Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc
Tham dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định và đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, cho rằng sự ra đời của Liên hợp quốc (24-10-1945) là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại.
Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Hiến chương Liên hợp quốc mang tính phổ quát, phản ánh được mối quan tâm của các quốc gia, trong đó có nguyên tắc tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế, luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; đồng thời khẳng định trong 70 năm qua, Liên hợp quốc luôn giữ vai trò hàng đầu trong ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột; đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; duy trì hòa bình; xây dựng một thế giới phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.
Đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả của Liên hợp quốc đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Liên hợp quốc nhằm góp phần giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh và khắc phục những khó khăn của bao vây, cấm vận.
Trong thời kỳ Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự hợp tác về trợ giúp kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm của Liên hợp quốc là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực thể chế luật pháp, cải cách hành chính, xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững,...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trước những thách thức của một thế giới chuyển động nhanh, phức tạp và rất khó lường, Liên hợp quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên; tăng cường các chính sách, nguồn lực hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển “kinh tế xanh”, tạo cơ sở bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.
Đồng thời, Hội đồng Bảo an cần sớm cải tổ theo hướng mở rộng thành viên và đổi mới phương pháp làm việc nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu về hòa bình và an ninh quốc tế. Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đang đổi mới hoạt động, chuyển từ vai trò nhà tài trợ thành đối tác phát triển để cùng Việt Nam hợp tác bình đẳng hơn, hiệu quả cao hơn.
Định hướng cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Việt Nam luôn coi hợp tác với Liên hợp quốc là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Quan hệ hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường không chỉ trên lĩnh vực hợp tác phát triển, mà trên cả các vấn đề gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, bảo đảm an ninh, các vấn đề toàn cầu như xóa đói nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,... Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực và đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động của Liên hợp quốc trên toàn cầu.
Thay mặt các tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu hoan nghênh sự tham gia tích cực và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong gần 40 năm qua, đặc biệt với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008, thành viên của Hội đồng Nhân quyền năm 2013, đồng thời chúc mừng Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).
Đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc cải tổ của Liên hợp quốc với Sáng kiến Thống nhất Hành động, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Liên hợp quốc trong nhiều năm qua trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trên thế giới, bảo vệ các quyền con người, cùng các quốc gia trên thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Ghi nhận Việt Nam cùng 192 quốc gia thành viên khác đã ký và thông qua Chương trình nghị sự phát triển 2030 cùng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bà Pratibha Mehta mong nhận được sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu sắp tới. Bà Pratibha Mehta khẳng định Liên hợp quốc sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong tương lai nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững.
Thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu đánh giá cao những thành tựu quan trọng của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển, thúc đẩy xây dựng và tuân thủ luật pháp quốc tế; điểm lại sự trưởng thành của mối quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc từ khi Việt Nam giành lại độc lập cho đến nay trên tất cả các lĩnh vực nói trên.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng nêu rõ, ba lĩnh vực Liên hợp quốc cần thúc đẩy để ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay bao gồm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, tiếp tục công tác pháp điển hóa; tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh - điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; đẩy mạnh quá trình cải tổ toàn diện.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, trên cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018, Việt Nam sẽ có những đóng góp cụ thể vào công việc của các cơ quan quan trọng này, nhất là việc triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thời gian tới.
Nhân dịp này, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lá cờ của Liên hợp quốc.
Tại Lễ kỷ niệm đã diễn ra Triển lãm ảnh, trưng bày những hình ảnh về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong suốt 40 năm qua, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững./.
Đảng Cộng sản Pháp quan ngại tình hình quân sự hóa ở Biển Đông  (27/10/2015)
Thái Nguyên phát huy lợi thế vùng trọng điểm để phát triển bền vững  (27/10/2015)
Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao phải sáng tạo để “đua” với quốc tế  (27/10/2015)
Xây dựng đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long cần “dành chỗ cho nước”  (27/10/2015)
Yêu cầu phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trong tình hình mới  (27/10/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên