Thường vụ Quốc hội thảo luận các biện pháp chống án oan, sai
Sáng 10-4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” đánh giá, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn. Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện, đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời.
Qua giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những sai phạm chủ yếu dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm, đó là do việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam còn chưa chính xác, sau đó phải chuyển xử lý hành chính…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tán thành với chủ trương giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Đây là lần giám sát đầu tiên, sâu rộng về vấn đề oan sai trong hoạt động tố tụng, vấn đề dư luận nhân dân rất quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu báo cáo đánh giá “tuy số người bị oan không nhiều” nhưng đại biểu đề nghị cần đánh giá thêm tác động xã hội, tuy tỷ lệ nhỏ nhưng nhiều vụ án có tác động xã hội rất lớn.
Một số ý kiến tán thành với những phân tích của Đoàn giám sát nhận định tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chủ yếu do trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên. Một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án.
Việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định pháp luật, còn một chiều, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp. Có những trường hợp, hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa còn nặng về buộc tội và tại phiên tòa Kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng. Điều đó dẫn tới nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm, tôn trọng thực sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bên cạnh những nguyên nhân đã được Đoàn giám sát liệt kê trong báo cáo, cần tập trung làm rõ các ngành chức năng đã xử lý nghiêm minh các sai phạm được phát hiện trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay chưa; có hiện tượng bao che, dung túng trong nội bộ hay không.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, để khắc phục những thiếu sót cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, chỉ huy.
“Với những địa phương có tỷ lệ oan sai cao thì các đồng chí lãnh đạo có tại vị không, với những trường hợp đó thì phải cách chức. Nếu chúng ta làm cương quyết thì sẽ giảm được oan sai”- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến thống nhất với một số kiến nghị của Đoàn giám sát, cụ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.
Cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá các loại tội phạm, hạn chế tối đa các trường hợp tạm đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; tăng cường các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra; phòng ngừa có hiệu quả và các trường hợp chết do tự sát, bị đánh chết tại các nơi giam giữ; quá trình điều tra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện…
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị những nội dung đã làm tốt trong thời gian qua như việc quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không cần thiết nhắc lại trong Báo cáo mà cần đưa ra những kiến nghị cụ thể.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo chương trình, chiều 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016; cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước./.
Thủ tướng: Hậu Giang tập trung đi lên từ nông nghiệp, chăn nuôi  (10/04/2015)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37  (10/04/2015)
Lao động Việt Nam đã di chuyển an toàn từ Yemen sang Oman  (10/04/2015)
Đô đốc Hải quân Việt Nam tiếp Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ  (09/04/2015)
Tổng Bí thư tiếp lãnh đạo tỉnh Vân Nam của Trung Quốc  (09/04/2015)
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc  (09/04/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên