TCCSĐT - Chiều 12-6-2015, tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế đã tổ chức cuộc Gặp gỡ báo chí “Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết cấp Quốc gia lần thứ V”.
Tại cuộc gặp gỡ, PGS, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500 nghìn trường hợp sốt xuất huyết nặng cần nhập viện, khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Từ năm 2005, WHO đã nhận định bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể trở thành một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp được cộng đồng quốc tế quan tâm và lo ngại do những tác động tiêu cực của dịch bệnh này đến đời sống xã hội.

Tại khu vực Đông Nam Á, bệnh sốt xuất huyết Dengue có xu hướng gia tăng qua các năm với dịch lớn đã từng xảy ra ở Campuchia, Philippines, Lào, Malaysia, kể cả đất nước sạch như Singapore cũng không ngoại lệ. Vì thế, để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết và học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết, tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7-2010, Tổ chức Y tế thế giới, tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định quan trọng thống nhất chọn ngày 15-6 hằng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.

Tra lời các câu hỏi của giới báo chí, PGS, TS. Trần Đắc Phu cho biết: Mỗi năm nước ta có từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc, nhưng tính từ đầu năm 2015 đến nay số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để dịch bệnh này được phòng, chống có hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức của cộng đồng là yếu tốt rất quan trọng. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay dù công tác phòng, chống dịch bệnh này thường xuyên được quan tâm, nhưng đã có 4.199 ca, tăng 27%, số ca tử vong 2 ca (cả năm 2014, có 4 ca tử vong). PGS, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo: sốt xuất huyết Dengue là bệnh do muỗi truyền và đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin ngừa bệnh này đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Vì thế, việc phòng bệnh chủ yếu là giải quyết véc tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Vì thế, thông điệp đưa ra là: Không có bọ gây, không có sốt xuất huyết; khi có thông báo có dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue người dân phải chủ động phối hợp để cán bộ chuyên môn phun thuốc phòng chống dịch; người dân khi có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở để khám bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2015 đến nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các tỉnh, thành phía Nam. Mặc dù, năm nào Bộ Y tế cũng có nhiều văn bản “khẩn” về công tác phòng chống dịch bệng này. Nhưng chúng tôi xem việc báo chí cung cấp thông tin đến cộng đồng có một vài trò hết sức quan trọng”.

Tiếp đó, PSG, TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về các hoạt động hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết". Đây là năm thứ V nước ta tổ chức hoạt động này, mục đích là làm sao tuyên truyền đến cộng đồng, làm cho mọi người nhận thức được tác hại của bệnh dịch này. Bởi hiện nay dịch bệnh này hiện diện tại 100 quốc gia và lãnh thổ, đe dọa mạng sống hơn 2,5 tỷ người. PSG, TS. Phan Trọng Lân cho biết: Mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ V được tổ chức tại khu CR 4-2, The Crescen (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng), phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 14-6-2015. Buổi mít tinh dự kiến khoảng 3.000 người tham dự.

Thông điệp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue năm nay là “Mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút”:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, vại… chứa nước.

2. Thường xuyên thay nước ở các bình bông, thả muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào chén nước kê chân chạn.

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng/bọ gậy phát triển làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Thông qua hoạt động này, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng chống sốt xuất huyết với những hành động đơn giản, thiết thực nhằm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Bên cạnh đó, ngành y tế mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, hướng tới mục tiêu Việt Nam không còn sốt xuất huyết./.