Câu chuyện khủng bố tái diễn
TCCSĐT - Ngày 22-3, châu Âu lại rúng động bởi cuộc tấn công khủng bố ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, một động thái cho thấy, một lần nữa, nguy cơ đe dọa về khủng bố Hồi giáo cực đoan lại hiện hữu tại “lục địa già”.
Người dân Anh thắp nến tưởng niệm nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố. Ảnh: vtv.vn
Thể hiện tình đoàn kết
Nhiều tiếng súng nổ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, một người đàn ông cầm dao xuất hiện trong khuôn viên cung điện Wesminster, hai người bị bắn ngay bên ngoài khu vực này, ít nhất 5 người thiệt mạng, 40 người bị thương,… là một loạt những tin tức được đưa trên các hãng truyền hình Anh gần một tuần nay. Vụ việc được tái hiện theo các nhân chứng với hình ảnh một xe chở nghi phạm đã đâm vào người dân ở đầu bên kia của cầu Westminster, sau đó tiếp tục lao sang đầu cầu bên này và đâm vào hàng rào của tòa nhà Quốc hội và người dân, trước khi một trong hai nghi phạm lao vào trong sân tòa nhà Quốc hội, đâm một sĩ quan cảnh sát và sau đó bị cảnh sát bắn hạ.
Vụ việc xảy ra đúng thời điểm Anh chuẩn bị kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình đàm phán đưa nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đây được coi là vụ khủng bố lớn nhất ở London kể từ sau vụ đánh bom tự sát làm 52 người thiệt mạng hồi tháng 7-2005 và cũng là vụ tấn công khủng bố mới nhất ở châu Âu, diễn ra đúng một năm sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay và tàu điện ngầm ở Brussels (Bỉ). Phát biểu sau vụ việc, ông M. Rowley, Trợ lý Ủy viên phụ trách chống khủng bố thuộc Lực lượng Cảnh sát thủ đô Anh nói: “Đây là một ngày mà chúng ta đã chuẩn bị để đối phó, nhưng hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra. Thật đáng buồn là điều này đã thành hiện thực”.
Xuất hiện tại nhà số 10 phố Downing sau khi chủ trì cuộc họp của Cobra, Ủy ban của chính phủ chuyên về đối phó với những vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng Anh Theresa May lên án vụ tấn công khủng bố, đồng thời khẳng định, đây là vụ tấn công “bệnh hoạn và xấu xa” nhằm vào trái tim của thủ đô London. Bà T. May đưa ra lời tuyên bố cứng rắn: “Tên khủng bố đã lựa chọn tấn công vào trái tim của thủ đô London, nơi người dân của mọi quốc tịch, tôn giáo, văn hóa tôn vinh quyền tự do ngôn luận và nền dân chủ. Nhưng tôi muốn khẳng định lại một lần nữa, tất cả những cố gắng đi ngược lại những giá trị này thông qua bạo lực và khủng bố đều sẽ thất bại. Quốc hội vẫn sẽ họp như thường lệ. Người dân London và tất cả những người đã lựa chọn thành phố tuyệt vời này để sinh sống và làm việc vẫn sẽ lên tàu, đi bộ trên phố và tới chỗ làm như bình thường. Chúng ta sẽ không để cái ác và những hành động khủng bố chia rẽ và làm cho chúng ta sợ hãi”.
Ngay sau vụ tấn công khủng bố ở London (Anh), nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động ý nghĩa bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Anh đang trải qua những giây phút khó khăn. Thủ tướng Đức A. Merkel và Tổng thống Pháp F. Hollande gửi đi thông điệp thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ người dân cũng như Chính phủ Anh. Bà A. Merkel khẳng định, Đức sẽ cùng người dân Anh đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định vào thời khắc này, người dân Đức luôn sát cánh với người dân Anh. Về phần mình, Tổng thống F. Hollande khẳng định, Pháp có thể thấu hiểu nỗi đau và sự mất mát mà người dân Anh đang phải gánh chịu. Trong số hơn 40 người bị thương trong vụ tấn công ở Anh, đã xác định có 3 học sinh trung học Pháp. Thủ tướng Pháp B. Cazeneuve cũng thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân Anh. Thủ tướng Canada J. Trudeau tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Ông cho rằng, đây là hành động hèn nhát, tấn công vào nền dân chủ thế giới, đồng thời khẳng định Canada và Anh là bạn bè và đồng minh thân thiết - mối quan hệ được xây dựng dựa trên những giá trị và lịch sử chung. Ông J. Trudeau khẳng định, Canada “sẽ tiếp tục hợp tác với Anh và các đồng minh khác để cho thế giới thấy rằng tự do và dân chủ sẽ luôn chiến thắng”. Trong khi đó, trong tuyên bố phát đi từ Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng S. Spicer tuyên bố Nhà Trắng lên án vụ tấn công, đồng thời cam kết Chính phủ Mỹ ủng hộ mọi nỗ lực để đáp trả vụ tấn công, cũng như buộc thủ phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thủ tướng Hà Lan M. Rutte, Thủ tướng Italia P. Gentiloni, Thủ tướng Bỉ C. Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan, Thủ tướng Venezuela N. Maduro,... cũng lên án vụ tấn công ở Anh và bày tỏ tình đoàn kết, sự chia sẻ với nỗi đau mà đất nước và người dân Anh đang phải hứng chịu. Các nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Anh, phản đối mọi hình thức khủng bố, đồng thời bày tỏ quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova đã gửi lời chia buồn của Moscow và chia sẻ sự mất mát của Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với gia đình nạn nhân, khẳng định châu Âu luôn đoàn kết với Anh trong cuộc chiến chống khủng bố và sẵn sàng hỗ trợ London.
Ở châu Á, các nhà lãnh đạo cũng gửi lời chia buồn tới Chính phủ và người dân Anh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23-3 đã gửi điện chia buồn tới Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị. Trong bức điện, ông Tập Cận Bình lên án vụ tấn công và khẳng định chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế. Ông nhấn mạnh Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi hình thức khủng bố và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Anh và cộng đồng quốc tế, tích cực nỗ lực bảo đảm an ninh tại Trung Quốc, Anh cũng như trên toàn thế giới. Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhấn mạnh, các hành động khủng bố là không thể tha thứ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Singapore lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Luật của Singapore, K Shanmugam cho rằng, vụ tấn công tại London là sự nhắc nhở đau buồn về mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố trên thế giới, vì vậy toàn thế giới cần cảnh giác và sẵn sàng đối phó. Thủ tướng New Zealand B. English cho biết London là nơi có hàng nghìn người New Zealand tới thăm và sinh sống, hoặc có người thân bạn bè, vì vậy vụ tấn công “như thể diễn ra ngay sát nhà mình”. Tại Ấn Độ, qua mạng xã hội, Tổng thống P. Mukherjee và Thủ tướng N. Modi đã bày tỏ chia buồn với các nạn nhân của vụ khủng bố tại London.
Cùng với việc bày tỏ sự ủng hộ với London sau vụ tấn công khủng bố trong những ngày qua, thông điệp của cộng đồng quốc tế là một sự khẳng định: vượt qua nỗi đau, thế giới sẽ không để chủ nghĩa khủng bố có cơ hội giành chiến thắng.
“Không để khủng bố chia rẽ”
Cho đến ngày 24-3, cảnh sát Anh đã bắt giữ 10 đối tượng tình nghi có liên quan, đồng thời danh tính hung thủ cũng đã được xác định. IS đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ việc. Về phía mình, cơ quan điều tra Anh cũng đã công bố danh tính nghi phạm. Người này tên là Khalid Masood, một người đàn ông 52 tuổi, sinh ra tại Anh, được cho đã sống nhiều năm tại khu vực miền Trung Tây nước Anh và từng có một số tiền án về sử dụng vũ khí, gây thương tích. Người đàn ông này có nhân thân khá phức tạp. Cảnh sát phát hiện ra người này đã đổi tên khá nhiều lần, ít nhất đã sử dụng 4 cái tên khác nhau và Khalid Masood là một trong số đó. Đại diện Cơ quan cảnh sát chống khủng bố Anh cho biết hướng điều tra đang tập trung vào tìm hiểu động cơ, sự chuẩn bị của đối tượng cho vụ tấn công. Tìm hiểu xem đối tượng tự hành động độc lập, hay là có những kẻ khủng bố khác định hướng, hỗ trợ.
Trước đó, ngày 23-3, Thủ tướng Anh T. May cho biết thủ phạm gây ra vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội là một công dân sinh ra tại Anh và từng bị Cơ quan tình báo quốc gia (MI5) giám sát. Phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp đầu tiên sau vụ tấn công, Thủ tướng T. May cho biết vài năm trước, MI5 đã từng điều tra đối tượng này do tình nghi liên quan tới chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, tên này không còn trong danh giám sát của giới chức vì vậy không có tài liệu tình báo nào về âm mưu hay ý định của thủ phạm. Trong diễn biến liên quan, cảnh sát London cho biết, 8 người bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra toàn diện sau vụ tấn công bên ngoài tòa nhà quốc hội nước này đều bị tình nghi âm mưu khủng bố. Tám đối tượng gồm 3 phụ nữ và 5 người đàn ông đã bị bắt giữ khi cảnh sát tiến hành lục soát một số địa chỉ tại Birmingham và Đông London. Hiện cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra, khám xét một số địa điểm khác ở xứ Wales, trung tâm thành phố Birmingham, một trong những nơi tập trung nhiều công dân Anh theo đạo Hồi nhất cả nước và khu vực phía Đông thủ đô London. Hàng trăm thám tử đã được huy động tham gia cuộc điều tra này.
Công tác điều tra còn tiếp tục, song điều dễ nhận thấy vụ tấn công này được thực hiện theo mô típ của nhiều vụ khủng bố ở châu Âu thời gian gần đây. Kể từ sau vụ khủng bố ở Brussels (Bỉ), đã có thêm một loạt vụ tấn công xảy ra, với phương thức khá giống nhau, gây ra bất ngờ lớn trong bối cảnh an ninh châu Âu đang được thắt chặt hơn. Chỉ trong vòng 9 tháng, liên tiếp 3 vụ tấn công khủng bố đã được thực hiện nhằm vào nhiều thành phố lớn của châu Âu. Các vụ việc này đều đang thể hiện một phương thức tấn công với nguy cơ cao và rất khó bị phát hiện. Trong cả vụ tấn công ngày Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice và vụ việc tại khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin (Đức), kẻ tấn công đều đã cách đánh cắp những chiếc xe tải cỡ lớn, điều khiển nhằm vào các khu vực đang có đông người tham gia sự kiện. Điều này đã khiến thương vong trong các vụ tấn công tăng nhanh chóng. Điều tra kỹ hơn cũng cho thấy, đây là những đối tượng gốc Bắc Phi, hành động một mình, nhưng đều đã có kế hoạch kỹ lưỡng nhằm gây thiệt hại nặng nề. Trong vụ việc ở London lần này, kịch bản trên lại một lần nữa được thực hiện: đó là sử dụng xe ô tô tấn công vào khu vực có đông người qua lại ở gần tòa nhà Quốc hội. Chỉ một điểm khác là lần này hung thủ sử dụng xe ô tô con, phần nào khiến thương vong thấp hơn các vụ việc trước đó. Với những đặc điểm như dễ dàng sử dụng, ít bị chú ý và đặc biệt là gây thương vong lớn, tấn công bằng xe ô tô đang trở thành một phương thức khủng bố lợi hại, đặc biệt là với những đối tượng “sói đơn độc” bị cực đoan hóa, vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan an ninh.
Như vậy, trong bối cảnh an ninh có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù giới chức an ninh châu Âu cho biết hoạt động chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa tiềm tàng đã tăng gấp 10 lần trong vòng 1 năm qua, song London cần đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết khi việc Anh rời EU có thể khiến “xứ sương mù” đối diện nguy cơ bất ổn an ninh quốc gia. Trên toàn châu Âu, công tác siết chặt an ninh đang được tăng cường thông qua việc sắp xếp lại cơ sở dữ liệu, tăng cường điều tra các vụ giả mạo giấy tờ và đẩy mạnh hoạt động theo dõi các cá nhân bị tình nghi. Anh là một trong ba nước sử dụng nhiều nhất dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vốn có chức năng giúp các nước EU đối phó với tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng và các nhóm tay súng xuyên biên giới. Ngoài ra, London cũng tham gia các nghị định thư chia sẻ tin tình báo trong thỏa thuận Schengen, cũng như thỏa thuận trao đổi dữ liệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giữa các cơ quan an ninh EU. Tuy nhiên, trước tương lai nước này rời EU, các chuyên gia cho rằng, Anh sẽ phải dựa vào những mối quan hệ riêng rẽ với chính phủ 27 nước thành viên EU khác.
Chưa kể đến việc các nhà ngoại giao EU đã từ chối bàn thảo về tương lai hợp tác quốc phòng và an ninh với Anh cho đến khi nước này kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình đàm phán rời EU. Không chỉ có vậy, London phải mất nhiều thời gian trong tương lai để đàm phán nối lại các thỏa thuận an ninh, nếu có thể, với các nước thành viên của liên minh này. Ngoài ra, nếu theo các thỏa thuận hiện nay của EU, việc chuyển các dữ liệu dấu vân tay và ADN chỉ mất vài phút, song tổ chức Global Risk Insights cho rằng, khi Anh rời EU, việc chuyển các dữ liệu sẽ mất nhiều tháng.
Khó khăn sẽ chồng chất, những mối quan ngại về an ninh quốc gia hiện hữu và cho dù, Thủ tướng T. May đã không hề nao núng khi tuyên bố chủ nghĩa khủng bố sẽ bị tiêu diệt, đồng thời kêu gọi cả nước Anh cùng hướng về phía trước và tiếp tục tin vào sức mạnh của giá trị dân tộc và đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận đó là các nguy cơ đối với Anh hiện rất nghiêm trọng, buộc giới chức London phải có các cuộc thảo luận nghiêm túc hơn về vấn đề này./.
Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị quan chức cấp cao G20  (25/03/2017)
Quảng Nam: Kỷ niệm 20 năm ngày khởi công xây dựng Công trình Đại thủy nông Phú Ninh  (25/03/2017)
Thông điệp chung của Việt Nam gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc  (25/03/2017)
Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2017 tại Trung Quốc  (25/03/2017)
Quảng Nam kỷ niệm 20 năm tái lập và 42 năm ngày giải phóng tỉnh  (25/03/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay