“Bộ luật Hình sự nên có thêm tội danh tham nhũng nhà công vụ”
TCCSĐT - Ngày thứ hai (31-10) của phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Như Tiến và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề nhà công vụ và việc đập phụ của đê Đầm Hà (Quảng Ninh) bị vỡ.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh, thiếu niên và Nhi đồng (đại biểu đoàn Quảng Trị): Chưa ai xử lý tham nhũng nhà công vụ
Khi thảo luận về Luật Nhà ở nhiều ý kiến tỏ ý bức xúc về nhà công vụ. Cụ thể tính đến tháng Chín vừa qua, hiện nay đang có trên 1 triệu m2 nhà ở công vụ trong đó có hàng trăm biệt thự, hàng chục ngàn căn hộ chung cư, nhà liền kề… Mặc dù đã có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao gương mẫu trả lại biệt thự công vụ nhưng vẫn còn không ít người đã tự cho mình quyền sử dụng vĩnh viễn, biến nhà công vụ thành tư vụ.
Các biệt thự công thường ở các vị trí đắc địa nhưng trong quá trình sử dụng, nhiều người đã chia cắt, sửa sang nên nhà công vụ bị biến dạng, biến thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ, có biệt thự công nằm vùng lõi di sản, không giải tỏa được.
Nếu Chính phủ có chính sách hợp lý, có thể thu hồi, bán đấu giá thì số lượng nhà công vụ này sẽ ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách, có thể chống thất thoát, mỗi năm, sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Từ đó Nhà nước sẽ có nguồn cải cách tiền lương, đỡ lỗi hẹn với cử tri như mấy năm qua.
Có lẽ đã đến lúc cần đưa thêm vào Bộ luật Hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ” vì đây là tài sản quốc gia. Từ trước đến nay chưa ai bị xử lý về việc tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỷ đồng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng chia sẻ về việc này trước Quốc hội, Nhà nước nên tập trung đầu tư nhà công vụ cho cán bộ vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, cho bác sĩ, giáo viên đi làm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Chưa trả nhà công vụ không thể coi là chiếm đoạt
Nhà ở công vụ hiện nay số lượng rất lớn. Chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để bảo đảm cho những cán bộ, công chức, viên chức trong đó có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công chức, viên chức… được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ nhưng không có điều kiện, khả năng mua nhà có chỗ ở trong thời gian công tác.
Trong số này có cả những bác sỹ, giáo viên, quân nhân… nhận luân chuyển công tác đến vùng sâu, vùng xa. Như vậy, họ phải có nhà để ở và ổn định cuộc sống. Chính sách này rất đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện cũng còn một số trường hợp chưa bảo đảm đúng mục đích theo quy định về loại hình nhà ở này.
Trước đây, Bộ Xây dựng chỉ quản lý 180 nhà công vụ, số lượng bằng 1,4% tổng số nhà công vụ cả nước. Gần đây, Bộ Xây dựng mới được giao quản lý nhà công vụ của Chính phủ và cũng đã có báo cáo về thực trạng, sự bất cập, nguyên nhân tình hình quản lý quỹ nhà ở này.
Theo khảo sát, có những trường hợp đã hết thời gian công tác, có nhà ở rồi nhưng vẫn không trả lại nhà công vụ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hết thời gian công tác nhưng lại không có nhà để ở do bản thân không tự tạo lập được nhà ở nên họ vẫn sống tại nhà công vụ. Đây chính là những “lỗ hổng” mà pháp luật cần phải có quy định cụ thể hơn.
Từ thực trạng này, năm 2013, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và đã có thông tư quy định, tiêu chuẩn về đối tượng, nhà ở để hướng dẫn các địa phương thực hiện, có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, các chủ nhà không còn công tác nữa nhưng vẫn không giao nhà thì Bộ Xây dựng sẽ làm công văn yêu cầu họ phải trả lại nhà cho Nhà nước.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị trong Luật Nhà ở có một chương quy định về nhà công vụ. Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về đối tượng, loại nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước để các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở thì được mua loại nhà này để bảo đảm công bằng.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, những trường hợp không trả nhà công vụ trong thời gian qua thì không thể nói là họ chiếm đoạt được mà ở đây chỉ là vấn đề ý thức thôi. Họ chưa giao có thể do chúng ta nữa. Nhà nước có thể đứng ra thu lại nhưng Nhà nước chưa thu thì cũng không thể nói họ chiếm đoạt được.
Trao đổi với phóng viên về việc đập phụ của đê Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) bị vỡ, nước tràn vào gây ngập lụt nhiều khu dân cư và cô lập gần 5.000 người dân, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc đập phụ bị vỡ vào đầu giờ sáng qua do lũ xảy ra rất nhanh với lưu lượng lớn nên bị tràn mặt đập, gây ra vỡ đập phụ khoảng 50 m, nhưng rất may không có thiệt hại về người. Công tác khắc phục hậu quả của đập này đã và đang được thực hiện.
- Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại do đập Đầm Hà (Quảng Ninh) vỡ nhưng sự cố này đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương. Nguyên nhân của sự cố này đã được làm rõ chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đập Đầm Hà ở Quảng Ninh bị vỡ là đập cỡ trung bình với dung tích khoảng 15 triệu m3, chiều cao đập 27,5 m, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và quản lý nhà nước về công trình này. Sau khi bị cơn lũ đột xuất với lưu lượng nước rất lớn thì nước đã tràn đến đỉnh đập. Chỗ yếu nhất của đập đã bị vỡ và rất may là không có thiệt hại về người.
Khi nhận được tin này, chúng tôi đã cử lực lượng đến kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Sáng nay, tôi cũng đã điện thoại trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng như Sở Xây dựng Quảng Ninh và được biết hiện địa phương cũng đang tập hợp các ngành có liên quan xem xét, tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý. Hiện việc xử lý hậu quả đang được tiến hành khẩn trương, có trách nhiệm. Nguyên nhân cụ thể sẽ được Bộ Xây dựng kết luận sau khi có đánh giá cuả cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục Giám định các công trình xây dựng.
- Chất lượng và bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập trong cả nước đã được cảnh báo nhưng sự cố vẫn xảy ra nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến. Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác quản lý hồ đập hiện nay?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bảo đảm an toàn hồ đập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì khi có sự cố về đập xảy ra thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho việc đầu tư mà còn gây thiệt hại về của cải, thậm chí là tính mạng cho người dân. Bởi vậy, nhiệm vụ này luôn cần phải được quan tâm từ khi đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế hồ đập.
Chúng ta phải bắt đầu từ việc nâng cao, bảo đảm chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công công trình và cả trong quá trình giám sát. Việt Nam có gần 7.000 hồ đập nhưng những năm qua, có một số công trình có chất lượng không như mong muốn. Các sự cố thường thấy ở các công trình này là vỡ đập phụ, có cái lại vỡ trong quá trình thi công… Bởi vậy, khi kiểm tra cần phải chỉ ra thật rõ ràng trách nhiệm trong từng khâu. Có sự cố xảy ra thì thuộc về thi công, cũng có nguyên nhân là do thiết kế hoặc do vận hành kém... Việc tập trung, chấn chỉnh để tăng cường quản lý hồ đập là cần thiết và phải làm thường xuyên để bảo đảm an toàn và hạn chế các sự cố có thể xảy ra.
Trước sự việc nêu trên, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ngay trong ngày 31-10, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân vỡ đập, trong đó tập trung vào chất lượng đập và vận hành các cửa van trong quá trình xả lũ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với chức năng quản lý nhà nước về hồ đập thủy lợi chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hồ đập thủy lợi trên cả nước, tập trung vào các hồ đập có khiếm khuyết về chất lượng, các hồ đập phải hạ mực nước hồ chứa dưới mực nước thiết kế và các hồ đập không bảo đảm khả năng xả lũ theo quy định.
- Xin cám ơn Bộ trưởng./.
Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nam Bộ  (31/10/2014)
Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nam Bộ  (31/10/2014)
Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nam Bộ  (31/10/2014)
Lễ Khởi công xây dựng Nhà Bia di tích Kỷ niệm Tạp chí Cộng sản  (31/10/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp đại biểu dự ASOCIO 2014  (30/10/2014)
Thủ tướng tiếp lãnh đạo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam  (30/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên