TCCSĐT - Tuần qua, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết đã đến thăm Cô-lôm-bi-a và hội đàm với Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt tại thành phố Xan-ta Mác-ta, miền đông Cô-lôm-bi-a. Sau hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định chính thức nối lại quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại giữa hai nước.
 
1. Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a nối lại quan hệ ngoại giao

Tuần qua, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết đã đến thăm Cô-lôm-bi-a và hội đàm với Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt tại thành phố Xan-ta Mác-ta, miền đông Cô-lôm-bi-a. Sau hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định chính thức nối lại quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại giữa hai nước. Trong Tuyên bố chung, Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la khẳng định, hai bên nhất trí "tái khởi động quan hệ song phương và nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước dựa trên cơ chế đối thoại minh bạch và trực tiếp". Hai bên cũng thông báo sẽ thành lập năm ủy ban chung, phụ trách các vấn đề trả nợ cho các nhà xuất khẩu Cô-lôm-bi-a và tái thúc đẩy quan hệ thương mại, xúc tiến thỏa thuận bổ trợ kinh tế, phát triển kế hoạch đầu tư xã hội tại khu vực biên giới, cùng phát triển các công trình hạ tầng cơ sở và an ninh. Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt cho biết, Tổng thống U.Cha-vết đã bảo đảm rằng Ca-ra-cát sẽ không cho phép các nhóm phiến quân Cô-lôm-bi-a thiết lập căn cứ bên trong lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la. Hai bên cam kết sẽ tiến hành đối thoại thẳng thắn và chân thành nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng này.

2. Liên hợp quốc công bố Chương trình "Thập kỷ chống sa mạc hóa"

Ngày 16-8-2010, Liên hợp quốc đã công bố Chương trình "Thập kỷ chống sa mạc hóa" nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động để đối phó với tình trạng sa mạc hóa hiện đang đe dọa việc làm và cuộc sống của hơn một tỷ người ở 100 nước trên thế giới. Trong thông điệp gửi tới hội nghị về chống sa mạc hóa diễn ra ở thành phố Photalêda (Fortaleza), Bra-xin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun khẳng định cam kết tăng cường nỗ lực chăm sóc và bảo vệ đất để thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và bảo đảm hạnh phúc của con người. Mục tiêu của sáng kiến này, kéo dài từ năm 2010-2020, là nhằm "đảo ngược và ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, làm nhẹ tác động của hạn hán tại các khu vực bị ảnh hưởng để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và phát triển môi trường bền vững". Theo số liệu của Liên hợp quốc, các vùng đất khô cằn và sa mạc hiện là nơi cư trú của 1/3 dân số trên Trái Đất, tức 2,1 tỉ người mà có tới 90% trong số này sống ở các nước đang phát triển. Hiện có khoảng 1 tỉ người đang phải chật vật để tìm cái ăn tại những vùng núi đá. Trong khi đó, mỗi năm thế giới lại có một diện tích lớn tương đương Hy Lạp hay Nê-pan bị sa mạc hóa hoặc thoái hóa. Đại Hội đồng Liên hợp quốc giao cho Hội nghị Chống Sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) phối hợp với 4 cơ quan khác gồm: Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Quốc tế Phát triển Nông Nghiệp của Liên hợp quốc (IFAD) và Ban Thông tin Đại chúng của Liên hợp quốc (DPI) đẩy mạnh các hoạt động liên quan Thập kỷ bảo vệ và chống sa mạc hóa.

3. Chuyến thăm dân sự đầu tiên của Hàn Quốc tới Triều Tiên sau lệnh cấm qua lại biên giới

Ngày 17-8-2010, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Li Chông Chu (Lee Jong-joo) cho biết, nước này đã có chuyến thăm dân sự đầu tiên tới CHDCND Triều Tiên, ba tháng sau khi Xơ-un ra lệnh cấm các hoạt động qua lại biên giới liên Triều. Một nhóm gồm 5 người Hàn Quốc, trong đó có một bác sĩ, đã tới thành phố biên giới Kê-xâng (Kaesong) của Triều Tiên để cấp phát viện trợ trị giá 400 triệu uôn (tương đương 340.000 USD) nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét lây lan ở khu vực biên giới. Những người này dự kiến sẽ trở lại Hàn Quốc ngay trong ngày, sau khi thực thi sứ mệnh. Chuyến thăm dân sự được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã gia tăng mạnh mẽ sau khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành một cuộc điều tra đa phương, cáo buộc Triều Tiên đã sử dụng ngư lôi làm nổ tàu chiến Chơ-nan (Cheonan) của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải hôm 26-3, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên cực lực bác bỏ mọi liên quan tới vụ việc này. Ông Li Chông Chu khẳng định chuyến thăm dân sự nêu trên không liên quan tới quan điểm của Xơ-un trong vụ Chơ-nan.

4. Ðơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi I-rắc

Ngày 18-8-2010, lữ đoàn chiến đấu "Stryker”, thuộc sư đoàn bộ binh số 2 có 4.000 quân là đơn vị chiến đấu rút khỏi I-rắc sau bảy năm rưỡi Mỹ phát động chiến tranh lật đổ chế độ X.Hu-xê-in. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.Crâu-li cho đây là thời khắc lịch sử, đánh dấu việc chấm dứt sứ mệnh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ chưa kết thúc công việc tại I-rắc, các hoạt động tiếp theo chuyển từ tác chiến sang ổn định tình hình. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã ấn định ngày 31-8 tới sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại I-rắc. Số binh sĩ Mỹ tại I-rắc lúc đó chỉ còn khoảng 50 nghìn người, làm nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện lực lượng I-rắc. Cùng ngày, Ðại sứ quán Mỹ thông báo Ðại sứ mới tại I-rắc, ông Giêm Gi-phrây đã đến Bát-đa và trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống nước chủ nhà G.Ta-la-ba-li. Hãng thông tấn CNN cho biết, ngày 1-9-2010 sẽ có khoảng 6.000 quân Mỹ nữa rời I-rắc. Và từ ngày 1-9-2010, chiến dịch quân sự của Mỹ tại I-rắc sẽ được mang tên gọi là “Bình minh mới” để khẳng định chức năng và nhiệm vụ mới của quân đội Mỹ ở I-rắc. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ rút hết toàn bộ lực lượng ra khỏi I-rắc vào cuối năm 2010.

5. Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 16

Từ ngày 18-8 đến ngày 20-8, tại thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét của Ác-hen-ti-na đã diễn ra Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 16 với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu từ 54 đảng, các tổ chức chính trị cánh tả của 33 nước tại Mỹ La-tinh, Ca-ri-bê, và các đoàn đại biểu khách mời đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Li-bi. Cuộc họp năm nay trùng vào dịp diễn đàn chính trị cánh tả tại Tây Bán cầu này kỷ niệm tròn 20 năm ngày ra đời. Với chủ đề “Chủ nghĩa thực dân tại châu Mỹ của chúng ta, phân tích, triển vọng và tình hữu nghị”, mục đích của Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 16 là tăng cường tình đoàn kết giữa các đảng tiến bộ, nhân dân và phong trào cánh tả cũng như mở rộng hội nhập khu vực. Trong ba ngày làm việc, các đại biểu tham dự Diễn đàn Sao Paulo đã đề cập nhiều lĩnh vực, từ lập pháp, chính quyền các cấp tới công tác nghiên cứu tư tưởng, an ninh, môi trường, phong trào xã hội, dân chủ hóa thông tin đại chúng, phi thực dân hóa và di cư. Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó ủng hộ Ác-hen-ti-na nhận chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nat, lên án cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba, và kết nạp Mặt trận Phản kháng nhân dân toàn quốc (FNRP) của Hon-đu-rat - phong trào chống lại cuộc đảo chính tháng 6-2009 lật đổ Tổng thống Ma-nu-en De-lay-a - làm thành viên của Diễn đàn. Diễn đàn lần thứ 17 sẽ được tổ chức vào năm tới tại tại thủ đô Ma-na-goa của Ni-ca-ra-goa.

6. Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Công (GSM) mở rộng lần thứ 16

Trong hai ngày 19 và 20-8, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Công (GSM) mở rộng lần thứ 16 đã được tổ chức. Hội nghị thảo luận và thông qua các chiến lược, lộ trình và chương trình hành động mới, qua đó xác định những nhiệm vụ hợp tác trong nhiều lĩnh vực và khu vực ưu tiên của GSM. Hội nghị rà soát và tiếp tục hướng dẫn chuẩn bị khuôn khổ chiến lược dài hạn tiếp theo cho GSM, cũng như xử lý các vấn đề, vướng mắc liên quan việc phát triển các hành lang kinh tế GSM. Trong ngày đầu của Hội nghị đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao và Hội nghị các đối tác phát triển. Tại Hội nghị quan chức cấp cao, các đại biểu đã thảo luận về các kết quả đạt được của hợp tác GSM trong thời gian qua đồng thời xây dựng kế hoạch hành động về việc thuận lợi hóa giao thông và thương mại; các định hướng đối với khung chiến lược mới của GSM... Tại Hội nghị các đối tác phát triển, các đại biểu đã chia sẻ những cơ hội, thách thức, các định hướng trong tương lai của hợp tác khu vực GSM; đề xuất các ý tưởng nhằm nâng cao hiệu quả sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển đối với chương trình GSM và bảo đảm tính liên kết và liên tục của các định hướng chiến lược mới của khu vực với các ưu tiên chiến lược dài hạn của các đối tác phát triển.

7. Ác-mê-ni-a và Nga tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và đồng minh

Ngày 20-8-2010, Tổng thống Ác-mê-ni-a, ông Xéc-giơ Xác-gơ-xi-an (Serzh Sargsyan) và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã có cuộc hội đàm ở Ê-rê-van trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ác-mê-ni-a của Tổng thống Mét-vê-đép, trong đó hai bên khẳng định chủ trương tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và đồng minh. Tổng thống Mét-vê-đép nêu rõ quan hệ Nga - Ác-mê-ni-a mang tính chất đồng minh tin cậy và gắn bó, dựa trên tình hữu nghị lâu đời và sự hợp tác toàn diện cùng có lợi. Tổng thống Xác-gơ-xi-an cho rằng chuyến thăm Ác-mê-ni-a lần này của Tổng thống Nga đã mở ra một giai đoạn mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và đồng minh giữa hai nước. Kết thúc hội đàm, hai Tổng thống đã chứng kiến lễ ký 5 văn kiện hợp tác giữa Ác-mê-ni-a và Nga, trong đó có Văn bản gia hạn 49 năm (từ năm 1995 đến năm 2044) thời gian hoạt động của căn cứ quân sự Nga tại Gium-ri; Hiệp định liên chính phủ về hợp tác xây dựng các tổ máy mới của Nhà máy điện nguyên tử Mê-xa-mo ở Ác-mê-ni-a; Thỏa thuận về mở các cơ quan đại diện thương mại trên lãnh thổ của nhau cùng Nghị định thư về thành lập các trung tâm dịch vụ-bảo hành vũ khí và kỹ thuật quân sự Nga trên lãnh thổ Ácmênia. Hai bên đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh Ác-mê-ni-a và Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình nhanh chóng cho cuộc xung đột Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian trên cơ sở công bằng và được tất cả các bên liên quan cùng chấp nhận. Hai bên hoan nghênh hoạt động xây dựng của các đồng Chủ tịch Nhóm trung gian Min-xcơ (Minsk) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm đạt được giải pháp hòa bình đó. Hai bên đánh giá cao những nguyên tắc không sử dụng sức mạnh hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

8. Hội nghị hợp tác Nam-Nam về người tàn tật

Ngày 20-8-2010, Hội nghị hợp tác Nam-Nam về người tàn tật tổ chức ở Băng Cốc (Thái Lan) đã kết thúc với lời kêu gọi của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức kinh doanh và các tổ chức của người tàn tật đảm bảo quyền cho 400 triệu người tàn tật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị nhấn mạnh các nhà kinh doanh cần phát triển các kế hoạch kinh doanh và việc làm đa dạng và toàn diện hơn nhằm khai thác khả năng lao động và sức mua lớn tiềm tàng của người tàn tật mà lâu nay ít được chú ý ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tuyên bố của Hội nghị kêu gọi phát huy tiềm năng to lớn của người tàn tật và thúc đẩy phát triển kinh doanh bao quát xã hội như là những ưu tiên trong thập kỷ thứ 3 của người tàn tật bắt đầu từ năm 2013. Thập kỷ thứ 2 của người tàn tật khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ kết thúc vào năm 2012. Giám đốc phát triển xã hội của Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương (ESCAP), Nan-da Krai-ric-sơ, lưu ý rằng, phần lớn trong số khoảng 400 triệu người tàn tật ở khu vực này sống ở nông thôn và các khu vực biệt lập nghèo khổ luôn phải đối đầu với những rào cản xã hội sâu sắc và dai dẳng. Ông cho rằng cần phải xem họ như những người góp phần thúc đẩy động lực kinh tế khu vực. Liên hợp quốc nhấn mạnh các nước trong khu vực cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình trong Khuôn khổ hành động Thiên niên kỷ Biwako về xây dựng xã hội tôn trọng nhân quyền và không rào cản xã hội đối với người tàn tật trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã được ESCAP thông qua tháng 5-2002 nhằm đảm bảo các quyền của người tàn tật trong thế kỷ XXI.

9. Bầu cử ở Ô-xtrây-li-a kết thúc với nguy cơ "Quốc hội treo"

Ngày 21-8-2010 Cuộc tổng tuyển cử tại Ôx-trây-li-a đã kết thúc với kết quả ban đầu cho thấy cả Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard) và Liên đảng Tự do - Dân tộc đối lập do ông Tô-ni Áp-bót (Tony Abbott) lãnh đạo đều không bảo đảm được đa số tối thiểu 76 ghế tại Hạ viện gồm 150 ghế, khiến triển vọng "Quốc hội treo" đang trở nên hiện hữu hơn. Phát biểu trước những người ủng hộ Công đảng ở Men-bơn (Melbourne), Thủ tướng Gi-lát đã thừa nhận rằng với kết quả quá sít sao, khó có thể đoán trước được điều gì và trước mắt sẽ "còn những ngày lo lắng". Cuộc bầu cử năm nay được cho là gay go và quyết liệt nhất trong nhiều thập niên qua, do tỷ lệ ủng hộ dành cho hai phe chỉ chênh nhau có vài phần trăm. Thủ tướng Gi-lát lên nắm nắm quyền thay ông Ken-vin Rút (Kevin Rudd) hồi tháng 6 vừa qua. Nếu Công đảng thắng cử, bà Gi-lát sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một chính đảng giành thắng lợi trong một cuộc tổng tuyển cử ở Ô-xtrây-li-a. Nhưng nếu Công đảng thất cử, bà sẽ trở thành một trong những thủ tướng có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước này và là lãnh đạo của Chính phủ đầu tiên không tái đắc cử trong vòng 79 năm qua.

10. Nga và I-ran lập xí nghiệp quản lý nhà máy điện hạt nhân Bu-se-ra

Ngày 21-8-2010, các chuyên gia kỹ thuật của Nga và I-ran bắt đầu lắp đặt các thanh nhiên liệu, hay còn gọi là quá trình khởi động vật lý, cho tổ máy năng lượng đầu tiên của nhà máy điện nguyên tử của I-ran tại thành phố Bu-se-ra (Bushehr) trên bờ Vùng Vịnh. Đây là cột mốc quan trọng trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran. Trong giai đoạn đầu, Nga sẽ cung cấp đủ nhiên liệu cho nhà máy Bu-se-ra, tỷ lệ số nhân viên tham gia điều khiển nhà máy điện nguyên tử Bu-se-ra của I-ran và Nga sẽ là 50:50. Sau đó, số nhân viên của Nga sẽ giảm dần. Và sau 2 đến 3 năm vận hành chung, Nga sẽ chuyển giao nhà máy này để phía I-ran quản lý và khai thác. Đánh giá về sự kiện trên, ngày 21-8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố vẫn tiếp tục giám sát nhà máy điện hạt nhân của Iran ở thành phố Bu-sê. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Oa-sinh-tơn không nhận thấy "nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nào" từ nhà máy trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định I-ran không cần làm giàu urani nhằm thu được năng lượng hạt nhân sau khi nhà máy Bu-se-ra bắt đầu nạp nhiên liệu. Còn I-xra-en lại cho rằng việc nạp nhiên liệu cho nhà máy trên là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi gia tăng thêm sức ép từ phía cộng đồng quốc tế nhằm buộc Tê-hê-ran ngừng mọi hoạt động làm giàu u-ra-ni

11. Triều Tiên và Trung Quốc nhất trí về vấn đề đàm phán hạt nhân

Tuần qua, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Triều Tiên và các quan chức hữu quan khác. Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi sâu về tình hình khu vực và các vấn đề song phương, cũng như các vấn đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và đàm phán sáu bên. Hai bên đã "hoàn toàn nhất trí quan điểm" về tất các các vấn đề được đưa ra thảo luận, bao gồm việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tiến trình đàm phán sáu bên (gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) bị đình trệ kể từ cuộc đàm phán tháng 12-2008. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 5 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng Bình Nhưỡng sẽ hợp tác với các bên liên quan tạo điều kiện thuận lợi khởi động lại tiến trình đàm phán sáu bên. Triều Tiên yêu cầu Liên hợp quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này và Mỹ ký hiệp định hòa bình với Triều Tiên - chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 9-8 đến ngày 15-8-2010)