Đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống

Trần Văn Hằng: Mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, qua hơn 20 năm đổi mới, các mối quan hệ quốc tế của Đảng ta không ngừng mở rộng. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 222 chính đảng và phong trào ở 115 nước trên thế giới; trên cơ sở các nguyên tắc: độc lập tự chủ; bình đẳng; tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; cùng nhau thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội.

Trường Lưu: Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới

Trí thức là những người không chỉ có trình độ học vấn, chuyên môn cao, mà còn là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Đặc điểm cơ bản của trí thức là lao động trí óc và có tính sáng tạo. Vì vậy nó đặt ra đòi hỏi cao về tính độc lập của người trí thức trong tư duy, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy cũng như năng lực chuyên môn nghề nghiệp để tìm ra biện pháp tối ưu giải quyết công việc.

Nguyễn Tuấn Khanh: Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn phát triển mới của đất nước

Quán triệt tinh thần nghị quyết của Đảng là luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đó là khâu then chốt trong công tác cán bộ, những năm gần đây, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa, nhằm chủ động hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ, tác động tích cực đến nâng cao trình độ lý luận chính trị - hành chính, đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nguyễn Hồng Vinh: Mười năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời nhanh chóng và được các cấp ủy đảng, chính quyền trong cả nước cũng như nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đánh giá: sau Đề cương về văn hóa của Đảng năm 1943, thì đây là văn kiện chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng “trúng ý Đảng, hợp lòng dân”, đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàng Chí Bảo: Các cách thể chế ở Việt Nam trước thách thức của toàn cầu hóa

Cải cách thể chế kinh tế tạo ra môi trường và động lực phát triển kinh tế, củng cố cơ sở kinh tế cho những cải cách chính trị và hệ thống chính trị. Đến lượt nó, cải cách chính trị, nhất là cải cách thể chế nhà nước và luật pháp lại tạo ra cơ sở chính trị - pháp lý cho sự phát triển kinh tế. Như một đòi hỏi tất yếu, để phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam phải tập trung vào xây dựng Nhà nước pháp quyền - dân chủ và phát triển xã hội dân sự cũng như tổ chức tốt đời sống dân sự.

Đặng Cảnh Khanh: Xã hội hóa thanh niên và định hướng xã hội hóa cho thanh niên

Xã hội hóa ở tuổi thanh niên là một giai đoạn đặc biệt trong quá trình xã hội hóa cá nhân.Ở giai đoạn này, với tư cách là một con người trưởng thành, thanh niên đã có đủ vị thế và vai trò cần thiết để, một mặt, vừa hội nhập vào xã hội; mặt khác, vừa đóng góp cho sự vận động và phát triển của xã hội. Với những ưu thế về tuổi đời, sự mạnh mẽ và nhạy bén vốn có, thanh niên hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện tốt cả hai mặt công việc quan trọng đó.

Ngô Đức Thịnh: Tiếp cận nông thôn Việt Nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội cho phát triển

Xã hội loài người có nhiều dạng liên kết, tập hợp con người thành các loại cộng đồng khác nhau, trong đó gia đình, gia tộc và mở rộng ra dòng họ là một dạng liên kết mang tính sinh học, huyết thống, liên kết trên cơ sở cùng cư trú và lợi ích, còn làng xã là dạng liên kết dựa trên cơ sở cùng cư trú và lợi ích. Tiếp cận nông thôn, nông dân Việt Nam từ các hình thức liên kết, các mạng lưới xã hội và vốn xã hội là cách tiếp cận mới, khả dĩ, có thể phát hiện và khơi thông các nguồn lực nông thôn vốn tiềm ẩn thành nguồn lực cho phát triển trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bùi Chí Bửu: Công nghệ sinh học và vấn đề phát triển nông nghiệp Việt Nam

Công nghệ sinh học là một tập hợp các ngành khoa học và công nghệ nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp, để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, khai thác lợi thế tốt nhất của một nước nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Làm thế nào để Việt Nam trở thành một quốc gia biết khai thác tốt nhất các thành tựu của công nghệ sinh học luôn là câu hỏi lớn.

Nguyễn Hoàng Giang: Nhập siêu và một số biện pháp hạn chế nhập siêu trong thời gian tới

Một tồn tại hiện nổi lên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam là thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai xuất phát chủ yếu từ thâm hụt cán cân thương mại. Cán cân thương mại và vãng lai trong những tháng đầu năm 2008 tiếp tục xấu đi trong khi khả năng tài trợ cho các khoản thâm hụt đó trở nên thiếu bền vững hơn. Nhập siêu Việt Nam ở vào thực trạng đáng báo động và cần tìm hướng giải quyết. Nếu Chính phủ vẫn kiên định các chính sách mạnh mẽ trong năm nay và các năm tới thì tình hình nhập siêu sẽ được cải thiện.

Nguyễn Thị Nhiễu: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu

Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát triển xuất khẩu được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các nước. Đẩy mạnh xuất khẩu để hạn chế mức độ nhập siêu nhằm cải thiện cán cân thanh toán của quốc gia là một trong những mũi nhọn trong cuộc chiến chống lạm phát và ổn định vĩ mô nền kinh tế hiện nay. Thế nhưng không phải chỉ dừng lại ở mặt số lượng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu, mà điều cốt yếu là phải tính đến cơ cấu ngành hàng, chất lượng xuất khẩu để bảo đảm phát triển bền vững.

Trần Văn Giao: Xử lý bội chi ngân sách nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát hiện nay

Xử lý bội chi ngân sách nhà nước là một vấn đề nhạy cảm, bởi nó không chỉ tác động trước mắt đối với nền kinh tế mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những biến động lớn vấn đề kiềm chế lạm phát đặt ra vô cùng cấp bách không chỉ ở Việt Nam. Vậy xử lý bội chi ngân sách nhà nước như thế nào để ổn định vĩ mô, thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát hiện nay?

Trần Thanh Lâm: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức

Tri thức luôn là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số với những ứng dụng to lớn của nó trong mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng khẳng định điều đó. Vì vậy, sự hình thành, chuyển dịch và chấm dứt, cũng như bảo hộ các quyền phát sinh từ tài sản vô hình có những điểm khác biệt so với tài sản hữu hình. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp luật riêng biệt để điều chỉnh các quan hệ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.

Phạm Đỗ Nhật Tiến: Những chuyển động trong thực tiễn và nhận thức về vai trò của giáo dục

Trong xu thế vận động hiện nay từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, không chỉ khoa học và công nghệ, mà cả giáo dục và đào tạo cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như một tất yếu của quá trình phát triển xã hội. Vì thế đổi mới tư duy giáo dục trong giai đoạn phát triển mới của đất nước đồng nghĩa với việc xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển sao cho giáo dục và đào tạo thực sự là một khâu đột phá trong việc làm cho đất nước có bước phát triển nhảy vọt, rút ngắn thời gian trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức.

Mai Hải Oanh: Vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

Với đường lối xây dựng "nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", kể từ đổi mới đến nay, nền văn học, nghệ thuật nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được, vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, bất cập trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật. Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật, chúng ta cần xây dựng một chiến lược phát triển văn nghệ đúng đắn, phát huy tối đa tài năng và tâm huyết của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong cả nước.

Thực tiễn - Kinh nghiệm

Huỳnh Phong Tranh: Đảng bộ Lâm Đồng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước yêu cầu đổi mới

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, tính đến cuối năm 2007, Lâm Đồng có 20 đảng bộ trực thuộc với 797 tổ chức cơ sở đảng, 24.679 đảng viên, trong đó có 2.260 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, quyết tâm thực hiện mục tiêu đặt ra, sớm đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong thời gian tới, Đảng bộ Lâm Đồng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Đoàn Sinh Hưởng: Quân khu 4 nâng cao tri thức quân sự nhằm xây dựng sức mạnh nền quốc phòng toàn dân, tiềm lực thế trận chiến tranh nhân dân

Tri thức quân sự là những kiến thức có hệ thống về khoa học và nghệ thuật quân sự được đúc kết qua thực tiễn các cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của các dân tộc, luôn được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thực tế và không ngừng phát triển qua thực tiễn bảo vệ đất nước. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học tập, sáng tạo và phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Bùi Công Bửu: Ngành thủy sản Cà Mau trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cà Mau là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản cả về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu; được xem là vùng trọng điểm thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Để đạt được mục tiêu khai thác thủy sản đến năm 2010 là 390 ngàn tấn, xuất khẩu 100 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỉ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tỉnh Cà Mau hướng mạnh vào đầu tư phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản.

Nguyễn Mạnh Hùng: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên ở tỉnh Bình Thuận

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác xây dựng tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên ở Bình Thuận ngày càng có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; bảo đảm thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng kịp thời nhận rõ những hạn chế, yếu kém và có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để không ngừng phát huy hiệu quả công tác này.

Thư gửi Bộ Biên tập

Nguyễn Văn Thanh: Một chữ trong Nghị quyết!

Một chữ trong văn kiện của Đảng, một chữ thôi nhưng hàm chứa cả một cuộc cách mạng, cho hôm nay và cho cả ngày mai. Đó là nói tới một chữ trong câu ở Văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa X "Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội". Mục đích chi phối phương tiện chứ không phải ngược lại. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh là mục đích. Với mục đích đó, kinh tế thị trường không phải là phương tiện duy nhất thích hợp.

Sinh hoạt tư tưởng

Bảo Trung: Thư ngỏ gửi anh X

Thế giới: Vấn đề - Sự kiện

Trần Anh Phương: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: chặng đường 35 năm phát triển

Việt Nam và Nhật Bản là hai nước châuÁ có nhiều nét tương đồng về địa lý tự nhiên và đời sống văn hóa - xã hội nên từ nhiều thế kỷ qua, đã có các mối quan hệ giao lưu, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hướng tới kỷ niệm trọng thể 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú như trao đổi đoàn các cấp, các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước đã được tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản.

Phan Doãn Nam: Nét mới trong quan hệ giữa các nước lớn

Hai mươi năm sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, thế giới đã và đang trải qua nhiều biến đổi lớn. Một trong những biến đổi đó là sự thay đổi trong so sánh lực lượng giữa các nước lớn. Trong đó, mối quan hệ giữa các nước lớn hiện nay là khá đa dạng và rất phức tạp, chưa thể loại trừ hết bất trắc, nhưng xu thế hợp tác mạnh hơn xu thế đối đầu. Vì lợi ích của mình, các nước lớn tuy mâu thuẫn với nhau nhưng đều muốn đối thoại, tránh để xảy ra một cuộc "chiến tranh lạnh mới".

Trần Khánh: Các nước ASEAN 5 với vấn đề an ninh con người

An ninh con người, là sự sinh tồn, của cải vật chất và sự tự do của con người không bị uy hiếp và xâm phạm. Cùng với sự kết thúc của "chiến tranh lạnh", sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó yếu tố con người được đặt vào vị trí trung tâm khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến việc xem xét đối tượng, cách tiếp cận về an ninh con người khái niệm chứa đựng nhiều nội dung hết sức nhạy cảm như vấn đề chủ quyền và nhân quyền, thay đổi chức năng của nhà nước trong bối cảnh mới hiện nay...

*** Đảng Lao động cầm quyền ở Bra-xin hiện nay

Ngày 27-10-2002, ứng cử viên của Đảng Lao động, ông L. I. Lu-la đa Sin-va được bầu làm Tổng thống Bra-xin. Sự kiện này là bằng chứng rõ ràng cho thấy, nền dân chủ mới đã thắng lợi ở Bra-xin vốn là một đất nước từng có truyền thống chuyên quyền, độc đoán. Người dân Bra-xin tuyên bố rằng, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, giờ đây họ đã có một vị tổng thống mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
 
Qua sách báo nước ngoài

Crít-xten Lơ Mon: Nguồn gốc các cuộc xung đột và khủng hoảng chính trị tại châu Phi

Sự đối kháng của thời kỳ chủ nghĩa thực dân mới, sự tước đoạt các giá trị độc lập dưới cái vỏ bọc giả dối cùng những thất bại trong cải cách các nền chính trị đã tác động lẫn nhau, ảnh hưởng tới sự vận hành của các nhà nước tại những quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực. Và xung đột xảy ra là hệ quả tất yếu nhằm tạo lại thế cân bằng./.