TCCSĐT - Ngày 23-7-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”. Đáng chú ý, chủ trì Hội thảo có GS,TS. Erik Franckx, đại diện thành viên Tòa trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS. Nhà giáo ưu tú Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo sẽ tập trung bàn về các biện pháp giải quyết biển Đông bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, nhất là giải quyết bằng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Hội thảo còn tập trung đánh giá, bình luận những ảnh hưởng, tác động về chính trị, pháp lý và quan hệ quốc tế của phán quyết Trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới cũng như thực thi phán quyết trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. GS,TS. Nhà giáo ưu tú Mai Hồng Quỳ đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận sâu vào 3 nội dung chính, đó là: Các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982; giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982; ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý và các nước đã ký kết phải thực thi

Tại Hội thảo, ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng: Những quy định của UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông. Trong đó, Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán mềm dẻo, linh hoạt, ngày càng được nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới lựa chọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS.

Theo GS, TS. Erik Franckx, đại diện thành viên Tòa trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) khẳng định, về phương diện pháp luật quốc tế, phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện của Philippines - Trung Quốc có ý nghĩa chính trị, pháp lý, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế, nhất là các quốc gia trong khu vực biển Đông. Đồng tình với những quan điểm trên, GS,TS. Donald Rothwell, Phó trưởng Khoa Luật thuộc Đại học quốc gia Australia đã chia sẻ các biện pháp giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, GS,TS. Donald Rothwell nhấn mạnh: Vụ kiện đã được giải quyết bằng hình thức Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 và buộc các bên phải tuân thủ một cách có trách nhiệm, thượng tôn pháp luật.

Là chuyên gia biển Đông, GS,TS. Carl Thayer, Học viện quốc phòng Australia cho rằng: Yêu sách của Trung Quốc đối với quyền lịch sử trong đường đứt đoạn đã bị Tòa án từ chối vì nó vượt quá những gì UNCLOS cho phép. Và, những vi phạm liên tục từ Trung Quốc về các quyền tài phán của Philippines và các quốc gia khác trong khu vực sẽ đòi hỏi một phản ứng kết hợp sáng kiến chính trị và ngoại giao... GS,TS. Carl Thayer nhấn mạnh, đáp lại phán quyết của Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã gợi ra cho các quốc gia trong khu vực kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông theo pháp luật quốc tế. Cũng theo GS, TS. Cari Thayer, Tòa Trọng tài trong phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng đưa ra nhận định việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã “gây thiệt hại nặng nề và không thể phục hồi đối với quần thể san hô” và “Trung Quốc không hợp tác hay phối hợp với các quốc gia khác có chung biên giới trên biển Đông liên quan đến việc bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên” và “Trung Quốc thất bại trong việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường” gây ra bởi những hành vi đó.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhiều học giả quốc tế cho rằng, là quốc gia đóng vai trò tích cực trong vòng đàm phán về UNCLOS 1982, vì thế Trung Quốc phải gương mẫu thực hiện những phán quyết đưa ra bởi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Kinh nghiệm rút ra từ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc

Nhằm làm rõ phương thức trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông, các học giả cho rằng: Phán quyết của Tòa Trọng tài phải được thực hiện bởi một cơ chế thực thi pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát quốc tế chặt chẽ. Bởi vậy, theo GS,TS. Hideo Yamagata, Đại học Nagoya, Nhật Bản thì phán quyết của Tòa Trọng tài đã làm rõ và khẳng định một số vấn đề về pháp lý, góp phần vào sự phát triển cũng như tầm quan trọng của Luật biển. GS,TS. Hideo Yamagata gợi ý, nếu một trong các bên quốc gia tranh chấp biển Đông đệ trình và yêu cầu Trung Quốc phải thực thi nghiệm túc UNCLOS, thì lẽ đương nhiên sẽ có một Tòa Trọng tài mới bao gồm các trọng tài viên khác do các bên chỉ định và Chủ tịch Hội đồng trọng tài lựa chọn có xác suất cao là sẽ theo phán quyết này.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, PGS,TS, Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines cho rằng: Việt Nam có thể xem xét việc tiến hành vụ kiện riêng của mình với Trung Quốc trên cơ sở các hoạt động liên tục của quốc gia này trong việc phủ nhận toàn bộ và thẩm quyền của Việt Nam trên vùng biển của mình. Với phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, thì Việt Nam hoàn toàn có thể hành động bằng pháp lý để kiện Trung Quốc bởi những vi phạm trắng trợn của họ. Còn nếu, Việt Nam không quyết định bắt đầu vụ, việc giải quyết bằng trọng tài riêng mình, thì cần chuẩn bị các áp lực về ngoại giao, hay đẩy mạnh hơn về chiến dịch thông tin với cộng đồng quốc tế như Philippines đã từng làm, đây là việc làm giành lấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế giúp ngăn ngừa việc trọng tài thiên vị hoặc bị ngưng giữa chừng do thiếu sự ủng hộ.

Nhằm phân tích về cơ chế giải quyết tranh chấp trong vụ Philippines kiện Trung Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam, TS. Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng Trung tâm Luật So sánh thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận: Tòa Trọng tài khi bác bỏ “đường chín đoạn” do yêu sách của Trung Quốc đưa ra, cũng đã xác định cụ thể quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển, phân biệt đảo, đảo đá và bãi cạn lúc nổi, lúc chìm. Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 bao gồm tổng thể các nguyên tắc, cách thức, thủ tục, phương tiện và thiết chế pháp lý, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, được thiết lập để điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể tranh chấp. Theo TS. Nguyễn Toàn Thắng, vụ Philippines kiện Trung Quốc có những tác động nhất định tới Việt Nam, đặc biệt ở 2 khía cạnh là đường “đứt khúc chín đoạn” và quy chế pháp lý các cấu trúc địa chất trên biển. Bởi cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước về Luật biển đã được nhiều quốc gia vận dụng, đặc biệt là Philippines, đó chính là cơ sở để Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp với các quốc gia trong khu vực.

Theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc tế (CSSD), thì: Ở một khía cạnh tích cực, nếu Trung Quốc điều chỉnh một số hành vi và các luận điệu của họ liên quan đến biển Đông, các phán quyết có thể mở ra một con đường thoát danh dự. Bắc Kinh có thể thoát khỏi “vòng kim cô” đường 9 đoạn, hay một “cái cùm địa - chính trị lớn đeo vào cổ Trung Quốc” như một học giả Singapore gọi nó, và lặng lẽ “biến đại sự thành tiểu sự”. Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, ASEAN cần đoàn kết, nhất trí trong nhiều chương trình chính trị, ngoại giao, liên kết nội khối, cũng như tăng cường vai trò của tổ chức trong các cơ chế quốc tế. Tất cả các yếu tố này sẽ là sức ép đáng kể để các bên tranh chấp tuân thủ nghiêm túc, có trách nhiệm với phán quyết được đưa ra bởi tòa Trọng tại vừa qua. Ngoài ra, có không ít yếu tố sẽ tác động đến quá trình thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài là vai trò của Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan với mục tiêu giữ cho biển Đông không trở thành “ao nhà” của Trung Quốc./.