Công bố chương trình sách giáo khoa mới sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giảm tải, thay đổi chương trình để học sinh phát triển năng lực
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Ngô Ngọc Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), Bùi Thị An (Hà Nội) liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ việc biên soạn chương trình sách giáo khoa chung ở các nước có nền giáo dục phát triển là do các cán bộ chuyên gia chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, từ trước đến nay, việc biên soạn sách giáo khoa đều huy động đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ khoa học có kinh nghiệm, có điều kiện viết sách giáo khoa tham gia thực hiện. Lần đổi mới chương trình sách giáo khoa này cũng vậy. Bộ đã lựa chọn các giáo viên có chất lượng tại các trường Đại học sư phạm, các nhà khoa học.
Đến nay đã có hơn 200 thầy cô giáo, cán bộ khoa học thuộc các lĩnh vực trong và ngoài ngành giáo dục tham gia vào việc biên soạn chương trình.
Bộ trưởng khẳng định: Sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố rộng rãi chương trình đã có sự góp ý qua nhiều vòng của các thầy cô giáo và các nhà khoa học.
Bộ trưởng nhấn mạnh ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới là khắc phục được hạn chế của chương trình cũ, giảm tải các nội dung khó mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống; đồng thời, chuyển nội dung phương pháp dạy và học sang phát triển năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực thời kỳ mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang thực hiện thay đổi cách học, cách thi cử, kiểm tra, đánh giá, có sự giảm tải, thay đổi chương trình dạy và học để học sinh không phải chịu vất vả có thể phát triển năng lực theo cách tiếp cận mới.
Giải đáp quan tâm của đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) về việc triển khai Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Ngành sẽ tiếp tục triển khai mô hình này, bởi việc thực hiện mô hình này là để điều chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá học sinh đang học các chương trình hiện hành, trong khi chưa có chương trình và sách giáo khoa mới, nhằm góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đây cũng là bước tập sự, thực tập làm quen về mặt phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý lớp học và nhà trường theo phương thức mới - phương thức phát triển năng lực và phẩm chất. Mô hình này cũng là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở mức thấp đối với đội ngũ giáo viên hiện hành để giúp các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thích ứng dần với mô hình mới sẽ được triển khai rộng vào năm 2018.
Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo phương án riêng
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Bùi Thị An (Hà Nội) về công tác tuyển sinh đại học, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Luật Giáo dục Đại học có quy định việc tuyển sinh đại học thuộc quyền tự chủ của các nhà trường.
Đến nay, đã có trên 150 trường đại học, cao đẳng đăng ký phương án tuyển sinh riêng của mình. Đến thời điểm này chưa thể khẳng định được kết quả việc thực hiện quy định này bởi phải trên nền tảng của kỳ thi tốt nhiệp trung học phổ thông và học sinh phải được công nhận tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh đại học mới có ý nghĩa.
Nhận xét việc tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập trong thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Trong mấy năm gần đây, việc tuyển sinh vào các trường đại học của cả công lập và ngoài công lập có chất lượng không tốt đều gặp nhiều khó khăn. Bởi, đã có sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh, học sinh là có thể lựa chọn bất cứ trường nào để có một tấm bằng đại học như trước nữa mà cần vào một trường có chất lượng để sau khi ra trường các em có công việc bảo đảm. Các trường đại học công lập và ngoài công có chất lượng tốt vẫn tuyển sinh rất tốt.
Để giải quyết khó khăn của các trường đại học tuyển sinh thấp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra các giải pháp, như chỉ đạo tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng (tuyển đủ giáo viên nếu thiếu; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, tránh thuê, mượn,...); dành một phần chỉ tiêu đào tạo bằng ngân sách nhà nước (đào tạo tiến sĩ cho các trường ngoài công lập để bổ sung, nâng cao trình độ của nhà giáo, cán bộ quản lý).
Bên cạnh đó, sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, Bộ cho phép các trường có phương thức tuyển sinh riêng. Hiện có khoảng trên 150 trường đại học, cao đẳng trong đó có khá nhiều trường ngoài công lập đã thực hiện phương thức tuyển sinh riêng. Bộ cũng đã thay đổi quy định về việc cho các đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên đại học để mở thêm nguồn tuyển sinh sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực.
Nâng cao chất lượng dạy và học trong quá trình hội nhập quốc tế
Liên quan đến việc chuẩn bị cho việc hội nhập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, để tránh bị động đối với nguồn nhân lực chất lượng, Bộ trưởng cho biết đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham gia tích cực vào khung tham chiếu trình độ của ASEAN đối với trình độ dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, đại học. Bộ đã xây dựng xong khung trình độ quốc gia về cơ bản, ký nhiều thỏa thuận công nhận lẫn nhau về các trình độ đào tạo.
Về trình độ đại học, Việt Nam đã có công nhận bằng cấp với nhiều trường đại học hàng đầu của Pháp, Đức và nhiều nước khác. Đây là các hoạt động để các trường giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng và trình độ. Nhiều trường đại học của Việt Nam đã có những liên kết với các trường đại học nước ngoài để tham gia các chương trình đào tạo đại học, trên đại học, nghiên cứu.
Bộ cũng chỉ đạo việc đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo ở tất cả các cấp học, đặc biệt là đại học để chuyển sang phương pháp mới là phát triển năng lực và phẩm chất cho các em.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về tình trạng ngành giáo dục quản lý chặt đầu vào mà chưa chú ý đúng mức đầu ra. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết trước đây, nước ta quản lý rất chặt đầu vào trong nhiều lĩnh vực; trong đó giáo dục cũng vậy. Trong quá trình đổi mới những năm sau này thì tư duy và nhận thức của mọi người đã thay đổi. Luật Giáo dục Đại học cũng như Quyết định của Bộ đều đã chuyển hướng tách biệt quản lý nhà nước ra khỏi quản trị nhà trường. Các hoạt động chuyên môn liên quan đến đào tạo được giao cho các nhà trường theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm cả về tuyển sinh đại học.
Hiện nay, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tăng cường quản lý chặt chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, Bộ cũng quản lý trong quá trình học tập để hỗ trợ các em nhưng vẫn chú trọng quản lý đầu ra và chất lượng.
Về vấn đề bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên bảo đảm yêu cầu trong tình hình mới, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ đã chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm lớn nhất cả nước chủ trì, đi đầu và liên kết với nhau trong các hoạt động để khởi động đổi mới các trường đại học sư phạm.
Trên cơ sở đó đã cuốn hút toàn bộ các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước tham gia góp ý, xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình sách giáo khoa mới. Qua đó, các trường sư phạm này sẽ chủ động xây dựng thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo của mình nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra là đội ngũ thầy cô giáo có năng lực mới giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới.
Cùng với đó, các trường tham gia xây dựng, biên soạn tổ chức thực hiện chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng và bồi dưỡng định kỳ cho các thầy cô giáo và cán bộ quản lý hiện nay đang công tác tại các nhà trường có năng lực và phẩm chất mới đáp ứng yêu cầu mới.
Tất cả những hoạt động mà Bộ đang triển khai đổi mới, như thi cử, đánh giá học sinh tiểu học, nghiên cứu khoa học,... không chỉ nhằm vào học sinh mà còn nhằm vào cả thầy cô giáo để thay đổi thói quen, tập quán từng bước từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng dành thời gian giải đáp các câu hỏi chất vấn liên quan đến việc giáo dục ngoại ngữ trong các trường phổ thông; việc bỏ thi tuyển vào trung học cơ sở...
Tiếp tục triển khai tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo
Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là yêu cầu cấp thiết, quốc sách hàng đầu được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà khoa học, đồng bào cử tri cả nước đã quyết định thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở chuẩn hóa phù hợp với tình hình thực tế. Quốc hội có Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ có chủ trương về việc đổi mới kỳ thi Quốc gia.
Việc chất vấn đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là nhằm để Quốc hội lắng nghe báo cáo của ngành về việc kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo đã được Đảng, Nhà nước giao cho.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đi vào trọng tâm, liên quan đến việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục; đồng thời quan tâm về những vấn đề có liên quan đến đổi mới quản trị nhà trường, liên thông quốc tế để bảo đảm hội nhập cho đến những vấn đề bức xúc như bạo lực học đường,... Đây cũng chính là tâm trạng lo lắng chung của đồng bào cử tri cả nước đối với công tác giáo dục, đào tạo.
Câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đi sâu vào trọng tâm, bám sát tình hình thực tiễn của các vùng miền, các nhà trường, có cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đổi mới giáo dục đào tạo cần thực hiện một cách căn bản, toàn diện, dân chủ, công bằng, hội nhập quốc tế, đồng thời cần có bước đi thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn của các nhà trường, địa phương, vùng miền, từng gia đình, học sinh để bảo đảm công tác này được thực hiện trôi chảy, không gây những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến tương lai của từng gia đình và đất nước trong hiện tại và tương lai.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc tích cực chuẩn bị cho công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng và ngành giáo dục và đào tạo tiếp thu góp ý của các đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng bào cử tri cả nước để triển khai tốt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Đồng bào, cử tri cả nước đồng tình và mong chờ kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời, kết quả đổi mới giáo dục của Bộ sẽ được Quốc hội lắng nghe vào kỳ họp Quốc hội sau khi có sự tổng kết việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tổ chức kỳ thi quốc gia lần đầu tiên và kết quả đánh giá học sinh tiểu học./.
Phó Thủ tướng giải trình trước quốc hội về chống tham nhũng  (13/06/2015)
Nghiệm thu công trình “Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Binh chủng Tăng - Thiết giáp 2005 - 2014”  (13/06/2015)
Tọa đàm về truyền thông và sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ  (12/06/2015)
Các Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội  (12/06/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên