Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37

Hoàng Lê (tổng hợp)
00:12, ngày 10-04-2015
TCCSĐT - Ngày 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37, cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; Thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Quy định số lượng cấp phó tại các bộ, ngành căn cứ vào thực tế

Góp ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đa số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo báo cáo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm đầy đủ bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp.

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo sao cho bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Liên quan tới vấn đề quốc phòng, an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị sửa đổi dự thảo Luật cho phù hợp với Hiến pháp, như giáo dục an ninh quốc phòng cho toàn dân, đảm bảo trang bị vũ trang cho lực lượng công an nhân dân, cũng như thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với quốc phòng an ninh...

Nhóm quy định về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ nhận được nhiều ý kiến góp ý tại buổi thảo luận sáng nay. Theo đề xuất trong dự thảo Luật, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thảo luận và cân nhắc về quy định này.

Băn khoăn vì quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, cần cân nhắc trên tình hình thực tế. Chẳng hạn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bộ rất lớn, nếu để khung quá hẹp như vậy, không biết có đủ để phân công cán bộ điều hành không?

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng nhận định, riêng quy định về số lượng cấp phó, có những bộ nhập từ nhiều bộ, nếu khống chế chỉ có 5 Thứ trưởng thì chưa phù hợp. Ông Ksor Phước đề nghị cân nhắc thêm, với những trường hợp cấp phó vượt quá 5 người thì Quốc hội có thể cân nhắc, linh động, không nên chỉ dừng lại ở số lượng 5 cấp phó.

Ngoài ra, có những Tổng cục lớn tương đương với một bộ cũng nên cân nhắc số lượng cấp phó cho phù hợp.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị số lượng cấp phó phải quy định vào luật theo hướng, ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ không quá 5 cấp phó, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định không quá 6. Đối với cấp Tổng cục nên quy định cấp phó không quá 4, cấp Cục không quá 3, cấp Vụ không quá 2.

Góp ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp vào dự thảo Luật; đồng thời bổ sung thêm một khoản mới để đảm bảo tính bao quát hơn về các lĩnh vực kiểm tra văn bản pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Tại kỳ họp thứ 9 sẽ được khai mạc vào tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và xem xét thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Biểu quyết thông qua thành lập thị xã Kỳ Anh, thành phố Tam Điệp

Với sự thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình.

Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh thì tỉnh Hà Tĩnh tăng 1 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 1 thành phố, 1 thị xã và 10 huyện thành 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện) không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp xã (262 đơn vị), nhưng có chuyển 1 thị trấn và 5 xã thành 6 phường (từ 15 phường, 12 thị trấn, 235 xã thành 21 phường, 11 thị trấn, 230 xã).

Thẩm tra Đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đánh giá việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng và lợi thế của khu vực, mặt khác việc điều chỉnh này cũng tạo điều kiện cho huyện Kỳ Anh (còn lại) phát triển. Đô thị Kỳ Anh đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của thị xã thuộc tỉnh được pháp luật quy định.

Theo Tờ trình thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình, sau khi thành lập phường Yên Bình và thành lập thành phố Tam Điệp thì tỉnh Ninh Bình không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (8 đơn vị) và cấp xã (145 đơn vị) nhưng có chuyển 1 thị xã thành 1 thành phố (từ 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện thành 2 thành phố, 6 huyện) và chuyển 1 xã thành 1 phường (từ 16 phường, 7 thị trấn và 122 xã thành 17 phường, 7 thị trấn và 121 xã).

Thẩm tra Đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đánh giá việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thị xã Tam Điệp. Về thực trạng phát triển, thị xã Tam Điệp đã cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh được pháp luật quy định.

Bảo đảm tốt hơn quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân của Ủy ban Pháp luật.

Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật có quan điểm để có tính khả thi cao hơn, bảo đảm tốt hơn quyền bầu cử, lựa chọn người đại diện cho mình của cử tri, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tất cả những người có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mà không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại nơi mình tạm trú (Khoản 3 Điều 29).

Những người đã có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương từ 12 tháng trở lên được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử đại biểu ở tất cả các cấp như đối với người đăng ký thường trú để bảo đảm quyền bầu cử, quyền được lựa chọn người đại diện của công dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Nêu quan điểm về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị bên cạnh những nội dung đã được hiến định, dự thảo Luật cần bổ sung quy định phải có ít nhất 3 năm công tác thực tiễn.

Theo đại biểu, quy định như vậy để phát huy tốt tính đại diện cho nguyện vọng của người dân của đại biểu Quốc hội.

Thảo luận về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định cụ thể về số đại biểu Quốc hội được bầu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số mà trong Luật chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để có ít nhất là 15% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 30% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8).

Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ này lên ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ./.