TCCSĐT - Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tri ân những gia đình có công với nước, cần tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh tiếp tục phát huy những phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống thời bình.

Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Những năm tháng tuổi trẻ đã trải qua chiến tranh, với thương tật 2/4, người thương binh Ngô Văn Sáu, ở khóm 5, phường 9, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) hiện vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội với nghị lực phấn đấu vượt khó của anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sau thời gian công tác trong quân đội, năm 1987, chú Sáu chuyển ngành về công tác tại ngành nông nghiệp tỉnh. Đi công tác về vùng nông thôn sâu, chú luôn trăn trở khi thấy người nông dân loay hoay tìm mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả và nhiều đồng đội của mình - những thương binh, bộ đội xuất ngũ - có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với khu vườn gần 1 ha ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), chú chọn làm mô hình nuôi lợn thịt và xây dựng cơ sở xay, chế biến bột để “lấy ngắn nuôi dài” và tận dụng sản phẩm thừa làm thức ăn cho lợn, giảm chi phí chăn nuôi.

Từ bộ đội chuyền qua làm kinh tế, chú Sáu gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe hạn chế, chú phải nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội cũ trong Hội Cựu chiến binh để giúp cải tạo mảnh vườn, xây dựng chuồng trại. Nhiều lần đàn vật nuôi bị dịch bệnh chết, chú không nản lòng mà tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm ở các hộ chăn nuôi thành công, từ tài liệu khuyến nông, tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp để rút kinh nghiệm, đầu tư tái đàn. Với đàn lợn trong chuồng thường xuyên duy trì từ 80 – 90 con đã giúp gia đình chú với 6 nhân khẩu dần vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Năm 2014, chú Sáu phát triển thêm mô hình nuôi “lợn Mán”- giống lợn lai có trọng lượng chỉ từ 20 – 30 kg/con, đặc tính dễ nuôi và được các quán ăn, nhà hàng tiêu thụ mạnh. Chú còn cải tạo vườn trồng các loại cây ăn trái như nhãn, bưởi và nuôi cá để tăng thêm thu nhập gia đình. Mô hình kinh tế tổng hợp VAC (Vườn - ao - chuồng) mang lại thu nhập hàng năm từ 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 250 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chú Sáu vươn lên khá giả, 4 người con được ăn học và có việc làm ổn định. Mô hình kinh tế tổng hợp của chú Sáu còn tạo thêm việc làm cho con, em của nhiều đồng đội tham gia vào chuỗi sản xuất của gia đình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chú Sáu còn là hạt nhân trong các phong trào xã hội tại địa phương. Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khóm 5 và là người có uy tín cao tại địa phương, chú Sáu tích cực tham gia các phong trào vận động hộ dân xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng gia đình văn hóa, vận động hộ dân mua bán tại phường 9 không lấn chiếm lòng lề đường…Kinh nghiệm làm kinh tế cũng được chú Sáu trao đổi, chia sẻ với anh em trong Hội Cựu chiến binh phường 9 để giúp các hộ cựu chiến binh xây dựng mô hình sản xuất phù hợp.

68 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, người thương binh Ngô Văn Sáu vẫn nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen, là tấm gương “người công dân kiểu mẫu” ở địa phương và giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

Người thương binh vượt khó làm giàu

Sinh ra và lớn lên trong những tháng ngày đất nước còn trong bom đạn, khói lửa chiến tranh và như bao thanh niên thời ấy, chàng trai 21 tuổi Trần Ngọc Thái quyết định xa rời mảnh đất quê hương Xuân Dương (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ) lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Gần 50 năm sau, khi được hỏi lại, ông Thái vẫn quả quyết: “Nếu được chọn lại, khi ấy, tôi vẫn quyết định chọn con đường ra mặt trận!”.

Sau một thời gian huấn luyện, tháng 8-1968, ông Thái cùng đồng đội vào đơn vị bộ đội chủ lực tại chiến trường B2, phân khu Long An (khi đó là Phước Long) và trở thành một người lính đặc công. Với ông, đó là tháng ngày ấm áp khi được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của người dân Long An, của người mẹ nuôi quân nay đã hơn 90 tuổi, của những tháng ngày sống trong tình anh em đồng đội gắn bó bên nhau. Và đó còn là tháng ngày đau thương khi chứng kiến những người đồng đội hy sinh trên trận địa. B ản thân ông Thái cũng đang mang trên mình vết thương do chiến tranh.

Sau chiến tranh, khi trở về quê hương, ông Thái cũng có một quãng thời gian vật lộn với khó khăn kinh tế. Sau khi chuyển ra miền Bắc để điều dưỡng, sức khỏe trở nên ổn định hơn, ông chuyển về làm kế toán cho một cơ quan ở Hà Nội. Do ảnh hưởng từ những vết thương chiến tranh, ông xin nghỉ mất sức vào năm 1982.

Tuy nhiên, cuộc sống lại một lần nữa thử thách ông khi bốn người con đều đang tuổi ăn học, thu nhập của hai vợ chồng không đủ trang trải. Với kinh nghiệm và trình độ tích lũy được trong những năm tháng đi làm ở cơ quan Nhà nước, ông Thái được tin tưởng giữ chức vụ Cửa hàng trưởng cho một doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, ông được giao làm Trưởng phòng kinh doanh rồi trợ lý giám đốc. Sau 4 năm vừa làm vừa học hỏi, năm 1997, ông xin nghỉ ở doanh nghiệp này và mở cửa hàng riêng để kinh doanh, từng bước đi lên.

Khởi nghiệp với số vốn 50 triệu đồng là tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng, cùng sự trợ giúp của anh em, đồng đội, Doanh nghiệp tư nhân Hà Hải chính thức được thành lập vào năm 2001. Từ một cửa hàng nhỏ với vỏn vẹn 10 bó ống kẽm để bán cho đến khi thành một cơ ngơi hoàn chỉnh như ngày nay, thời gian đầu, ông phải một mình dậy từ 5-6 giờ sáng bắt xe đi lên các tỉnh như Sơn La, Điện Biên để giới thiệu hàng; chạy vạy khắp nơi để vay mượn, mua chịu hàng của nhiều mối bán.

Với uy tín của bản thân cũng như chất lượng hàng hóa luôn được đảm bảo, ông Thái dần có được chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã trở thành doanh nghiệp uy tín với doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng, chủ yếu cung cấp ống nhựa của Công ty nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) và Công ty nhựa Hòa Phát. Lao động trong Công ty ông Thái hầu hết là con cháu của những thương binh đồng đội trước đây của ông, với thu nhập ổn định mỗi người từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi điều ông Thái tự hào nhất, ông đã nhắc đến gia đình của mình. Hiện nay, bốn người con của ông Thái đều đã thành đạt, có tổ ấm riêng. Vợ chồng ông hiện ở với người con trai út, đang nối nghiệp gia đình. Do được ông rèn cặp nên cả 4 người con đều thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, chăm chỉ học hành, tu dưỡng làm ăn, yêu thương đùm bọc nhau. Ông cũng nhắc đến người bạn đời của mình đã gắn bó, động viên, chăm sóc cho ông, cùng ông chia sẻ những đắng cay ngọt bùi.

Ngoài công việc, ông Thái còn tham gia vào công tác xã hội như Hội Cựu chiến binh, Tổ dân phố. Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Phú Lãm, quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết: “Bác Thái là một đồng chí nhiệt tình, tâm huyết trong mọi công việc, không chỉ của Hội mà còn ở công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu dân cư. Bác luôn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và chấp hành theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Những vết thương chiến tranh vẫn còn đó, với ông Thái như một lời nhắc nhở về những tháng ngày khó khăn, gian khổ của cả đất nước để có ngày hôm nay. Ông và những người cựu chiến binh như ông vẫn cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, xứng đáng với tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" thiêng liêng, cao quý./.