Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về dự án lấp sông Đồng Nai
Thủ tướng Chính phủ có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về dự án lấp sông Đồng Nai.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIII: “Tại các buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục phản ánh dự án lấp sông Đồng Nai để làm dự án phát triển đô thị ven sông sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân các tỉnh phía Nam và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các Bộ, ngành có liên quan đang xem xét, xử lý vấn đề này.
Đề nghị Thủ tướng thông tin cho đại biểu Quốc hội biết về tình hình hiện nay của dự án, việc thẩm định, đánh giá lại dự án đã tiến hành đến đâu; có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không? Nếu ngừng thực hiện dự án thì phương án khắc phục như thế nào? Và việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những đơn vị có liên quan?”
Về chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết:
1. Về tình hình hiện nay của dự án
Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (Dự án) do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được khởi công từ tháng 9-2014.
Dự án có quy mô 8,4ha, trong đó 7,7ha lấn sông Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 1,3km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m. Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có chiều rộng khoảng 800m (đây là đoạn sông rộng nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh).
Nằm trong phạm vi Dự án có trạm bơm của Nhà máy nước cấp cho thành phố Biên Hòa và trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ cho việc phát triển Dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn dự kiến sẽ được di dời. Vị trí xây dựng Dự án cách luồng giao thông thủy khoảng 280 m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.
Tại thời điểm cuối tháng 3-2015, Dự án đã thực hiện san lấp khoảng 600m chiều dài, trong đó có khu vực trung tâm hình bán nguyệt chiều rộng lớn nhất là 100m, chiều dài 500m, khối lượng san lấp khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5-8 m; đã xây dựng một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền...).
2. Quá trình chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với Dự án
Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo quy định, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền (công văn số 2089/VPCP-KTN ngày 27-3-2015).
Từ ngày 28-3, Chủ đầu tư Dự án đã dừng toàn bộ việc thi công, duy trì bốn chốt bảo vệ trực 24/24 giờ bảo đảm an ninh công trường và đội công nhân dọn dẹp vệ sinh, tưới nước mặt bằng để chống bụi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra, có báo cáo đánh giá sơ bộ về Dự án. Tuy nhiên, Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thẩm định, phê duyệt, cấp phép thực hiện, để bảo đảm khách quan, khoa học, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đặc biệt là các tác động của Dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý Dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật (công văn số 4520/VPCP-KTN, ngày 17-6-2015).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng liên ngành thực hiện thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án (19 thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, bùn cát, chỉnh trị sông, môi trường sinh thái).
Kết quả đánh giá của Hội đồng cho rằng các tài liệu cơ bản đưa vào nghiên cứu, tính toán của Dự án là các số liệu cũ, chưa đầy đủ, không đồng bộ (thiếu số liệu về bùn cát; kiểm nghiệm, hiệu chỉnh mô hình chưa chính xác), chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động của Dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai, đặc biệt là những nội dung về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ bãi sông, chất lượng nước sông, chưa định lượng cụ thể được các tác động Dự án.
Đây là vấn đề khoa học phức tạp, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, chính xác, khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hội đồng thẩm định khẩn trương lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nghiên cứu, đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của Dự án (công văn số 8470/VPCP-KTN, ngày 16-10-2015).
Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thành, Hội đồng thẩm định tiếp tục xem xét, đề xuất phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hội đồng lựa chọn hai đơn vị tư vấn độc lập, có đủ uy tín, năng lực là Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Thủy lợi (thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng sông Đồng Nai) và Viện Sinh thái học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai Dự án) để đánh giá các tác động của Dự án. Các đơn vị nêu trên đang khẩn trương triển khai việc khảo sát, bổ sung số liệu và nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các mô hình tính toán để đánh giá tác động.
3. Quan điểm xử lý những vấn đề liên quan đến Dự án
Chủ trương cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông đã được nhiều nước trên thế giới và Việt Nam áp dụng.
Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cấp phép thực hiện. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện Dự án hay không và phương án xử lý cụ thể đối với Dự án phải dựa trên các cơ sở khoa học, kỹ thuật (sau khi hai đơn vị tư vấn độc lập do Hội đồng lựa chọn đã bổ sung, cập nhật số liệu, đánh giá định lượng các tác động của Dự án - kể cả các phúc lợi xã hội đối với cộng đồng mà Dự án mang lại, Hội đồng sẽ tiếp tục họp đánh giá tác động của Dự án) để quyết định phương án xử lý tối ưu, hạn chế các tác động tiêu cực của Dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai.
Việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ được xem xét sau khi có kết quả đánh giá đầy đủ tác động và giải pháp khắc phục cụ thể. Tùy thuộc mức độ sai phạm, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân (nếu có) sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật./.
Thủ tướng trả lời chất vấn về Dự án đường Hồ Chí Minh  (28/12/2015)
Thu gần 3.700 tỷ đồng từ cấp quyền khai thác khoáng sản  (28/12/2015)
Kênh Truyền hình Giáo dục quốc gia chính thức lên sóng dịp năm mới 2016  (28/12/2015)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI  (28/12/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay