TCCSĐT - Sáng 31-8 tại thủ đô Vientiane, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 16 đã khai mạc với sự tham dự của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn phụ trách ASCC của 10 nước ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakai Valvatee, các quan chức cấp cao ASCC và các khách mời của nước chủ nhà Lào.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao những nỗ lực của ASCC trong năm vừa qua với việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 và thúc đẩy thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng.

Thủ tướng Sisoulith khẳng định hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi các kết quả hoạt động của Cộng đồng sẽ được báo cáo lên các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28.

Thủ tướng Lào cũng đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng rằng các văn kiện của Cộng đồng năm nay với trọng tâm hướng vào những đối tượng yếu thế sẽ góp phần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN đúng như mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng đã đề ra.

Trong một ngày diễn ra hội nghị, các bộ trưởng đã cùng nhau xem xét các văn kiện, Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 thông qua, bao gồm: Tuyên bố Vientiane về Chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về một ASEAN Một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực; Tuyên bố chung của ASEAN về đa dạng sinh học cho Cuộc họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên của Công ước về đa dạng sinh học (2016).

Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy giáo dục cho trẻ em và thanh niên ngoài trường học; Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu năm 2016 trình Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; và Tuyên bố chung ASEAN về cam kết phòng, chống HIV và AIDS: Dồn tổng lực và duy trì ứng phó HIV/AIDS để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Trong Tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các bộ trưởng/trưởng đoàn đã nhất trí thông qua các tuyên bố và văn kiện quan trọng để trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29 gồm: Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố chung ASEAN về cam kết phòng, chống HIV và AIDS: Dồn tổng lực và duy trì ứng phó HIV/AIDS để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030; Tuyên bố chung của ASEAN về đa dạng sinh học cho Cuộc họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên Công ước về đa dạng sinh học (CBD COP 13).

Các bộ trưởng, trưởng đoàn cũng thông qua Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2016 trình Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP22); Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN Một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực để các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết.

Hội nghị cũng thống nhất thông qua một số văn kiện để các lãnh đạo ASEAN ghi nhận và xem xét gồm: Tuyên bố Bandar Seri Begawan về văn hóa và nghệ thuật nhằm thúc đẩy Bản sắc ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN năng động và hài hòa; Lộ trình hợp tác ASEAN hướng tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới với các biện pháp thực hiện, một cột mốc quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đang ảnh hưởng trong khu vực.

Các bộ trưởng/trưởng đoàn cũng vui mừng ghi nhận việc các bộ trưởng phụ trách Y tế, Nông nghiệp và Thương mại đồng ý thông qua Khuôn khổ quy định an toàn thực phẩm ASEAN.

Tham gia hội nghị, đoàn Việt Nam đã có những chia sẻ và đóng góp tích cực. Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan bày tỏ sự vui mừng khi Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đã bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 và các kế hoạch công tác chuyên ngành.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hưởng ứng các sáng kiến và nỗ lực chung của ASEAN thông qua việc tích cực thực hiện những ưu tiên trong lĩnh vực lao động, việc làm, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư; lồng ghép giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ; thúc đẩy và bảo vệ quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy sự tham gia kinh tế của người cao tuổi; diễn đàn trẻ em ASEAN nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em và thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em...

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực thực hiện “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025” nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

Dự kiến đến cuối năm 2016, tất cả các bộ, ngành thuộc trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ xây dựng xong kế hoạch hành động của mình và phân bổ nguồn lực thực hiện đến tận cơ sở.

Đây là hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN tại các cộng đồng địa phương, bảo đảm nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam vì Cộng đồng ASEAN hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường, năng động và có sự tham gia và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân./.