Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, sáng 10-12-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên và Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên.

Mức thuế suất thuế tài nguyên hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13, trong đó quy định mức thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên trên cơ sở Biểu khung thuế suất do Quốc hội quy định tại Luật Thuế tài nguyên.

Theo đánh giá, về cơ bản, Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành, tuy nhiên, hiện mức thuế suất thuế tài nguyên còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời chưa bảo đảm phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị.

Do vậy, việc nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp là cần thiết nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên quốc gia; góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường...

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại; nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên theo như Tờ trình của Chính phủ. Cụ thể: Nhóm khoáng sản kim loại, từ ngày 01-01-2016: Măng gan: tăng từ 11% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Chì, kẽm: tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%); Khoáng sản kim loại khác (bao gồm cả côban, môlipđen, thủy ngân, manhê, vanađi): tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%).

Từ ngày 01-01-2017: Sắt tăng từ 12% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Titan tăng từ 16% lên 18% (mức trần theo Luật là 20%); Vàng tăng từ 15% lên 17% (mức trần theo Luật là 25%); Vôn-phờ-ram, ăng-ti-moan tăng từ 18% lên 20% (mức trần theo Luật là 25%); Đồng tăng từ 13% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%); Bạch kim, bạc, thiếc tăng từ 10% lên 12% (mức trần theo Luật là 25%).

Với mức thuế suất dự kiến như trên, với sản lượng, giá tính thuế như năm 2014, số thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại tăng 125 tỷ đồng so với năm 2014 (trong đó, từ ngày 01-01-2016 tăng 26,1 tỷ đồng; từ ngày 01-01-2017 tăng thêm 98,9 tỷ đồng.

Đối với Nhóm khoáng sản không kim loại: Từ ngày 01-01-2016: Cát ăng từ 11% lên mức trần 15%; Cát làm thủy tinh tăng từ 13% lên mức trần 15%; Gờ-ra-nít tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 20%); các khoáng sản không kim loại còn lại, trừ đá hoa trắng, than (gồm: đất khai thác để san lấp và xây dựng công trình; đá, sỏi; đá nung vôi và sản xuất xi măng; sét chịu lửa; đô-lô-mít, quắc-zít; cao lanh; mi-ca, thạch anh kỹ thuật; a-pa-tit;...) tăng thêm 3%.

Riêng kim cương, ru-bi, sa-phia tăng từ 22% lên 27% (mức trần theo Luật là 30%); E-mô-rốt, a-lếch-xan-đờ-rít, ô-pan quý màu đen tăng từ 20% lên 25% (mức trần theo Luật là 30%) do là loại khoáng sản quý hiếm; khoáng sản không kim loại khác tăng từ 5% lên 10% (mức trần theo Luật là 25%).

Từ ngày 01-01-2017, đá hoa trắng tăng từ 9% lên mức trần 15%; Than tăng từ 7% lên 10% đối với than an-tra-xít hầm lò và than khác; tăng từ 9% lên 12% đối với than an-tra-xít lộ thiên, than nâu, than mỡ (mức trần theo Luật đối với than là 20%).

Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản không kim loại tăng khoảng 2.171,6 tỷ đồng so với số thu năm 2014 (trong đó từ ngày 01-01-2016 tăng khoảng 684,7 tỷ đồng; từ ngày 01-01-2017 tăng thêm khoảng 1.486,9 tỷ đồng).

Để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng mức thuế suất đối với nhóm nước thiên nhiên. Cụ thể: nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp: tăng từ mức sàn 8% lên mức trần 10%.

Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng từ 4% lên mức trần 5%.... Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm nước thiên nhiên khoảng 4.352,7 tỷ đồng, tăng 887,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014 (trong đó số thu từ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng 775,1 tỷ đồng).

Về thuế suất đối với nhóm sản phẩm rừng tự nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và một số ý kiến khác không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ (giảm mức thuế suất đối với gỗ rừng tự nhiên như sau: Gỗ nhóm I: từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II: từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV: từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác: từ 15% xuống 12%.).

Các ý kiến đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II, III đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn (6,9 tỷ đồng)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên./.