Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc
1. Chúng tôi, lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nước Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) nhóm họp ngày 1-2/6/2009 tại đảo Jeju (Hàn Quốc) nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề “Đối tác thực chất, Hữu nghị bền lâu".
Kiểm điểm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc
2. Chúng tôi hài lòng nhận thấy ASEAN và Hàn Quốc đã phát triển mối quan hệ hợp tác cùng có lợi trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau trong 20 năm qua. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc đã đạt tiến bộ vững chắc trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện 2004 nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố chung năm 2005. Trên tinh thần đó, ASEAN đánh giá cao nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN thông qua việc triển khai “Sáng kiến Châu Á mới”.
3. Chúng tôi thấy rằng, thông qua tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994 và tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2004, Hàn Quốc đã tăng cường quan hệ chính trị an ninh với ASEAN, qua đó đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuyên bố chung ASEAN-Hàn Quốc về hợp tác chống khủng bố quốc tế năm 2005 cũng đã thúc đẩy hợp tác chống khủng bố quốc tế.
4. Chúng tôi ghi nhận kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, từ 46,4 tỷ USD năm 2004 lên 90,2 tỷ USD năm 2008. Chúng tôi vui mừng nhận thấy đầu tư hai chiều đã có sự gia tăng vững chắc, đạt 6,8 tỷ USD năm 2008, gấp hơn 5 lần so với con số 1,3 tỷ USD năm 2004. Chúng tôi cũng thấy rằng số lượng khách du lịch qua lại giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc đã tăng hơn hai lần trong 5 năm qua với trung bình 4 triệu lượt người mỗi năm.
5. Chúng tôi hài lòng nhận thấy những tác động tích cực của việc triển khai Hiệp định thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA). Chúng tôi hoan nghênh việc Hiệp định thương mại dịch vụ thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc đi vào hiệu lực từ ngày 01/5/2009. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đầu tư trên cơ sở AKFTA vào ngày 02/6/2009 giữa các Bộ trưởng Kinh tế, đánh dấu sự hoàn thiện của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.
6. Chúng tôi hài lòng biết rằng kể từ ngày thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, tổng lượng đóng góp vào Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc đã đạt 39 triệu USD và được sử dụng một cách hiệu quả vào nhiều dự án như thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, giao lưu giữa nhân dân các nước và phát triển nguồn nhân lực.
7. Chúng tôi hoan nghênh sự kiện Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc chính thức ra mắt ngày 13/3/2009. Bên cạnh đó, chúng tôi nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác để Trung tâm trở thành một kênh hiệu quả trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và ASEAN.
8. Chúng tôi tán thành việc thành lập Nhóm Các nhân vật nổi tiếng ASEAN-Hàn Quốc (EPG) vào đầu năm 2009 nhằm cung cấp những định hướng trung hạn và dài hạn cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN - Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, chúng tôi ghi nhận Báo cáo Tiến bộ của EPG trình các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Hàn Quốc. Chúng tôi nhất trí rằng những kiến nghị của bản Báo cáo cuối cùng của nhóm EPG dự kiến trình Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 13 cuối năm nay sẽ góp phần quan trọng cho việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc.
Tăng cường Hợp tác Chính trị - An ninh
9. Hàn Quốc chúc mừng việc Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15/12/2008, đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập ASEAN. Hàn Quốc đề cao kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015, phù hợp với những cam kết nêu trong Tuyên bố Hòa hợp II (Tuyên bố Bali II) 2003, Chương trình Hành động Vientiane 2004, Tuyên bố Cebu về việc đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN đến năm 2015 và Tuyên bố Cha-am Hủa Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).
10. Chúng tôi hoan nghênh việc củng cố và ủng hộ vai trò ngày càng tăng của Ban Thư ký ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phù hợp với Hiến chương ASEAN. Theo đó, chúng tôi cũng thấy cần tăng cường mạng lưới làm việc giữa Ban Thư ký ASEAN và Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực của Ban Thư ký ASEAN.
11. Chúng tôi nhận thức được rằng hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên đạt được qua đối thoại và hợp tác đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực làm giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả những nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp sớm cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình thông qua tiến trình đàm phán 6 bên.
12. Chúng tôi cam kết duy trì các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ thông tin trong các vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực thực thi luật pháp và xét xử tội phạm, bao gồm việc chống khủng bố, cướp biển, buôn lậu ma túy, buôn người, rửa tiền, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế quốc tế, tin tặc cũng như phối hợp để đảm bảo việc tăng cường an ninh hàng hải trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tăng cường Hợp tác Kinh tế và Phát triển
13. Chúng tôi mong muốn rằng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc sẽ tăng lên 150 tỷ USD từ nay cho tới năm 2015 thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc và qua các thỏa thuận thương mại bổ sung khác. Để đạt được điều này, chúng tôi tán thành sử dụng trung tâm ASEAN - Hàn Quốc để tạo điều kiện cho các hoạt động quảng bá thương mại và đầu tư bao gồm triển lãm sản phẩm, trao đổi các phái đoàn đầu tư và thương mại, trao đổi thông tin về thương mại và đầu tư.
14. Căn cứ vào những tác động tích cực của Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc, chúng tôi nhất trí hợp tác và quản lý chặt chẽ quá trình thực thi Hiệp định thương mại tự do bằng cách tăng cường các kênh hợp tác hiện có như các dự án hợp tác kinh tế ASEAN - Hàn Quốc.
15. Chúng tôi hài lòng với kết quả thành công của Hội nghị thượng đỉnh CEO ASEAN - Hàn Quốc tại Jeju từ ngày 31/5 đến ngày 1/6/2009 trong việc tạo dựng các mối quan hệ đối tác thương mại. Chúng tôi rất hoan ngênh cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạng lưới chiến lược phục vụ lợi ích các bên và tối đa hóa các tiềm năng sẵn có trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của SMEs (các doanh nghiệp vừa và nhỏ), như một nhân tố đóng góp chính cho nền kinh tế quốc gia và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức tạo điều kiện cho các SMEs tiếp cận được với thị trường quốc tế và thu được lợi ích từ Khu vực mậu dịch tự do.
16. Chúng tôi khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong cung cấp an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo phát triển bền vững. Trong vấn đề này, chúng tôi mong muốn tìm kiếm khả năng tăng cường cộng tác chung và chuyển giao công nghệ trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, khuyến khích đầu tư và sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch bao gồm tích trữ, chế biến và phân phối thực phẩm.
17. Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết thành lập hệ thống hợp tác giữa ASEAN-Hàn Quốc bao gồm tất cả các phương tiện vận tải, kể cả hậu cần. Để đạt được điều này, chúng tôi mong muốn sớm ký kết Bản ghi nhớ ASEAN - Hàn Quốc về Hợp tác vận tải vào cuối năm 2009.
18. Nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư và du lịch, chúng tôi cố gắng bắt đầu thảo luận Hiệp định về Dịch vụ hàng không giữa ASEAN và Hàn Quốc bao gồm cả vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường không vào đầu năm 2010.
19. Hàn Quốc tái khẳng định cam kết tiếp tục tăng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho phát triển kinh tế và xã hội bền vững cũng như xóa đói giảm nghèo trong các quốc gia thành viên ASEAN. Hàn Quốc cũng đồng ý chia sẻ kinh nghiệm phát triển và mở rộng các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực trong phát triển nguồn nhân lực, và các chương trình tình nguyện nước ngoài. Để đạt được điều này, Hàn Quốc dự định mời 7.000 thực tập sinh từ các nước ASEAN trong vòng 7 năm tới.
20. ASEAN ghi nhận rằng Hàn Quốc là một trong những nước đóng góp đáng kể trong Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN và khuyến khích Hàn Quốc tham gia các sáng kiến tiểu vùng trong ASEAN. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ và quyết định đóng góp cho khu vực 5 triệu USD trong giai đoạn 2013-2017.
21. Chúng tôi chia sẻ rằng tạo dựng công ăn việc làm sẽ là chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất nhằm vượt qua được những thách thức và tối đa hóa các cơ hội do toàn cầu hóa đem lại. Với quan điểm như vậy, chúng tôi tán thành tăng cường hợp tác trong việc tạo ra “nhiều công việc tốt hơn” thông qua các chương trình đào tạo và trao đổi chuyên gia trong các lĩnh vực tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, bình đẳng giới trong tuyển dụng, cũng như phát triển các kỹ năng hướng nghiệp.
22. Ghi nhận các kết quả tích cực của quan hệ hợp tác về Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chúng tôi tán thành tăng cường hơn nữa việc tham khảo lẫn nhau và thúc đẩy các chương trình và sáng kiến chung nhằm xây dựng quan hệ đối tác về tri thức công nghệ và truyền thông giữa ASEAN và Hàn Quốc. Hàn Quốc nhấn mạnh cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN, bao gồm cả việc phát triển nguồn nhân lực, mô hình phát triển công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, kỹ thuật số và hợp tác giải quyết các thách thức mới của việc thay đổi công nghệ.
24. ASEAN ghi nhận những thành tựu khoa học và công nghệ mà Hàn Quốc đã đạt được và chúng tôi nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong công nghệ vật chất tiên tiến, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích các nghiên cứu chung và trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia trẻ tuổi.
25. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Hệ thống cấp phép việc làm của Hàn Quốc trong việc phát triển hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc về lao động và việc làm. Hàn Quốc cũng nhất trí tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu lao động và tăng hỗ trợ cho các công nhân từ các nước thành viên ASEAN đến lao động ở Hàn Quốc.
Tăng cường trao đổi Văn hóa xã hội
26. Chúng tôi khẳng định quyết tâm tăng cường trao đổi văn hóa thông qua các mạng lưới hợp tác văn hóa, như việc khởi xướng Giao hưởng ca nhạc truyền thống ASEAN - Hàn Quốc tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm lần này, qua đó thể hiện cho thế giới thấy chuẩn mực tuyệt vời của âm nhạc truyền thống châu Á. Chúng tôi chúc mừng buổi biểu diễn đầu tiên của Dàn giao hưởng tại đảo Jeju vào ngày 31/5/2009.
27. ASEAN hoan nghênh quyết định của Hàn Quốc tăng đóng góp hàng năm cho quỹ hợp tác từ 3 triệu USD lên 5 triệu USD sau năm 2010 trong khuôn khổ Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc. Ưu tiên sẽ được dành cho các dự án về trao đổi văn hóa và trao đổi nhân dân, ví dụ như trao đổi thanh niên và trao đổi cán bộ nữ ASEAN- Hàn Quốc, các dự án thúc đẩy hiểu biết văn hóa và các dự án tương tự khác.
28. Chúng tôi cũng chú trọng đến sự an toàn và bảo hộ công dân, bao gồm khách du lịch, thương nhân, các quan chức tới ASEAN và Hàn Quốc cũng như cư dân cư trú dài hạn, công nhân lưu trú tại các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc. Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các vấn đề lãnh sự.
29. Chúng tôi ghi nhận rằng phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thu hẹp khoảng cách phát triển. Về mặt này, chúng tôi đồng ý tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên và sinh viên cũng như giao thoa văn hóa giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc. Chúng tôi rất hoan nghênh Hàn Quốc đã tăng nhiều suất học bổng cho sinh viên ASEAN và Hàn Quốc học cao đẳng và đại học, khuyến khích nghiên cứu ASEAN tại Hàn Quốc cũng như nghiên cứu Hàn Quốc tại ASEAN.
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu
30. Chúng tôi tái khẳng định quyết tâm nỗ lực cùng giải quyết các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường, khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm.
31. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, chúng tôi tái khẳng định cam kết làm hết sức mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực và kiên quyết chống chủ nghĩa bảo hộ. Chúng tôi nhất trí thực hiện các chính sách chủ động và quyết đoán nhằm khôi phục niềm tin vào thị trường và đảm bảo sự ổn định tài chính liên tục để thúc đẩy kinh tế khu vực tăng trưởng bền vững.
32. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến Chiang Mai về Đa phương hóa (CMIM) đóng góp vào sự ổn định tài chính khu vực và bảo vệ khu vực khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi các hành động cấp thiết và hiệu quả để nhanh chóng hoàn thành việc thực hiện CMIM, bao gồm việc thành lập một nhóm theo dõi khu vực độc lập, nhằm hỗ trợ cho tiến trình đưa ra quyết định của CMIM.
33. Chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh Sáng kiến các thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) phù hợp với lộ trình mới của ABMI nhằm tạo cơ sở mở rộng các thị trường trái phiếu khu vực thông qua việc huy động các khoản tiết kiệm cho đầu tư sản xuất, đặc biệt là phát triển hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng khu vực.
35. Chúng tôi nhận ra rằng các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng hiện nay không chỉ bó hẹp ở phạm vi một quốc gia cụ thể, và hợp tác toàn cầu là rất quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi đã cố gắng thành lập Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) để đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
36. Chúng tôi ghi nhận sáng kiến của Hàn Quốc về “giảm carbon, tăng màu xanh” nhằm phát triển bền vững. Chúng tôi đồng ý thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa ASEAN và Hàn Quốc thông qua việc sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, thực hiện các dự án và nghiên cứu hợp tác để đối phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đồng lòng đẩy mạnh hợp tác về các chương trình trao đổi liên quan đến giảm khí thải nhà kính trên cơ sở đào tạo, giáo dục và tăng cường nhận thức của cộng đồng về việc giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.
37. Chúng tôi nỗ lực gia tăng hợp tác trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), đăc biệt là Sáng kiến Giảm khí thải từ việc chặt phá rừng tại các nước đang phát triển (REDD), tăng cường quản lý rừng bền vững, tái thiết đất hoang và thúc đẩy công nghiệp rừng. Chúng tôi đánh giá cao đề nghị của Hàn Quốc về việc thành lập một Tổ chức Hợp tác rừng châu Á.
38. Chúng tôi đồng ý ủng hộ vai trò hỗ trợ và cùng có lợi của cấu trúc khu vực như Hợp tác ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), qua đó hỗ trợ tiến trình liên kết ASEAN, góp phần hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng Đông Á.
39. Cùng với chủ đề “Đối tác thực chất, Hữu nghị bền lâu” chúng tôi nhất trí đẩy mạnh và mở rộng mạng lưới không chỉ của các tổ chức chính phủ mà còn của các nghị sỹ quốc hội, giới doanh nhân và các bên có cùng lợi ích. Chúng tôi đặc biệt coi trọng thế hệ trẻ, những người sẽ đi tiên phong trong công cuộc xây dựng một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, quan tâm và chia sẻ ở khu vực của chúng ta.
40. Chúng tôi giao các Bộ trưởng và các quan chức thực hiện các biện pháp được ghi nhận trong Tuyên bố chung này, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết và báo cáo thường xuyên tiến độ thực hiện lên Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc.
Được ký kết tại đảo Jeju vào ngày 2/6/2009./.
Thông cáo số 12, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XII  (02/06/2009)
"Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008"  (02/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay