Đô thị Đông Á - Một thập niên phát triển

Lan Hương
21:07, ngày 26-01-2015

TCCSĐT - Ngày 26-01-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập niên phát triển không gian”, theo đó, gần 200 triệu người đã di chuyển đến các khu vực đô thị tại Đông Á trong giai đoạn 2000 - 2010, tương đương với số dân của một nước lớn thứ sáu trên thế giới.

Bảo đảm tăng trưởng đô thị mang lại lợi ích cho người nghèo

Lần đầu tiên, dữ liệu so sánh các khu đô thị và dân số một cách nhất quán trên toàn khu vực Đông Á giúp các chính phủ và các nhà lãnh đạo hiểu biết tốt hơn về hình thái và quy mô tăng trưởng để có thể thực hiện tiến trình đô thị hóa đúng đắn, tạo cơ hội cho tất cả mọi người.

Nhìn chung, đô thị ở Đông Á tăng với tốc độ trung bình 2,4% mỗi năm, với tổng diện tích đô thị là 134.800 km2 vào năm 2010. Dân số đô thị tăng nhanh hơn với mức tăng bình quân hằng năm là 3,0%, đạt 778 triệu năm 2010 - con số lớn nhất so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới (châu Âu phải mất hơn 50 năm mới đạt được số dân như vậy). A. Trót-xen-bớc (Axel van Trotsenburg), Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á cho biết: “Đô thị hóa nhanh chóng là một thách thức đáng kể cho khu vực Đông Á... Chúng tôi cung cấp dữ liệu này để các nhà lãnh đạo có thể có được một bức tranh tốt hơn và hành động để bảo đảm rằng sự tăng trưởng của đô thị mang lại lợi ích cho số người nhập cư ngày càng tăng vào các thành phố, đặc biệt là người nghèo”.

Báo cáo cũng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa đô thị hóa và tăng trưởng thu nhập và mối liên hệ giữa năng suất lao động cao hơn với tỷ lệ dân số đô thị gia tăng. Đông Á có 869 khu vực đô thị với trên 100.000 dân. Có 8 thành phố lớn với hơn 10 triệu người, bao gồm đồng bằng châu thổ Châu Giang, Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc), Tô-ki-ô và Ô-xa-ca (Nhật Bản); Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Xơ-un (Hàn Quốc) và Ma-ni-la (Phi-líp-pin). Trong đó, đồng bằng châu thổ Châu Giang của Trung Quốc đã vượt Tô-ki-ô trở thành đô thị lớn nhất thế giới cả về quy mô và dân số.

Các đô thị nhỏ hơn cũng tăng đáng kể. Thực tế có 572 khu đô thị nhỏ nhất với dân số từ 100.000 đến 500.000 người và 106 khu đô thị vừa với dân số từ 1.000.000 - 5.000.000 người có diện tích đất lớn hơn so với 8 thành phố lớn kể trên. Một đặc điểm đáng chú ý trong mở rộng đô thị này là tại các khu đô thị đang có mật độ dân ngày càng tăng, nếu quản lý tốt, sẽ tốt hơn cho môi trường và cung cấp các dịch vụ cho người dân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng làm nảy sinh thách thức đáng kể do bị phân tách, trong đó gần 350 khu đô thị nằm trong nhiều khu vực hành chính của địa phương. Trong một số trường hợp, nhiều thành phố được sáp nhập trong khi chính quyền địa phương vẫn tiếp tục quản lý.

Các chính phủ và lãnh đạo đô thị đang cố gắng nắm bắt quá trình đô thị hóa đang làm thay đổi bộ mặt Đông Á và tìm biện pháp phản ứng thích hợp, nhưng đang vấp phải vấn đề thiếu dữ liệu so sánh quốc tế do các nước sử dụng các định nghĩa khác nhau về khu vực và dân số đô thị. Các bộ dữ liệu mới sẽ giúp giải quyết thách thức này bằng cách sử dụng hình ảnh và các kỹ thuật vệ tinh phục vụ lập mô hình phân bổ dân số, lập bản đồ tất cả các khu định cư nhằm nắm được xu hướng đô thị hóa. Cách tiếp cận này có thể thiết lập một cách có hệ thống địa bàn, tốc độ đô thị hóa và việc tăng dân số liên quan đến gia tăng diện tích đất đô thị.

Ông M. Mu-nốt (Marisela Montoliu Munoz), Giám đốc thực hành toàn cầu về ứng phó, đô thị, nông thôn và xã hội của WB cho biết: “Một khi các thành phố được xây dựng, diện mạo đô thị và hình thức sử dụng đất sẽ bị cố định trong nhiều thế hệ. Cần nâng cao chất lượng số liệu để hiểu rõ hơn các xu hướng mở rộng đô thị, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định sáng suốt hơn nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững trong một môi trường thay đổi nhanh chóng, giúp họ tiếp cận với dịch vụ, việc làm và nhà ở”.

Tăng trưởng đô thị ở Việt Nam

Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng cả về không gian và dân số. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn.

Trong thập niên 2000 – 2010, Việt Nam từ vị trí có diện tích đất đô thị lớn thứ bảy trong năm 2000 (2.200 km2) lên vị trí thứ năm trong năm 2010 (2.900 km2) trong hệ thống phân cấp đô thị, vượt Thái Lan và Hàn Quốc. Mức tăng 700 km2 này lớn nhất trong khu vực. Chỉ có đất đô thị của In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc là tăng nhiều hơn về giá trị tuyệt đối. Về không gian, các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% mỗi năm, trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực. Trong tổng diện tích đất của Việt Nam, 0,9% là đất đô thị, một tỷ lệ tương đương Trung Quốc, nhưng cao hơn In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

Dân số đô thị của Việt Nam là 23 triệu người, lớn thứ sáu trong khu vực Đông Á. Trong giai đoạn 2000 - 2010, dân số đô thị ở Việt Nam tăng 7,5 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số đô thị 4,1% hằng năm là một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Trong giai đoạn này, dân số đô thị của Việt Nam tăng từ 19% (sống trong khu vực đô thị có từ 100.000 người trở lên) lên 26%. Với mật độ 7.700 người/km2 năm 2010, trung bình các khu đô thị của Việt Nam ngày càng trở nên chật chội hơn so với toàn khu vực, mặc dù chưa bằng In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc hoặc Phi-líp-pin.

Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng Thành phố Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tất cả các thành phố trong cả nước, nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Hai thành phố này chi phối cảnh quan đô thị của quốc gia về cả đất đô thị và dân số. Ngoài ra, Việt Nam có một đô thị có số dân trong khoảng 1 triệu đến 5 triệu (Hải Phòng), 6 đô thị trong khoảng 500.000 - 1 triệu và 21 đô thị trong khoảng 100.000 - 500.000 người.

Điều đáng chú ý nhất trong quá trình mở rộng đô thị ở Việt Nam là tốc độ tăng nhanh khu đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ mở rộng của hai thành phố này (lần lượt là 3,8% và 4% hằng năm) lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc. Nếu cứ tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, đến năm 2020 cả hai thành phố sẽ lớn gấp đôi so với năm 2000. Hai khu đô thị này cũng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các khu đô thị khác của Việt Nam. Trong số các khu đô thị của Việt Nam có dân số hơn 500.000 người, Đà Nẵng có tỷ lệ tăng gần bằng (3,5%).

Về không gian, cả diện tích đô thị của Hà Nội (850 km2 năm 2010) và Thành phố Hồ Chí Minh (810 km2 năm 2010) đã mở rộng gần như bằng nhau trong giai đoạn 2000 - 2010. Diện tích tăng tuyệt đối gần bằng 270 km2. Tốc độ mở rộng này lớn hơn bất cứ khu đô thị nào khác trong khu vực, ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những khu đô thị lớn hơn nhiều như Gia-các-ta, Ma-ni-la, Xơ-un và Tô-ki-ô. Hơn 50% tổng diện tích đất đô thị cả nước nằm tại hai khu đô thị này và khoảng cách giữa hai đô thị này với các khu đô thị khác của Việt Nam đang ngày càng mở rộng với 75% tăng trưởng không gian đô thị mới thuộc về hai khu này. Tuy nhiên, tỷ lệ dân cư đô thị trong hai thành phố về cơ bản là giống nhau trong giai đoạn 2000 - 2010, khoảng 60%.

Hầu hết tất cả các khu đô thị trong nước đã trở nên dày đặc hơn, nhưng có một ngoại lệ đáng chú ý là, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh có đông dân nhất, tăng 2,5 triệu người (3,9% hằng năm), nhưng mật độ dân số lại giảm trong giai đoạn 2000 - 2010. Mức tăng dân số Hà Nội vẫn thấp hơn Thành phố Hồ Chí Minh, 2,1 triệu người trong giai đoạn này (4,8% hằng năm).

Với 200 km2, và 1,2 triệu người, Hải Phòng chỉ chiếm một phần tư diện tích hai đô thị lớn, nhỏ hơn rất nhiều về dân số. Mặc dù mật độ thấp hơn khu đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng con số này cũng tăng trong giai đoạn 2000 - 2010 do tỷ lệ tăng dân số của thành phố (4,1%) lớn hơn tỷ lệ tăng không gian (2,1%).

Một số khuyến nghị

Tuy tăng trưởng đáng kể và nhanh chóng như vậy nhưng tổng diện tích đô thị hóa khu vực Đông Á chưa đến 1% và dân số đô thị chỉ chiếm 36% - điều này cho thấy quá trình mở rộng đô thị tại khu vực mới chỉ bắt đầu. Tuy quá trình đô thị hóa trong khu vực phần lớn bị thúc đẩy bởi áp lực thị trường, nhưng các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia và thành phố cũng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững và toàn diện.

Thứ nhất, chuẩn bị cho việc mở rộng không gian đô thị trong tương lai bằng cách tạo điều kiện tiếp cận đất đai để việc mở rộng có thể diễn ra hiệu quả, sử dụng các cơ chế như phát triển đất có định hướng, thu gom và điều chỉnh đất, chia đất và chuyển giao quyền phát triển đô thị.

Thứ hai, bảo đảm quá trình đô thị hóa hiệu quả về mặt kinh tế bằng cách thông qua các chiến lược đô thị hóa quốc gia, hỗ trợ đầu tư công trong một loạt thành phố có quy mô lớn, nhỏ và vừa để thúc đẩy hoạt động kinh tế đa dạng.

Thứ ba, lập quy hoạch phát triển không gian giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của những người mới nhập cư.

Thứ tư, thúc đẩy đô thị hóa bền vững bằng cách bảo đảm các khu đô thị mật độ cao được lập quy hoạch và phối hợp tốt để tạo ra một môi trường bảo đảm cuộc sống.

Thứ năm, khắc phục sự phân mảnh đô thị lớn bằng cách phối hợp các dịch vụ đô thị trên toàn bộ địa giới thành phố, áp dụng chính quyền cấp vùng và các cơ chế khác./.