TCCSĐT - Theo báo cáo “Môi trường kinh doanh 2016: Đo lường chất lượng và hiệu quả”, do Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) công bố ngày 28-10-2015, Đông Á - Thái Bình Dương là khu vực đứng thứ hai sau châu Âu về số lượng các nền kinh tế được đưa vào nhóm 20 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thân thiện nhất.

Báo cáo Môi trường kinh doanh năm nay là kết quả của 02 năm tăng cường thực hiện phân tích và so sánh chất lượng luật pháp và hiệu quả khung pháp lý nhằm phản ánh sát thực hơn tình hình thực tế. Trong 5 lĩnh vực có nhiều tiến bộ như xin giấy phép xây dựng, cung cấp điện, thực thi hợp đồng, đăng ký tài sản và buôn bán qua biên giới, các nước trong khu vực vẫn có thể cải thiện tình hình hơn nữa.

Báo cáo cho biết, phần lớn các nền kinh tế trong khu vực đang thực hiện cải cách môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2014, 52% trong số 27 nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện 27 đợt cải cách tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo, đây là năm thứ 10 liên tiếp Xin-ga-po xếp hạng nhất trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hằng năm của WBG. Trong nhóm 20 nước hàng đầu có Niu Di-lân (thứ hai), Hàn Quốc (thứ tư), Đặc khu Hồng Công (Trung Quốc) (thứ năm), Đài Loan (Trung Quốc) (thứ 11), Ô-xtrây-li-a (thứ 13) và Ma-lai-xi-a (thứ 18). Thứ hạng các nền kinh tế lớn trong khu vực như sau: Trung Quốc (84), In-đô-nê-xi-a (109), Nhật Bản (34), Phi-líp-pin (103), Thái Lan (49) và Việt Nam (90). Việt Nam đã tăng được 3 bậc so với báo cáo năm 2015.

Các nền kinh tế thuộc tất cả các nhóm thu nhập đều thực hiện cải cách, trong đó các nước dẫn đầu gồm Việt Nam (thực hiện 5 cải cách), Hồng Công (Trung Quốc) (thực hiện cải cách), và In-đô-nê-xi-a (thực hiện 3 cải cách). Ví dụ, In-đô-nê-xi-a đang triển khai một hệ thống chi trả an sinh xã hội và nộp thuế trực tuyến. Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm bảo đảm cho người vay có thể kiểm tra được thông tin tín dụng của mình; thành lập thêm văn phòng tín dụng mới để mở rộng diện cho vay. Nhờ đó, diện đối tượng vay vốn đã được mở rộng tương đương với một số nước có thu nhập cao. Các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có quá trình trả nợ tốt sẽ dễ vay vốn hơn do các tổ chức tín dụng dễ xác minh độ khả tín của họ hơn.

Bà R. Ra-ma-hô (Rita Ramalho), cán bộ quản lý Dự án Môi trường kinh doanh nói: “Giới doanh nhân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến hàng loạt cải cách diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ giảm rào cản đối với doanh nghiệp mới tới giảm nhẹ gánh nặng tuân thủ thuế và hoàn thiện thị trường tín dụng và tiếp cận dịch vụ cung cấp điện”. Trong năm 2014, con số các cuộc cải cách lớn nhất được ghi nhận trong lĩnh vực khởi nghiệp. Mi-an-ma đạt thành tích cải cách tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực gỡ bỏ đòi hỏi về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm thời gian và chi phí. Tại Bru-nây, nơi đang tiến hành cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp, thời gian trung bình để thành lập mới một doanh nghiệp giảm xuống còn 14 ngày so với năm 2014 là 104 ngày. Đó là nhờ cải tiến dịch vụ đăng ký trực tuyến và đơn giản hóa các thủ tục trong và sau khi đăng ký.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nước trong khu vực đang tiệm tiến dần đến các thông lệ tốt nhất về quy chế quản lý thì nhiều thách thức vẫn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, thực thi hợp đồng và đăng ký tài sản. Trong lĩnh vực đăng ký tài sản, tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương người ta phải mất trung bình 74 ngày mới hoàn thành một vụ chuyển nhượng tài sản, trong khi mức bình quân toàn cầu là 48 ngày.

Cam-pu-chia lại là một trong hai nước cải cách đạt nhiều tiến bộ nhất trên thế giới về cung cấp điện ổn định nhờ đầu tư mạnh vào hạ tầng./.