Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường
Chiều 10-12-2015, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Pháp lệnh quản lý thị trường và chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Pháp lệnh quản lý thị trường nêu rõ hiện nay, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Những vụ, việc vi phạm có tổ chức với quy mô lớn diễn ra trên địa bàn liên tỉnh hoặc có tính chất quốc tế ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế. Trong tình hình đó, việc ban hành Pháp lệnh quản lý thị trường để luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của quản lý thị trường, nâng cao địa vị pháp lý của quản lý thị trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hợp lý và hiệu quả của hoạt động kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp nhằm bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích xã hội là rất cần thiết.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 07 chương, 39 điều. Qua thảo luận nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Pháp lệnh cần quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về tổ chức và hoạt động của quản lý thị trường, nâng cao địa vị pháp lý của quản lý thị trường; bảo đảm hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của quản lý thị trường thống nhất, minh bạch, có sự phân công, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành và các lực lượng có chức năng đấu tranh chống vi phạm pháp luật về thương mại, công nghiệp; bảo đảm phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của công dân. Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh quản lý thị trường nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội. Việc ban hành Pháp lệnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, đáp ứng yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này và tương xứng với pháp luật về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng có liên quan khác như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển... Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu cho rằng, xuất pháp từ những nhiệm vụ và yêu cầu của thực tế, có thể nghiên cứu theo hướng nâng pháp lệnh lên thành luật để xứng với tầm quan trọng của công tác quản lý thị trường, cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, dự thảo Pháp lệnh phải quy định rõ điều chỉnh những đối tượng nào, hành vi gì, trong trường hợp nào... để những người lâu nay làm hàng gian, hàng giả, buôn gian bán lận biết mình làm thế là vi phạm Pháp lệnh, công chức thi hành công vụ biết mình được quyền làm những gì... Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần bàn thêm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định như dự thảo “dẫn đến chúng ta không xác định rõ được những vấn đề gì thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này, dẫn đến sự trùng lặp giữa pháp lệnh này với các văn bản pháp luật khác liên quan và ngay đối với các lực lượng của chúng ta hiện nay”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị dự thảo Pháp lệnh cần có những quy định cụ thể về xây dựng lực lượng quản lý thị trường như thế nào, tổ chức bộ máy ra sao...
Tại Điều 6: Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường quy định “ Nhà nước xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, từng bước hiện đại”, đại biểu băn khoăn về cách thể hiện và đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thể hiện lại sao cho phù hợp với hoạt động của quản lý thị trường.
Về Điều 8: Vị trí, chức năng của quản lý thị trường, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, quy định “Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác khi được cấp có thẩm quyền giao” là quá rộng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có những quy định về chức năng cụ thể của quản lý thị trường như: đấu tranh chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đánh giá dự thảo Pháp lệnh đề cập tới hoạt động kiểm tra và thanh tra nhưng chưa làm rõ sự khác nhau giữa 2 hoạt động này, do vậy cần quy định để thấy được đâu là hoạt động kiểm tra, đâu là hoạt động thanh tra của quản lý thị trường. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Pháp lệnh cần nhấn mạnh hoạt động kiểm tra thường xuyên để đấu tranh phòng, chống các vi phạm đạt hiệu quả, việc thực hiện theo kế hoạch kiểm tra tại khoản 1 Điều 14 khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới, tính phức tạp của thực tiễn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo Pháp lệnh phải ghi rõ kiểm tra là nhiệm vụ chức năng quan trọng hàng đầu của quản lý thị trường, trong đó xác định địa bàn trọng điểm, trọng yếu, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra. Các nội dung này cần được làm rõ hơn tại quy định Điều 14. Kết luận phiên thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh. Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc./.
Khai mạc kỳ họp thứ 22 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII  (10/12/2015)
Kỳ họp thứ 22 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII: Nhiều đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội  (10/12/2015)
Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 32 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế  (10/12/2015)
Hà Nội: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2016  (10/12/2015)
Thường vụ Quốc hội đồng ý điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên  (10/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển