Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-12-2009)
1. Trưng bày 200 hiện vật mới về Hồ Chủ tịch
Từ ngày 14-12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra triển lãm trưng bày “Một số tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sưu tầm từ năm 2000 đến năm 2009”. Triển lãm giới thiệu với người xem 200 tài liệu, phim ảnh, hiện vật do các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng Bảo tàng. Có rất nhiều hiện vật quý do các kiều bào, các chính khách nước ngoài và nhân viên ngoại giao của Việt Nam sưu tầm được. Một số hiện vật quý được giới thiệu lần này là: Tư liệu liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài năm 1938, album ảnh và tư liệu về những hoạt động của Hồ Chủ tịch giai đoạn 1923-1924, 1934-1938 tại Liên Xô được Thủ tướng Nga Pu-tin tặng cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2006... Đặc biệt, gia đình cố TS Y khoa Lê Văn Cưu (Việt kiều Pháp) đã trao tặng Bảo tàng một số bút tích của Bác mà gia đình có được từ năm 1946... Triển lãm sẽ mở cửa đến hết tháng 1-2010.
2. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ngày 15-12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Hội thảo thu hút trên 60 tham luận từ các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học cả trong và ngoài quân đội, đã tập trung khẳng định và làm sáng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam; nêu rõ quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng vẻ vang và những thành tựu to lớn mà Quân đội ta đạt được, gắn liền với sự phát triển, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời làm rõ về bản chất cách mạng cao đẹp, truyền thống vẻ vang của “Bộ đội Cụ Hồ”, một quân đội kiểu mới từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cần kế thừa, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những nội dung chủ yếu nêu trên, cuộc Hội thảo khoa học không chỉ đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra mà quan trọng hơn, một lần nữa đánh giá sâu sắc, làm sáng tỏ chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó tôn vinh các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đã suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
3. Vai trò của nhà nước và chính sách công nghiệp
Ngày 15-12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tổ chức tọa đàm về "Vai trò của nhà nước và chính sách công nghiệp với sự phát triển của khu vực Đông Á". Tại cuộc toạ đàm, GS, TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới 2010-2020, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp đang phát triển có thu nhập ở trình độ trung bình. Vì vậy, những ý tưởng do các giáo sư kinh tế đề xuất trong quá trình hoạch định chính sách phát triển đất nước là rất hữu ích. Giáo sư Ha-Joon Chang, Trường Đại học Cambridge (Anh), cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều thực hiện chính sách công nghiệp. Và Việt Nam không thể trở thành nước mạnh, nếu xuất khẩu dựa vào những ngành sử dụng nhiều lao động, phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, không chủ động được công nghệ trong sản xuất. Các giáo sư kinh tế tham dự cuộc tọa đàm thống nhất nhận định: Đã đến lúc Việt Nam phải chuyển sang xuất khẩu những hàng hóa mà cả thế giới đang cần, chứ không phải những sản phẩm mà các nước đang phát triển cần hoặc hàng thứ cấp. Việt Nam phải tích cực cải cách vai trò của Nhà nước và chính sách công nghiệp hơn nữa để cải thiện, phát triển đất nước.
4. Công bố bốn luật mới
Liên tiếp trong hai ngày 16 và 17-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố bốn luật mới: Luật Người cao tuổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện. Các luật này đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ sáu, có hiệu lực từ 1-7-2010, riêng Luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Luật Người cao tuổi có 6 chương, 31 điều. Theo quy định của Luật, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có 9 chương, 91 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh... Luật Viễn thông có 10 chương, 63 điều, quy định rõ điều kiện, sự tham gia của các thành phần kinh tế về hoạt động kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng. Luật Tần số vô tuyến điện có 8 chương, 49 điều, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý tần số vô tuyến điện, về trách nhiệm thanh tra chuyên ngành, hợp tác quốc tế, những hành vi bị nghiêm cấm.
5. Chủ tịch Quốc hội gặp các Anh hùng Quân đội nhân dân từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 55 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, sáng 18-12, tại Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật các Anh hùng Quân đội nhân dân, những người vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các anh hùng: Trung tướng Trần Hanh, Nguyễn Thị Chiên, Trung tá Ngô Thị Tuyển, Trung tá Hồ Vai (tức Hồ Đức Vai, dân tộc Pa Cô), Đại tá La Văn Cầu, Đại tá Lưu Huy Chao, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu, Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh, Thiếu tá Bùi Xuân Chiến, Chuẩn úy Cao Tất Đắc, Đại tá Ngô Văn Tác và Phạm Tuân. Đây là những Anh hùng Quân đội nhân dân tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được báo công với Bác.
6. Kết thúc SEA Games 25, đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi Á quân
Tối 18-12, Lễ bế mạc rực rỡ sắc màu và mang đậm nét văn hoá truyền thống của đất nước Lào đã chính thức khép lại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 (SEA Games 25) sau hơn 2 tuần tranh tài sôi nổi của 11 đoàn thể thao trong khu vực. Bằng những nỗ lực tuyệt vời, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được vị trí Á quân, vượt chỉ tiêu với thành tích 83 Huy chương Vàng, 75 Huy chương Bạc và 57 Huy chương Đồng. Đây là một bước tiến về chất lượng, khẳng định những bứt phá mới của thể thao nước nhà tại đấu trường khu vực.
7. Kỷ niệm 63 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, 49 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam
Sáng 19-12, tại Ðền Bến Dược, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 63 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2009) và 49 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960 - 20-12-2009). Ðến dự có các đồng chí: Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí đại diện lãnh đạo Quân khu 7 và các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Tây Ninh... Ðọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Dương Quang Hà, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại diễn biến cuộc kháng chiến của quân và dân ta từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu, và nêu rõ sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng và sự mong đợi của nhân dân. Ðồng chí nhấn mạnh, kỷ niệm 63 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến và 49 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là dịp để chúng ta học tập, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất của cha anh.
8. Hơn 5000 cán bộ, sinh viên được cử đi học theo Đề án 322
Ngày 19-12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh và tập huấn cho lưu học sinh trúng tuyển đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2009. Hội nghị cho biết, thực hiện đề án 322 của Chính phủ về “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật bằng ngân sách nhà nước” từ năm 2000 đến nay, cả nước đã có 5002 cán bộ, sinh viên được cử đi học ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất là đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển cao như Mỹ, Ôt-xtrây-li-a, Đức, Pháp… Riêng năm 2009, Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và đào tạo đã cử đi học nước ngoài 1.168 người theo chỉ tiêu của các năm trước và xét tuyển được 1097 cán bộ, sinh viên, phần lớn từ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước để đưa đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Những cán bộ, sinh viên này đang hoàn tất thủ tục và tập huấn các kiến thức cần thiết để đi học vào đầu năm 2010.
9. Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi tiếp đoàn 12 học giả quốc tế sang Hà Nội dự Hội thảo về chủ nghĩa Mác trong tình hình thế giới hiện nay, diễn ra sáng 20-12 tại Phủ Chủ tịch. Các học giả quốc tế nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đánh giá cao Việt Nam đã thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; khẳng định Việt Nam là một hình mẫu triển khai sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tế, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần được nghiên cứu, tổng kết. Các học giả tin tưởng, bất chấp sự tan vỡ của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây sẽ ngày càng có nhiều người trên thế giới hướng tới Việt Nam và quay lại con đường xã hội chủ nghĩa. Các học giả cũng nêu ra một số vấn đề mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó nhấn mạnh việc cần làm tốt công tác lý luận - tư tưởng đối với thế hệ trẻ, cải tiến phương thức giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong trường học. Bởi hiện nay vẫn còn một bộ phận người Việt Nam hiểu chưa đúng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn cho rằng những cải thiện trong đời sống, thành tích xoá đói giảm nghèo là do kinh tế thị trường mang lại, nhưng thực chất không phải vậy mà chính là do tính chất xã hội chủ nghĩa.
10. Giải thưởng sách Việt Nam 2009
Bảy năm cuốn sách xuất sắc nhất đã được chọn để trao Giải thưởng Sách Việt Nam 2009 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức sáng 20-12. Một điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ 5 này là tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để đông đảo công chúng yêu sách cùng tham dự, xem những cuốn sách mà họ yêu thích và gặp gỡ với các tác giả, đại diện các nhà xuất bản. Trong số 75 cuốn sách xuất sắc được trao Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2009, có 38 giải Sách Hay và 37 giải Sách Đẹp. Tặng thưởng đặc biệt của Giải thưởng Sách Việt Nam năm nay được trao cho Bộ sách "Tổng tập nghìn năm Văn hiến Thăng Long" do Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Khiêu và cố Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn, do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành. Bộ sách gồm 4 tập, dày 12.000 trang, nặng tới 27 kg, là công sức, trí tuệ của 1.200 tác giả trong 8 năm trời. Qua 5 năm, Giải thưởng Sách Việt Nam đã dần khẳng định thương hiệu của mình./.
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cầu thị sang thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản  (22/12/2009)
Mấy bài học lớn về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam có sức mạnh trăm trận trăm thắng  (22/12/2009)
Xây dựng vững mạnh về chính trị - yếu tố quyết định sức mạnh và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam  (22/12/2009)
Xây dựng tiềm lực quốc phòng trên địa bàn Quân khu 7  (22/12/2009)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên