TCCSĐT - Ngày 30-3-2017, tại thành phố Cần Thơ, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Khởi động Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự hội thảo có khoảng 80 đại biểu đại diện Bộ Xây dựng, các đối tác quốc tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị đồng bằng sông Cửu Long là giai đoạn 2 của Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị duyên hải Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương trình FPP), do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ thực hiện từ năm 2017-2019 tại 3 thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long là: Long Xuyên (tỉnh An Giang); Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Theo PGS, TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, Việt Nam đang là một trong số những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, với 70% dân số cả nước phải hứng chịu rủi ro từ ngập lụt. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 20% dân số cả nước, đang là nơi hứng chịu nhiều tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều hiện tượng thiên tai liên quan đến ngập úng. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu và tiến trình đô thị hóa càng làm gia tăng những tác động tiêu cực của tình trạng ngập úng đô thị ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, chính quyền hầu hết các địa phương chưa đủ điều kiện và năng lực để thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu hậu quả của những tác động tiêu cực này.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình FPP giai đoạn 2) là nhằm tăng cường năng lực cho chính quyền trung ương và địa phương, tăng cường khả năng thích ứng đô thị và bảo vệ nhà cửa, tài sản, nguồn thu nhập của người dân khỏi tác động do ngập úng tại 3 thành phố đang thường xuyên hứng chịu tình trạng này là: Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau.

Trong 3 năm thực hiện, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương trong khuôn khổ chương trình thực hiện 3 hợp phần. Hợp phần 1: Quy hoạch đô thị tích hợp và đô thị thoát nước (hỗ trợ xây dựng quy định cấp quốc gia và địa phương nhằm ứng phó với tình trạng ngập úng và biến đổi khí hậu, lồng ghép quản lý rủi ro ngập úng trong quy hoạch đô thị và kế hoạch ngân sách). Hợp phần 2: Phân tích rủi ro ngập úng và hỗ trợ quy hoạch (hỗ trợ lập mô hình, đánh giá rủi ro ngập úng, rà soát và điều chỉnh quy hoạch đô thị hiện có). Hợp phần 3: Quản lý rủi ro thiên tai (hỗ trợ thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm, đo mực nước nhằm cải thiện chuỗi thông tin, cập nhập kế hoạch kiểm tra, xử lý tình trạng ngập úng đô thị).

Dự kiến, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình sẽ nâng cao năng lực của các cấp chính quyền trong công tác lập quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả với ngập úng đô thị; tăng cường khả năng thích ứng với ngập úng ở các thành phố Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau; góp phần cải thiện khung pháp lý và chính sách quốc gia về quản lý rủi ro ngập úng tại các đô thị thuộc chương trình; tăng cường năng lực của chính quyền trong thực hiện những quy định quốc gia về kiểm soát ngập úng; người dân các địa phương - nhất là người nghèo - được tạo điều kiện để chủ động ứng phó với ngập úng, giảm thiểu tác động tiêu cực của ngập úng nhờ hệ thống cảnh báo sớm.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng, các chuyên gia quốc tế, các thành phố Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện những cơ hội, thách thức, làm rõ những mục tiêu và đề xuất các kế hoạch, giải pháp để triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, một số khó khăn, thách thức đã được các địa phương xác định cần sớm được xem xét, giải quyết. Cụ thể là:

Ngân sách của chính quyền các địa phương còn hạn hẹp, khó có thể chủ động nguồn tài chính trong ứng dụng các mô hình thoát nước bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Chi phí xây dựng các khu đô thị áp dụng các mô hình thoát nước bền vững sẽ dẫn đến giá thành đất tăng, tạo thêm áp lực cho việc xã hội hóa các dự án phát triển đô thị.

Thu nhập và khả năng tích lũy của người dân ở các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với bình quân chung cả nước, nên sẽ khó tiếp cận được với giá đất ở có giá thành cao khi kết nối với các kế hoạch thoát nước, chống ngập úng.

Đại diện lãnh đạo các thành phố trong khuôn khổ thực hiện chương trình cũng đề xuất:

Các cơ quan chức năng trung ương sớm hỗ trợ cho các địa phương xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý thoát nước và quản lý rủi ro ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rà soát, lập quy hoạch thoát nước và chống ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời thiết lập, bổ sung, cải thiện hệ thống đo mực nước cho thành phố Cà Mau và các đô thị ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hỗ trợ các địa phương tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, tiêu thoát nước mưa ở các khu vực thường xuyên ngập úng trong đô thị.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình và mua sắm các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả./.