Thủ tướng: Niềm tin của doanh nghiệp và thị trường được khôi phục

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:29, ngày 31-08-2016

TCCSĐT - Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Tám với rất nhiều nội dung về xây dựng thể chế và tiến hành đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng Tám và tám tháng đầu năm 2016 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Lời nói đi đôi với việc làm

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, phiên họp diễn ra trong bối cảnh không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội, thị trường và nhân dân đang được khôi phục, cải thiện mạnh mẽ, tạo không khí phấn đấu thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2016.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, điểm lại tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong tháng Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đất nước ta đã hứng chịu hai cơn bão, dù đã nỗ lực phòng chống, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, nhất là ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng thời gian này, Thủ tướng đã chủ trì một cuộc họp trực tuyến toàn quốc về môi trường và sẽ sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này với tinh thần Chính phủ quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không chạy theo lợi ích kinh tế mà phải chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống cho người dân, nhất là sau bài học Formosa tại Hà Tĩnh.

Cũng trong tháng Tám đã diễn ra hội nghị ngoại giao lần thứ 29 được tổ chức rất quy mô là sự kiện quan trọng của ngành ngoại giao cả nước. Qua kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội với các địa phương của lãnh đạo Chính phủ cho thấy, không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được nâng lên mạnh mẽ. Các địa phương đang nỗ lực đổi mới tư duy, hành động và kiến tạo; coi cộng đồng doanh nghiệp là động lực của tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, các địa phương đã nhận thức được điều này, nhất là với những tỉnh khó khăn; song song với đó là khát vọng phấn đấu để địa phương mình không còn nghèo, không còn phải trợ cấp ngân sách trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng cũng đánh giá, thời gian qua, kỷ cương, phép nước được củng cố, trong đó nhiều vụ phá rừng được nghiêm trị, một số cán bộ vi phạm trong một số lĩnh vực bị xử lý nghiêm. Thủ tướng hoan nghênh Tổ kiểm tra đôn đốc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng và đã kiểm tra các bộ, từ đó bảo đảm các chỉ đạo đi vào cuộc sống, thể hiện lời nói và việc làm đi liền với nhau.

Thủ tướng cho biết, về chủ trương cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty bia Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty bia Hà Nội (Habeco) cũng như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những đơn vị có lợi nhuận “khủng” trong nền kinh tế, Chính phủ quán triệt tinh thần “thị trường”. Theo đó, hoạt động cổ phần hóa phải công khai minh bạch, thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế và trong nước, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Điều đó thể hiện Chính phủ đã công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá, kiểm điểm công tác trên tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm”, kiểm tra xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không?

Trong phiên họp thường kỳ này, dự kiến Chính phủ dành một ngày rưỡi để các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến vào 5 dự thảo luật, 1 nghị định, 1 pháp lệnh và một số văn bản quan trọng khác. Ngoài việc lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm khả thi, hợp lý, thực sự là Chính phủ kiến tạo, thoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phải đánh giá kỹ tác động của chính sách bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.

Cũng tại cuộc họp này, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ, ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận để sớm ban hành Nghị định, làm cơ sở để các bộ ngành có chức năng quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục những khiếm khuyết, những giao thoa, những chỗ trống, không rõ trách nhiệm.

Sau phần thảo luận về xây dựng thể chế, phiên họp thường kỳ này, Chính phủ cũng đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng Tám và tám tháng qua. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, nghiêm túc kiểm điểm việc triển khai các biện pháp, khắc phục các bất cập, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức cao nhất.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe báo cáo chuyên đề do Bộ Tài chính trình bày về Tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công”, trong đó có các tài sản như công sở, xe công. Thủ tướng nêu rõ, để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi công sức của nhân dân, các thành viên Chính phủ cần góp ý, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để sử dụng tài sản công hiệu quả.

Xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần đổi mới phương thức làm việc tại phần thảo luận dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ mới. Đây chính là nghị định khung để các bộ, ngành có bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để điều hành phát triển đất nước, khắc phục sự giao thoa, khoảng trống trách nhiệm.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ, kết luận phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần của quy chế làm việc là tăng cường công khai minh bạch hoạt động của Chính phủ trước nhân dân để dân biết, có ý kiến và giám sát.

Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế mà các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đó là công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, ngành còn yếu. Nguyên nhân chính là chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, chưa thực hiện nghiêm chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vẫn còn tình trạng trình chậm, nợ đọng văn bản. “Quy chế hiện hành không quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, xác định trách nhiệm của Bộ trưởng trong phối hợp xây dựng chính sách pháp luật thì lần này, phải có quy chế phối hợp tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu yêu cầu giảm họp hành, Thủ tướng cho rằng cần bám sát thực tiễn cuộc sống bởi “nếu chỉ ngồi bàn giấy mà không có thực tiễn thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn”. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, quy trình giải quyết công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý, đối với từng loại công việc, từng nhiệm vụ, xác định rõ thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra; xác định rõ vai trò của chuyên viên, lãnh đạo vụ, lãnh đạo bộ trong xử lý công việc.

Nhận định một trong những nguyên nhân chậm trễ của các bộ chính là ở cấp chuyên viên, cấp vụ và có tình trạng phải gặp người đề xuất mới xử lý công việc, Thủ tướng yêu cầu “phải xử lý qua mạng”.

Vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn này phải đặt ra rõ ràng hơn, có lộ trình, bước đi cụ thể hơn từ Trung ương đến cấp quận, huyện, xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ cũng như trong chỉ đạo điều hành công việc hằng ngày của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xem xét đánh giá hiệu quả của hệ thống phần mềm xử lý công việc hiện nay để đẩy mạnh, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong xử lý công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. “Làm tốt vấn đề này thì rút ngắn thời gian rất nhiều”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng thể chế. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành đi liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xác định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy chế, nhất là đối với việc xin ý kiến phối hợp liên ngành.

Phân định rõ trách nhiệm và phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác. Tách biệt thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng trong giải quyết công việc. Đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định.

“Các đồng chí là tư lệnh lĩnh vực suốt từ Trung ương tới xã, phường. Ở đâu có sự kiện thuộc lĩnh vực của các đồng chí là các đồng chí phải kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết, chứ không chỉ lo công việc trên Bộ”, Thủ tướng nói.

Cho rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, Thủ tướng nhấn mạnh Văn phòng Chính phủ tăng cường hơn nữa vai trò theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, địa phương. Từ kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thủ tướng nhìn nhận, kết quả khách quan, thẳng thắn, đồng thời đề nghị phát huy ưu điểm cũng như rút kinh nghiệm, các đầu việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao mà chưa thực hiện thì cần đôn đốc mạnh hơn, nhanh hơn. Sắp tới sẽ tiếp tục làm việc, kiểm tra một số bộ, Ủy ban nhân dân địa phương về thực hiện kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng chứ không chỉ có 2 Bộ này, báo cáo kết quả trong phiên họp Chính phủ tới.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm thông suốt trong chỉ đạo, điều hành hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn thiện dự thảo quy chế, Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Thủ tướng xem xét ký ban hành./.