Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nam Bộ
Thực trạng phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ
Trên cơ sở khẳng định vai trò to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc đối với sự thành bại của cách mạng, Đảng ta cho rằng chính sách đại đoàn kết các dân tộc thực chất là không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của từng dân tộc, vừa làm cho mỗi dân tộc được phát triển một cách toàn diện, vừa làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng”(1). Như vậy, sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát triển một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái… vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Vì vậy, phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc thực chất là phát triển mọi mặt đời sống của đồng bào Khmer.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với đồng bào Khmer. Trên cơ sở Chỉ thị 68 của Ban Bí thư về công tác vùng đồng bào Khmer năm 1991, Đảng ta đã có nhiều chính sách nhằm xây dựng, phát triển vùng đồng bào Khmer về các mặt và đã tổ chức triển khai trong thực tiễn, mang lại nhiều kết quả khả quan, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất của đồng bào Khmer
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo, không ngừng vươn lên ổn định cuộc sống và nâng cao đời sống vật chất, như xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào Khmer, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ mua nông cụ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… cho người Khmer và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đối với đồng bào Khmer:
TT Tỉnh/thành Số hộ thụ hưởng đất ở Số hộ thụ hưởng đất sản xuất 1 Trà Vinh 419 1.029 2 Vĩnh Long 43 349 3 Cần Thơ 236 0 4 Sóc Trăng 1.533 1.433 5 Bạc Liêu 544 233 6 Cà Mau 483 113 7 Hậu Giang 88 720 8 An Giang 1.603 0 9 Kiên Giang 675 837 Tổng cộng 5.624 4.714
Về hỗ trợ kinh phí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và vay vốn sản xuất, tính đến nay, đồng bào Khmer được thụ hưởng chính sách này như sau:
TT Tỉnh/thành Hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, mua công cụ lao động (người) Vay vốn phát triển sản xuất (lượt hộ) 1 Trà Vinh 12.802 23.114 2 Vĩnh Long 2.169 1.332 3 Cần Thơ 1.030 540 4 Sóc Trăng 17.582 8.896 5 Bạc Liêu 2.578 1.152 6 Cà Mau 1.111 752 7 Hậu Giang 2.390 0 8 An Giang 18.550 186 9 Kiên Giang 5.370 4.370 Tổng cộng 64.122 40.342
Nhờ có những chính sách trên mà đời sống vật chất của đồng bào Khmer không ngừng được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào giảm 4%/năm. Nhiều hộ từ thoát nghèo vươn lên đủ ăn, có thu nhập khá, có hộ trở thành giàu có.
Thứ hai, chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho vùng đồng bào Khmer
Để phát triển giáo dục cho vùng đồng bào Khmer, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách như chính sách hỗ trợ học sinh là con em hộ Khmer nghèo (tổng học sinh Khmer được hỗ trợ ở các tỉnh có báo cáo là 79.260 học sinh); chính sách cử tuyển học sinh Khmer vào cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (từ năm 2006 đến năm 2010 đã cử tuyển được 3.743 học sinh Khmer); chính sách dự bị đại học cho học sinh Khmer, mỗi năm, học sinh dân tộc Khmer được tham gia các lớp dự bị đại học trung bình 1.000 học sinh, góp phần to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc Khmer. Đối với vùng dân tộc Khmer, theo số liệu năm học 2010 - 2011, cả vùng có 25 điểm trường, với 220 lớp học và 6.917 học sinh.
Chính sách y tế vùng đồng bào Khmer được các địa phương quan tâm thực hiện tốt. Các xã, phường có đông đồng bào Khmer đều có cơ sở y tế, 100% cơ sở y tế vùng đồng bào Khmer đều có y, bác sĩ khám, chữa bệnh. 100% hộ nghèo Khmer được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer như chính sách dạy và học chữ Khmer trong các trường học có đông đồng bào Khmer và trường dân tộc nội trú, trong các điểm chùa Khmer; các đài phát thanh, truyền hình, báo chí khu vực và cấp tỉnh đã có chuyên mục riêng bằng tiếng Khmer. Nhiều loại hình nghệ thuật và các lễ hội truyền thống của người Khmer được tôn vinh và phát huy. Riêng lễ OK Om Bok, trong đó có tổ chức đua ghe Ngo, sinh hoạt trò chơi dân gian được các tỉnh chỉ đạo tổ chức với quy mô lớn, trở thành lễ hội chính thức ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang. Môn thể thao đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được nâng thành môn thể thao cấp quốc gia. Từ khi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay, có 4 đoàn nghệ thuật Khmer và 1 đội thông tin văn nghệ Khmer là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, được Nhà nước đầu tư, đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật Khmer. Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đầu tư để các ngôi chùa phát huy vai trò trong cộng đồng Khmer. Cả vùng Tây Nam Bộ có khoảng 452 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer. Đến nay, đã công nhận 05 chùa là di tích cấp quốc gia, 11 chùa di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, các cấp, ngành có thẩm quyền đã ghi công, khen thưởng 139 chùa và nhiều chức sắc, chư tăng Phật giáo Nam Tông Khmer có công với cách mạng qua các thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua, đã hỗ trợ 150 chùa sửa chữa, trùng tu khang trang hơn trước. Nhiều ngôi chùa được đầu tư trang thiết bị, sách vở, dàn nhạc ngũ âm, ghe Ngo… để trở thành các thiết chế văn hóa của đồng bào Khmer trong vùng.
Thứ ba, đổi mới công tác dân vận, tăng cường vận động đồng bào Khmer thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng
Để đồng bào có thêm thông tin và nhận thức toàn diện, khách quan, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai việc cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí (khoảng 20 ấn phẩm) cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer. Ngoài ra, còn tổ chức các cuộc nói chuyện giữa chính quyền, các cấp, các ngành chức năng với đồng bào Khmer. Từ năm 2007 đến năm 2010, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với một số bộ, ngành và thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trong vùng tổ chức được 136 cuộc, có trên 51.000 đại biểu tham dự.
Thứ tư, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer vững mạnh
Cán bộ là người Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý. Khu vực Tây Nam Bộ hiện có 12.289 cán bộ, công chức là người Khmer và có khoảng gần 12.000 đảng viên Khmer, nhiều đảng viên Khmer tham gia vào cấp ủy các cấp.
Thứ năm, từng bước làm thất bại âm mưu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch
Công tác nắm bắt tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động ở nước ngoài luôn được chú trọng. Các địa phương phát huy tốt vai trò của những người tiêu biểu, nhất là trong công tác vận động quần chúng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Nhờ vậy, các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đều bị vô hiệu hóa. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer giữ được ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy.
Tuy nhiên, một số bất cập trong thực hiện chính sách phát triển toàn diện các mặt vùng đồng bào Khmer làm ảnh hưởng đến việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
- Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào Khmer còn cao, theo tiêu chí mới cả vùng Tây Nam Bộ là trên 20%, riêng Trà Vinh tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%. Các chính sách, chương trình, dự án nhiều nhưng mang tính dàn trải, manh mún, thiếu tập trung, nguồn lực chưa đủ mạnh. Một số chính sách được ban hành nhưng không triển khai được do vướng mắc cơ chế. Định mức đầu tư thấp, định mức hỗ trợ không phù hợp, mức vay sản xuất thấp nên kém hiệu quả. Việc công khai, minh bạch các nguồn vốn, nhất là cấp huyện, xã có nơi thực hiện chưa tốt.
- Ấn phẩm văn hóa bằng tiếng Khmer chất lượng nội dung chưa cao, hình thức còn nghèo nàn. Thời lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu công tác tuyên truyền và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Tình trạng xây dựng, sửa chữa các cơ sở thờ tự của tôn giáo không xin phép hoặc thực hiện sai giấy phép còn xảy ra ở một số địa phương.
- Công tác đào tạo, dạy nghề kém hiệu quả, nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo, loại hình đào tạo nhiều nơi không gắn với đặc điểm đối tượng và giải quyết việc làm.
- Công tác cử tuyển, đào tạo sử dụng cán bộ người Khmer còn nhiều bất cập. Công tác phát triển đảng viên trong dân tộc Khmer còn chậm. Việc bố trí sử dụng con em dân tộc ở các địa phương qua đào tạo cử tuyển, đại học, cao đẳng còn nhiều khó khăn, chưa có chính sách. Đội ngũ cán bộ người Khmer còn thiếu và yếu.
- Tình hình an ninh chính trị, tôn giáo, vùng biên giới và trong vùng đồng bào Khmer còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, tranh chấp đất đai trong nông thôn có nơi còn diễn biến phức tạp.
Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới
Thứ nhất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khmer một cách bền vững
Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn cao so với các dân tộc khác sống trong vùng (tổng số hộ nghèo trên địa bàn Tây Nam Bộ tính đến thời điểm cuối năm 2010 chiếm 8,98% dân số, trong đó số hộ người Kinh nghèo trên tổng số hộ người Kinh là 8,1%, số hộ người Hoa nghèo là 0,67%, số hộ người Chăm nghèo là 6,7%, trong khi số hộ người Khmer nghèo là 24,02%). Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ sự chênh lệch về đời sống kinh tế giữa đồng bào Khmer và các dân tộc khác sống trong vùng đặt ra một cách cấp thiết. Muốn vậy, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, vật tư,… cho đồng bào Khmer phù hợp với đặc điểm của đồng bào ở từng địa phương. Đồng thời với việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu kinh tế - hạ tầng, việc đẩy mạnh công tác định canh định cư trong vùng đồng bào Khmer là rất cần thiết để tạo những tiền đề cho sự phát triển kinh tế của vùng. Đồng bào Khmer đa phần là sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy, việc hướng dẫn đồng bào kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư trong vùng đồng bào Khmer, khuyến khích, ưu tiên thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã thu mua nông sản cho đồng bào Khmer, hạn chế tình trạng tư thương ép giá là rất cần thiết.
Thứ hai, tăng cường công tác dân vận trong đồng bào Khmer
Công tác dân vận cần chủ động tuyên truyền và phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để đồng bào, sư sãi, trí thức, sinh viên, học sinh người dân tộc Khmer hiểu một cách sâu sắc tính chất nguy hiểm của bọn phản động, nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác. Muốn vậy, cần chú ý một số giải pháp như phát huy vai trò của hệ thống chính trị đặc biệt ở cơ sở và những người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đối với công tác dân vận, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận đủ về số lượng và có chất lượng, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp vận động phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào…
Thứ ba, hoàn thiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Khmer
Để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer cần chú ý hoàn thiện chính sách bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Khmer, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống, chính sách bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật của người Khmer, chính sách phát huy vai trò của chùa Khmer trong đồng bào Khmer…
Thứ tư, củng cố hệ thống chính trị trong vùng đồng bào Khmer, tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người Khmer
Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở những nơi có đông đồng bào Khmer, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở là giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của các giải pháp trên.Vì vậy, các cấp ủy cần chú ý công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong xây dựng hệ thống chính trị ở nơi có đông đồng bào Khmer, cần đặc biệt quan tâm đến việc không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào Khmer, có kế hoạch lâu dài và cụ thể để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên người Khmer.
Đồng bào Khmer trong lịch sử đã đoàn kết cùng các tộc người cùng sinh sống, có nhiều công lao, đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Hiện nay, đồng bào Khmer có vai trò quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách này nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, qua đó thúc đẩy việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng./.
--------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 127 - 128
Lễ Khởi công xây dựng Nhà Bia di tích Kỷ niệm Tạp chí Cộng sản  (31/10/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp đại biểu dự ASOCIO 2014  (30/10/2014)
Thủ tướng tiếp lãnh đạo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam  (30/10/2014)
Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và dùng vốn ODA  (30/10/2014)
Tọa đàm truyền thống hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển  (30/10/2014)
Việt Nam và Triều Tiên ký kết Hiệp định Vận chuyển hàng không  (30/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên