TCCSĐT - Trong những ngày nghỉ cuối tuần đã diễn ra các hoạt động khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016, Lễ hội truyền thống Tràng An - Ninh Bình 2016 và Lễ hội hoa anh đào tại Đồng Nai.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016

 
 Hình ảnh tại Lễ khai mạc Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2016.

Tối 23-4, tại sân khấu Quảng trường bãi B, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), UBND tỉnh đã tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016. Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn là hoạt động thường niên hằng năm của tỉnh Thanh Hóa nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, những đổi thay căn bản và những chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động du lịch tại thị xã Sầm Sơn, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Sầm Sơn…

Đến với Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016, du khách đã được thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống dân tộc và đặc trưng văn hóa dân gian xứ Thanh, với chủ đề “Sầm Sơn- Bừng sáng tương lai”. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sỹ nổi tiếng như: Mỹ Linh, Trọng Tấn, Thùy Dung, Hương Tràm… Chương trình nghệ thuật tập trung khắc họa vẻ đẹp đa dạng, hấp dẫn của biển, gắn với tình đất và tình người xứ Thanh, qua đó quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch biển Thanh Hóa.

Chương trình nghệ thuật được chia thành 3 chương. Chương 1 với tiêu đề “Tình biển” đã tái hiện khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời với những con sóng bạc đầu xô vào bờ cát, mặt nước lung linh huyền ảo như lời mời gọi du khách đến với Sầm Sơn. Chương hai với tựa đề “Nồng nàn hương biển”, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên biển Sầm Sơn và tình người xứ Thanh. Với tựa đề “Sầm Sơn- bừng sáng tương lai”. Chương 3 đã tái hiện Sầm Sơn như con tàu lớn vươn ra biển lớn. Tất cả mọi nguồn lực đang được khơi dậy để Sầm Sơn tự tin, vững bước thẳng tới tương lai…

Cùng với các hoạt động nghệ thuật, hưởng ứng Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016, từ ngày 23-4 đến ngày 24-4, tại Trung tâm Thể dục - thể thao thị xã Sầm Sơn, UBND thị xã Sầm Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè Sầm Sơn 2016.

Du lịch Thanh Hóa nói chung và du lịch Sầm Sơn nói riêng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và chỉ đạo đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh. Tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trọng điểm về du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng xác định chương trình phát triển du lịch là một trong 5 chương trình trọng tâm trong “Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Phát huy những kết quả đạt được năm 2015, năm nay, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm với chỉ tiêu đón 3,7 triệu lượt khách, tăng 1,37%, doanh thu đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 8,49% so với năm 2015.

Lễ hội truyền thống Tràng An - Ninh Bình 2016

Ngày 24-4, tại đền Suối Tiên thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đã khai mạc Lễ hội truyền thống Tràng An năm 2016 (trước đây là Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương) với chủ đề "Hương sắc Tràng An". Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và đánh trống khai hội.

Cùng dự lễ khai hội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo du khách thập phương trong, ngoài nước.

Tại lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định, lễ hội truyền thống Tràng An 2016 được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân và tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hoá Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

Việc tổ chức lễ hội Tràng An cùng lễ hội Trường Yên sẽ góp phần tái hiện lịch sử, thể hiện những nét đẹp văn hoá truyền thống, quảng bá du lịch và làm phong phú thêm những hoạt động thiết thực chào mừng những sự kiện lớn của đất nước trong năm 2016. Đồng thời, các lễ hội này sẽ để lại trong tâm thức du khách trong nước và quốc tế hình ảnh và tình cảm sâu đậm về mảnh đất và con người Tràng An - Hoa Lư ngàn năm lịch sử.

Lễ hội truyền thống Tràng An được tổ chức vào ngày 18-3 Âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ và tri ân Đức thánh Quý Minh Đại Vương, là một vị tướng trấn ải Sơn Nam, thời vua Hùng Vương thứ 18, Người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ dân tộc; phù trợ giúp mưa thuận, gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội truyền thống Tràng An 2016 kéo dài trong 2 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc như lễ dâng hương, rước kiệu và rước chân nhang từ đền Trần về đền Suối Tiên; lễ rước nước và nghi lễ dâng hương tại đền Suối Tiên, Hành cung Vũ Lâm… cùng các chương trình văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Lễ hội hoa anh đào tại Đồng Nai

 
 Đông đảo người dân tham gia lễ hội hoa anh đào.

Tối 23-4, tại Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC tổ chức khai mạc Lễ hội hoa anh đào. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng nhiều đoàn khách Nhật Bản dự lễ khai mạc.

Lễ hội hoa anh đào là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai diễn ra từ ngày 23 đến 24-4. Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là sự kiện đặc biệt, là dịp để nhân dân và doanh nhân, các nhà đầu tư của Nhật Bản và Đồng Nai giao lưu văn hoá, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, nhằm góp phần củng cố mối quan hệ giữa địa phương và Nhật Bản.

Tại Lễ hội hoa anh đào, có 70 cây và 5.000 cành hoa anh đào được vận chuyển từ vùng Hokaido - Nhật Bản đến trưng bày phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.

Ngay trong đêm khai mạc Lễ hội hoa anh đào, hàng chục nghìn người dân Đồng Nai và các tỉnh lân cận đã đến Trung tâm tổ chức sự kiện tại thành phố Biên Hòa để được ngắm và chụp hình cùng với loài hoa nổi tiếng của Nhật Bản.

Sau nghi thức khai mạc, các nghệ sĩ, ca sĩ của hai nước Việt Nam - Nhật Bản cũng đã biểu diễn giao lưu nhiều tiết mục văn nghệ, nghệ thuật truyền thống của hai dân tộc.

Ngoài không gian dành cho hoa anh đào, ban tổ chức cũng bố trí nhiều loài hoa khác của Việt Nam như hoa cúc, hoa lan, hoa sen đan xen với ý tưởng giao lưu văn hóa, tạo sự đa dạng trong cách trưng bày hoa phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân. Sau Lễ hội, 70 cây hoa anh đào sẽ được Nhật Bản tặng tỉnh Đồng Nai để trồng tại trung tâm văn miếu Trấn Biên.

Dịp này, ông Iijima Isao - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Abe, cùng gần 50 đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đến dự khai mạc Lễ hội hoa anh đào và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai./.