cách mạng Tháng Mười Nga, trên quy mô toàn thế giới.

Tranh đấu và hy sinh dưới ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là cuộc cách mạng tất yếu của Nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hơn 72 năm qua. Đó là con đường duy nhất đúng. Dân tộc Việt Nam kiên định vững bước trên con đường ấy, dù đang đầy chông gai, cạm bẫy, nhưng phải tới đích cuối cùng: Chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam, là con đường phát triển tự nhiên của Dân tộc Việt Nam nhịp bước cùng thời đại. Trái điều đó là thất bại!

Đó là lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945!

Trên đời, lý tưởng dù tốt đẹp tới bao nhiêu thì chỉ dừng lại là lý tưởng, sẽ không thể có gì là mãi mãi, nếu chúng ta không nhận thức ra cái tất yếu và hành động một cách tất yếu, theo cái tất yếu!

Với vị thế là người lãnh đạo, người duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục “tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất”, “gan góc nhất”, “là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”, mãi xứng đáng “là đứa con nòi” của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói; đề phòng và đẩy lùi mọi hủ bại, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong rất nhiều trọng sự, hiện nay, cần chống mọi biểu hiện và hành động “kiêu ngạo cộng sản”, ngăn ngừa và thủ tiêu mọi biểu hiện tha hóa quyền lực, hóa giải nguy cơ cát cứ “sứ quân”, kiểm soát chặt chẽ quyền lực và kiên quyết tẩy trừ nạn tham nhũng. Đây chính là những “cục nghẽn mạch” - căn nguyên làm Đảng đột quỵ, những “khối u các tính” có nguy cơ khiến Đảng tiêu vong. Không được lấy quyền lực thay cho năng lực cầm quyền. Vì, lịch sử cảnh báo: Không một kẻ thù nào, dù hung bạo tới đâu, có thể tiêu diệt được Đảng, ngoại trừ chính những người cộng sản tự làm băng hoại mình và làm tan vỡ Đảng. Do đó, Đảng phải luôn xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” một cách vẻ vang.

Nhà nước xứng đáng với sự tin cậy làm tròn bổn phận của mình, trong vị thế là “công bộc” của Nhân dân. Tất cả phải giữ vững lòng tin đối với Nhân dân và trong Nhân dân và bè bạn quốc tế. Nếu không như thế, chắc chắn những di sản của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945, may mắn lắm chỉ còn trên trang giấy và trong ký ức! Vì, Đảng và Nhà nước chúng ta, nói như V. I. Lê-nin, chỉ như những giọt nước trong đại dương, nên chỉ khi nào biểu hiện đúng ý niệm của Nhân dân thì chúng ta mới quản lý được Nhà nước và Nhà nước quản lý được xã hội. Nếu không như thế, Đảng sẽ không lãnh đạo được Nhà nước và Nhà nước sẽ không lôi cuốn được Nhân dân theo mình; và tất cả bộ máy sẽ tan rã!

Đó là công cuộc vô cùng khó khăn, thậm chí đầy thách thức nguy hiểm, nhưng phải làm, nếu muốn tồn tại và phát triển, như V.I. Lê-nin nhắc: Sống trong bầy lang sói thì phải gào thét lên như lang sói. Còn việc tiêu diệt bọn lang sói... thì chúng ta hãy nắm vững câu tục ngữ khôn ngoan của Nga: Đừng vội khoe khoang khi ra trận, hãy đợi khi chiến thắng trở về!

Phiêu lưu, manh động hay co thủ, rụt rè, cả hai thái cực đều nguy hiểm như nhau!

Đó là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam, trong thời đại ngày nay!

Khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, Đảng Bôn-sê-víc Nga chỉ chưa đầy một triệu đảng viên trong hơn một trăm triệu thợ thuyền, binh lính, nông dân và dân chúng nước Nga cùng Đảng lật đổ chế độ Nga Sa hoàng. Đảng Cộng sản Việt Nam, khi lãnh đạo dân tộc giành chính quyền vào Tháng Tám năm 1945, chưa đầy 5.000 đảng viên trong 25 triệu đồng bào nước Việt “rũ bùn đứng dậy” phá bỏ xiềng gông nô lệ của thực dân Pháp suốt hơn 80 năm và lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm.

Nhân dân giữ vai trò quyết định sự thành công của các cuộc cách mạng này, là chủ nhân và động lực phát triển của các dân tộc này, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Đó là bản chất của các cuộc Cách mạng này! Với Đảng và Nhà nước ta, hơn hết bao giờ, phải sống, hoạt động trong lòng Nhân dân, gan góc hy sinh vì lợi ích của Nhân dân, của Dân tộc và Tổ quốc một cách toàn vẹn và thống nhất. Không như thế, nhất định cầm chắc sự thất bại tất yếu. Đó cũng chính là lợi ích của Đảng, của Nhà nước và sự bền vững của chế độ. Bởi, cái tất yếu phát triển của lịch sử chủ nghĩa xã hội Việt Nam, không phải là gì khác mà là và phải thuộc về Nhân dân, phù hợp với điều kiện dân tộc và sự vận động, phát triển của thời đại.

Đó cũng chính là chân lý phát triển của toàn bộ lịch sử thế giới loài người!

Một trăm năm nhân loại đã đi qua lịch sử, kể từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, dù gập ghềnh, chông gai, nhưng tất cả đang tiến lên phía trước: Vì độc lập tự do cho mỗi dân tộc, hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ cho toàn thể nhân loại, mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi trước mở đường và gan góc hy sinh.

Rõ ràng, chúng ta có thể đo lịch sử thế giới nói chung, vị trí thật sự của sự kiện này hay khác nói riêng bằng những hệ giá trị quy chiếu khác nhau: hoặc bằng thời đại, hoặc bằng hình thái kinh tế - xã hội, hoặc bằng các chỉ số phát triển khác... Và mặt khác, cũng có thể đo sự phát triển của nhân loại nói chung, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc cách mạng này hay khác, nhất là các cuộc cách mạng có tầm vóc làm rung chuyển thế giới nói riêng, bằng cách không phải được xác định ngay, xác định một lần mà phải trải qua nhiều lần, nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ; qua các cuộc thẩm định, tới mức trái ngược nhau... Qua đó, phát hiện ý nghĩa của nó, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử rút ra từ đó đối với mỗi quốc gia, dân tộc và đối với lịch sử loài người.

Chân lý vốn được sinh ra như thế!

Theo nghĩa tự nhiên đó, không thể nghi ngờ gì nữa, năm 1917, Chân lý Thời đại tỏa sáng: Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử toàn thế giới, có ý nghĩa vạch thời đại và là cái đầu tàu của lịch sử nhân loại tiến bộ: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hiện thực xuyên hai thế kỷ qua!

Tiếp bước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn dắt Dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi, và tiếp tục đi một cách kiên định trên Đường Lớn Tháng Mười, vì một nước Việt Nam độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sánh vai cùng các quốc gia, dân tộc, trên khắp hoàn cầu, như một lẽ sống và phát triển hiển nhiên!

Đó là con đường phát triển duy nhất đúng của chúng ta!

Lịch sử đã và đang đi đúng hướng tất nhiên, dù không nhanh như chúng ta mong đợi!

Tất cả, không thể gì đảo ngược!./.

-------------------------------------------------------------------------

(1) Xem C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, t. 19, tr. 121 (bản tiếng Nga)
(2) Xem C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Sđd, t. 21, tr. 184
(3) P. Tô-gli-a-ti: Cách mạng Tháng Mười và phong trào công nhân quốc tế, Mát-xcơ-va, 1988, tr. 247
(4), (5) Dẫn theo Trương Lôi Khắc - Tự Lập Bình: Lịch sử, hiện trạng và tương lai của chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 310, 311
(6) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 399
(7) Xem: Tạp chí Cộng sản, số 23/12-1996, tr. 26 - 30
(8) Cái còn lại của Mác, báo “Phố U-ôn” (Mỹ) ra ngày 25-11-1991. Dẫn theo Thông tin những vấn đề lý luận, số 4/1995, tr. 6
(9) Mai-cơn Kha-rin-tơn: Chủ nghĩa xã hội quá khứ và tương lai, Tạp chí Thời mới, số 34/1994. Dẫn theo Thông tin những vấn đề lý luận, số 4/1995, tr. 5
(10) Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Thông tin tham khảo, phụ trương Sổ tay xây dựng Đảng, số 4/2014. tr. 28