Sáng 26-10-2017, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.
Việc này giúp xử lý căn bản và triệt để nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém bằng hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Tán thành với việc cần thiết ban hành dự án Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất lồng ghép luôn những vấn đề cần chỉnh sửa tại dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, tính hoàn thiện của việc sửa đổi, bổ sung; xem xét tổng thể, thấu đáo, tránh việc sửa đổi manh mún, gây mất ổn định, tốn kém ngân sách và lãng phí thời gian, bởi đây là văn bản quan trọng có tác động đến toàn nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.

Bảo đảm an toàn cho người gửi tiền

Góp ý quy định phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phân tích hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan truyền và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy, cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó có các hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi và chuyển giao, tránh phá sản.

Việc phá sản ngân hàng thương mại gây tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt. Điều này có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền của cả hệ thống. Người gửi tiền có thể tụ tập khiếu kiện đông người gây mất trật tự an toàn xã hội và các hệ lụy khác. Nếu phá sản các tổ chức tín dụng là bắt buộc, dự án Luật nên có quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn cho người gửi tiền và an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, đại biểu Thơ đề nghị cần làm rõ các quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trước và sau cơ cấu lại.

Đồng ý kiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đặt câu hỏi tại Kỳ họp thứ 3, dự án Luật có quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền khi thực hiện phá sản tổ chức tín dụng yếu kém nhưng tại Kỳ họp này lại không còn quy định này trong dự án Luật nữa. Vậy quyền lợi của người gửi tiền sẽ xử lý như thế nào nếu phá sản tổ chức tín dụng?

Đại biểu băn khoăn theo dự án Luật, đối với phương án chuyển giao bắt buộc, đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc phải là tổ chức tín dụng. Trong trường hợp không thực hiện được chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quy định về chủ trương cũng như thực hiện phương án phá sản. Như vậy, phương án phá sản là phương án cuối cùng để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Thiết kế Luật theo hướng này, trường hợp đối với ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu bị phá sản, nguy cơ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội cao và ảnh hưởng đến cộng đồng rất lớn.. sẽ làm gì đối với những ngân hàng này?

Nêu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền phải là ưu tiên đầu tiên, bởi đó mới là cổ đông lớn nhất của các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) dẫn chứng nguồn kinh phí người gửi chiếm tới 85% nguồn vốn của các tổ chức tín dụng nên cần bảo đảm sự ưu tiên. Dự án luật quy định 5 phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trong đó có phương án giải thể và phá sản nhưng chưa quy định rõ về quyền lợi của người gửi tiền trong hai trường hợp này.

Đồng thời, dự án Luật cũng quy định nội dung các tổ chức tín dụng tự phục hồi có nội dung chi trả theo lộ trình đối với tiền gửi của khách hàng là pháp nhân nhưng cũng chưa quy định đối với khách hàng là cá nhân; quy định nội dung phương án phá sản, có phương án chi trả tiền gửi cá nhân nhưng không có quy định đối với pháp nhân. Cần có quy định cụ thể hơn để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, không phân biệt pháp nhân hay cá nhân - đại biểu đề xuất.

Con người - yếu tố quyết định để tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Liên quan đến quy định về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định việc phân công người đảm nhận nhiệm vụ này phải có cơ chế đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm, tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Bởi, nhân tố con người là yếu tố quyết định để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu rủi ro lan truyền ảnh hưởng đến mức độ an toàn lành mạnh của cả hệ thống tổ chức tín dụng, nhất là đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Cùng ý kiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị giữ lại quy định về việc miễn trách nhiệm cho người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Bởi, quy định này là cần thiết để bảo vệ pháp lý cho những người đang nhận và xử lý những công việc khó khăn, phức tạp, chưa có quy định cụ thể trong việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Dự án Luật đã quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chỉ được miễn trách nhiệm nếu đã thực hiện đúng và đủ nhiệm vụ của mình.

Làm rõ các trường hợp không được sử dụng ngân sách nhà nước


Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi một trong nguyên tắc xuyên suốt là không sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, đối chiếu với dự án cho thấy, nguyên tắc này trong một số trường hợp chưa được quán triệt một cách triệt để.

Trong việc được vay các khoản vay đặc biệt, theo quy định của dự án Luật, các tổ chức tín dụng được hưởng các khoản vay đặc biệt với mức ưu đãi đến 0%, vay từ Ngân hàng Nhà nước, từ bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, trong dự án Luật lại chưa làm rõ trong trường hợp áp dụng các biện pháp hỗ trợ nêu trên, các tổ chức tín dụng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản không có khả năng thanh toán các khoản này thì sẽ xử lý như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản vay này?.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém của quốc tế, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), tại nhiều nước, Nhà nước thừa nhận sử dụng tiền thuế của dân nhưng có phương án tái cơ cấu phục hồi rõ ràng, đến một lúc nào đó 2 hoặc 3 năm sau sẽ bán lại và có lời.

Đặc biệt, toàn bộ quá trình này sẽ được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Đây chính là vấn đề quyết định tạo niềm tin trong nhân dân. Đại biểu Nghĩa nêu quan điểm cần thiết kế cơ chế để minh bạch việc sử dụng ngân sách trực tiếp hoặc sử dụng gián tiếp. Nếu như ảnh hưởng, phải xác định ảnh hưởng như thế nào để báo cáo nhân dân, cử tri./.