Thành phố Hồ Chí Minh: Đổi mới giáo dục - yêu cầu cấp bách
Khoảng 1,2 triệu học sinh Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào năm học mới 2008 -2009. Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, đây là năm học có tính chất quyết định kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Để đáp ứng với yêu cầu của giáo dục hiện đại, vẫn còn nhiều việc “cần làm ngay”.
Giáo viên: vẫn thiếu nhiều, nhất là ở hệ mầm non
Theo ngành giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), năm học này cần hơn 4.200 giáo viên các cấp, nhưng đợt tuyển vừa qua chỉ tuyển được hơn 2.700, còn thiếu khoảng 1.500 giáo viên. Sở GD - ĐT TPHCM cho biết, sẽ tuyển giáo viên đợt 2 cho các trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm của năm 2007 cho thấy, dù tuyển giáo viên lần 2, ngành giáo dục TPHCM cũng không nhận thêm được bao nhiêu vì đa số ứng viên đã tham gia xét tuyển đợt 1. Đợt tuyển lần 2 thực tế chỉ là sự di chuyển giáo viên từ trường ngoài công lập vào trường công lập. Trước tình trạng thiếu giáo viên có thể xảy ra trong năm học này, các trưởng phòng giáo dục đã lên nhiều phương án để khắc phục: mời giáo viên về hưu trở lại thỉnh giảng, hợp đồng với giáo viên không có hộ khẩu tại TPHCM. Bên cạnh đó, nhiều trường thực hiện tổ chức cho dạy 2 ca, tăng tiết so với nghĩa vụ hoặc tính đến phương án ghép lớp học như năm trước.
Từ năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện “3 công khai” trong các cơ sở giáo dục cả công lập lẫn ngoài công lập: công khai chất lượng đào tạo cam kết với người học, ở các trường phổ thông, đặc biệt là khu vực ngoài công lập; công khai nguồn lực: danh sách giảng viên, trình độ, thiết bị giảng dạy; công khai chi tiêu, các nguồn thu - chi. Bộ cũng thực hiện tinh thần “4 kiểm tra”: kiểm tra các tỉnh về vấn đề ngân sách địa phương chi cho giáo dục; kiểm tra sử dụng nguồn học phí, đóng góp, tiền học phí thu được; kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp; xây nhà công vụ cho giáo viên. |
Năm học 2008 - 2009, TPHCM sẽ đầu tư xây mới, thay thế 17 trường mầm non. Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ở cấp mầm non, do làm việc quá tải, thu nhập thấp nên giáo viên bỏ việc rất nhiều, vì thế chất lượng của giáo viên mầm non ngoài công lập chưa bảo đảm. Nhằm cải thiện đời sống cho giáo viên, giảm bớt tình trạng bỏ việc, Sở GD-ĐT TPHCM đang đề xuất với ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM về việc tăng lương giờ phụ trội, làm thêm giờ và tăng phụ cấp nghề cho giáo viên. So với tăng lương hay học phí, đây là cách khả quan nhất. Đối với các trường ngoài công lập, Sở sẽ phối hợp cùng các trường sư phạm đào tạo giáo viên, bảo mẫu ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng để đáp ứng tạm thời cho các trường, chủ yếu là cho các nhóm lớp. Các trường, nhóm lớp tuyển dụng lao động phải sử dụng người có đào tạo tối thiểu qua lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Từ năm học 2008 - 2009, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn học tại các nhóm trẻ gia đình, trường tư thục sẽ được miễn giảm học phí theo quy định. Các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình sẽ thu học phí từ Quỹ xóa đói, giảm nghèo.
Chạy đua vào trường công, trường chất lượng - nỗi lo còn đó
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ đề án tăng học phí, dự kiến áp dụng từ năm học 2009. Theo đó, học phí sẽ được chia thành nhiều mức, phù hợp với từng bậc, ngành và chương trình học khác nhau. Học phí hệ đại học, cao đẳng cũng sẽ được chia làm hai loại: học phí chương trình đại trà và học phí chương trình chất lượng cao. Trong đó, sinh viên nhóm ngành y dự kiến sẽ phải đóng mức học phí cao nhất và sinh viên sư phạm sẽ không còn được miễn, giảm học phí. Nếu sinh viên nào chuyển ngành khác, không phục vụ trong ngành sư phạm thì không được xóa nợ mà phải trả lại học phí. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thay vì miễn, giảm học phí cho một số đối tựợng sinh viên, năm 2009 sẽ đẩy mạnh chính sách tín dụng học sinh, sinh viên, không để sinh viên nào bị gián đoạn học hành do thiếu tiền đóng học phí. Tuy nhiên, tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, vì thế, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến trước lúc ban hành. |
Cho đến ngày khai giảng và cả tháng đầu năm học, việc học ở đâu, lớp nào vẫn là nỗi lo lắng canh cánh của nhiều phụ huynh và học sinh, nhất là bậc trung học phổ thông (THPT). Theo nhận định của Sở GD-ĐT TPHCM, kết quả tuyển sinh lớp 10 năm học 2008 - 2009 cơ bản tốt khi điểm chuẩn của nhiều trường tăng, số trường có điểm chuẩn thấp cũng giảm hơn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, năm nay, TP đã cố gắng bố trí 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào lớp 10 công lập, do vậy, ngành GD - ĐT sẽ không vớt học sinh trượt 3 nguyện vọng như năm học trước. Song, khâu thông tin, tuyên truyền về các trung tâm giáo dục (TTGD) thường xuyên, trường nghề còn quá yếu. Lãnh đạo UBND TPHCM cũng nhất trí là phải nghiên cứu thêm các giải pháp khắc phục những bất cập trong tuyển sinh theo nguyện vọng. Năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tập trung xây dựng và phát triển mô hình TTGD thường xuyên, đa năng, hiện đại, bao gồm chức năng giáo dục thường xuyên - dạy nghề; củng cố hệ thống trường nghề để tạo thêm sức hút cho những học sinh trượt trường công. Ngoài ra, các quận, huyện cũng cần đẩy mạnh xây dựng trường lớp, đầu tư hơn nữa việc xây dựng những cơ sở giáo dục chất lượng cao; mở rộng tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển, nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các khu vực để học sinh không đổ dồn vào các trường trung tâm. Mặt khác, chính các bậc phụ huynh cũng phải là người nhận thức chu đáo về tác hại của nạn chạy trường và nói không với nạn này.
Hệ thống trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ: còn bỏ ngỏ về chất lượng
Tuy hệ công lập vẫn là chủ lực trong đào tạo, song bằng hình thức đa dạng hóa các trường lớp, hệ thống các trường quốc tế ở TP HCM phát triển khá mạnh. So với cả nước, TP HCM đứng đầu về số lượng các trường này. Các trường quốc tế (gồm đủ các cấp học) trên địa bàn TPHCM góp phần đáng kể trong nâng chất lượng đào tạo, nâng cao kiến thức ngoại ngữ, chuẩn hóa giáo dục theo trình độ quốc tế, giảm bớt tình trạng quá tải cho các trường công. Tuy nhiên, nhiều trường mang danh quốc tế, thu học phí cao, nhưng vẫn chỉ đào tạo theo chương trình của Bộ GD - ĐT và Sở trực thuộc. Cá biệt ở một số trường, học sinh không hứng thú học. ở một số cuộc họp của Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng nhân dân TP HCM, đã có ý kiến chất vấn về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề Đoàn, Đội... trong các chương trình giảng dạy, trong sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tại các trường này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học mới sẽ tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông. Tất cả các cơ sở GD - ĐT đều phải có phòng khảo thí và kiểm định chất lượng (hiện nay mới có 2/3 số sở có phòng khảo thí và kiểm định chất lượng và trong tương lai sẽ phải hình thành cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, khách quan với ngành GD - #T. Hiện công tác kiểm định chất lượng chuyển biến mạnh nhất là ở các trường đại học, đã có khoảng 260 trường đại học, cao đẳng tham gia "đánh giá trong" (tự đánh giá). Năm học mới, các sở GD - ĐT sẽ phải tiến hành kiểm tra đánh giá 2,5% số trường tiểu học, THCS và THPT. Nguyên tắc kiểm tra: trung bình mỗi tỉnh có khoảng 10 trường học ở các địa bàn khác nhau được tổ chức đánh giá. |
Nhu cầu học ngoại ngữ khá cao trong nhân dân khiến các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đua nhau mở. Các trung tâm với những tên gọi đa dạng, rất “tây” và thu hút học viên bằng những “chiêu” riêng. Song, đa số rập khuôn theo công thức: “chất lượng cao, học phí thấp”; “môi trường giao tiếp quốc tế, trang thiết bị hiện đại”, “nhà trường cam kết học viên sẽ đạt mức điểm chuẩn trong chương trình đào tạo”... Chính vì cái mác “quốc tế” đó nên học phí cũng theo “giá ngoại”. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ở các trung tâm này không đồng đều, có nơi rất kém và cũng đã xuất hiện những trung tâm “lừa”. Theo đánh giá chung, việc giám sát chuyên môn, quản lý của cấp, ngành chức năng chưa sát, chất lượng dạy và học của một số trường bị "thả nổi". Ông Huỳnh Công Minh đánh giá: khu vực trường quốc tế là khu vực lỏng lẻo nhất, đa số các trường quốc tế thực chất chỉ là mang tên quốc tế thôi chứ chất lượng không thể kiểm soát được, vì chủ yếu các trường này do Sở GD - ĐT Thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép.
GS Việt kiều Bùi Trọng Liễu cho rằng, không nên hiểu “xã hội hóa” giáo dục theo nghĩa ngược lại - đẩy gánh nặng tài chính lên vai người công dân, và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số lĩnh vực thuộc bổn phận của Nhà nước phải quản lý, đặc biệt là GD - ĐT. Nhiều ý kiến đề nghị ngành giáo dục nên xem xét, đưa ra những tiêu chuẩn về chất lượng trường quốc tế và công bố theo định kỳ hằng năm, điều chỉnh chất lượng hoạt động của các trường ngoài công lập gắn mác quốc tế để giúp phụ huynh yên tâm cho con đi học.
Tình trạng học sinh bỏ học: vẫn còn nhiều ở các huyện ngoại thành
Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, sử dụng kết quả này để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Thí sinh đạt trung bình 3 điểm mỗi môn sẽ đỗ tốt nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2009 là năm rất quan trọng và sẽ làm quyết liệt, nếu thi tốt nghiệp nghiêm túc như tuyển sinh đại học thì sẽ tiến hành tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010. Để chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia THPT vào năm 2010, năm học này, Bộ sẽ ban hành khung chính sách cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng. Các trường căn cứ vào khung này để công bố tiêu chí và các điều kiện xét tuyển. |
Ông Hồ Quốc ánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cần Giờ cho biết: năm học 2007 - 2008, tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, số học sinh bỏ học tăng cao hơn năm trước, nhất là học sinh lớp 10. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM nhận định, đa số học sinh bỏ học có nguyên nhân trực tiếp là do học lực yếu, khi chương trình THPT nặng, gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ học. Theo ông Đặng Văn Tường, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, học sinh tiểu học bỏ học là do chương trình sách giáo khoa hiện vẫn còn rất nặng, để theo kịp chương trình, thầy cô giáo chỉ có thể lấy học sinh khá làm trọng tâm, học sinh yếu không thể theo kịp và bỏ học. Để khắc phục tình trạng này, vai trò trước tiên thuộc về nhà trường. Các thầy cô cần phải chăm sóc, giúp đỡ, bồi dưỡng những học sinh yếu, đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, cần phối hợp với gia đình, có biện pháp động viên, giúp học sinh vượt qua khó khăn.
Y tế học đường: còn yếu kém
Tổng kết công tác y tế học đường, an toàn trường học năm học 2007 - 2008, toàn Thành phố có hơn 1 triệu học sinh, hơn 1.000 trường bán trú tổ chức cho gần 500.000 học sinh học ngày hai buổi và ăn trưa tại trường. Trong đó chỉ có 43% trường có cán bộ y tế có chuyên môn, gần 60% trường không có cán bộ chuyên trách về y tế. Nhiều trường cho biết, rất khó tuyển nhân viên y tế vì lương và quyền lợi bị hạn chế, chuyên môn không được phát huy. Hơn 50% cán bộ y tế học đường là trình độ sơ cấp (y tá, dược tá...), không đạt chuẩn theo quy định nên không được vào biên chế mà nhà trường phải tự thảo hợp đồng trả lương. Năm học qua vẫn còn tình trạng nhiều trường cho tư nhân đấu thầu nên nhân viên căng-tin thay đổi theo năm học, không được tập huấn các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, không được khám sức khỏe định kỳ... Đây cũng là vấn đề không thể bỏ qua nếu muốn học sinh học tốt và thầy dạy tốt./.
Xuất khẩu gạo vượt 4,6 triệu tấn  (05/01/2009)
Cầu truyền hình Tết Kỷ Sửu 2009 dành cho kiều bào  (05/01/2009)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2008  (04/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên