Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược
TCCSĐT - Sau thời gian bị cho là “lơ là” với các đồng minh ở Trung Đông, Washington đã có động thái thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia vùng Vịnh với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến công du Saudi Arabia cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia).
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - GCC: cam kết bảo đảm an ninh khu vực. Ảnh: TTXVN
Tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược
Trong hai ngày 20 và 21-4-2016, Tổng thống Mỹ B. Obama đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul Aziz và Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan của Tiểu vương quốc Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhân chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - GCC.
Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống B. Obama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang “nóng lên” khi các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy thông qua dự luật 11-9, cho phép các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ “ngày 11-9-2001” khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia khi hầu hết những tên không tặc đều mang quốc tịch Saudi Arabia. Đặc biệt, vào thời điểm 9 tháng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống B. Obama vẫn phải nỗ lực để trấn an các đồng minh dòng Sunni (gồm Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Kuwait, Oman, Qatar), vốn đang không mấy hài lòng trước việc Mỹ mở cửa đối với Iran - đối thủ lớn theo dòng Hồi giáo Shiite của những nước này, và trước những nhận định của Tổng thống Mỹ về tầm nhìn của ông đối với khu vực.
Do vậy, trong chuyến công du Saudi Arabia lần thứ tư trên cương vị Tổng thống Mỹ, Tổng thống B. Obama đã cùng Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul Aziz trao đổi về mối quan hệ song phương trên tinh thần tái khẳng định mối quan hệ lịch sử và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia được thiết lập ngay sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc. Trái với mối quan hệ thường xuyên căng thẳng hoặc “lúc trầm, lúc bổng” với nhiều quốc gia Arab khác, Mỹ và Saudi Arabia đã trải qua quan hệ đồng minh thân cận kéo dài hơn 7 thập niên suôn sẻ và êm ả. Trong hơn 70 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ đã mang đến cho Saudi Arabia một nhà bảo trợ an ninh hùng mạnh tại một khu vực luôn tiềm ẩn bất ổn. Ngược lại, Mỹ cũng tìm thấy ở Saudi Arabia nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào, một căn cứ địa đắt giá để duy trì, mở rộng vai trò và là điểm tựa giúp Mỹ thực hiện các chính sách đối ngoại ở Trung Đông.
Không chỉ là quốc gia cung cấp dầu lửa ổn định và lớn thứ hai của Mỹ, Saudi Arabia còn là đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ. Đặc biệt, năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá tới hơn 86 tỷ USD cho Saudi Arabia, trong đó có đội máy bay chiến đấu F-15, máy bay lên thẳng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí hiện đại khác. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng hợp tác với Mỹ trong chiến dịch chống các tổ chức khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Qaeda…
Tuy nhiên, quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ năm 2011, liên quan đến một loạt bất ổn tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Cách giải quyết của chính quyền Tổng thống B. Obama đối với một loạt vấn đề nhạy cảm của khu vực như Iran, Syria, Ai Cập đã khiến Saudi Arabia cảm thấy bất an. Bởi ngay từ đầu, Saudi Arabia là quốc gia tài trợ, ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria mạnh mẽ nhất. Do đó, việc Mỹ ký một thỏa thuận với Nga để giải giáp kho vũ khí hóa học ở Syria và ngừng cuộc tấn công quân sự trừng phạt chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm Saudi Arabia thất vọng. Bên cạnh đó, Mỹ và Saudi Arabia còn nảy sinh bất đồng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập. Trong khi Saudi Arabia ủng hộ mạnh mẽ việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi, thậm chí còn viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn tại Ai Cập, thì Mỹ lại không đồng tình với cuộc đảo chính quân sự này. Ngược lại, Saudi Arabia cũng tỏ rõ sự không hài lòng trước sự thờ ơ của chính quyền Obama đối với chính quyền lâm thời ở Ai Cập, cũng như thái độ không rõ ràng đối với lực lượng Anh em Hồi giáo, tổ chức bị Saudi Arabia liệt vào danh sách khủng bố.
Không chỉ có vậy, tháng 3-2015, Saudi Arabia đã có những hành động đi ngược lại với lợi ích của Mỹ khi phát động cuộc chiến ở Yemen đầy tốn kém nhưng không hoàn toàn đánh bại phiến quân Houthi, mà còn giúp nhánh al-Qaeda ở đây trở nên mạnh thêm.
Ngoài ra, trong vấn đề hạt nhân của Iran, việc Mỹ và các nước phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đã khiến Saudi Arabia cảm thấy quan ngại bởi Saudi Arabia luôn coi Iran là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia và lo ngại Iran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Sự việc Saudi Arabia xử tử 47 người bị cáo buộc khủng bố, trong đó có giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr bất chấp phản đối của Washington đã trở thành “giọt nước tràn ly” trong quan hệ vốn đang rạn nứt giữa hai nước.
Chính bởi các lý do trên, quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Song, theo các nhà phân tích, dù còn không ít bất đồng, nhưng với những ràng buộc lợi ích không thể tách rời, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia tiếp tục là một trong những ưu tiên đối với chính sách của cả hai bên. Và chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống B. Obama lần này không chỉ tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước mà còn thúc đẩy việc củng cố quan hệ đồng minh chiến lược lâu năm.
Để củng cố thêm quan hệ đồng minh tại khu vực, bên cạnh cuộc gặp gỡ với Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul Aziz, Tổng thống B. Obama cũng đã có cuộc gặp với Thái tử Sheikh Mohammed để thảo luận về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược giữa Mỹ và UAE trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường mối quan hệ song phương và mở rộng phạm vi hợp tác vì lợi ích chung của hai nước, cũng như nhất trí cần thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Yemen và tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya. Thái tử Shaikh Mohammad cho rằng, chủ nghĩa khủng bố đang là thách thức lớn đối với thế giới, do đó cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải có các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò của Mỹ.
Hơn thế nữa, Tổng thống B. Obama đã mang tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - GCC năm nay sự bảo đảm với các đồng minh vùng Vịnh rằng, Mỹ sẽ không giảm sự chú ý trước các “hành động gây mất ổn định” của Iran - quốc gia đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống al Assad tại Syria, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và các đội quân nổi dậy Houthi ở Yemen - những "điểm nóng" gây bất ổn khu vực bấy lâu nay.
Cam kết thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực
Nhật báo Asharq al-Awsat dẫn lời Tổng Thư ký GCC Abdul Latif bin Rashid al-Zayani trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - GCC cho biết, Hội nghị lần này nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên. Các vấn đề duy trì an ninh và ổn định ở vùng Vịnh, đặc biệt là tình hình ở Syria, Yemen, Libya, Iraq cũng như các nỗ lực quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan sẽ được Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo trong khu vực thảo luận một cách toàn diện.
Còn theo Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia Joseph Westphal, quan hệ giữa Mỹ và Riyadh cùng các đối tác trong GCC luôn là “nền tảng của sự ổn định khu vực”. Ông J. Westphal nhấn mạnh, Mỹ luôn quan tâm đến an ninh và ổn định tại Trung Đông nói chung và khu vực vùng Vịnh nói riêng, coi đây là lợi ích an ninh cốt lõi của nước Mỹ. Washington cam kết sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước thành viên GCC. Cố vấn cấp cao về vấn đề Trung Đông của Tổng thống B. Obama, ông Rob Malley cũng cho biết, bên cạnh các vấn đề an ninh như chống khủng bố, vấn đề an ninh mạng… Tổng thống B. Obama cũng muốn lắng nghe quan điểm của các nhà lãnh đạo GCC về cách thức giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Mỹ - GCC đã diễn ra với tính xây dựng cao giữa các bên. Đại diện các nhà lãnh đạo GCC, Quốc vương Saudi Arabia Salman Abdel Bin Al Aziz khẳng định: “Hội nghị đã diễn ra hiệu quả. Điều này góp phần làm tăng cường sự hợp tác giữa GCC và Mỹ. Chúng tôi đánh giá cao những cuộc đối thoại xây dựng và đầy kỳ vọng tại Hội nghị. Các nước vùng Vịnh luôn ý thức và quyết tâm theo đuổi việc thúc đẩy các mối quan hệ lịch sử và chiến lược giữa GCC và Mỹ, vì các lợi ích chung, vì nền hòa bình, an ninh, sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực và thế giới”.
Theo đó, trong Tuyên bố chung của Hội nghị, Tổng thống Mỹ B. Obama, Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul Aziz và các nhà lãnh đạo Arab vùng Vịnh (Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Bahrain) đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - GCC. Trước hết, trong hợp tác kinh tế, Mỹ bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ các nước GCC trong nỗ lực khởi động đối thoại kinh tế Mỹ - GCC cấp bộ trưởng trong năm 2016 với trọng tâm là thích nghi với tình hình giá dầu thấp trong bối cảnh hiện nay. Các quốc gia GCC đã nhất trí với đề xuất của Mỹ tiến hành nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, nhất là khi những nước này đang nỗ lực tạo việc làm và cơ hội cho giới trẻ, cũng như cho người dân trong khu vực.
Đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, Mỹ và các nhà lãnh đạo Arab vùng Vịnh đã xem xét những tiến bộ đạt được kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - GCC hồi tháng 5-2015 tại Trại David, trong đó có các biện pháp tăng cường hợp tác và làm sâu sắc quan hệ đối tác giữa hai bên. Dựa trên những mối đe dọa hiện hữu trong khu vực, Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh cam kết tiến hành khẩn cấp các bước đi bổ sung nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, nhất là đối với IS và al-Qaeda; tăng cường khả năng của các nước GCC trong việc giải quyết những mối đe dọa trong nước và bên ngoài cũng như hạ nhiệt những căng thẳng khu vực và giáo phái vốn đang làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn trong khu vực. Mỹ và các nước GCC tiếp tục phối hợp chặt chẽ thông qua các hội nghị, diễn dàn giữa các bộ trưởng quốc phòng Mỹ - GCC; tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trong năm 2017; tăng cường trao đổi thông tin về những mối nguy hiểm từ nguy cơ khủng bố… Ngoài ra, các nhóm làm việc Mỹ - GCC cũng được đề nghị nhóm họp ít nhất 2 lần mỗi năm để tăng cường hợp tác chống khủng bố và đẩy nhanh nỗ lực giúp các nước Arab vùng Vịnh nâng cao năng lực phòng vệ.
Để khẳng định hơn nữa vai trò thúc đẩy bình ổn an ninh khu vực, trong cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng 6 nước GCC ngày 20-4. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã gửi đến thông điệp Mỹ mong muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố cùng các nước GCC, cũng như việc tạo lập an ninh và ổn định khu vực.
Với những tiến bộ mạnh mẽ đạt được nhiều tháng vừa qua trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria nhờ sự hỗ trợ của các cuộc không kích do liên quân quốc tế được Mỹ lãnh đạo tiến hành, Tổng thống B. Obama tái khẳng định sự hợp tác với các đồng minh vùng Vịnh để giải quyết các cuộc xung đột tại khu vực, đặc biệt trong việc đối mặt với các phần tử thánh chiến “trên thế phòng thủ”. Vào thời điểm hiện tại, vấn đề cấp bách là Mỹ và các nước vùng Vịnh tìm ra một giải pháp ngoại giao, đặc biệt vì những lý do nhân đạo tại Syria và Yemen, cũng như “để các quốc gia đang chịu xung đột có thể tập trung vào cuộc chiến chống IS và al-Qaeda khi tìm thấy một giải pháp chính trị”.
Đối với cuộc nội chiến tại Syria, Tổng thống B. Obama và các nhà lãnh đạo GCC bày tỏ sự đoàn kết đối với người dân Syria, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chuyển giao chính trị tại quốc gia này.
Tổng thống B. Obama và các nhà lãnh đạo GCC cũng đã cam kết hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen, hối thúc các bên đối địch tại Yemen tham gia vòng hòa đàm ở Kuwait để nhanh chóng tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tất cả các bên ở Libya tôn trọng tính hợp pháp của Chính phủ đoàn kết dân tộc và hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính phủ mới ở Libya giải quyết các thách thức hiện nay. Mỹ và GCC nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine trên cơ sở một thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những bước tiến ngoại giao vẫn còn đang tiềm ẩn nhiều thách thức, thậm chí còn quá mong manh khi các thủ lĩnh của lực lượng đối lập Syria đã bắt đầu rời bàn đàm phán tại Geneva, tiếp tục tấn công chính quyền của Tổng thống al-Assad. Tại Yemen, các phần tử nổi dậy Houthis cuối cùng đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng nhiều cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra tại lãnh thổ nước này và một giải pháp chính trị dường như còn rất xa vời. Như vậy, Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh sẽ cần nhiều hơn nữa những nỗ lực nhằm "hạ nhiệt" những “điểm nóng” trong khu vực./.
Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập  (23/04/2016)
Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập  (23/04/2016)
Hàng nghìn người dân Đức xuống đường biểu tình phản đối Thỏa thuận do thương mại giữa Mỹ và châu Âu TTIP  (23/04/2016)
Việt Nam-Lào tăng cường sự gắn bó giữa hai Đảng, hai nhà nước  (23/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên