Các Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Hoàng Lê (tổng hợp từ TTXVN, VOV.vn, Chinhphu.vn)
23:41, ngày 12-06-2015
TCCSĐT - Ngày 12-6, tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng 3 Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề đang được cử tri quan tâm.


Nâng chế tài xử phạt đối với những hành vi sai phạm

Sáng 12-6, tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được thêm nhiều câu hỏi về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao tiêu thụ trên thị trường; thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vấn đề an toàn lưới điện, điện cho hải đảo, nông thôn.

 
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều văn bản liên quan đến xử phạt gian lận thương mại đã được ban hành, nhưng trong một số trường hợp, liều lượng mức độ xử lý, chế tài chưa đủ sức răn đe, vì vậy vẫn còn tình trạng tái phạm và phát sinh thêm các đối tượng mới. Do vậy, cần phải xem xét sửa đổi để nâng chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những hành vi sai phạm.

Bộ trưởng cho rằng trong chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, cần tập trung đánh mạnh vào các cơ sở đầu nậu, ổ nhóm tàng trữ hàng giả, hàng lậu, hàng nhái. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải ý thức được việc bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, không tiếp tay, tàng trữ, lưu thông và sử dụng hàng lậu giả nhái.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tàng trữ và lưu thông hàng giả, lậu, nhái. Đến hết quý 1/2015, hơn 200.000 hộ kinh doanh đã ký cam kết và thực hiện.

Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các hộ đã chấp hành, tuy nhiên còn khoảng 10% vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, phải xử phạt hành chính.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đến yếu tố con người bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu có lực lượng cán bộ, công chức trong sạch, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức trách nhiệm cao, sẽ là yếu tố hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn nạn một số doanh nghiệp đưa hàng núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao về tiêu thụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ sự phẫn nộ với các hành vi này. Ông cho rằng, đây không chỉ liên quan đến sự vô trách nhiệm của các tập thể, cá nhân mà còn là sự vô lương tâm khi đưa các mặt hàng đó lên tiêu thụ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, bởi đồng bào sống vùng này phần lớn có thu nhập thấp, kiến thức để nhận biết được chất lượng hàng hóa rất hạn chế. Việc đưa hàng giả núp bóng hàng chất lượng cao là tội lỗi, cần phải phê phán.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết bên cạnh phê phán, lên án, phải nghiêm túc xử lý các trường hợp này. Vừa qua, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương, Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các hội chợ triển lãm để xử lý kịp thời các hành vi trên.

Bộ trưởng cho biết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào thực chất, hơn 70% người dân ủng hộ chủ trương này và nói rằng nếu lựa chọn hàng hóa có chất lượng, giá cả, mẫu mã tương tự nhau sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt có mặt tại khoảng 90% siêu thị, trung tâm thương mại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp Trung ương chỉ đạo.

Giải đáp câu hỏi của các đại biểu về giải pháp để thực hiện mục tiêu cung cấp điện cho các hộ dân nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc miền núi nói riêng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết chương trình đưa điện về nông thôn giai đoạn 2013-2020 có mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% số xã, thôn bản và hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Hiện, theo con số thống kê, cả nước đã có 96% số xã có điện, 97% số hộ dân nông thôn có điện; còn 55 xã, hơn 1.000 thôn bản chưa có điện với hơn 500.000 hộ dân. Từ nay đến năm 2020, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngành sẽ đưa điện về tất cả những nơi chưa có điện.

Về vấn đề bàn giao lưới điện nông thôn từ hợp tác xã kinh doanh điện cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, đến nay, ngành điện đã tiếp nhận lưới điện của 8.000 xã do các hợp tác xã kinh doanh điện đầu tư, quản lý. Hiện còn hơn 2.000 xã đang duy trì mô hình hợp tác xã kinh doanh điện và có tình trạng điện xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện đến hết năm 2016 cơ bản tiếp nhận hết lưới điện của các xã này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong thời gian dài, các hợp tác xã ghi chép không đầy đủ các khoản đầu tư nên việc đánh giá tài sản bàn giao rất khó. Liên Bộ Công Thương và Tài chính đã có Thông tư 06/2010/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện áp nông thôn nhưng nay đã hết hiệu lực.

Hiện, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn này để vừa thực hiện được việc bàn giao tài sản, đồng thời đảm bảo không để quá thiệt thòi cho những hợp tác xã kinh doanh điện.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng khẳng định về tổng thể, đến năm 2020 và sau năm 2030 là không thiếu điện theo Tổng sơ đồ điện 7 nhưng ở phía Nam có thể xảy ra thiếu điện cục bộ vào năm 2017-2018 vì nguồn tại chỗ không đủ đáp ứng. Chính phủ đã có các giải pháp để khắc phục tình trạng này, tình hình cấp điện sẽ tiếp tục được đảm bảo.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu về đánh giá Việt Nam đang nằm ở đâu trong phân khúc công nghiệp hóa, năm 2020 có đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chênh lệch trong con số thống kê xuất nhập khẩu và các giải pháp để giải quyết tình trạng ách tắc hàng nông sản khu vực cửa khẩu...

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nắm sâu lĩnh vực phụ trách, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết. Tuy vậy, những lĩnh vực của ngành Công Thương là vấn đề khó khăn nên còn nhiều điểm chưa được như mong muốn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần thấy hết được cơ hội, thuận lợi, khó khăn trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Đây là cơ hội “xốc” lại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu quan trọng là tổ chức cơ cấu lại thị trường, giúp từng người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội nắm chắc vận hội, khó khăn trong quá trình hội nhập rộng mở sắp tới.

Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần phối hợp, giúp thị trường thông suốt từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng hàng hóa, để thị trường hoạt động khoa học, linh hoạt, vận hành nhanh nhạy; loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để người sản xuất và các địa phương có sản phẩm mạnh, đủ sức cạnh tranh, đến được với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công Thương phân tích thị trường trong nước (sản phẩm, lĩnh vực, ngành) để có được những mô hình khác nhau trong sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm. Có sản phẩm từ người sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng, có sản phẩm phải qua trung gian nên chính sách, mô hình phát triển là liên kết người sản xuất với hàng hóa tới người tiêu dùng. Vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường là thiết kế thị trường; hình thành siêu thị, trung tâm trung chuyển, cơ sở bảo quản hàng hóa, dây chuyền vận tải...

Cùng với đó, các bộ, ngành cần tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cơ sở vật chất cần thiết, điều kiện, tuyên truyền các chính sách...) để đầu tư, sản xuất, hướng tới thực hiện mục tiêu người Việt yêu hàng Việt, dùng hàng Việt; tạo sự chuyển biến, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng kém, hàng độc hại ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, tạo chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của Nhà nước; nghiên cứu thay thế các chủ trương cũ. Công nghiệp phụ trợ không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Về điều hành giá điện, xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là hai mặt hàng cốt yếu của nền kinh tế, định hướng theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Bộ Công Thương cần tạo ra thị trường minh bạch, công khai kể cả mặt hàng Nhà nước quản lý đối với yếu tố đầu vào, đầu ra, hạch toán trong quá trình hình thành giá trị hàng hóa bán lẻ... thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông đại chúng để nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Bên cạnh việc quản lý giá điện, xăng dầu, cần có sự kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực này; điều hành theo giá thị trường, kiểm soát chặt chẽ đối với toàn bộ quá trình để tránh lợi dụng về giá cả.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm tốt việc rà soát các công trình thủy điện, nhiệm vụ còn lại là bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, khai thác các công trình thủy điện, tái định cư cho đồng bào vùng thủy điện; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, chây ỳ trong trồng bù rừng vùng thủy điện. Cần kiên quyết thực hiện mục tiêu đưa điện về nông thôn, hải đảo về đích trước năm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ trưởng Công Thương sẽ báo cáo những việc đã thực hiện tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; thực hiện sự quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao trong điều kiện hội nhập quốc tế, có các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, không thất bại trên sân nhà, thắng lợi trên trường quốc tế...

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ


Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

 
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm...

Đề cập tới một trong những hạn chế tồn tại của nền khoa học nước nhà là chưa có thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích và nhìn nhận rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và cá nhân Bộ trưởng trong vấn đề này. Bộ trưởng cho biết thị trường khoa học là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của Việt Nam. Sau năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng thị trường này. Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định về phát triển thị trường khoa học công nghệ và năm 2014 có quyết định về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ thời gian qua đã nỗ lực xây dựng thể chế cho khoa học công nghệ và về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ đã được hoàn thiện. Bộ trưởng nhìn nhận khâu yếu nhất hiện nay đó chính là xây dựng định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Yếu kém này dẫn đến kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất và kinh doanh. Hiện Việt Nam không có các định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra kiểm định nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Để giải quyết khâu yếu này, Bộ trưởng khẳng định cần đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Cụ thể hóa việc này, Bộ đã có những bước đi cụ thể, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau thông qua tổ chức trung gian là ban quản lý các sàn giao dịch công nghệ. Cùng với đó, các chợ về thiết bị công nghệ quốc gia, khu vực và quốc tế cũng được tổ chức; qua đó các nhà khoa học, doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết do khó khăn về ngân sách và biên chế, việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường công nghệ công lập đang vướng mắc trong khi tư nhân thì chưa thực sự quan tâm vấn đề này.

Với quyết tâm giải quyết điểm nghẽn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và có chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ; đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, góp phần hỗ trợ nguồn cung và cầu.

Giải trình trước Quốc hội về việc các đề tài nghiên cứu khoa học hiện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hằng năm có khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu. Nói về đề tài xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân ra làm ba loại. Loại một về nghiên cứu cơ bản chủ yếu là xếp ngăn kéo bởi tính chất của loại nghiên cứu này luôn đi trước thời đại, cần phải chờ đợi sự phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được. Loại hai là những nghiên cứu ứng dụng. Đặc điểm của loại đề tài này là để ứng dụng được phải có điều kiện đầu tư.

Trên thực tế, nhiều đề tài đã nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Các nghiên cứu này muốn ứng dụng được cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều đề tài tốt vẫn phải chờ đợi. Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc nghiên cứu đề tài không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, mà từ sở thích và mong muốn của các nhà khoa học.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng nêu rõ Luật Khoa học và công nghệ đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước phải là nhiệm vụ theo đặt hàng, phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh và cuộc sống, không được xuất phát từ ý thích.

Nghị định 8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ cũng đã quy định rõ về cơ chế đặt hàng. Các tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất mong muốn của mình nhưng cơ quan quản lý phải căn cứ vào chiến lược phát triển và nhiệm vụ được giao xác định yêu cầu đó có đáp ứng không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan. Đồng thời, Nghị định quy định rõ các cơ quan đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận và ứng dụng thực tiễn. Bộ trưởng cho rằng chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Khoa học và Công nghệ, sẽ chấm dứt được tình trạng đề tài xếp ngăn kéo.

Về phân bổ đề tài, kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ có ba loại nhiệm vụ gồm nhiệm vụ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền giao cho trực tiếp quản lý; nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh giao cho các bộ và tỉnh trực tiếp quản lý, ngoài ra có hệ thống nhiệm vụ cấp cơ sở. Theo đó, việc phân bổ, giao kinh phí các đề tài dự án tuân thủ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Khoa học và Công nghệ.

Đề cập đến việc đề tài, dự án đưa vào ứng dụng chậm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Quỹ phát triển khoa học công nghệ chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu cơ bản và phát huy tác dụng tốt trong 5 năm vừa qua, tốc độ công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng lên hơn hai lần.

Việc chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, ngoài chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cũng là nguồn lực quý của Nhà nước hỗ trợ các đề tài, dự án sau khi nghiên cứu thành công, tìm được địa chỉ ứng dụng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh sản phẩm khoa học đó với sự hỗ trợ của nhà nước tối đa 30% tổng kinh phí dự án và 50% đối với dự án thực hiện ở vùng đặc biệt khó khăn và an ninh quốc phòng. Vấn đề là doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn vốn đối ứng và kết hợp chặt chẽ với nhà khoa học là tác giả nghiên cứu.

Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ sử dụng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng với một loạt chương trình quốc gia khác Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì. Các chương trình này đều có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu trước thực tế Việt Nam hiện ít có giống chất lượng cao trong nông nghiệp, chưa có sản phẩm quốc gia, đâu là nguyên nhân và giải pháp? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp đó là giống. Tuy nhiên trên thực tế, các giống lúa của Việt Nam chưa được sử dụng với quy mô lớn. Nguyên nhân của việc này do doanh nghiệp chưa quan tâm thương mại hóa các giống lúa do các nhà khoa học tạo ra. Hơn nữa lại có sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng. Các nước khác có giống lúa lai giá rất rẻ, nông dân của Việt Nam sản xuất ở quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực nên hay mua giống rẻ trôi nổi trên thị trường.

Theo Bộ trưởng, nếu Việt Nam tổ chức sản xuất lớn, chắc chắn sẽ lựa chọn được nhiều loại giống tốt của Việt Nam, bởi Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là một địa chỉ uy tín về chọn tạo giống của Việt Nam.

Đề cập về sản phẩm quốc gia, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng đã xác định có chín sản phẩm quốc gia, trong đó có ba sản phẩm về nông nghiệp là lúa gạo, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu. Riêng lúa gạo, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được ủy quyền chủ trì chương trình quốc gia về sản phẩm quốc gia. Qua hai năm triển khai chương trình, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung vào chuỗi giá trị của hạt gạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò phê duyệt khung chương trình. Bộ trưởng tin tưởng trong vài năm nữa, những sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp sẽ có giá trị thương hiệu của mình.

Về việc lệ thuộc vào giống cây trồng, Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam bảo tồn quỹ gen tốt nhưng phát triển chưa được tốt. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có phần trách nhiệm trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay, giống Việt Nam làm tốt kể cả giống cây trồng vật nuôi, nhất là giống thủy sản với việc làm chủ được nhiều giống mới như cá tầm, cá hồi… Tuy nhiên, sau vấn đề về giống, cần làm tốt việc nuôi trồng, bảo quản, chế biến để tạo ra giá trị cao, vì vậy cần đầu tư theo chuỗi.

Theo Bộ trưởng, điều này ngân sách nhà nước không thể làm được mà phải trông cậy vào nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Bộ trưởng nhìn nhận, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa tạo ra được cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… để hỗ trợ cho những doanh nghiệp tiềm năng, những doanh nghiệp thực sự có năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ để họ đầu tư vào giai đoạn tiếp theo với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Con người là yếu tố quan trọng nhất

Buổi chiều, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.

 
 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (Ảnh: TTXVN)

Giải đáp câu hỏi của đại biểu về giải pháp thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc triển khai cơ sở vật chất; trang thiết bị; tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục; tổ chức quản lý nhà trường, quản lý ngành là những nội dung quan trọng, cần triển khai thực hiện đồng bộ.

Không được phép coi nhẹ lĩnh vực nào. Kinh nghiệm triển khai cho thấy con người là yếu tố quan trọng nhất. Trong nhà trường, thầy, cô giáo là yếu tố quyết định nhất trong đổi mới giáo dục, vì vậy, cần chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hai vấn đề. Việt Nam chỉ có một bộ chương trình giáo dục thống nhất trong cả nước, Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thực hiện. Có nhiều sách giáo khoa khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được giao chủ trì biên soạn một bộ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong cả nước tổ chức biên soạn sách giáo khoa khác.

Việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa này theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đổi mới, có kế thừa những thành tựu, tinh hoa đã được thực tiễn khẳng định, bổ sung các nội dung còn thiếu, loại bỏ quá tải và những điều không cần thiết đối với quan điểm giáo dục mới. Do vậy những nội dung cũ đã thực hiện nhiều năm vẫn tốt sẽ được giữ lại, không cần thực nghiệm nữa.

Những nội dung mới bổ sung cần quá trình thực nghiệm. Quá trình thực nghiệm giao cho tập thể tác giả triển khai vì là người viết nên các tác giả hiểu. Việc này không được các tác giả thực hiện một mình mà có một cơ chế, có các hội đồng gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý chuyên ngành giáo dục và các lĩnh vực có liên quan đánh giá, Việc trực tiếp thao tác, triển khai trên thực tế sách giáo khoa do các tác giả viết sẽ được giảng dạy trên lớp, đồng thời sẽ có cơ chế để đánh giá khách quan những tổ chức, cá nhân có nghiên cứu, triển khai công tác này.

Đối với việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa theo vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia là một trong những yêu cầu của quá trình triển khai Việc nghiên cứu để đi đến những nội dung, ý tưởng của đổi mới căn bản giáo dục đào tạo để làm tài liệu trình lên Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong và ngoài nước (các nhà khoa học quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam đang học tập nghiên cứu ở nước ngoài).

Quá trình tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của các nước đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, nhà giáo của Việt Nam và quốc tế, các Bộ Giáo dục trên thế giới. Cơ chế này sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng trong hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đối với việc thay đổi phương thức chấm thi tốt nghiệp phổ thông năm 2015 liệu có dẫn đến thay đổi kết quả thi của học sinh hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: Việc chấm và coi thi đã có quy chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến việc có barem điểm để trong quá trình thi được thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thi là hoạt động giáo dục quan trọng, không có chỗ cho hoạt động không trung thực, phá hoại quá trình giáo dục nhân cách cho học sinh. Bộ đã họp, quán triệt với hiệu trưởng các trường đại học và Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về cách thức tổ chức kỳ thi.

Bộ trưởng nhắn gửi đến các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học hãy yên tâm ôn tập, cố gắng làm bài tốt, bởi, các thầy cô luôn trân trọng, ghi nhận kết quả học tập của các em. Mục tiêu của đổi mới không phải tạo ra cú sốc mà tạo sự biến chuyển tốt về chất lượng giáo dục.

Giải thích về cách thức thi theo cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Có hai loại cụm thi. Thứ nhất dành cho các em chỉ có nhu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông thi tại địa phương. Về cơ bản, các em không có khó khăn gì so với trước khi đổi mới kỳ thi này. Với các học sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học, trước đổi mới, các em phải lên thành phố lớn hoặc về bốn cụm thi với quãng đường xa, vất vả. Giờ khoảng cách các em phải đi gần hơn vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bố trí thành 38 cụm thi. Thay đổi này giúp các em và gia đình của mình không vất vả, giảm số lần đi, số lần thi.

Về cơ chế chính sách đối với học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay nhận thức được việc đào tạo cán bộ cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc là một nhiệm vụ chính trị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định chế độ ưu tiên điểm, khu vực, đối tượng cho các em ở vùng dân tộc miền núi; tổ chức các chương trình dự bị, chương trình bổ túc giúp các em nắm chắc kiến thức, có thể học đại học.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quán triệt các thầy cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cần nhận phần khó khăn về phía mình, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Khi các em có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học mới phải cân nhắc, lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển. Đối với các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký lấy kết quả thi xét tuyển đại học vẫn có cơ hội vào học Đại học. Bởi, thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng của mình. Năm nay có trên 150 trường đại học, cao đằng có phương án tự chủ tuyển sinh, vì vậy các em hoàn toàn có cơ hội để vào các trường đại học sau khi có kết quả tốt nghiệp tốt.

Năm nay, Bộ triển khai thi tại 38 cụm trên cả nước. Để triển khai tốt, lãnh đạo Bộ đã có quá trình làm việc, khảo sát và có nhiều buổi trao đổi với địa phương. Tất cả các vấn đề trong quá trình tổ chức thi tại các cụm đã được lường trước và có giải pháp để thực hiện.

Như vậy, việc chấm bài thi sẽ thống nhất và không có sự khác biệt. Bên cạnh đó, các Hội đồng thi và Bộ sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra, phúc tra các hoạt động thi cử. Hoạt động thanh kiểm tra này không chỉ diễn ra trước, sau và trong kỳ thi mà còn tiếp tục ngay cả trong quá trình các em vào học.

Liên quan đến việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét tại kỳ thi học kỳ và kỳ thi cuối năm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định đây là bước chuyển phù hợp đang được triển khai ở các nước có nền giáo dục phát triển. Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các em từ chỗ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế trong quá trình triển khai thí điểm thực nghiệm trong ba năm tại trên 1.000 trường. Tuy nhiên trong quá trình triển khai trong năm qua, xuất hiện một số trục trặc nhỏ: có trường đánh giá khắt khe, có trường đánh giá rộng rãi, có nhiều gia đình không biết kết quả học tập của con em mình... Việc triển khai mới là bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chấn chỉnh.

Về việc triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học khiến công việc của giáo viên nặng lên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Có 3 lý do dẫn đến thực trạng này; đó là do lớp học có sỹ số đông với khoảng 45-50 học sinh nên các thầy cô phải quan tâm đến từng cháu và khối lượng công việc tăng lên. Do Thông tư mới được triển khai nên cô giáo, thầy giáo còn nhiều bỡ ngỡ chưa quen dẫn đến vất vả hơn.

Đồng thời, Bộ đã có quyết định hủy bỏ một số qui định cũ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc tại cơ sở; một số thói quen cũ cũng chưa thay đổi kịp thời. Để giảm những công việc hành chính không cần thiết cho giáo viên, Bộ đang tiếp tục có những chấn chỉnh để thầy cô chỉ tập trung vào những công việc chính là hướng dẫn, tư vấn, giảng dạy cho học sinh. Như vậy, công việc của thầy cô sẽ nhẹ đi.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Thông tư 30 tại nhiều tỉnh miền núi, tại nhiều trường đông học sinh và thầy cô người dân tộc. Kết quả cho thấy, ở những trường càng vùng khó khăn thì việc triển khai Thông tư này càng nhẹ nhàng và hiệu quả mặc dù vẫn còn những bỡ ngỡ ban đầu. /.