Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây, lạm phát năm 2008 có thể lên tới trên 25%, tình hình thị trường tài chính tiền tệ, nhất là ở Mỹ, trước mắt, đang gây tác động đến kinh tế toàn cầu. Trong trung và dài hạn, việc thực hiện các cam kết ở lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam đối với WTO sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Vì vậy, việc đánh giá và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phí tại mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần không nhỏ trong quá trình kiềm chế lạm phát và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ có một vị trí đặc biệt nhạy cảm.

1 - Về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở nước ta

Thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, dù còn non trẻ, nhưng có tốc độ phát triển khá mạnh. Nếu năm 1995, mới chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thì đến hết năm 2007 cả nước đã có 22 doanh nghiệp. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn đã có tên tuổi, thương hiệu mạnh, như: Bảo Việt; Bảo Minh; PJICO, PVI, PTI,... Tổng số tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm đến hết năm 2007 là 4.827 tỉ đồng, tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 4.500 tỉ đồng. Vốn đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2007 đạt 9.004 tỉ đồng.

Do tác động tích cực từ nền kinh tế và các chính sách vĩ mô, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có sự phát triển đều và ổn định trong thời gian qua. Doanh thu toàn thị trường tăng trưởng tương đối đều và ổn định.

Bảng 1: Doanh thu phí của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (2002 - 2007)

                                                                                                         Đơn vị: Tỉ đồng

Doanh nghiệp bảo hiểm

2002

2003

2004

2005

2006

2007

1. Bảo Việt Việt Nam

968,3

1.277,1

1.862,3

2.113,4

1.860,6

1.940,1

2. Bảo Minh

395,4

603,2

973,8

1.158,2

966,9

1.136,7

3. PJICO

137,4

265,8

489,3

605,7

550,8

702,6

4. PVI

98,1

138,1

198,8

243,8

341,8

567,0

5. PTI

66,5

99,7

124,4

161,5

226,4

249,1

Toàn thị trường

1.717,8

2.598,2

3.817,2

4.715,5

4.382,2

5.429,8

Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của các công ty (2001 - 2007) thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Trong giai đoạn 2002 - 2007, doanh thu phí tăng hơn 3 lần, từ 1.717,8 tỉđồng năm 2002 lên 5.429,8 tỉ năm 2007. Trong số các doanh nghiệp trên thị trường, PVI có tốc độ tăng trưởng cao nhất - tăng gấp gần 6 lần, tiếp đến là PTI. Các doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Bảo Minh, tuy có sự sụt giảm nhất định vào năm 2006, nhưng vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng đang tồn tại một số vấn đề, như:

- Năng lực tài chính của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nước ta và hầu hết các doanh nghiệp ở lĩnh vực này còn rất hạn chế so với các doanh nghiệp cùng loại trong khu vực và thế giới. Tổng vốn điều lệ đăng ký mới chỉ đạt hơn 4.800 tỉ đồng, tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, nếu quy đổi ra USD thì số vốn này chỉ ngang bằng với vốn điều lệ của một doanh nghiệp bảo hiểm hạng trung bình ở Ma-lai-xi-a.

- Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Vấn đề hạ phí bảo hiểm, lôi kéo nhân viên và đại lý đang là vấn đề "nóng" của thị trường.

- Do hạn chế về năng lực tài chính, mức giữ lại của các doanh nghiệp còn thấp, đặc biệt những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường thấp luôn có tỷ lệ tái bảo hiểm lớn (bảo hiểm hàng không, dầu khí, tài sản kỹ thuật,...).

- Chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Số lao động được đào tạo bài bản không nhiều, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhân viên và đại lý chưa tốt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh doanh nghiệp nói riêng và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói chung.

Bảng 2. Hiệu quả bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (2002 - 2007)

                                                                                                       (đơn vị: lần)

Tên doanh nghiệp

2001

2003

2004

2005

2006

2007

1. Bảo Việt Việt Nam

0,51

0,46

0,41

0,47

0,51

0,54

2. Bảo Minh

0,54

0,38

0,28

0,45

0,58

0,54

3. PJICO

0,45

0,43

0,45

0,49

0,65

0,48

4. PVI

0,13

0,11

0,14

0,23

0,22

0,26

5. PTI

0,46

0,46

0,45

0,37

0,44

0,50

Toàn thị trường

0,51

0,38

0,31

0,46

0,50

0,51

Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của các công ty (2001 - 2007)

2 - Hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

a - Hiệu quả bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm

Đây là chỉ tiêu vừa thể hiện tính kinh tế, vừa thể hiện tính xã hội của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Số liệu ở bảng 2 cho thấy, hiệu quả xã hội của việc sử dụng phí là rất cao. Tính chung toàn thị trường đạt mức bình quân giai đoạn (2002 - 2007) là 0,45 lần, trong đó cao nhất là Bảo Việt, Bảo Minh và PJICO. Cá biệt có năm PJICO đã đạt mức 0,65 lần (năm 2006). Có nghĩa là cứ 1 đồng phí bảo hiểm thu được, PJICO đã sử dụng 0,65 đồng để bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho những khách hàng gặp rủi ro, giúp họ ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu quả xã hội tăng đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp lại giảm.

b - Hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm tính theo lợi nhuận

Hiệu quả sử dụng phí tính theo lợi nhuận là tỷ số giữa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm so với phí bảo hiểm thu được trong năm từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây là chỉ tiêu hiệu quả kinh tế đích thực cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Chỉ tiêu này tính ra càng cao thì hiệu quả kinh tế sử dụng phí bảo hiểm cũng càng cao và ngược lại.

Như vậy, trong vòng 6 năm (2002 - 2007) hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm tính theo lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thị trường mặc dù có tăng, nhưng đều đạt ở mức rất thấp.

c - Hiệu quả sử dụng chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp

Nguồn gốc các khoản chi phí này đều nằm trong phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, các chỉ tiêu này thực chất cũng là các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế đối với mỗi doanh nghiệp bảo hiểm. Kết quả những chỉ tiêu này càng cao, càng chứng tỏ doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng có hiệu quả các khoản chi phí đó. Hiệu quả sử dụng chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm là tỷ số giữa lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm so với tổng chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hiệu quả sử dụng những khoản chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm diễn biến không ổn định giữa các năm và các công ty. Nếu xét cả 6 năm, PVI vẫn là công ty đạt hiệu quả ổn định và cao nhất so với các công ty bảo hiểm còn lại. Chẳng hạn, năm 2003, ở PVI cứ 1 đồng chi phí trực tiếp kinh doanh bảo hiểm chi ra, công ty thu về 0,276 đồng lợi nhuận và con số này vẫn còn giữ được ở mức 0,124 đồng năm 2004.

Bảng 3. Hiệu quả sử dụng phí tính theo lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm ở một số doanh nghiệp bảo hiểm (2002-2007)

                                                                                                      (đơn vị: lần)

Tên doanh nghiệp

2002

2003

2004

2005

2006

2007

1. Bảo hiểm Việt Nam

0,027

0,037

0,038

0,050

0,062

0,064

3. PJICO

0,016

0,039

0,023

0,036

0,038

0,039

4. PVI

0,021

0,134

0,069

0,066

0,045

0,067

Nguồn: Tính toán từ Báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của các công ty 2001 - 2007

Bảng 4. Hiệu quả sử dụng chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm
(2002-2007)

                                                                                                         (đơn vị: lần)

Tên doanh nghiệp

2002

2003

2004

2005

2006

2007

1. Bảo hiểm Việt Nam

0,039

0,051

0,049

0,052

0,061

0,057

2. Bảo Minh

0,032

0,000

0,035

0,041

0,038

0,041

3. PJICO

0,022

0,068

0,050

0,046

0,034

0,036

4. PVI

0,044

0,276

0,124

0,112

0,116

0,121

Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của các công ty 2001 - 2007

Bảng 5. Hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp bảo hiểm
(2003-2004)
 
 

TT

Tên doanh nghiệp và chỉ tiêu

2003

2004

   1.

Công ty bảo hiểm dầu khí (PVI)

a. Hiệu quả chi phí bán hàng

0,734

0,472

b. hiệu quả chi phí quản lý DN

2,500

2,315

   2.

Công ty CP BH Petrolimex (PJICO)

a. Hiệu quả chi phí bán hàng

0,440

0,278

b. Hiệu quả chi phí quản lý DN.

0,470

0,377

   3.

Công ty TNHH ALLIANZ Việt Nam

a. Hiệu quả chi phí bán hàng

10,453

11,867

b. Hiệu quả chi phí quản lý doanh nghiệp.

2,147

2,013

Nguồn: Ttính toán Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2003, 2004.

Hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng là tỷ số giữa lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm so với tổng chi phí bán hàng trong kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm. Hiệu quả sử dụng chi phí quản lý doanh nghiệp là tỷ số giữa lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm so với chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bảng 5 cho thấy, hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ở 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc 3 hình thức sở hữu khác nhau (sở hữu nhà nước là PVI, sở hữu nước ngoài là ALLIANZ và sở hữu cổ phần là PJICO).

Trong các năm 2003 và năm 2004, hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm có những biến động lớn và hiệu quả đạt được là rất khác nhau. Cụ thể, ALLIANZ Việt Nam đạt cao nhất, năm 2003 cứ 1 đồng chi phí bán hàng chi ra đã tham gia tạo ra 10,453 đồng lợi nhuận, con số này ở PJICO là 0,446 và PVI là 0,734. Năm 2004, cứ 1 đồng chi phí bán hàng ở ALLIANZ Việt Nam chi ra, tham gia tạo ra 11, 867 đồng lợi nhuận, con số này ở PJICO là 0,278 và PVI là 0,472.

Sở dĩ ALLIANZ đạt được hiệu quả rất cao và có sự chênh lệch lớn như vậy là vì công ty mới vào Việt Nam kinh doanh, những nghiệp vụ mà công ty triển khai ban đầu đều là những nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hỏa hoạn. Do mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài sẵn có, nên công ty chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ để chào bán dịch vụ bảo hiểm. Do vậy, nếu so sánh với hai công ty trong nước có thể là chưa thực sự bảo đảm tính đồng nhất. Nhưng nếu so sánh chỉ tiêu hiệu quả này giữa PVI và PJICO sẽ thấy một điều rất thú vị. PVI là công ty bảo hiểm chuyên ngành dầu khí, vì vậy hầu hết các khách hàng của ngành dầu khí đều tham gia các nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau ở công ty. Cho nên chi phí bán hàng của PVI là rất thấp và hiệu quả đạt được là rất cao so với PJICO. Tuy nhiên, muốn mở rộng thị trường sang các lĩnh vực khác, các ngành nghề khác buộc PVI phải tăng chi phí bán hàng và điều đó đã được chứng minh ở năm 2004, hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng giảm xuống còn 0,472.

Như vậy, tính quy luật rút ra ở đây là chi phí bán hàng là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm do đặc điểm của ngành kinh doanh này chi phối. Song, một khi doanh nghiệp bảo hiểm càng triển khai nhiều nghiệp vụ, nhất là những nghiệp vụ đó lại có số tiền bảo hiểm (hoặc giá trị bảo hiểm) nhỏ tính trên 1 đơn bảo hiểm, thì chi phí bán hàng sẽ càng cao và hiệu quả đạt được sẽ càng thấp. Nhưng dù sao sử dụng có hiệu quả chi phí bán hàng sẽ góp phần rất lớn để nâng cao kết quả và hiệu quả kinh doanh nói chung của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tóm lại, có thể đánh giá chung như sau:

Thứ nhất, hiệu quả xã hội trong quá trình sử dụng phí bảo hiểm là khá cao và thể hiện rõ nhất thông qua chỉ tiêu hiệu quả bồi thường.

Thứ hai, hiệu quả kinh tế sử dụng phí của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn rất thấp. Đây là vấn đề cốt lõi cần phải báo động khẩn cấp đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này thể hiện rất rõ ở các chỉ tiêu: hiệu quả sử dụng phí theo lợi nhuận, hiệu quả sử dụng chi phí trực tiếp cho hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ ba, hiệu quả sử dụng phí xét trên giác độ kinh tế không ổn định qua các năm và không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn không đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế cao.

3 - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm tại các doanh nghiệp

Rõ ràng, có thể khẳng định rằng, cùng với sự dần ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang tiếp tục trụ vững và phát triển cho dù thị trường tài chính thế giới "đang có bão". Tuy vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm là vấn đề nóng và cấp thiết tại tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ. Vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm chính là hiệu quả kinh tế trong sử dụng phí liên quan đến hiệu quả bồi thường, hiệu quả sử dụng chi phí bán hàng trực tiếp và chi phí quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, các giải pháp cần đặt trọng tâm vào các vấn đề sau:

- Nâng cao chất lượng công tác đánh giá rủi ro trong khâu khai thác. Đây có thể được coi là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình kinh doanh bảo hiểm. Đánh giá rủi ro trong khai thác kém dẫn đến chấp nhận bảo hiểm sai, xác định phí không chuẩn, khả năng tổn thất cao có nguy cơ làm tăng tỷ lệ bồi thường.

- Nâng cao chất lượng giám định bồi thường. Làm tốt công tác này sẽ bảo đảm tăng cường phòng chống trục lợi bảo hiểm cũng như xác định bồi thường đầy đủ và chính xác, vừa bảo đảm quyền lợi cho khách hàng vừa bảo đảm chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Mở rộng các hình thức khoán chi phí bán hàng gắn với khoán doanh thu và hiệu quả khai thác (tỷ lệ bồi thường trên doanh thu mà nhân viên hoặc đại lý hoặc bộ phận, chi nhánh khai thác được).

- Kiện toàn các bộ máy tổ chức hợp lý phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Sử dụng linh hoạt các kênh phân phối và dịch vụ môi giới bảo hiểm chuyên nghiệp. Biện pháp này có thể giảm các chi phí khai thác trực tiếp và tận dụng các dịch vụ mà môi giới cung cấp để chuẩn hóa hiệu quả khai thác và đánh giá rủi ro.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên, đại lý trong ngành.

- Làm tốt công tác thống kê, dự báo và thiết lập mạng lưới kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp bảo hiểm cần có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các biện pháp tăng vốn, tìm kiếm các đối tác chiến lược nhằm nâng cao khả năng giữ lại và khả năng nhận tái bảo hiểm của các doanh nghiệp./.