Việt Nam đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Tuấn Phương (tổng hợp từ TTXVN, cand.com.vn)
22:24, ngày 10-12-2015

TCCSĐT - Sau hơn một năm đảm nhận vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam đã đạt được được nhiều thành tựu cao trong công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người cũng như có những đóng góp tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc chung của Hội đồng.

Cụ thể hóa quyền con người trong hệ thống pháp luật, chính sách

Ở Việt Nam, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013, có hiệu lực từ ngày 01-01-2014, tiếp tục kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đồng thời phù hợp với nội dung, tinh thần các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Có thể thấy, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người được thừa nhận là quyền tự nhiên, vốn có mà Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người ở Việt Nam cũng đã được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành và sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam.

Trong năm 2015, Quốc hội cũng đã thông qua hoặc sửa đổi nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Quốc tịch, Luật quản lý tạm giam tạm giữ, Luật Trưng cầu ý dân...

Những thành tựu nổi bật

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó nổi bật là người dân có mức sống ngày càng tăng, được hưởng nhiều quyền và tự do hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Trên thực tế, các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và việc tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân diễn ra sôi nổi và đa dạng. Bạn bè, đối tác của Việt Nam đều ấn tượng với những hình ảnh về Đại lễ Phật đản - Vesak Liên hợp quốc, ngày Thiên Chúa giáng sinh, cũng như các ngày lễ hội truyền thống trên khắp các vùng, miền trên cả nước; về sự phát triển mạnh mẽ của internet ở Việt Nam, về sự tham gia và phản biện ngày càng tích cực của người dân trong quá trình ra quyết sách về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội,…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu cùng với việc Chính phủ thắt chặt và cắt giảm mạnh chi tiêu công, Việt Nam vẫn coi việc bảo đảm an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngân sách Nhà nước dành cho các chương trình an sinh xã hội không bị cắt giảm, thậm chí còn tăng trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Tháng 11-2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Như vậy, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người. Nỗ lực gia nhập ngày càng nhiều các công ước quốc tế về quyền con người thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận đã đạt và vượt trước thời hạn 6/8 Mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển và hoàn thành các mục tiêu còn lại đúng hạn. Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng và thông qua Chương trình nghị sự đến năm 2030, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, Việt Nam đã giúp cộng đồng quốc tế nhìn thấy một Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, luôn lắng nghe, tiếp thu đóng góp của bạn bè quốc tế, và luôn nỗ lực hết mình để người dân Việt Nam được hưởng ngày càng tốt hơn các khía cạnh của quyền con người.

Đóng góp tích cực vì công cuộc bảo vệ giá trị quyền con người trên thế giới

Trong năm đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chỉ trong một năm, Việt Nam đã tham gia hàng trăm cuộc họp chính thức, hàng trăm cuộc tham vấn ở Hội đồng Nhân quyền; thương lượng, bỏ phiếu gần 200 nghị quyết, quyết định liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người.

Dù là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, song Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các công việc chung của Hội đồng, đóng góp tích cực trên các lĩnh vực thuộc quan tâm của các nước đang phát triển, như việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, vấn đề lương thực, sức khỏe, nước sạch…

Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, sự chủ động của Việt Nam còn được thể hiện trong các diễn đàn khác có liên quan đến quyền con người, như ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Địa vị phụ nữ (thuộc Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc), Tổ chức Lao động quốc tế… Thông qua các hoạt động và đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương liên quan đến quyền con người, Việt Nam không những góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong con mắt bạn bè quốc tế, mà còn tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, vấn đề giáo dục, y tế, bình đẳng giới, lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, xóa đói, giảm nghèo...

Cùng với kênh đa phương, kênh đối thoại song phương về quyền con người tiếp tục được triển khai hiệu quả. Cho dù vẫn có những khác biệt, song các cuộc đối thoại đều diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, qua đó giúp tăng cường hiểu biết và hỗ trợ quá trình xây dựng niềm tin giữa Việt Nam và các đối tác. Qua đó, quan hệ song phương với các đối tác, trong đó có những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, được cải thiện và đạt nhiều bước phát triển mới. Vị thế ngày càng tăng của đất nước đã và đang mang lại nhiều thuận lợi trong triển khai các hoạt động đối ngoại về quyền con người.

Có thể nói, Việt Nam chào đón Ngày Nhân quyền thế giới 10-12-2015 có ý nghĩa đặc biệt khi Quốc hội Việt Nam khóa 13 vừa qua thông qua một loạt các bộ luật, luật liên quan trực tiếp đến quyền con người.

Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng Đề án tổng thể, nêu rõ chủ trương, mục đích, lộ trình tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp thực chất trong các phát biểu tham luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng như trong các cơ chế riêng biệt và trên tất cả các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia thương lượng và tham vấn về nội dung các nghị quyết mà Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nhằm bảo vệ lợi ích, quan điểm của Việt Nam về quyền con người cũng như đóng góp vào các nội dung tiến bộ phù hợp với các nước đang phát triển trong việc bảo đảm quyền con người. Qua các đóng góp đó, cộng đồng quốc tế thấy rõ được sự tham gia của Việt Nam là có trách nhiệm, tích cực và xây dựng vào những vấn đề quốc tế quan tâm. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 28 của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mặc dù tình hình thế giới và tại Hội đồng Nhân quyền diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam đã đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt đã bảo vệ được các nguyên tắc, quan điểm, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam về quyền con người tại diễn đàn và góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, quan hệ sâu rộng giữa Việt Nam với các đối tác, các tổ chức quốc tế chính là nền tảng để Việt Nam tham gia một cách chủ động, tích cực, thực chất và có hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, cũng như trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc liên quan đến quyền con người.

Sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam được các nước ghi nhận và đánh giá cao, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác. Với những thành quả đã đạt được trong một năm qua, với vị thế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong thời gian còn lại, Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung trong việc không ngừng cải thiện quyền của người dân Việt Nam, cũng như khẳng định hình ảnh Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.