Nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á

PGS, TS. Thái Văn Long*, TS. Lương Công Lý** * Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ** Đại học Công nghệ giao thông - vận tải
17:02, ngày 31-08-2016
TCCSĐT - Hai hội nghị quốc tế chống khủng bố gồm: “Hội nghị quốc tế về chống khủng bố” và “Hội nghị cấp cao về chống tài trợ khủng bố” được tổ chức tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a ngày 10-8-2016 thu hút sự tham dự của đại biểu từ 21 quốc gia, trong đó có 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng rõ hơn ở khu vực Đông Nam Á, khi khu vực này đang là địa bàn để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển các cơ sở mới.

Nguyên nhân IS có mặt tại Đông Nam Á

Việc IS có mặt ở khu vực được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ma-lai-xi-a A. Z. Ha-mi-đi (Ahmad Zahid Hamidi) khẳng định hôm 06-8-2016 dựa trên các thông tin tình báo mới nhất. Phó Thủ tướng A. Ha-mi-đi cho biết, khoảng 300 tay chân của A. Ba-si-a (Abu Bakar Bashir), cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu một loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Ba-li năm 2002, mới được ra tù đã đến Ba-tam, đảo Ri-au của In-đô-nê-xi-a và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại đây.

Giới phân tích cho rằng, việc đang bị dồn ép mạnh, mất dần sự kiểm soát ở Trung Đông là nguyên nhân khiến IS chuyển địa bàn hoạt động sang Đông Nam Á. Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Đông Nam Á chứng kiến nhiều vụ tấn công do các phần tử IS tiến hành và đánh dấu sự xuất hiện bằng cuộc tấn công hồi tháng 01-2016 tại Gia-các-ta, làm 08 người thiệt mạng. Đến tháng 4-2016, IS tiếp tục cảnh báo Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a sẽ là những mục tiêu tấn công tiếp theo. Tháng 6-2016, hai người đàn ông đã quăng một thiết bị nổ vào câu lạc bộ đêm ở Pu-chong, Ma-lai-xi-a khiến 08 người bị thương. Đây là vụ tấn công thành công đầu tiên của IS trên lãnh thổ Ma-lai-xi-a. Tháng 7-2016, cảnh sát đã bắt giữ 14 người Ma-lai-xi-a bị tình nghi có liên quan đến IS, với cáo buộc âm mưu đánh bom nhằm vào các quan chức cảnh sát cấp cao của nước này. Mới đây nhất, ngày 05-8-2016, chính quyền In-đô-nê-xi-a đã bắt giữ 06 đối tượng với cáo buộc âm mưu tấn công vịnh Ma-ri-na của Xin-ga-po bằng rốc-két từ đảo Ba-tam của In-đô-nê-xi-a.

Tuy nhiên, không hẳn sự thất thế của IS ở Trung Đông tác động đến an ninh khu vực Đông Nam Á. Từ lâu trong lịch sử, ở đây đã xuất hiện và hình thành các phong trào Hồi giáo cực đoan gắn với bối cảnh chính trị - xã hội khác nhau. Đông Nam Á có gần 300 triệu người dân là tín đồ Hồi giáo, chiếm 15% trong số 1,57 tỷ người theo đạo Hồi trên thế giới, đây chính là môi trường để IS lựa chọn truyền bá tư tưởng cực đoan của mình.

Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á gắn liền với chủ nghĩa ly khai Hồi giáo. Các phong trào ly khai Hồi giáo ở Đông Nam Á thường tổ chức lực lượng vũ trang chuyên tiến hành các hoạt động khủng bố. Theo báo cáo của Tổ chức Interpol năm 2015, ở In-đô-nê-xi-a có 05 nhóm khủng bố chính, gồm: Al-jamah AlIslamiyah (JI), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Quân đội Kumpulan Mujahideen Malaysia (KMM), Abu Sayap Group (ASG) và Quân đội nhân dân mới (NPA). Trong số các nhóm này, đặc biệt nguy hiểm là nhóm Al-jamah Al Islamiyah (JI). Đây là một tổ chức chiến đấu theo chủ nghĩa Hồi giáo tại Đông Nam Á. Mục đích của tổ chức này là nhằm thành lập một quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, miền Nam Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Bru-nây.

Các hoạt động bạo lực của JI bắt đầu trong những vụ xung đột cộng đồng ở Ma-lu-ku và Po-so. Tổ chức này chuyển hướng đến các mục tiêu quyền lợi của Mỹ và phương Tây tại In-đô-nê-xi-a và vùng Đông Nam Á kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu do Mỹ lãnh đạo từ năm 2001. Các kế hoạch khủng bố của JI tại Đông Nam Á đã bị vạch trần khi âm mưu đặt một số quả bom tại Xin-ga-po của tổ chức này bị giới chức địa phương phát hiện. JI đã liên kết trong việc tuyển mộ, đào tạo, truyền bá tư tưởng, tài chính và các hoạt động khác với các nhóm chiến binh khác, như An Kê-đa, A-bu Xay-áp, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Mô-rô (MILF), nhóm nổi loạn/ly khai Misuari (MRG/MBG) và phong trào Rajah Sulaiman (RSM) tại Phi-líp-pin trong nhiều năm. Tổ chức JI từng được coi là đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của chính phủ In-đô-nê-xi-a những năm vừa qua. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy, nhóm này đang được gây dựng trở lại và nhiều ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới IS.

Bộ trưởng Quốc phòng Xin-ga-po công bố, đã có hơn 150 người Hồi giáo ở Ma-lai-xi-a sang I-rắc và Xy-ri tham gia lực lượng IS, trong đó một số từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Ma-lai-xi-a. Trong khi tại In-đô-nê-xi-a, có hơn 500 người đã gia nhập IS và rất nhiều trong số này đã trở về quê nhà mang theo những kỹ năng chiến đấu và kinh nghiệm khủng bố có được trong các cuộc chiến tại Trung Đông. Mối đe dọa từ những chiến binh Đông Nam Á trở về sau khi bị cực đoan hóa ở I-rắc, Xy-ri cũng là một yếu tố đáng quan ngại khác, cùng với đó là khả năng xuất hiện những đối tượng “sói đơn độc” cực đoan.

Giáo sư kiêm chuyên gia chống khủng bố R. Gu-na-rát-na (Rohan Gunaratna), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị có trụ sở tại Xin-ga-po cho biết, đây sẽ là thách thức an ninh chính cho khu vực Đông Nam Á. Để đối phó với thực tế này, chuyên gia R. Gu-na-rát-na đề xuất, chính phủ các nước trong khu vực phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn việc hình thành tổ chức vệ tinh của IS tại khu vực, bởi nếu không, thách thức khủng bố vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện, đã có ít nhất 22 nhóm cực đoan có cơ sở tại In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin thề trung thành với IS.

Giải pháp nào ngăn chặn được hiểm họa khủng bố ở Đông Nam Á?

Nhận thức sâu sắc về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, tại Hội nghị quốc tế về chống khủng bố tổ chức tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) hôm 10-8-2016 đã công bố bản báo cáo “Nguy cơ khủng bố tại châu Á”. Báo cáo do 06 nước: Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Phi-líp-pin phối hợp được coi là công trình hợp tác nghiên cứu đầu tiên của các quốc gia khu vực đưa ra cái nhìn tổng thể về thách thức khủng bố mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh việc hợp tác chống khủng bố trong khu vực cần được nâng lên cấp độ mới.

Trước đó, khi nói về vấn đề này, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long nhận định, hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần. Trong khi đó, ngăn chặn các hoạt động khủng bố là vấn đề rất khó. Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng, bạo lực do tư tưởng không chỉ xuất phát từ tôn giáo thuần túy mà liên quan tới quan điểm méo mó về tôn giáo. Một số người tự huyễn hoặc bản thân rằng tử vì đạo là cách nhanh nhất để lên “thiên đường” nên họ quyết tâm theo cách đó. Nhiều kẻ khủng bố khác biết rất ít về tôn giáo hay các học thuyết. Khi mất thứ gì đó quan trọng trong cuộc sống thì gây bạo lực là cách để họ trả thù thế giới hay xã hội xung quanh.

Chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở thành một hiện tượng xuyên quốc gia, do đó sự hợp tác giữa các cơ quan kiểm soát biên giới các nước là rất quan trọng để chống lại sự dịch chuyển của những kẻ khủng bố qua biên giới. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng An ninh In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh, cần sử dụng công nghệ cao để ngăn chặn các mạng lưới khủng bố sử dụng in-tơ-nét làm công cụ quảng bá, tuyển dụng, tấn công mạng, truyền bá tư tưởng cực đoan cũng như cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn hiệu quả các nguồn tiền tài trợ cho khủng bố. Còn ông G. Bran-đít (George Brandis), Bộ trưởng Tư pháp Ô-xtrây-li-a đề cập, chúng ta cần phải phối hợp giữa các chính phủ, các cơ quan công quyền, các thành phần tư nhân để đánh bại khủng bố trên tất cả các mặt trận. Trong một thế giới mà các hoạt động khủng bố man rợ xuyên quốc gia đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, chúng ta cần phải đối phó bằng một chiến lược thống nhất vì hòa bình và an ninh ở khu vực.

Phát biểu của các quan chức cao cấp ngành an ninh của các quốc gia ASEAN đưa ra tại Hội nghị đã bao quát nhiều khía cạnh của cuộc chiến chống khủng bố, như công nghệ thông tin, tài chính, tình báo và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sự hợp tác giữa các nước. Đại diện các nước khẳng định sẽ cùng cam kết thúc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là kiểm soát biên giới thông qua các hoạt động thực thi pháp luật, chia sẻ dữ liệu, ngăn chặn các mạng lưới khủng bố lợi dụng công nghệ thông tin và tiếp cận các nguồn tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, để có các giải pháp tối ưu cho cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là vấn đề rất khó khăn đối với khu vực Đông Nam Á mà là thách thức đối với toàn cầu. Trong bài phát biểu ở Nhà Trắng cách đây 02 năm, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã nhấn mạnh về giai đoạn mới của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thừa nhận, cuộc chiến chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng sẽ tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn.

Bản thân ASEAN, trong giải pháp đưa ra để chống IS, cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn đan xen với giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Và đây cũng là mâu thuẫn khó tránh khỏi trong bối cảnh toàn cầu hoá. Cụ thể, ASEAN đang tạo được nhiều lợi thế trong ngành du lịch, khi mà mỗi năm, khu vực này thu hút được khoảng 07 triệu công dân châu Âu. Để đạt mục tiêu thu hút 20 triệu du khách vào năm 2019, In-đô-nê-xi-a vừa quyết định miễn thị thực cho công dân của 75 quốc gia. Ma-lai-xi-a là một trong số ít các quốc gia Hồi giáo đang đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn Xy-ri, đồng thời tuyên bố sẽ nhận 3.000 người tị nạn Xy-ri trong vòng 03 năm tới. Đây sẽ là con đường vô cùng thuận lợi để IS xâm nhập vào khu vực, tuyển mộ chiến binh và mở rộng địa bàn hoạt động.

Như vậy, chủ nghĩa khủng bố đã lan rộng trên toàn cầu mà không có một ngoại lệ nào đối với các quốc gia. Đông Nam Á, hơn bao giờ hết cần phải đoàn kết và tự cường để ứng phó với hiểm hoạ khủng bố đang ngày càng gia tăng. Các biện pháp phòng ngừa đã và đang tiếp tục được thực hiện để có thể ngăn chặn hiệu quả, kịp thời những âm mưu và hoạt động khủng bố. Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu - nghèo trong từng nước, giữa các vùng, miền, hướng tới sự phát triển bền vững cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để bảo đảm môi trường an ninh khu vực.

Nhận thức sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố, Việt Nam luôn có một thái độ rõ ràng, dứt khoát đó là phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động khủng bố, mọi hành động phá hoại trật tự an ninh quốc gia, mọi âm mưu hành động xâm phạm chủ quyền, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia dân tộc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống…” (1)

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện đấu tranh phòng, chống khủng bố, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-10-2013. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Đến nay, trong tổng số 13 điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống khủng bố, Việt Nam đã là thành viên của 09 điều ước và đang tích cực nghiên cứu khả năng gia nhập 4 điều ước còn lại. Nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết hàng chục điều ước, thỏa thuận quốc tế khu vực, song phương cấp Nhà nước, cấp Chính phủ và cấp Bộ với nhiều nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, trong đó có khủng bố quốc tế. Văn kiện pháp lý quan trọng nhất đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố là Công ước ASEAN về chống khủng bố. Cùng với việc tham gia xây dựng và phê chuẩn Công ước ASEAN về chống khủng bố, Việt Nam đã hợp tác với các quốc gia trong khu vực thông qua nhiều văn kiện pháp lý tạo cơ sở cho hợp tác chống khủng bố. Việt Nam cũng đã góp phần tích cực vào các nỗ lực chống khủng bố của ASEAN được thể hiện thông qua việc đàm phán và ký kết các tuyên bố chung về chống khủng bố giữa ASEAN và các đối tác, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga.../.

-----------------------------------------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng”, tr. 25