Ngành điện lực Việt Nam qua 55 năm xây dựng và trưởng thành
TCCS - Ngày 21-12-1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ kính yêu đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên (CBCNV) Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: "... Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của nhân dân, của các cô, các chú. Các cô, các chú phải cùng nhau gìn giữ và phát triển nó lên...”. Từ đó, ngày 21-12 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành điện Việt Nam. Trải qua 55 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, CBCNV ngành điện đã liên tục phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ lịch sử phát triển vẻ vang
Gần một năm sau khi Bác Hồ đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ, ngày 21-7-1955, Bộ Công Thương quyết định thành lập Cục Điện lực. Kể từ thời điểm này, ngành điện Việt Nam đã trở thành một bộ phận gắn bó hữu cơ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của nhân dân cả nước. Từ cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, CBCNV ngành điện đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vừa sửa chữa, khôi phục máy móc, duy trì sản xuất điện để phục vụ cho công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa khẩn trương xây dựng các công trình nguồn và lưới điện mới như nhà máy điện Vinh (8 MW), Lào Cai (8 MW), Việt Trì (16 MW), Thái Nguyên (24 MW), Hà Bắc (12 MW), Uông Bí (48 MW) cùng hàng trăm km đường dây và hàng chục trạm biến áp truyền tải.
Trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc, đã có 9 - 12 nhà máy điện đi vào vận hành và được kết nối với nhau tạo thành hệ thống điện đầu tiên ở miền Bắc. Điện được cung cấp cho tất cả các thành phố, khu công nghiệp chính, các tỉnh đồng bằng, một số tỉnh trung du, miền núi, tạo điều kiện cho công, nông nghiệp phát triển, cải thiện một bước về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Sau 10 năm, đến năm 1965, công suất nguồn điện đạt 176 MW, gấp 5,6 lần so với năm 1954, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21%/năm; sản lượng điện đạt 618 triệu kWh/năm, tăng 11,7 lần so với năm 1954, với tốc độ tăng trưởng 31,35%/năm, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch của đất nước nói chung và ngành Điện nói riêng.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, các cơ sở ngành điện trở thành những mục tiêu trọng điểm bị địch tập trung đánh phá. Thiết bị, nhà xưởng bị hư hỏng nặng nề, có những nhà máy gần như bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng như nhà máy điện Yên Phụ, Hàm Rồng, Vinh, Uông Bí... Hàng trăm CBCNV ngành điện đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương tật suốt đời để giữ cho dòng điện không bao giờ tắt. Song song với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, trong giai đoạn này cùng với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, ngành điện đã đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy điện mới như thủy điện Thác Bà (108 MW), nhiệt điện Ninh Bình (100 MW), mở rộng thêm phần cao áp nhà máy nhiệt điện Uông Bí (105 MW), đồng thời xây dựng thêm hàng trăm km đường dây, nhiều trạm biến áp truyền tải, tiếp tục mở rộng mạng lưới điện phân phối.
Mùa xuân năm 1975, với thắng lợi lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, ngành điện đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tiếp quản, quản lý, điều hành lưới điện miền Trung và miền Nam, huy động một khối lượng lớn vật tư, thiết bị để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục các cơ sở điện vùng mới giải phóng để duy trì sản xuất cung ứng điện cho miền Trung và miền Nam sau giải phóng, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Đến cuối năm 1975, tổng công suất các nguồn điện trong cả nước đạt 1.326,3 MW, tổng sản lượng điện sản xuất đạt 2,950 tỉ kWh (trong đó miền Bắc đạt 1,271 tỉ kWh, miền Nam: 1,614 tỉ kWh, miền Trung: 65 triệu kWh).
Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, ngoài việc khôi phục để bảo đảm duy trì năng lực nguồn hiện có, ngành điện đã tập trung chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật, con người để thực hiện việc xây dựng, cũng như phát triển điện lực theo quy hoạch dài hạn. Các nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại và hệ thống lưới điện 220 kV được xây dựng. Năm 1987, 4 tổ máy của nhà máy nhiệt điện Phả Lại với công suất 440 MW cùng với hệ thống đường dây và trạm 220 kV Thanh Hóa - Vinh, Phả Lại - Hà Đông, Phả Lại - Hải Phòng, Ba La - Thanh Hóa, trạm biến áp 220 kV Chèm, trạm 220 kV Đồng Hòa... được hoàn thành, giải quyết nhu cầu về điện cho Thủ đô Hà Nội và các cơ sở công nghiệp, phục vụ thi công nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Ngày 31-12-1988, tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Hòa Bình (công suất 240 MW) được đưa vào vận hành và sau mỗi năm, lần lượt các tổ máy khác hòa lưới, tăng thêm nguồn điện tại miền Bắc lên tới 20%/năm, tạo thay đổi lớn về lượng và chất trong cung cấp điện ở miền Bắc.
Ở miền Nam, nhà máy thủy điện Trị An (400 MW) được hoàn thành năm 1991. Năm 1994 tiếp tục đưa vào vận hành thêm nhà máy thủy điện Thác Mơ (150 MW), Vĩnh Sơn (60 MW), nhà máy tua-bin khí hỗn hợp Bà Rịa (200 MW).
Về lưới điện, nhiều đường dây và trạm truyền tải điện 220 kV đồng bộ với các nhà máy điện và cung cấp phụ tải đã được khẩn trương xây dựng, trong đó có những đường dây truyền tải liên khu vực như đường dây 220 kV Vinh - Đồng Hới, đường dây 110 kV Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng. Nhờ đó, đã hạn chế được sự thiếu nguồn điện trầm trọng ở miền Trung, đồng thời khai thác hiệu quả nguồn điện từ nhà máy thủy điện Hòa Bình và các nhà máy khác.
Đặc biệt, năm 1992, Chính phủ quyết định xây dựng hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam với chiều dài 1.487 km và 4 trạm biến áp 500 kV, tổng vốn đầu tư 5.300 tỉ đồng. Chỉ sau 2 năm vừa thiết kế, vừa thi công, công trình được đưa vào vận hành ngày 27-5-1994. Với một công trình lớn bậc nhất vào thời điểm đó, lại hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục như vậy, đây thực sự là một kỳ tích đáng tự hào của đất nước, trong đó có ngành điện. Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước trưởng thành mang tính đột phá của ngành điện Việt Nam về công nghệ truyền tải và điều khiển hệ thống điện. Hệ thống điện quốc gia từ đây được hình thành trên cơ sở liên kết lưới điện các miền Bắc - Trung - Nam thông qua trục “xương sống” là đường dây 500 kV, giải quyết được tình trạng thiếu điện ở miền Trung và miền Nam trong giai đoạn đó, đồng thời cho phép khai thác tối đa, hiệu quả nguồn điện của cả nước, tạo điều kiện bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến năm 1995, sau 20 năm xây dựng và phát triển, thực hiện các Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn I (1981 - 1985), giai đoạn II (1986 - 1990), giai đoạn III (1991 - 1995), công suất lắp đặt nguồn điện cả nước đã đạt 4.550 MW (gấp hơn 3 lần so với năm 1975), sản lượng điện đạt 14,6 tỉ kWh (gấp gần 5 lần so với năm 1975).
Đến phát huy vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế đất nước
Từ năm 1995 trở lại đây, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục triển khai Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn IV, giai đoạn V và hiện đang tập trung nguồn lực thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-7-2007. Trong giai đoạn này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu căn bản và quan trọng. Đó là:
(i) Giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và xã hội, đáp ứng một cách cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục. Tính chung giai đoạn từ 1995 - 2008, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở nước ta luôn ở mức cao nhất trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 15,06% (GDP tăng bình quân 7,49%). Việc đáp ứng tốc độ tăng trưởng này đã đòi hỏi những cố gắng vượt bậc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong đầu tư - xây dựng - vận hành và kinh doanh.
(ii) Đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhiều công trình nguồn và lưới điện. thực hiện được khối lượng đầu tư lớn, quy mô nguồn và lưới điện không ngừng được mở rộng. Tính chung giai đoạn 1995 - 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư trên 233 ngàn tỉ đồng cho xây dựng nguồn và lưới điện. Năm 1995, tổng công suất nguồn điện cả nước mới có 4.550 MW, sản lượng 14,6 tỉ kWh, đến cuối năm 2008, công suất nguồn điện đã đạt 15.763 MW (tăng 3,46 lần), điện năng sản xuất đạt 74,225 tỉ kWh (tăng 5,08 lần).
(iii) Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 21,4% năm 1995 xuống mức một con số (9,21%) năm 2008, bình quân mỗi năm giảm được 0,93%.
(iv) Đầu tư điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bước phát triển vượt bậc, góp phần cải thiện đời sống và chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các địa phương. Đến nay, 100% số huyện, 97,32% số xã và 94,67% số hộ dân nông thôn có điện, kết quả này cao hơn nhiều nước trong khu vực, vượt trước chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng X đề ra (đến năm 2010 cả nước đạt 90% hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia), góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực hiện 4 dự án đầu tư điện nông thôn quy mô lớn vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá 370 triệu USD và gần 2.000 tỉ đồng để cấp điện cho các thôn, buôn thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên (sau khi hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên lên 90%), cấp điện cho đồng bào Khmer tại Trà Vinh, Sóc Trăng. Từ tháng 6-2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai một chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao, đó là tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp hiện đang do các hợp tác xã điện, tổ điện quản lý để bán điện trực tiếp đến tất cả các hộ dân nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Mục tiêu là đến tháng 6-2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận toàn bộ gần 5.300 xã với 6,6 triệu hộ.
(v) Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cân bằng được tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Lợi nhuận của Tập đoàn giai đoạn 1995 - 2008 đạt 31.975 tỉ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước đạt 38.134 tỉ đồng, giá trị tài sản cố định đến cuối năm 2008 đạt 192.679 tỉ đồng, tăng gấp 6,9 lần so với năm 1995.
Hiện nay, tổng công suất nguồn điện thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 10.719 MW (chiếm 68% công suất toàn hệ thống điện), sản lượng điện do các nhà máy thuộc Tập đoàn sản xuất là 53,093 tỉ kWh (chiếm 71,53% sản lượng điện toàn hệ thống). Tập đoàn đang quản lý, vận hành 24.386 km đường dây truyền tải điện cấp điện áp từ 110 KV đến 500 kV, 281.635 km đường dây trung, hạ thế, 46.602 MVA dung lượng trạm biến áp từ 110 kV đến 500 kV, 42.983 MVA dung lượng trạm biến áp trung, hạ thế.
Trong 3 năm gần đây, thực hiện Quyết định số 147/2006/QĐ/TTg và số 148/2006/QĐ/TTg ngày 22-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã chuyển đổi thành công mô hình tổ chức từ tổng công ty nhà nước sang mô hình tập đoàn kinh tế. Tập đoàn đã đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trực thuộc. Đến nay, với quy mô 71 đơn vị thành viên và trực thuộc, 22 đơn vị liên kết, về cơ bản, Tập đoàn đã hoàn thiện các cơ chế quản lý, điều hành, đã thực hiện cổ phần hóa 30 đơn vị, trong đó có 6 công ty phát điện (có nhiều doanh nghiệp lớn như nhiệt điện Phả Lại, Thác Mơ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh,...), 1 công ty phân phối điện, 4 công ty tư vấn xây dựng điện và 19 doanh nghiệp khác. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng, hai ngành nghề kinh doanh chính khác của Tập đoàn là viễn thông công cộng và cơ khí chế tạo thiết bị điện được mở rộng. Doanh thu cơ khí chế tạo năm 2008 đạt 1.700 tỉ đồng với nhiều sản phẩm đa dạng: máy biến áp lực ở các cấp điện áp đến 220 kV (đang nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500 kV); cột thép cho đường dây tải điện; cáp và phụ kiện đường dây; đặc biệt đã chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và cấu kiện cho nhiều dự án lớn, có tầm quan trọng quốc gia như thủy điện Buôn Kuốp (280 MW), thủy điện Bản Vẽ (320 MW), A Vương (210 MW), thủy điện Sơn La (2.400 MW). Năm 2008, Tập đoàn đã cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cho gần 3,7 triệu khách hàng, doanh thu đạt trên 3.700 tỉ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như ngân hàng, tài chính,... cũng từng bước phát triển, tạo thêm kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện của Tập đoàn.
Về hợp tác quốc tế, trong khuôn khổ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), các nước tiểu vùng sông Mê công (GMS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện liên kết lưới điện liên quốc gia, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta và các nước trong khu vực. Tập đoàn đã thực hiện kết nối lưới điện ở cấp điện áp 110 kV và 220 kV với Công ty lưới điện phương Nam (Trung Quốc), đang cung cấp điện cho Thủ đô Phnôm-pênh của Cam-pu-chia qua 2 đường dây 220 kV, đồng thời bán điện cho nhiều địa phương khác của Cam-pu-chia và Lào ở nhiều điểm dọc biên giới. Quan hệ của Tập đoàn với các công ty điện lực, các hiệp hội và các hãng chế tạo lớn trên thế giới ngày càng được mở rộng.
Qua nhiều năm phát triển, ngày nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có một đội ngũ CBCNV (trên 26% có trình độ đại học và sau đại học) đủ sức làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện quy mô lớn. Nhiều công trình điện lớn, phức tạp, có quy mô tầm khu vực ngày nay đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước thiết kế và thi công như công trình đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc Nam mạch 2, công trình thủy điện Sơn La,... Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ là vấn đề mà Tập đoàn hết sức quan tâm và dành kinh phí thích đáng. Tập đoàn hiện có 1 trường đại học và 3 trường cao đẳng, thực hiện đào tạo nhiều ngành nghề cho Tập đoàn và cho xã hội. Tập đoàn cũng đã gửi nhiều sinh viên sang các nước tiên tiến như Nga, Mỹ, Anh, Pháp,... học tập theo chương trình kỹ sư tài năng nhằm chuẩn bị cho tương lai, trong đó trọng tâm là chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Trong năm 2009, Tập đoàn đã xây dựng xong và chuẩn bị ban hành tài liệu văn hóa doanh nghiệp EVN, trong đó đúc kết những giá trị cốt lõi, tinh thần trách nhiệm, cam kết và sứ mệnh đối với xã hội và cộng đồng trong hoạt động của Tập đoàn nhằm tạo cho CBCNV ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành điện cách mạng. Kết hợp với chương trình nâng tầm thương hiệu EVN, Tập đoàn đang hướng đến mục tiêu tạo ra sự chuyển biến căn bản về văn hóa ứng xử và môi trường làm việc tại tất cả các đơn vị nhằm tạo ra một hình ảnh mới về Tập đoàn trong xã hội.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị.
Từ năm 1995 đến nay, Tập đoàn đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào các quỹ tấm lòng vàng, quỹ xóa đói, giảm nghèo, quỹ giúp trẻ em nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả lũ lụt... và đang phụng dưỡng suốt đời gần 300 bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất nước thuộc 20 tỉnh, EVN đã tham gia hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Theo đó, trong giai đoạn 2009 - 2011, EVN sẽ hỗ trợ gần 280 tỉ đồng giúp các huyện này phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách bền vững bằng các chương trình cụ thể, như phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, xóa nhà tạm, hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế cho học sinh trung học cơ sở thuộc các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc đặc biệt. Hiện nay, Tập đoàn đã bàn giao 2 nhà bán trú dân nuôi, các vật dụng học tập cho 2 trường trung học cơ sở và bảo hiểm y tế cho 1.500 học sinh trên địa bàn 3 huyện.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Những định hướng cơ bản về phát triển ngành điện đã nêu trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước (Kết luận số 26-KL/TW ngày 24-10-2003 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2007 của Bộ Chính trị, Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004, Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-01-2006, Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18-7-2007, Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ...). Trên cơ sở những văn kiện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng Tập đoàn trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, tiếp tục đáp ứng vai trò chủ đạo trong bảo đảm nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.
Song, trên con đường phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm sắp tới, nổi lên 4 thách thức lớn, đó là: Bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm khuyến khích đầu tư cho phát triển điện, tách phần chính sách xã hội ra khỏi giá điện; Hình thành và phát triển thị trường điện lực đồng bộ với thị trường năng lượng sơ cấp; Tiếp tục chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện và cải tạo lưới điện nông thôn sau tiếp nhận hiện đang ở trong tình trạng xuống cấp nặng nề.
Bốn thách thức nêu trên là những vấn đề có liên quan chặt chẽ và việc giải quyết những thách thức này vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, vừa là những giải pháp căn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững.
Chặng đường 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Điện lực Việt Nam là chặng đường đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng đầy vinh quang. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc qua các thời kỳ, EVN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, cùng nhiều danh hiệu Anh hùng, huân, huy chương cao quý cho các đơn vị, cá nhân thuộc EVN. Hiện Nhà nước đang xem xét để phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho EVN. Nhìn lại những thành quả đã đạt được, các thế hệ CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam hết sức tự hào vì đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu hết sức mình bảo đảm dòng điện cho Tổ quốc./.
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cầu thị sang thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản  (22/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên