Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2017
TCCSĐT - Sáng 29-3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2017. Đồng chí Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.
Tăng trưởng kinh tế
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%; khu vực dịch vụ tăng 6,52%. Tăng trưởng quý I/2017 cao hơn mức tăng của quý I của các năm 2012 - 2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%); ngành lâm nghiệp tăng 4,94%; ngành thủy sản tăng 3,50%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016). Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,72%.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 11,42%; 34,37%; 43,54%; 10,67%).
Xét về góc độ sử dụng GDP quý I/2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016; tích lũy tài sản tăng 8,50%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Về nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng 3-2017, cả nước đã gieo cấy được 3.040,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm: các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.114,3 nghìn ha, bằng 101,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.926,6 nghìn ha, bằng 100,3%, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.538 nghìn ha, bằng 98,9%. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 934,9 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, chiếm 61% diện tích xuống giống và bằng 86,6% cùng kỳ năm trước; năng suất lúa ước tính đạt 63,6 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha. Sản lượng lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 9,9 triệu tấn, giảm 125 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước.
Tính đến giữa tháng 3-2017, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 341,4 nghìn ha ngô, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước; 65,9 nghìn ha khoai lang, bằng 95,5%; 106,2 nghìn ha lạc, bằng 84,5%; 24,9 nghìn ha đỗ tương, bằng 73%; 531,2 nghìn ha rau đậu, bằng 102,5%.
Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung cả nước 3 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 28,5 nghìn ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 16,1 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.684 nghìn m3, tăng 5,4%.
Trong quý I/2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 200,4 ha, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 97,7 ha, giảm 86,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 102,7 ha, tăng 5,8%.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 1.320,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 978,6 nghìn tấn, tăng 3,4%; tôm đạt 131,5 nghìn tấn, tăng 5,3%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng ước đạt 566,8 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 401,6 nghìn tấn, tăng 1,5%; tôm đạt 97,8 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý I ước tính đạt 209,3 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước tính đạt 39,3 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 37,5 nghìn tấn, tăng 14,9%.
Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng đầu năm ước tính đạt 754,1 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 577 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 33,7 nghìn tấn, tăng 1% (Sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 720 nghìn tấn, tăng 3,7%).
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3-2017 ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%. Tính chung quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 43,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy và sản xuất trang phục cùng tăng 11,6%; dệt tăng 11,4%. Một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất thiết bị điện tăng 5,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,4% (trong đó sản xuất đường giảm 6,5%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,3%; khai khoáng khác tăng 1,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 3,6%; khai thác than giảm 5,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,6%.
Trong quý I năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016: Ti vi tăng 43,3%; thép cán tăng 32,2%; sắt thép thô tăng 23,2%; phân ure tăng 18,5%; sữa tươi tăng 12,7%; sơn hóa học tăng 12,1%. Một số sản phẩm tăng khá: Thủy hải sản chế biến tăng 10,2%; ô tô tăng 10%; điện sản xuất và quần áo mặc thường cùng tăng 9,5%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ: Thức ăn cho thủy sản và xi măng cùng tăng 5,4%; thuốc lá điếu tăng 1,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 1,1%; xe máy giảm 0,6%; giày, dép da giảm 1,6%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 3,9%; than đá giảm 5,6%; đường kính giảm 7,4%; điện thoại di động giảm 8,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%; dầu thô khai thác giảm 14,9%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/3/2017 tăng 12,5% so với cùng thời điểm năm 2016; tỷ lệ tồn kho bình quân 2 tháng đầu năm 2017 là 74,3%.
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Một là, tình hình đăng ký doanh nghiệp. Tính chung quý I năm nay, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%. Nếu tính cả 325,4 nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I năm 2017 là 596,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 291,5 nghìn người, bằng 90,5% cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm còn có 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay lên hơn 35,7 nghìn doanh nghiệp.
Hai là, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 24,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 57,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 9,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 32,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
5. Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2017 ước tính đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 689,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; may mặc tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3,4%.
Vận tải hành khách 3 tháng đầu năm đạt 969,9 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và 44,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,4%. Vận tải hàng hóa quý I đạt 350,1 triệu tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và 64,4 tỷ tấn.km, tăng 6,7%.
Doanh thu hoạt động viễn thông quý I năm 2017 ước tính đạt 96,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 3/2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 129,5 triệu thuê bao, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuê bao di động là 120,6 triệu thuê bao, giảm 0,6%; thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 9,5 triệu thuê bao, tăng 18,8%.
Khách quốc tế đến nước ta trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 3.212,5 nghìn lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.631,6 nghìn lượt người, tăng 32,5%; đến bằng đường bộ đạt 468,8 nghìn lượt người, tăng 7,6%; đến bằng đường biển đạt 112,1 nghìn lượt người, tăng 66,2%.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Tính đến thời điểm ngày 16-3-2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,88% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 3,08%); huy động vốn tăng 2,43% (cùng kỳ năm 2016 tăng 2,26%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,81%.
Thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2017 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý I/2017 ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 29%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15%.
2. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 99,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,4% và tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% và tăng 6,2%.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I/2017 ước tính đạt 45,4 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 14,3% và tăng 1,6% ; vốn địa phương quản lý đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, bằng 16% và tăng 6,4%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm ngày 20-3-2017 thu hút 493 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.917,2 triệu USD, tăng 4,2% về số dự án và tăng 6,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.940 triệu USD. Trong 3 tháng còn có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,9 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 3 tháng đầu năm đạt 7.710,1 triệu USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2017 ước tính đạt 3.620 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.
3. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15-3-2017 ước tính đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 175,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%; thu từ dầu thô 9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15-3-2017 ước tính đạt 229,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1%; chi thường xuyên 173,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%; chi trả nợ lãi 23 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2%. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm ngày 15-3-2017 ước tính đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm.
4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a. Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2017 nhập siêu 1,90 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,06 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,16 tỷ USD.
b. Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ quý I năm 2017 ước tính đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 68% tổng kim ngạch và tăng 9,3%; dịch vụ vận tải đạt 625 triệu USD, chiếm 19,1% và tăng 7,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước tính đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng kim ngạch và giảm 2,7%; dịch vụ du lịch đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 27,8% và tăng 13,3%. Nhập siêu dịch vụ quý I là 500 triệu USD, bằng 15,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
5. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%) do trong tháng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%). Nhóm giáo dục tăng 0,75% (dịch vụ giáo dục tăng 0,87%) do trong tháng tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (giá vật liệu xây dựng tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%). Nhóm giao thông tăng 0,39% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm ngày 18-02-2017 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,04%). Nhóm thiết bị và đồ gia đình gia đình tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87% (lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 1,22%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3-2017 giảm 0,28% so với tháng trước; tăng 1,98% so với tháng 12-2016 và tăng 5,00% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3-2017 tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12-2016 và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2016.
c. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2017 tăng 1,41% so với quý trước và tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 0,34% và tăng 1,96%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,18% và tăng 0,66%; chỉ số giá cước vận tải kho bãi tăng 1,63% và tăng 0,85%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 1,36% và tăng 3,72%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I năm nay tăng 1,58% so với quý trước và tăng 5,71% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,45% và tăng 3,23%. Tỷ giá thương mại hàng hóa quý I năm nay tăng 0,12% so với quý trước và tăng 2,40% so với cùng kỳ năm trước./.
Philippines xác nhận tham vấn song phương với Trung Quốc về Biển Đông  (29/03/2017)
Cần Thơ: Khẩn trương điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung - Meko  (29/03/2017)
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Cây đa và Đền La Tiến trong giáo dục truyền thống cách mạng  (29/03/2017)
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Cây đa và Đền La Tiến trong giáo dục truyền thống cách mạng  (29/03/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor  (28/03/2017)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay